Hồi còn ở Hà Nội, những ngày hè cháy nắng và bom Mỹ, và tiếng hụ báo động phòng không, kể cả những ngày B52; Cụ Tuân vẫn ở Hà Nội. Cụ bảo: “Tôi thấy tôi đúng. Mình là người viết văn, nhà văn Việt Nam. Trong khi Thủ đô - trái tim của cả nước - lâm nguy mà bỏ Hà Nội mình đi, thì còn viết cái gì, mình còn ra gì nữa ông?”.
Cụ đội cái mũ sắt phòng không ở tại trụ sở Hội Văn Nghệ, cái Hội mà thời kháng chiến chống Pháp Cụ làm Hội trưởng. Ở đó có một cái hầm xây xi-măng để các văn nghệ sĩ nấp chung. Có gia đình ông Bảo Định Giang, gia đình Chế Lan Viên ở đó. Những năm bom Mỹ, họ đi sơ tán cả. Đi đi về về.
Nhưng lúc B52 tháng 12/1972 thì có mặt cả ở Hà Nội. Nhà Cụ Tuân ở 90B2 Trần Hưng Đạo, gần ga Hàng Cỏ, trụ sở hội ở 51 gần phố Huế, cách nhau chả bao xa. Nhưng Cụ thích đến với anh em ở cơ quan. Xế chiều, Cụ ra quán bia hơi Cổ Tân trước Nhà Hát Lớn, ung dung ngồi xuống trước một cái hầm trú ẩn cá nhân, trải một tờ báo Tây lên, đọc và chờ các “đệ tử” đi xếp hàng lấy bia. Chao ôi là cái vại bia hơi giữa trời nóng nực, uống vào mát rượi cả người! Cũng phải công phu mới mua được mấy vại bia. Chỉ ưu tiên cho ai có thẻ thương binh. Chứ ngay Cụ Tuân cũng chẳng có tiêu chuẩn gì ưu tiên. Ấy, thời chiến là thế.
Chân dung Cụ Nguyễn Tuân. Ảnh gia đình cung cấp. Rồi sau đợt B52, Cụ được ưu tiên đi gặp, hỏi chuyện tù binh Mỹ giam ở Hỏa Lò, để viết báo, viết ký (x. Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi, tập ký). Nguyễn Tuân là một nhà văn đặc sắc, một “cây” viết tùy bút, viết ký, làm báo… Cụ đem cái tài năng lão luyện một đời vào công việc này, bởi biết nó quan trọng không chỉ về phần nước mình, mà cả thế giới nữa.
Tôi chỉ quen và được hầu chuyện Cụ Tuân khi sau khi miền Nam giải phóng, Cụ vào Thành phố Hồ Chí Minh và trọ tại Nhà xuất bản Văn Nghệ Giải Phóng, 83 Phan Kế Bính, Đa Kao, quận 1. Cụ ở lầu 2 cùng với họa sĩ Đào Thế, sáng sáng xuống tầng 1 uống trà, “sinh hoạt”, đàm đạo cùng các vị lãnh đạo, Cụ Thế và anh chị em. Tôi nhiều khi cũng ngồi chầu rìa. Có lúc người ta bận việc đi hết, thì chỉ còn Cụ và tôi, hai bác cháu ngồi với nhau.
Cụ là con một Cụ Tú, dòng Nho, thấy tôi còn trẻ mà cũng theo đòi nghiên bút nghiệp Nho, nên có ý quý. Cũng như Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Xuân Diệu… quý tôi ở chỗ ấy. Chứ còn phê bình, Cụ chắc chẳng ưa. Mà đã ai viết cái gì ra hồn, hiểu Cụ, tri âm tri kỷ với Cụ đâu!
Thế thì hai bác cháu có nhiều buổi trò chuyện bên ấm trà cơ quan. Tôi để ý thấy Cụ thích hài hước, châm biếm, thích nhại giọng, thích chơi chữ. Như kể chuyện ông H.Q.V, thì vì chắc Cụ không được ưa, bằng bẻ tên thành, “quít vịt”, nói ông ta chỉ dám gọi là đồng chí Cố chứ không dám dùng Cố vấn! Chuyện một anh Chệch, mở quán, ruồi sa vào bát hủ tiếu, bị người ăn phát hiện, y liền phẩy tay: “Ấy à, không phải đâu, nó là cái tép hành rán cháy cạnh ấy mà, để tôi gắp ra cho; không có sao”.
Cụ vào chơi Sài Gòn, sau ngày giải phóng, đáng lẽ giới trí thức, văn nghệ phải tổ chức đón đưa tiệc tùng. Nhưng năm ấy khó khăn, khốn khổ, ai còn bụng lo toan. Cả những người thân ngoài Bắc vô đây, cũng đành ngó lơ. Tiền nhuận bút in Vang bóng một thời trong này, chắc cũng chẳng có! Họ chạy cả rồi. Nhớ lúc qua Nga, lãnh 5000 rúp (rúp vàng; 1 rúp bằng 1 đô rưỡi), Cụ tiêu hoang, mua rượu Tây, chiêu đãi nhà văn Nga, mua hoa hồng mùa rét tặng các cô đối ngoại…, tiêu hết một cái gia tài! Mà nay, Cụ cũng phải gởi trước tiền mua vé máy bay cho bà Linh, Phó giám đốc vốn quen biết Cụ.
