Một đời tranh thủy mặc

LÊ MẠNH THI

Từ những năm 1980, ở Việt Nam, Trương Hán Minh được biết tiếng là một nghệ sĩ tài hoa của trường phái tranh thủy mặc Lĩnh Nam, do công truyền dạy của danh họa Lương Thiếu Hằng. Ba mươi năm qua, bằng nội lực sung mãn và lòng say mê, Trương Hán Minh đã miệt mài sáng tạo.

Đề tài Hoa điểu là một minh chứng về bút pháp sinh động của Trương Hán Minh. Họa sĩ đã không quá câu nệ vào bút pháp truyền thống, mà khéo léo khai thác tối đa thế mạnh của yếu tố màu sắc và thư họa, bằng sự kết hợp nhuần nhuyễn cả hai yếu tố này. Theo ông, “thủy mặc truyền thống là tranh phỏng theo các tranh cổ nổi tiếng, tôn trọng từ bố cục, nội dung đến hình thức và bút pháp, không vượt ra ngoài cách đặt vấn đề đã có từ ngàn xưa; còn thủy mặc hiện đại tìm cái mới qua từng bước đi không theo dấu người xưa, rồi gửi gắm ý niệm, truyền thần ý muốn của tác giả vào tác phẩm.

Nằm trong tầm ảnh hưởng của truyền thống, các tác phẩm của Trương Hán Minh cũng thẩm thấu bản chất trung hòa của môtíp cái nhạt, thông qua những tìm tòi phong phú và đầy tính ẩn dụ, giúp người xem cảm nhận được sự tiềm tàng từ thế giới thẳm sâu. Điều này thể hiện khá rõ nét qua bộ tranh Phong cảnh sông núi Quế Lâm. Và sau này từ thực tiễn sáng tác, sự biến hoá đa dạng của dòng tranh thủy mặc cách tân đã dần tạo nên dòng tranh thủy mặc Việt Nam với những thành tựu nghệ thuật đáng trân trọng.


Sông núi Quế Lâm

Đặc điểm nghệ thuật của Trương Hán Minh là không gò bó trước khuôn phép mà luôn tìm tòi sáng tạo; hấp thu tinh hoa người đi trước, phát huy cao độ cá tính sáng tạo, đem vẻ đẹp của thế giới tự nhiên vào tác phẩm, kết hợp vẻ đẹp của nghệ thuật và sự sống thành một tổng thể đặc sắc giàu tình ý. Trương Hán Minh cho rằng: “Ngoài năng khiếu và kiến thức hội họa, người họa sĩ phải công phu rèn luyện bút pháp và kỹ thuật để đạt đến trạng thái tâm bút hợp nhất, mang lại nét thần cho mỗi bức tranh”.


Bóng ngả ao sen

Do nguồn gốc triết học và lịch sử, tranh thủy mặc và thư pháp là 2 môn nghệ thuật có xuất xứ lâu đời ở Trung Quốc và dần trở nên quen thuộc, gần gũi với người Việt Nam… Cùng với nghệ thuật hội họa, nghệ thuật thư pháp cũng được họa sĩ chú trọng và giành được cảm tình của người mến mộ, qua tài hoa thư họa đồng nguyên, tức là thư pháp đi cùng hội họa, giúp người xem cảm nhận ý tứ sâu xa của mỗi bức tranh… Một thủ pháp dụng bút độc đáo nữa là cách dùng dấu triện. Đôi khi, trên nền thủy mặc tưởng chừng đơn điệu u hoài, sự xuất hiện dấu triện màu son như một nét chấm phá, cũng bất ngờ tạo cho bức họa một sinh khí mới…

Họa sĩ tâm sự: “Nghệ thuật không có giới hạn nhưng nó có xuất xứ. Hội họa Lĩnh Nam của tôi xuất xứ từ Giang Nam. Còn Việt Nam là đồng bằng sông nước, nên tranh thủy mặc Việt Nam phải vẽ sông nước và những loài hoa trái quen thuộc. Vẽ cảnh hiện thực mới truyền thần được”… Đi khắp đất nước, thu vào tầm mắt vẻ đẹp của quê hương Việt Nam bình dị… đó là hạnh phúc hoá thân trong niềm vui sáng tạo.

Tiên phong trong đề tài Phong cảnh và con người Việt Nam, phải kể đến các họa sĩ như Lý Khắc Nhu, Quan Cường, Trương Lộ, Huỳnh Tuần Bá và Trương Hán Minh… Lắng nghe và quan sát cuộc sống, mang vào tác phẩm hơi thở của đất trời và khí chất của cuộc sống thực, tranh phong cảnh của Trương Hán Minh hàm chứa một tình cảm chân thành và nỗi niềm của tác giả đối với cuộc sống. Trên nền tảng của nghệ thuật thủy mặc cổ điển, họa sĩ đã tạo được một phong cách riêng, một khí chất, màu sắc Việt Nam toát lên từ tác phẩm.


