Đã đặt chân lên bao vùng đất, mà chưa một lần bước chân tới Điện Biên Phủ, sao đành!. Thế nhưng ao ước, dự tính mãi mà nào có đi được. Lần này, tôi và nhà văn Vũ Hạnh, từ miền Nam ra, lên Điện Biên. Lúc đầu định đi bằng ô tô, qua Mai Châu “mùa em thơm nếp xôi”, qua Mộc Châu, Phađin, Lũng Lô… Những “tên đất đọc lên nước mắt đều muốn ứa” (Nguyên Hồng). Nhưng rồi một số anh chị thuộc đường; khuyên trước hết hãy đi máy bay; đường bộ đường đang chữa, khó đi, mà thời gian thì gấp…
Ngồi máy bay chưa ấm chỗ đã tới thành phố Điện Biên rồi. Sáng hôm sau đi thăm Mường Thanh, nơi đặt sở chỉ huy chiến dịch của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước.

Trên đồi A1 nhìn xuống cánh đồng Mường Thanh. (H1)

Cánh rừng Mường Phăng. (H2)
Trời như cũng chiều người, nắng thu đông rất đẹp trên cánh rừng, trên những ruộng bậc thang. Đường vào sở chỉ huy từ chỗ xe dừng hơn cây số đường ven núi rừng. Phải nói là sở chỉ huy đóng ở đây, cách Mường Thanh chừng vài mươi cây số, là rất bí mật, bất ngờ; phi pháo của địch có biết, cũng khó mà làm gì được…

Du khách Pháp đến Điện Biên Phủ. (H3)

Nhà tác chiến, nơi bàn kế họach chiến dịch trong sở chỉ huy. (H4)
Thăm các di tích, thật vô cùng cảm khái… Rồi đến thăm đồi A1, nơi xảy ra trận quyết chiến mấy chục ngày đêm, giành từng tấc đất chiến hào cho tới tận đêm ngày 6/5 bước sang ngày 7/5 mới đào đường ngầm đặt gần tấn thuốc nổ, bắt địch cúi đầu ra hàng.

Du khách Pháp trước xe tăng Bazeille. (H5)

Hầm chỉ huy của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. (H6)

Trong hầm chỉ huy của tướng Võ Nguyên Giáp. (H7)
Cái hầm chỉ huy của De Castrie cách đấy cây số, nay nằm giữa một khoảng đất trống trong thành phố, ta đã thấy nhiều lần qua phim, chụp ảnh rồi; đến nơi cũng hơi ngạc nhiên là tại sao ông Tướng chỉ huy Pháp lại phơi mình giữa một thửa ruộng trên vùng Mường Thanh như thế?
Rồi đi vào hầm, thì bàn ghế các vị ngồi họp cũng là đồ “dã chiến” không nói làm gì, có cái hay là ở bên cạnh buồng tướng De Castrie có hầm một mỹ nữ người Việt hầu cận (theo lời anh Toan lái xe ở Điện Biên đi cùng). Bởi vì đây là “tướng” mà là tướng quý tộc họ De, nên cũng không lạ gì: “Tướng xa nhà, tình khuê phòng cần thiết” (“Hoàng Lê nhất thống chí”)…

Bán quà lưu niệm ở Điện Biên Phủ. (H8)
Mùa này Điện Biên Phủ, lòng chảo Điện Biên mờ sương mù, sương mù giăng trên những ruộng bậc thang, mơ màng như những năm tháng đã trôi đi, nhưng mãi còn đây dư âm của nó… Các khách Tây, phần lớn là khách Pháp, vẫn đến đây nhiều… Có những người rất trẻ. Một trang bi thảm của lịch sử nước Pháp đã được giở qua nơi đây… Còn trong nghĩa trang, mộ những người chiến sĩ vô danh nằm đó, như nhắc ta, như giục ta… bao điều.
Chín năm làm một Điện Biên!