Những gia đình Việt mà tôi có dịp tiếp xúc, cùng ăn ở, đi chơi, mua sắm, tâm tình, hầu hết là những gia đình định cư ở Mỹ khá lâu, trên dưới 30 năm và tập trung nhiều ở California, phía bắc là vùng San Jose và phía nam là quận Cam có khu Little Saigon nổi tiếng.
Cuộc sống của đa số những gia đình ở đây khá ổn định, nhà cửa khang trang, tiền bạc đầy đủ, mức sống của nhiều nhà không kém dân Mỹ trung lưu… Hội nhập được ở xứ người về nhiều mặt, thế nhưng hội nhập về ứng xử trong gia đình cũng không hẳn là điều dễ dàng…
Phụ nữ Việt Nam giỏi giang và… quyền lực
Đến thăm khu hành chính của San Jose, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy hình ảnh lãnh đạo một quận của thành phố San Jose là một phụ nữ Việt Nam còn khá trẻ, nhưng theo thông tin từ một bạn của tôi thì nay người phụ nữ ấy đã là phó thị trưởng hay thị trưởng rồi.
Một điều dễ thấy là cứ đến gia đình người Việt nào có cuộc sống kinh tế tốt, nền nếp, con cái thành đạt, thì hầu hết ở đó có một bà chủ nhà giỏi giang, đảm đang, chịu thương chịu khó. Nhiều chị kể cho tôi nghe những ngày mới đặt chân đến Mỹ họ khổ như thế nào, sống trong điều kiện thiếu thốn ra sao, phải làm việc tay chân quần quật và chỉ được ngủ mỗi đêm có vài giờ... dù trước đây khi còn ở quê hương họ xuất thân từ những gia đình khá giả, là những tiểu thư con nhà, khi lấy chồng hầu hết được chồng bao bọc…
Một điều ngạc nhiên nữa là tuy bận rộn làm việc bên ngoài nhưng các chị, các em nấu ăn rất ngon, tự tay nấu được những bữa tiệc thịnh soạn đủ các món ăn Việt lẫn Mỹ, những món truyền thống của người Việt như bánh bèo, bánh bột lọc… và trình bày đẹp không kém ở nhà hàng.
Các chị bảo vì ở đây nguyên vật liệu phong phú, phương tiện nấu nướng đầy đủ, một phần những món ấy không phải lúc nào cũng có sẵn ngoài chợ để mua và chủ yếu là nhằm kêu con cái về quây quần bên nhau, ăn uống rồi chia nhau mang về nhà ăn tiếp…

Các gia đình Việt ở Mỹ gồm nhiều thế hệ, tuy ở khác tiểu bang hoặc khác thành phố nhưng vẫn tụ họp với nhau trong các dịp lễ quan trọng. Ảnh minh họa.
Vừa giỏi vừa khéo vừa có công lại được hưởng sự bình đẳng giới, được luật pháp bảo vệ chặt chẽ vì thế phụ nữ ở đây cũng dễ… lên mặt với chồng và nhất thiết không phải nhường nhịn chồng khi anh ta không làm vừa ý vợ. Nhiều quý ông Việt Nam ở Mỹ hơn ¼ thế kỷ nhưng đến nay vẫn còn chưa “hội nhập” với điều đó.
Cuộc sống đầy đủ, con cái nên người nhưng có ông vẫn không vui vì hay bị vợ… lấn lướt, đốp chát, và ngay cả những bà vợ chẳng giỏi giang gì, chỉ ở nhà nội trợ nhưng vẫn được chồng…sợ.
Tôi chợt hiểu vì sao nhiều ông đã sồn sồn hoặc già rồi khi về thăm quê hương lại thiết tha tìm đến người tình cũ dù họ không còn trẻ nữa hoặc tìm đến những phụ nữ trẻ dù biết họ lợi dụng mình về tiền bạc, chỉ vì để tìm lại một chút dịu ngọt… Gởi tiền bạc về giúp họ hàng còn khó khăn ở quê nhà cũng là chuyện “sóng ngầm” của một số gia đình, nhiều ông phải lén lút vợ gởi về giúp anh em.
