Một chiến công thầm lặng bị lãng quên

Ngày 19/4/1948, bộ đội của Liên Trung đoàn 122-123 Quân khu 9 miền Tây Nam Bộ phục kích chặn đánh đoàn xe địch ở Tầm Vu, lấy được khẩu pháo 105 ly của chúng định đưa về bố trí ở đồn Rạch Gòi.

Chiến công này làm nức lòng quân dân Khu 9 và cả Nam Bộ, bởi đây là lần đầu tiên ta lấy được khẩu pháo lớn nhất của địch, do Mỹ viện trợ vừa xuất hiện ở chiến trường Nam Bộ. Tất cả chỉ có 4 khẩu. Riêng Quân khu miền Tây (Zône Ouest) địch được ưu tiên bố trí 2 khẩu.

Từ trước đến nay ở Việt Nam quân Pháp chỉ sử dụng pháo dã chiến 75 ly có từ hồi thế chiến thứ I (1914-1918). Loại này chỉ có bán kính hoạt động 4km trở lại, còn loại 105 ly có thể pháo kích trong phạm vi 15km, uy lực gấp 4 lần.

Viên Tư lệnh Quân khu miền Tây, đại tá Saint James, vốn xuất thân từ ngành tình báo đã cho bố trí một khẩu ở Bình Thủy, ngoại ô thành phố Cần Thơ, còn khẩu 105 ly thứ hai dự định bố trí ở đồn Rạch Gòi để phòng thủ từ xa không cho các đơn vị chủ lực của Việt Minh hoạt động gần thành phố, nơi địch đóng sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Quân khu.

Bản đồ Quân khu ở Việt Nam.

Phát hiện âm mưu của địch đưa khẩu 105 ly về bố trí ở đồn Rạch Gòi là Tổ điệp báo nội thành Cần Thơ trực thuộc Chi 50 Quân báo tỉnh Cần Thơ, do Trần Hiến là điệp viên mang bí số V32 làm Tổ trưởng. Về công khai, Hiến làm sĩ quan phiên dịch cho Phòng Nhì (2¬è Bureau) quân đội Pháp thuộc phân khu Cần Thơ.

Trong tổ còn có 4 sĩ quan điệp viên làm phiên dịch nữa là Trương Hữu Sơn mang bí số HS 21, phiên dịch cho lực lượng thiết giáp 2è Spahis; Nguyễn Đăng Dinh (cháu ruột của Trần Hiến) mang bí số V25, phiên dịch cho cơ quan liên lạc Hòa Hảo (Mission de liasion Hòa Hảo); Nguyễn Tư Long bí số V35, đại úy phiên dịch cho Ban tham mưu Quân khu; Trần Huy bí số H15, phiên dịch tin cẩn của trung úy La Croix – sếp Phòng Nhì Cần Thơ, được đánh máy các tài liệu mật. 

Thế là ngoài các điệp viên nữ như Lâm Thị Phấn (bí số V29), Bùi Huỳnh Nhụy (bí số V18) và một số đội viên nằm ở cơ sở, ta có 4 điệp viên làm sĩ quan cho các cơ quan, đơn vị như Tham mưu, Phòng Nhì ở Quân khu miền Tây. Nhờ có điều kiện thuận lợi như vậy nên ta nắm bắt được nhiều tin tức quan trọng kịp thời báo cáo về cấp trên để có kế hoạch chủ động đối phó hiệu quả.

Như tháng 3/1948, công binh ta đánh chìm tàu LCM tham gia càn quét Vàm Nao diệt 1 đại đội; năm 1949, 1 tàu LCM khác chở 1 đại đội tham gia trận càn vùng duyên hải (Ba Đông), Trà Vinh cũng bị diệt gọn khi tàu bị trúng thủy lôi.

Ngoài ra ngày 19/1/1949, địch mở chiến dịch “Cơn bão táp” đánh vào vùng Giồng Riềng, Tràm Chẹt (Rạch Giá) với lực lượng tham gia hùng hậu gồm 3 trung đoàn Bắc Phi (RTA), 2 tiểu đoàn bộ binh cơ động, cùng với pháo binh, thiết giáp (xe lội nước), giang thuyền v.v… Nhờ biết trước nên ta chủ động đối phó diệt 47 địch (trong số đó có 1 trung tá chỉ huy chiến dịch, 1 đại úy tham mưu trưởng, 1 trung úy công binh), bên ta chỉ có 12 dân quân bị bắt nhưng sau đó được thả vì không đủ bằng chứng buộc tội.

