Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã dựa vào bài thơ này để làm một bài thơ vui theo lối tập cổ, tặng Đại tướng Trần Canh (lúc đó là cố vấn quân sự do Đảng Cộng sản Trung Quốc cử sang giúp ta trong chiến dịch biên giới 1950).
Bài thơ của Vương Hàn được phiên âm như sau:
Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi. |
Bài thơ hùng hồn, diễm lệ, lạc quan và không kém phần lãng mạn, khi đọc hết bài thơ mới nghe qua các từ mỹ tửu, tỳ bà, mã thượng, sa trường, chinh chiến… và chưa cần dịch, người nghe cũng đã cảm nhận được những âm điệu du dương, nhịp nhàng và hùng tráng dù cho không biết nhiều chữ Hán.
Bài thơ dễ hiểu, ngôn từ và cấu trúc ngữ pháp trong câu không có gì cầu kỳ, lắt léo và khó hiểu, trừ chữ “mã thượng” trong câu thứ hai là có chỗ cần bàn. Nguyễn Tuyết Hạnh trong cuốn Thơ Đường bình chú (Nxb Văn Học - Quý 3/2009, tr.41) đã giải thích chữ “mã thượng” như sau:
“…“mã thượng” trong bài này hầu như đều được dịch là lên ngựa. Lên ngựa thì phải là “thượng mã” hay “thướng mã” chứ không thể là “mã thượng”… Ở đây phải hiểu theo nghĩa bạch thoại “mã thượng” (mǎshàng) là lập tức như “mã thượng tẩu” (đi ngay lập tức)”.
Đúng vậy, “mã thượng” không phải là lên ngựa, nhưng hiểu theo nghĩa bạch thoại như tác giả Nguyễn Tuyết Hạnh thì cũng chưa ổn, bởi vì Vương Hàn là một thi nhân lớn đời Đường chẳng lẽ khi làm thơ mà lại bí từ đến nỗi phải đưa văn bạch thoại vào.
Vấn đề ở đây thực ra có liên quan đến một nét văn hóa đặc trưng của người Hồ ở vùng Tây Vực (nay thuộc khu tự trị Tân Cương) là ngồi trên lưng ngựa để đánh đàn tỳ bà. Do đó “mã thượng” phải hiểu là ngồi trên lưng ngựa và tỳ bà mã thượng được coi như một cụm từ cố định để chỉ nét đặc trưng văn hóa đó.

Tranh minh họa.
Trong nhiều cuốn thơ Đường của Trung Quốc trước đây, thường ít chú ý giải thích một cách tường tận về vấn đề này, nên phần lớn (nếu không nói là tất cả) chúng ta đã hiểu không đúng và dịch sai.
Câu thơ thứ hai trong bài này không hề có nghĩa là đánh đàn tỳ bà để thúc giục quân sĩ lên ngựa hành quân ra trận, hơn nữa đàn tỳ bà cũng không phải là loại nhạc cụ dùng để làm kèn hiệu ra lệnh hành quân. Trong nhiều bản dịch tuy cách diễn đạt và dùng từ có chỗ khác nhau, nhưng đều có một cách hiểu chung là: Rượu đã rót ra sắp uống thì tiếng đàn tỳ bà lại giục giã lên đường:
Chinh nhân muốn uống nhưng tiếng đàn tỳ bà đã giục giã ra đi (Nguyễn Tuyết Hạnh, Thơ Đường bình chú, Sđd, tr.41).
Toan nhắp, đàn vang, giục ngựa đi (Nguyễn Hà).
Muốn say đàn đã giục ra đi (Trần Trọng San).
Tỳ bà giục giã ngựa đang đợi người (Lê Hữu Giáp).
Muốn uống, tỳ bà giục ngựa đi (Bùi Khánh Đản).
Toan nhắp, tỳ bà đã giục đi (Trần Quang Trân).
Toan nhắp, tỳ bà ngựa giục đi (Phan Văn Các).
Lên ngựa tỳ bà giục giã đi (Ngô Văn Phú).
Uống thì trên ngựa tiếng tỳ giục sôi (Trần Trọng Kim).
…
Trên báo Người Cao Tuổi các số 5, 6, 7/2001 có mục Thi dịch bài Lương Châu từ và do lời dịch xuôi câu thứ hai không chính xác, nên kết quả vẫn là:
Muốn uống, tỳ bà thúc ngựa phi. Muốn uống, cung đàn thúc ngựa phi. Toan uống, nghe đàn thúc ngựa phi. Toan uống, tỳ bà giục lên yên. Tiếng đàn giục ngựa tiến lên thôi. Toan uống, lệnh đã giục quân đi. |
Bài thơ Lương Châu từ mô tả một cuộc sinh hoạt trong quân ngũ, một buổi liên hoan thịnh soạn, có thể là chỉ dành riêng cho tướng lĩnh và sĩ quan, vì bữa tiệc toàn gồm những thứ sang trọng, quý phái như rượu bồ đào - đặc sản của một địa danh nổi tiếng là Tây Vực, rượu lại được rót trong một loại chén đặc biệt làm bằng ngọc dạ quang, loại ngọc phát sáng trong đêm, lại thêm cả một đội nhạc công gảy đàn tỳ bà trên lưng ngựa giúp vui cho bữa tiệc: tiếng nhạc rộn ràng, sôi động như thúc giục mọi người cứ uống nữa đi (chứ không phải thúc giục lên ngựa hành quân!) để tận hưởng phút giây tự do, thoải mái (có thể là sau khi đi trận về hay trước khi xuất kích) và dù có say sưa nghiêng ngả trên sa trường thì bạn cũng chớ cười vì xưa nay đi chinh chiến có mấy người trở lại, chứ chưa uống mà đã phải lên ngựa hành quân ra trận thì làm sao mà say được!
Nếu bài thơ được hiểu như trên thì hướng phân tích cũng phải thay đổi cho phù hợp với nội dung vốn có của nó. Nhân đây chúng tôi cũng xin tạm dịch lại bài thơ như sau:
Bồ đào rượu quý chén lưu ly Toan nhắp, trên yên rộn tiếng tỳ Nghiêng ngả say mèm xin chớ mỉa Xưa nay trận mạc mấy ai về! |
(*) | Hội Ngôn ngữ học Việt Nam. |
Tài liệu tham khảo:
- Đường thi tam bách thủ - Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã 2000, tr.278.
- Đường thi tam bách thủ - Thượng Hải từ thư xuất bản xã 1999, tr.258.
- Đường thi tam bách thủ - Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã 2002, tr.186.
- Tuyệt cú tam bách thủ - Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã 1980, tr.8.
- Cổ thi tinh tuyển nhật nhật độc (quyển thượng) - Trắc hội xuất bản xã 1990, tr.171.
- Sơ trung cổ thi văn từ điển - Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã 1999, tr.153.
- Đường thi giám thưởng từ điển - Thượng Hải từ thư xuất bản xã 1989, tr.376.