Hồi đó, nhà vợ tôi vốn dân gốc Sài Gòn, có bà con làm đồn điền cà phê trên Ban Mê Thuột, gởi về cho mấy ký cà phê loại ngon. Mỗi sáng, Cụ lên cái gác của tôi ở, hai bác cháu pha cà phê phin (filtre) nhâm nhi. Có bữa uống xong, một lúc Cụ lại lên, làm dáng đóng kịch hài hước, khum khum người, nói: “Ông cho tôi thêm một “liều” nữa!”
Cho nên, Cụ tặng cho tôi cuốn Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi với lời đề tặng:
“Một buổi sớm Sài Gòn, một tách cà phê ở gác Mai Quốc Liên” (8/6/1978).

Bút tích nhà văn Nguyễn Tuân.
Rồi tôi “phò” Cụ đi nói chuyện nhân cuốn Sông Đà của Cụ in lại ở trong đây, tại Nhà Văn hóa Thanh Niên. Hôm đó đông người nghe lắm. Người ta kéo đến xin chữ ký Cụ. Đó là lần đầu Cụ tiếp xúc với bạn đọc Sài Gòn. Cụ cảm động lắm. Tôi không nhớ rõ Cụ đã nói những gì, nhưng lúc nói xong, ra ngoài, Cụ hỏi nhỏ: “Hôm nay, tôi nói thế nào, ông?”. Và Cụ có vẻ rất xúc động. Tôi bèn thưa: “Tốt lắm, bác ạ, người ta nghe cứ như uống từng lời, bác thấy không?”. Quả là Cụ có giọng điệu sang trọng của một bậc đại gia văn chương, phong thái ung dung lịch lãm của Hà Nội nghìn năm.
Từ độ ấy, Cụ về Hà Nội, rồi đất nước bao biến thiên, qua cuộc “đổi mới”, lại nhớ cái câu Cụ nói ngày nào: “Bao giờ có dân chủ thật thì sướng nhỉ!”. Từ đó, ít được tin tức Cụ. Cho đến một hôm, Chế Lan Viên chuẩn bị đi họp Ban Chấp hành Hội Nhà văn ở Hà Nội. Trước khi đi, trong câu chuyện, anh có cười cười bảo tôi:
- Kỳ này, ông Tuân có tuyên bố là nếu mình lại được bầu vào Chấp hành Hội, thì ông Tuân xin ra Hội.
Hai người này không hợp nhau, vì lẽ gì không biết, có lẽ là do “Văn nhân tương khinh” (nhà văn coi thường nhau) như Tào Phi đời Tam Quốc nói.
Lúc Chế Lan Viên về, tôi hỏi: “Thế nào anh, anh có gặp Cụ Tuân không?”.
- Ồ, Cụ trông thấy mình từ xa, tiến lại bắt tay, vui vẻ lắm!
Thật chả hiểu ra làm sao cả quan hệ của mấy “ông lớn làng văn” này. Nhưng mà như thế là phải. Đã là nhà văn lớn, thì cư xử với nhau cũng phải lớn.
Tôi tin là bất chấp những biểu hiện khó tính bên ngoài nhất thời, Cụ Tuân là người Nho phong quân tử đúng điệu, trung hậu; một người yêu nước yêu dân tận đáy lòng với một tầm cao văn hóa ít có xưa nay. Cụ là một cá tính mạnh và lớn, một cá tính trong đời sống và một cá tính sáng tạo trong văn hóa văn nghệ. Cụ là một nhà văn hóa kiêm toàn Đông - Tây; một nhà văn hóa tầm cỡ châu Âu; nhưng lại được bồi bổ cả ngàn năm văn hóa Trung Hoa - Việt Nam cổ điển.
Cái hình mẫu văn hóa ấy là rất giá trị, là “tối ưu toàn cục”, đáng cho hậu thế nghiền ngẫm, tôn vinh và học tập. Còn trong đời thường, Cụ là một người nhân hậu, dễ thương, hồn nhiên, hóm hỉnh nhưng nghèo và cũng có khi mau nước mắt - nước mắt tuổi già “hạt lệ như sương”. Về nết ăn uống, Cụ ăn uống kỹ tính, nhưng xem ra Cụ có ăn uống gì được bao nhiêu đâu, đạm bạc thế thôi, và rượu làm gì uống được đến “dăm ba chén”. Nhắc đến đây, ngó lại cái gia tài văn hóa khổng lồ mà Cụ để lại cho đời, ta càng cảm thương Cụ…
Bài liên quan: