Số là sau chiến tranh, bắt đầu thời lênh đênh cơ chế thị trường, cái bãi chợ làng mình trải qua bao dâu bể - bể dâu, hết bom đạn Nhật, Pháp rồi Mỹ... đã hoang tàn xơ xác rồi... thế mà nó sống dậy từ lúc nào... Chẳng chờ “quy hoạch”, nó đã ngoi ngóp đông vui. Chỗ này xây gạch, chỗ kia dựng lều tre, mái lá, rồi dãy ngang, dãy dọc, bốn phương, tám hướng đều đổ về giữa chợ, mua bán xong, ra bất cứ lối nào vì chợ không có cổng. Xe máy bình bịch vào tận quầy, xe lam xích lô máy kêu phành phạch, giao chở hàng quanh chợ rồi thả khói trắng rú ga xuôi ngược đường cái quan.
Tiện lối lại gần sông nên từ con cua, con tôm, rau củ quả, ngô khoai sắn... người ta đều có thể buôn tận gốc, bán tận ngọn...
Có một vị khách mới, làm cả chợ không thể không nhìn: đó là khách Tây đã phải dừng taxi đi theo phiên dịch vào chợ. Xưa nay có bao giờ Tây vào chợ mình? Tây chỉ có xuống chợ này bằng bom tạ, bom bi... Bây giờ là “ông Tây” bằng xương bằng thịt. Vị khách này rất trẻ, chưa tới tuổi “băm”, chỉ độ tuổi “hăm” thôi, da trắng như bột, mặt hồng hào như trái táo Tây từ Trung Quốc bán sang.
Coi bộ anh chàng hiền lành nên loại trừ ngay ác cảm của mọi người. Chẳng ai còn nghĩ tới chữ “Tây thực dân”, “Tây đế quốc”... Bản chất dân mình vốn nhân hậu nên mọi thù hận thường dễ cho qua. Vả lại, “mở cửa” rồi, Tây sang ta cũng rất nhiều người muốn gần...
Bỗng anh chàng Tây dồn trọng tâm chú ý: từ phía góc chợ có tiếng om sòm, tru tréo. Một nhóm tụ tập độ hơn chục đàn bà, trẻ con bâu quanh một bà nạ dòng, bị hấp dẫn bởi bà ta chứ không mua bán gì, và họ có vẻ lắng nghe. Bà ta trạc ngoài 40 tuổi, mặc váy đen kiểu cổ điển. Trên nền váy có trang trí mấy mảng hình vuông, chữ nhật hay quả trám (thực ra là mụn vá). Tay bà chống nạnh, đang gân cổ la lối, hét toáng lên. Rồi có lúc xỉa xói về phía một đám đàn bà lủng củng thúng mẹt, nong nia... lúp xúp đang ngồi mua bán đi lại ở một cái lều.
Chàng Tây nghĩ có lẽ bà ta đang hát đơn ca có nhiều điệu bộ nhún nhảy, chồm chồm. Hình như đây là một bài hát hay, rất phổ cập kiểu như những người hát rong châu Âu thường hát... mà nhịp điệu thì rất lạ.
- ... Cha đẻ mẹ... năm đời, mười đời nhà mày... nhá! Cứ hở ra là mày đớp, đớp lấy, đớp để… Bà bịt hàng rào thì mày chui ngách cổng. Bà rào cổng thì mày lặn lội bờ ao. Bà chặn bờ ao thì mày lại leo cây vườn… Bà tổng kết, sơ kết hơn một năm trời nay rồi - Bà mất ba con rưỡi gà đủ loại gà trống thiến, gà mái ghẹ, mái tơ. Bà mất 3 con vịt bầu, một con ngan, 17 cái trứng, mất 2 quả mít dai, mất 9 quả cam… mất luôn xoành xoạch!
... Cha tiên nhân bố nó chứ, cái tông, cái giống tham nhũng, tham ô nhà nó có trời đánh thánh vật cũng không chừa!
... Ối, các ông, các bà, bàn dân thiên hạ ơi - Sao tôi xúi quẩy lại bị ở gần kề nhà nó như kề cái hang hùm, miệng sói này... Của đau con xót... Cả gia đình tôi làm lụng vất vả hôm sớm nắng mưa... nào có động gì tới ông bà, ông vải nhà nó đâu - Thế mà lúc nào nó cũng như cú ròm nhà bệnh. Nó quen nằm ngửa ăn sẵn... Có bắt quả tang thì cái mặt dày nhà chúng nó vẫn cứ trân trân ra như mặt thớt! Mày cướp cơm con tao, cả nhà mày ăn nhờn mép, nhờn môi thì con tao nhờn đít.
... Con vịt nhà bà nó cạc cạc đang bơi ao nhà bà, hòa bình mát mẻ như thế - cắc cớ gì mày tóm cổ, vặt lông, mày đặt phao câu nó lên bàn thờ cúng vái tổ tiên, nội ngoại, ngũ tứ đại đồng đường nhà mày... xơi có béo bổ không?
- Ăn của đổ mồ hôi, sôi nước mắt của nhà bà thì tụi bay sẽ hóc, sẽ đau bụng - Thằng nhớn hóc thằng nhớn, thằng bé hóc thằng bé... Rồi xôi hỏng bỏng không. Rồi “Cô lê ra, cô lê vào”, táo bón tắc ruột, tắc họng, tháo tỏng, té re... cả nút, cả nít nhà mày...