Hồ Gươm

Bằng tài năng, tâm bút và cảm nhận nghệ thuật phong phú, Trương Hán Minh đã tạo nên những họa phẩm giá trị, để lại ấn tượng sâu sắc về cảnh quan, đất nước Việt Nam tươi đẹp, yên bình… Là người Việt gốc Hoa sinh trưởng tại Việt Nam, Trương Hán Minh đã gắn bó gần trọn cuộc đời và sự nghiệp nghệ thuật với quê hương thứ hai của mình, bởi vì “tôi sinh ra, lớn lên, vui buồn cùng đất nước này” (Trương Hán Minh).

Từ vạn vật, thiên nhiên tươi đẹp với nguồn cảm hứng dồi dào, họa sĩ đã thổi vào họa phẩm những thần sắc mới. Thế giới loài chim trong tranh ông được nhân hoá và thi vị hoá. Chúng là một thế giới đầy màu sắc, muôn hình muôn vẻ, bình đẳng hiện hữu trong cõi nhân sinh, bên cạnh những vui buồn, sướng khổ, đầy vơi của chính con người.

Theo Trương Hán Minh, vẽ tranh thủy mặc dễ sa vào lối mòn. Tranh thủy mặc đòi hỏi sự hoàn thiện cả về cảm xúc lẫn tài hoa riêng biệt, lãng mạn nhưng không quá trừu tượng, giản dị nhưng không quá đơn điệu… Tranh thủy mặc là một trường phái cổ truyền Trung Hoa, đề cao “thi trung hữu họa”. Nó đòi hỏi người họa sĩ ít nhất phải có một tấm lòng yêu nghề tha thiết, dày công tập luyện thì mới mong khống chế được ngọn bút, mới hy vọng tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh… Không chỉ vẽ chim muông, cảnh vật, đất trời, mà chính là vẽ lên cảm xúc thật trong lòng. Người họa sĩ phải sống hết mình với nó…

Ở mảng tranh các sinh vật nhỏ bé và tranh điểu thú, họa sĩ đã khắc họa thật ấn tượng những sinh vật tiêu biểu, gần gũi với đời sống con người. Tranh ông đưa ta vào một cõi trầm mặc, thoát tục. Ở đó, ta dường như tìm thấy một góc tĩnh lặng, sự thanh thản, yên bình… Tự cân bằng bản thân - âu cũng là đường hướng cho một quan niệm sống hướng đến cái chân, cái thiện.


Xuân phong đạt ý

Trương Hán Minh cũng đặc biệt thành công với đề tài về hoa… Theo quan niệm truyền thống của người phương Đông, sen là loài hoa biểu trưng cho sự thuần khiết, tôn thờ. Sen cũng là đề tài lí tưởng cho họa, cho thơ… Ở đây, họa sĩ không chú tâm mô tả loài hoa này dưới góc độ và quan niệm truyền thống. Hoa sen trong tranh Trương Hán Minh tồn tại cùng thiên nhiên, sống giữa thiên nhiên bốn mùa mưa nắng, gắn liền với đời sống tựa như ánh sáng, âm thanh, hơi thở… Hoa mùa xuân cũng là một đề tài đậm nét và tạo nhiều ấn tượng…

Trong sự nghiệp nghệ thuật của mình, Trương Hán Minh đã tham gia khoảng 50 cuộc triển lãm hội họa lớn nhỏ trong nước và quốc tế. Tác phẩm của ông được sưu tầm và trưng bày tại các Bảo tàng mỹ thuật và Bảo tàng văn hoá dân tộc trong nước. Ông còn có tranh được xếp vào hàng Tác phẩm danh họa thế giới người Hoa, được trao Giải ưu tú khắc ấn thư họa của Bộ văn hoá Trung Quốc, Viện nghiên cứu thư họa và Trung tâm nghệ thuật nhân tài thư họa Trung Hoa…

Thành công trong nghệ thuật, nhưng Trương Hán Minh còn có một thành công mang ý nghĩa lớn lao, đó là lòng nhân ái, tấm chân tình nơi ông dành cho đồng bào nghèo khó. Cùng với số tiền hàng tỉ đồng cá nhân ông ủng hộ các chương trình từ thiện qua triển lãm và đấu giá tranh, cái đẹp của nghệ thuật Trương Hán Minh càng trở nên viên mãn.