Thế hệ trẻ sống dễ chịu hơn
Với lớp trẻ qua Mỹ từ khi còn nhỏ hoặc được sinh ra, lớn lên, học hành đến nơi đến chốn ở đây thì cuộc sống gia đình ít gay gắt hơn thế hệ bố mẹ họ, tất nhiên nếu không hợp nhau thì họ ly hôn, còn đã sống với nhau thì vui vẻ, bình đẳng. Cánh đàn ông trẻ ở đây hầu như hiếm có ai hút thuốc, nhậu nhẹt, đàn đúm…Họ đi làm, giúp vợ đưa đón con, đặc biệt họ chăm con rất khéo, từ thay tã, cho con bú, chơi với con và chia sẻ việc nhà một cách tự nguyện không nề hà chuyện gì.
Mất việc ở đây là điều đáng sợ nhất. Vì nhà cửa đều mua trả góp đến 20, 30 năm. Nhà trả góp xong rồi thì thuế đất cũng rất cao. Ai cũng lo làm việc chăm chỉ, căng thẳng, chi tiêu phải có kế hoạch, nếu không là “tiêu” mọi thứ. Vì thế, cuối tuần hay vào kỳ nghỉ các gia đình trẻ thường thư giãn, hưởng thụ để bổ sung năng lượng bằng cách tổ chức ăn uống cùng bạn bè, gia đình hay đi chơi xa, nơi có các phong cảnh đẹp, đi cắm trại, picnic…
Phụ nữ ở đây thuộc hàng ưu tiên thứ hai sau con trẻ. Được hưởng nhiều ưu đãi nên cũng không hiếm những cô vợ trẻ có phần lạm quyền, họ “thu tóm” quyền lực, khiến người chồng không dám hó hé có ý kiến riêng, chỉ biết nghe lời vợ răm rắp…
Đánh vợ là một cái tội rất nặng mà người chồng nào cũng biết, không mấy ông dám liều mạng “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” với vợ nếu không muốn đi “học tập cải tạo” kèm với số tiền phạt không nhỏ, chưa kể còn phải đi lượm rác ngoài xa lộ!
Những cặp vợ chồng già từ Việt Nam qua tuy hay hục hặc với nhau nhưng ít ly hôn, còn thế hệ trẻ thì tỉ lệ ly hôn cao hơn, nhưng cao nhất (khoảng 50%) chính là những người từ Mỹ về Việt Nam cưới vợ rồi bảo lãnh vợ qua. Cách đây vài tháng, tôi có dự một đám cưới “hoành tráng” tại một nhà hàng sang trọng ở Sài Gòn của một chàng trai là kỹ sư từ Mỹ về cưới một cô gái Nha Trang sau 3 năm đi về tìm hiểu, chờ đợi, làm các thủ tục. Nay tôi qua Mỹ gặp hỏi thăm thì hỡi ơi, cô gái đã bỏ nhà đi sau 2 tuần chung sống!
Tuy xa xứ nhưng Việt kiều ở khu Little Saigon được sống trong một cộng đồng người Việt đông đúc, đi chợ Việt, nói tiếng Việt… Nhiều nhà có họ hàng, bạn bè gần gũi, đông vui. Thời tiết mùa hè ở California mát mẻ dễ chịu, thiên nhiên tươi đẹp ở đây được giữ gìn trân trọng, được quy hoạch một cách khôn ngoan nên cuối tuần có nhiều chỗ để đi chơi, ngắm cảnh.
Về vật chất nhiều gia đình không thiếu gì, nếu không nói là thừa mứa, thiếu chăng ở một số người là kỹ năng trong cuộc sống lứa đôi. Sự tôn trọng, cảm thông, chia sẻ, dịu dàng, âu yếm… luôn là tài sản quý giá nhất mà những đôi vợ chồng trên khắp hành tinh này đều cần để đạt đến mục đích thực sự của cuộc sống.