Đầu tháng 3/1951, tình báo Phòng Nhì Pháp phát hiện Trung đoàn Cửu Long, do đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến chỉ huy, sẽ mở chiến dịch “Quốc Hưng” đánh vào vùng huyện Châu Thành Sa Đéc, ngày 12/3/1951 sẽ nổ súng mở đầu chiến dịch. Đại tá Duque, Tư lệnh Quân khu miền Tây chủ trương bóp chết chiến dịch bằng đoàn đánh “phủ đầu” vào ngày 9/3/1951 với một lực lượng áp đảo gồm 3 trung đoàn bộ binh RTA phối hợp với pháo binh, xe lội nước, giang thuyền, có không quân yểm trợ hòng tiêu diệt 4 tiểu đoàn chủ lực Việt Minh tham gia chiến dịch là các tiểu đoàn 308, 310, 311, 312 cùng một số bộ đội địa phương, dân quân du kích.

Nhờ biết trước âm mưu này do Tổ điệp báo báo cáo, ta kịp thời sơ tán dân ra khỏi vùng chiến sự, các đơn vị chủ lực phân tán đánh du kích gây cho địch nhiều thiệt hại, đồng thời ta tung tin sẽ tấn công vùng Châu Đốc, khiến địch phải rút ngắn cuộc hành quân về lo phòng thủ Châu Đốc. Cuộc hành quân đánh phủ đầu chiến dịch “Quốc Hưng” coi như thất bại hoàn toàn.

Trong suốt thời gian hoạt động Tổ điệp báo còn cung cấp tin tức cho các lực lượng vũ trang hoạt động bí mật nội thành tiêu diệt nhiều sĩ quan, tề ngụy ác ôn, bọn đầu hàng phản bội khiến cho địch hoang mang dao động, còn quần chúng rất phấn khởi tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến.

Tượng đài kỷ niệm chiến thắng lịch sử Tầm Vu

Trở lại chuyện đánh trận Tầm Vu ngày 19/4/1948. Qua tin của sĩ quan tham mưu, Trần Hiến biết được địch sẽ đưa khẩu pháo 105 ly về bố trí ở Rạch Gòi. Đoàn xe hộ tống sẽ khởi hành sáng 19/4. Hiến hết sức vui mừng vì tin này báo về Bộ Tư lệnh ta còn kịp thời gian chuẩn bị đánh địch. Hiến đến gặp ông Triệu, Chủ Sở Giây thép Vô tuyến điện Cần Thơ, cơ sở của Tổ điệp báo, để ông Triệu chuyển tin về Vô tuyến điện Chi 50 kịp báo cáo về Bộ Tư lệnh Khu 9.

Người chuyển tiếp báo cáo này là đồng chí Nguyễn Công Nghệ, phụ trách Vô tuyến điện Chi 50, nguyên là điện báo viên của Tiểu đoàn Cửu Long 2, đơn vị tình nguyện ở hải ngoại của Việt kiều Lào – Thái Lan về nước tham gia chiến đấu chống Pháp từ năm 1947. Nghệ được cử về phụ trách Vô tuyến điện Chi 50 Quân báo Cần Thơ.

Nhắc lại trận Tầm Vu, ông vui vẻ kể lại: “Hồi ấy, tôi nghĩ làm sao sử dụng được vô tuyến điện của địch để chuyển tin tức báo cáo của Tổ điệp báo về Bộ Tư lệnh kịp thời gian. Công việc này anh Trần Hiến làm rất tốt. Anh móc nối tổ chức được ông Triệu, người gốc Hà Nội, Chủ Sở Giây thép Vô tuyến điện của địch ở Cần Thơ và bố trí cho tôi gặp ông Triệu ở rạch Đầu Sấu. Chúng tôi thỏa thuận nguyên tắc liên lạc với nhau theo nghiệp vụ chuyên môn.

Đây là một thành công hiếm có của ngành Tình báo Cần Thơ và có lẽ của cả nước, ta sử dụng điện đài của địch để báo cáo tin tức cho lãnh đạo ta trong chiến khu. Hôm được ông Triệu điện báo tôi mừng quá vội chuyển tiếp về Khu và hồi hộp theo dõi kết quả trận đánh diễn ra sau đó”.

Ông Trần Văn Hoài, quê ở Ô Môn, nguyên là Trưởng Ban công binh Khu 9, người tham gia trực tiếp trận đánh sau này kể lại: “Ban công binh chúng tôi gồm 7 đồng chí được lệnh tham gia trận Tầm Vu. Mỗi người mang theo 1 trái lựu đạn và vác theo 4 quả đạn súng cối 81 ly để làm mìn. Rạng sáng ngày 19/4, chúng tôi phục kích gần lộ xe, chôn 3 trái đạn 81 ly sát mé lộ chờ địch. Bộ đội của Liên Trung đoàn 122-123 do đồng chí Ngô Hồng Giỏi chỉ huy thì phục kích dài khoảng 2km dọc theo lộ từ sáng sớm.

