Một bài thơ dịch của cố thi sĩ Đông Hồ

* Ông Bùi Văn Lành - ấp 3, Cầu Đồn, Rạch Kiến, tỉnh Long An, hỏi:

Dịp Tết Tân Mão vừa qua, nhân đọc quyển Xuân chung tâm của Nhà xuất bản Tôn Giáo (Hà Nội) tình cờ tôi gặp lại bài Lời cầu nguyện của nhà thơ đã quá cố Đông Hồ Lâm Tấn Phác, dịch từ Gitanjali của đại thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore qua bản tiếng Pháp.

Tôi bảo “gặp lại” bởi vì cách đây hơn 60 năm, hồi còn học lớp nhì ở trường tiểu học Rạch Kiến tôi và các bạn cùng lớp đã được thầy giáo chúng tôi chép ra cho học thuộc lòng trong tiết học mà thời đó gọi là “récitation annamite” (có nghĩa là bài học thuộc lòng bằng tiếng Việt). Gặp lại bài thơ tôi có cảm tưởng gặp lại một người bạn cố tri lâu ngày không được gặp và rất xúc động. Suốt mấy ngày Tết, tôi cứ đọc đi đọc lại mãi như thầm gọi những kỷ niệm của cái thuở còn là đứa bé mười một, mười hai tuổi. Nhưng sau đó tôi chợt nhận thấy trong bài thơ có hai chỗ lạc vận.

Lạc vận thứ nhất:
 

Cầu cho lòng được tự nhiên
Khi vui vui thoảng, khi buồn buồn qua
(nhiên không vần được với buồn)

Lạc vận thứ hai:
 

Nguyện đừng khuất phục quyền uy
Nguyện đừng khinh bỏ kẻ khốn cùng
( không vần được với kẻ)

Có lẽ đây là một sự sơ ý của thi sĩ Đông Hồ khi còn trẻ. Không biết Ban biên tập Hồn Việt có phương cách nào để “cứu” bài thơ không? Xin đa tạ trước.

* Bát Sách trả lời:

Chúng tôi cũng ngạc nhiên về chi tiết này và đã tìm đến một ông bạn vốn là môn đệ cũ của nhà thơ Đông Hồ ở Đại học Văn khoa Sài Gòn dạo trước. Sau khi thắp hương khấn vái xin phép nhà thơ và sau mấy ngày bóp trán tìm vần, ông bạn ấy đã trao cho chúng tôi bài thơ dịch có chỉnh sửa đôi chút như sau:

Lời cầu nguyện
(dịch Gitanjali của Rabindranath Tagore)

Cầu nguyện Đấng Toàn năng Toàn trí
Đánh tan lòng vị kỷ đê hèn
Cầu cho lòng được tự nhiên
Khi vui vui thoảng, khi phiền phiền qua
Cầu cho được tài hoa lỗi lạc
Mà đem thân gánh vác việc đời
Lòng ta nguyện với lòng Trời
Gần đời cao thượng, xa đời nhỏ nhen
Nguyện đừng khuất phục quyền uy vũ
Đừng khinh khi ruồng bỏ kẻ nghèo
Ý Trời xin nguyện vâng theo
Trong khuôn số mạng ít nhiều an nhiên

Đông Hồ

Mong ông Bùi Văn Lành và những bạn đọc xa gần yêu nhà thơ Đông Hồ được hài lòng và cũng tin rằng, chính nhà thơ Đông Hồ nơi tiên cảnh cũng sẽ vui vẻ mỉm cười khi biết mình có một môn đệ nối chí và nối điệu được cho mình.