Một thôi một hồi. Cứ thao thao bất tuyệt tới vài chục phút... chừng hết một đoạn, bà ta mới dừng giây lát - Để lấy hơi thôi chứ không phải nghĩ thêm. Bà ta cứ ứng khẩu rất lưu loát, chửi đã thành bài bản. Tưởng như với cái đà lộng ngôn này, bà ta sẽ còn cao điệu triền miên ca mãi suốt ngày đêm không mỏi. Một cô bé đưa ra cho bát nước vối nguội, bà vội bưng uống ừng ực một hơi.
Khi chửi, mặt bà ta đỏ gay rồi lại có lúc chuyển thành xanh xám, trắng bệch. Tùy theo tiết tấu, lúc cao độ, giọng bà ta chanh chua vút lên gần như lạc giọng. Rồi bất ngờ hạ xuống giọng trầm nhẹ khan khan.
Khi bức xúc, bà xấn xổ rảo lên vài bước, khi lui thì như cô đồng, khiến cả đám khán giả, cổ động viên đến như bị thôi miên, họ tiến thoái theo, tương đối nhịp nhàng.
Đối tượng chửi bới của bà ta có mặt (bà ta biết!), cũng luống tuổi, từ nãy ngồi im tảng lờ vì có mấy bà khác khuyên can “Thôi, bà ơi, một sự nhịn chín sự lành”, “Đừng đối đáp, người ta chửi thì người ta nghe”, nhưng đến đoạn “ở kề cạnh nhà bà” thì chạm nọc rồi, bèn nổi tam bành, lục lặc, đứng bật dậy, the thé:
- Này, cái con thần nanh đỏ mỏ, lăng loàn, mồm loa mép dải kia! Mi vu oan giá họa cho người, mi nói gì nói lại xem - “Choa” thì gang họng mi, xé xác mi cho chó nó nhá… Hai cánh mũi phập phồng, trợn trừng hai con mắt lợn luộc tức muốn lồi con ngươi, sùi bọt mép... Bà này định lao ra nhưng người xung quanh kịp thời giữ lại, kéo bà ấy lui về phía sau, ra khỏi chợ...
Tưởng đã tới đỉnh điểm sẽ còn nhiều kỳ thú - nhưng vũ kịch ngoài trời ấy đột ngột hạ màn mà chẳng thấy bóng một MC nào xuất hiện.
Rất nhạy cảm, anh chàng Tây vội vã tới gần, tranh thủ chụp lấy, chụp để vài kiểu ảnh chân dung cận cảnh nhằm lột tả rõ nét đôi mắt cá vàng hấp háy của nhân vật chính. Rồi anh giơ tay bắt tay bà diễn viên rối rít với lời Thank you (cảm ơn). Người phiên dịch nghe thấy chàng nói: “Lần đầu tiên tôi được tới xem bà múa hát… độc đáo chưa từng thấy… Rất tự nhiên và sinh động… Bà không cần dàn nhạc đệm mà vẫn hài hòa với cảnh chợ, bà đã tự tạo nên nhịp điệu sống… Và giọng hát của bà không kém một nghệ sĩ lâu năm của nhà hát Opéra… Cảm ơn…”.
Quá bất ngờ trước người lạ, bà nạ dòng có tài chửi bới ấy ngẩn người chẳng hiểu ra sao? Đứng như trời trồng, chết lặng... Rồi xấu hổ, sượng sùng quá, bà ta giằng tay, quay ngoắt. Rồi bưng mặt, ba chân bốn cẳng bỏ chạy.
Anh chàng Tây chưng hửng nhìn theo mỉm cười, nhún vai nói với người phiên dịch: Không sao, diễn viên này không quen sự hoan hô, vỗ tay, tặng hoa. Bà ta không biết là mình đã diễn xuất thật hay.
Cả giờ qua chàng ta đã bám sát hiện trường tập trung loay hoay sử dụng cái máy ảnh hiện đại mới cứng, nước mạ lóe sáng của mình rất thuần thục và kỹ càng cố ghi bằng được mọi động tác của bà “diễn viên xuất sắc” - Thật tuyệt khi bà xắn váy quai cồng lên, cái dải lụa (bồ tượng) màu mỡ gà cứ bay tung, ve vẩy theo nếp váy. Sôi nổi nhất lúc bà ta vừa “hát” vừa ưỡn ngửa người, vỗ tay vào nơi bụng dưới nghe bồm bộp... Lại có lúc quay lưng về phía “địch”, vỗ vào mông mình kêu bem bép...
Chuyện diễn ra, chỉ có anh chàng Tây này lấy làm lạ, không những say mê theo dõi mà còn tỏ ra rất trọng thị.
Còn đối với mọi người kẻ chợ thì ai cũng tò mò chút đỉnh thôi (Chuyện thường ngày ở phố huyện mà).
Người phiên dịch tôn trọng mọi cảm xúc với cách làm việc hết mình của thân chủ. Chàng Tây có hỏi về nội dung phát âm của bà diễn viên thì anh trả lời qua quýt, cũng bởi để dịch được ngôn ngữ chửi rủa là điều cực khó.
Trên đường về thành phố, anh chàng Tây còn rất phấn khích, khoe: “Tiếc rằng không mang máy quay phim. Nhưng tôi đã ghi hình nhiều. Đặc biệt quan trọng là tôi ghi âm đầy đủ giai điệu với những câu ca tuyệt vời từng chương, từng đoạn… từ nhả chữ, ngắt lời cho tới những syncope giật giọng, chỗ trường độ ngân nga… Thật là tác phẩm có một không hai”.
Anh chàng thanh niên Mỹ trẻ tuổi ấy cứ gật gù mãi: rất hay, rất lạ... Nói về một phiên chợ... làm tôi nhớ từ xưa đã có kiệt tác nhạc “Phiên chợ Ba Tư” nổi tiếng - nhưng phiên chợ này... ý nhị vô cùng.