Đến khoảng 8 giờ đoàn xe địch khoảng trên dưới 40 chiếc ầm ầm chạy đến trận địa. Chúng tôi nhằm vào chiếc xe thứ 6 kéo khẩu pháo 105 ly cho nổ mìn, nó lật ngay xuống ruộng cùng với mấy chiếc xe khác. Các đơn vị phục kích nhất loạt hô “xung phong” tràn lên mặt lộ diệt địch, thu chiến lợi phẩm. Số xe địch đi đầu chạy thục mạng về hướng Rạch Gòi, còn số xe sau hốt hoảng quay đầu chạy trở lại thành phố Cần Thơ. Chúng tôi cùng bộ đội tháo đại bác ra khỏi xe, reo hò đẩy pháo qua mương. Không ngờ mương phủ lục bình sình lầy, pháo bị lún sâu không tài nào kéo được.

Lúc ấy đồng chí Trương Văn Giàu, Tư lệnh Khu 9 thị sát mặt trận, thấy tình hình vậy nói với tôi: “Nếu khó quá thì cậu nổ mìn phá hủy nó đi, không cho giặc lấy lại”. Tôi nói với đồng chí Tư lệnh: “Chúng tôi cố gắng lấy nó cho bằng được. Hủy nó tiếc lắm”.

Chúng tôi cho người chạy vào nhà đồng bào gần đó mượn bộ ván gõ để lót và hai con trâu phụ kéo pháo lên. Mương dốc đứng, kéo được pháo lên thì hai con trâu bứt ruột chết.

Ruộng đã gặt xong nhưng còn sình lầy, pháo lún ngập sâu gần nửa bánh xe. Chúng tôi lót rơm rạ cho bánh xe lăn, dùng sức hơn 40 người hò reo kéo pháo đi. Đến gần rạch Ba Mít (Trường Thành), chúng tôi đươc đồng bào cho mượn chiếc ghe lườn lớn sức chứa 300 giạ lúa, cho nước vào ghe để chiếc ghe thấp xuống, đặt ván kéo pháo lên rồi tát nước ra cho ghe nổi bình thường. Tới 4 giờ sáng hôm sau ghe ra sông lớn.

Đồng bào hai bên bờ sông vui mừng phấn khởi khi thấy khẩu pháo chiến lợi phẩm quá lớn, chưa từng có ở Khu 9. Đến 5 giờ sáng chúng tôi mua được 10 chiếc đệm lớn đậy kín pháo khiến máy bay “Bà già” địch có đi tìm cũng không thấy được. Sau hai đêm vất vả nhưng phấn khởi, bộ đội ta đã đem được khẩu pháo về căn cứ vùng U Minh an toàn.

Sau khi Hiệp định Genève (20/7/1954) ký kết, khẩu pháo được đưa ra miền Bắc trưng bày trong khu Bảo tàng Quân sự Cột Cờ Hà Nội, coi như môt chiến tích vẻ vang của quân dân Khu 9 trong những năm đầu chống Pháp miền Tây Nam Bộ”.

Tin tức chính xác của Tổ điệp báo Quân báo Chi 50 Cần Thơ đóng góp cho chiến thắng Tầm Vu, cũng như nhiều chiến công thầm lặng khác của Tổ điệp báo này chưa một lần được tặng thưởng, tuyên dương xứng đáng với công lao, thành tích của họ.

Trận chiến thắng Tầm Vu lấy được khẩu pháo 105 ly ngày 19/4/1948 đã đi vào lịch sử. Riêng Tổ điệp báo nội thành Chi 50 Quân báo Cần Thơ đến tháng 7/1952 bị bộ phận phản gián (B.C.E.O.) Bộ Tổng tư lệnh quân viễn chinh Pháp phá vỡ, một số điệp viên bị bắt tù đày, riêng Tổ trưởng Trần Hiến thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc, về được vùng giải phóng với bản án tử hình khiếm diện của địch.

Ông Nguyễn Công Nghệ bên khẩu đại bác 105ly ở Bảo tàng Quân sự Hà Nội - 10/2011.

63 năm đã trôi qua kể từ ngày 19/4/1948, Tổ điệp báo gần như không còn đồng chí nào, ngoài hai nhân chứng còn sống là đồng chí Nguyễn Văn Cự (Ba Cự), nguyên Trưởng Chi 50 Quân báo Cần Thơ, 87 tuổi, ngụ tại thành phố Cần Thơ và đồng chí Nguyễn Công Nghệ, 83 tuổi, hiện ngụ tại quận 12 Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên phụ trách Vô tuyến điện Chi 50, người trực tiếp chuyển tin báo cáo về Bộ Tư lệnh Khu 9 tổ chức trận phục kích Tầm Vu. Cả hai đều có tham gia thầm lặng trong chiến công này.

Dương Linh