L.T.S: Trần Hiến (1915-1996) sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, quê ở làng Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Tham gia hoạt động từ Cách mạng tháng Tám 1945. Đến năm 1947, anh là Tổ trưởng Tổ Điệp báo nội thành thuộc Chi 50 Quân báo Cần Thơ. Dưới vỏ bọc sĩ quan phiên dịch cho Phòng Nhì (2
Bureau) Phân khu Cần Thơ, anh cùng với các điệp viên khác thu thập được nhiều tin tức quan trọng, giúp cho lãnh đạo kháng chiến Khu 9 chủ động đối phó gây cho địch nhiều thiệt hại nặng nề.
Ngoài ra, trong thời gian ấy, địch thi hành chế độ quân quản khi cảnh sát bắt được người của Việt Minh hoạt động nội thành đưa qua quân đội, đều bị viên Tư lệnh Quân khu Miền Tây (Zône Ouest) địch lúc bấy giờ ra lệnh xử bắn ngoài chợ không thông qua tòa án nào xét xử. Để tìm cách cứu đồng chí, đồng đội mình sa vào tay giặc, Trần Hiến đề nghị các bản án cán bộ Việt Minh hoạt động nội thành đưa qua Bộ Tư lệnh Miền Tây, cần được Phòng Nhì (2è Bureau) Phân khu Cần Thơ thẩm tra lần chót trước khi xử bắn, để tránh oan sai. Đề nghị đó được Bộ Tư lệnh địch chấp thuận, và nhờ vậy mà Trần Hiến bằng trí thông minh, mưu trí sắc sảo đã cứu được một số đồng chí, đồng đội mình thoát chết trong gang tấc trước mũi súng kẻ thù. Dưới đây là mẩu chuyện điển hình cứu người của anh.
…Đó là vào buổi chiều năm 1947. Đồng hồ treo tường trong phòng làm việc của Trần Hiến chỉ 6 giờ kém 15. Anh vội thu xếp đống hồ sơ trên bàn cho gọn, chuẩn bị ra về. Bỗng lù lù trước cửa một anh lính cảnh sát dẫn vào một chú bé con chào anh, để tập hồ sơ trên bàn rồi lui ra.
|
Trần Hiến thời chống Pháp. |
Hiến nhìn hồ sơ thầm nghĩ: “Mười phút chẳng đủ thì giờ liếc qua. Để sớm mai vậy”, anh định nói tên lính cho dẫn phạm nhân vào khám. Nhưng theo thói quen, Hiến liếc qua trang đầu vẫn thấy chữ bút chì đỏ quen thuộc của viên đại tá Cluset, Tư lệnh Zône Ouest hiện lên rõ nét: “Lanceur de grenades. Pris en flagrant délit. Demain matin, 9 heures fusiller au marché” (Thủ phạm ném lựu đạn. Bị bắt tại trận. Sáng mai 9 giờ, xử bắn tại chợ).
Hiến nhìn xuống chú bé con ngồi vách phòng. Đúng là dạng một cậu bé bán đậu phộng rang, đánh giày hoặc bán báo mà anh thường gặp ở đường phố Cần Thơ. Tuổi chú chừng 15, 16. Áo quần rách bươm tả tơi vì các trận đòn xé thịt, mặt bầm tím. Cậu ta gục đầu ngồi bó gối, có lẽ không còn sức đứng gượng được. Hiến xúc động đọc lại toàn bộ hồ sơ, với ý nghĩ bọn sĩ quan Pháp ở 2è Bureau chắc hẳn không đồng tình cho xử bắn một trẻ vị thành niên, trái pháp luật quốc tế.
Hiến đọc nhanh: “Nguyễn Văn Nhâm tự Hai, 16 tuổi, trường hợp bị bắt: Bị bắt tại trận khi sắp ném lựu đạn ở ngã tư đường Saintenoy – Delanoué. Lựu đạn đã rút chốt an toàn, tìm thấy chốt trong túi quần đùi. Kèm theo tang vật: một quả lựu đạn kiểu mãng cầu đã tháo ngòi một cái khoen khóa chốt an toàn. Người theo dõi và bắt can phạm: Nguyễn Văn Thanh. Trong lời khai của bị cáo, đã nhận cả tội trạng, người hỏi cung và can phạm, không bị bức cung”.
Hiến chỉ vào một chữ ký tên hỏi cậu bé:
“Chữ ký tên của mày phải không?”.
Chú bé ngước nhìn lên rồi gật đầu. Thấy nét mặt chú bé, tự nhiên Hiến nghĩ: “Phải tìm mọi cách để cứu… còn nước còn tát, không nên thất vọng…”.
Anh rà lại các chứng cớ buộc tội: tang vật rành rành không thiếu mà lại còn thừa! À, một ánh chớp lóe lên trong đầu Hiến:
“Sao lại thừa? Phải rồi, cái chốt an toàn! Có thể đây là cái mốc con đường sống bắt đầu từ đây?”.
Không để lỡ thời giờ, Hiến xếp vội hồ sơ, ba chân bốn cẳng chạy vào phòng của sếp. Hai đại úy Fallon (sếp 2è Bureau), Lotte (sếp 3è Bureau) đang ngồi tán gẫu, có lẽ chờ hết giờ làm việc buổi chiều. Hiến tranh thủ báo cáo hồ sơ và hỏi:
– “Hai đại úy lúc tham gia chiến tranh chống phát xít Đức, có khi nào hai ngài ném lựu đạn mà còn giữ cái chốt an toàn trong túi quần không?”.
Đại úy Lotte cười: “Chắc không có cái đó đâu. Giữ cái chốt lại làm gì?”
– “Vậy thì xin hai ngài xem đây”.
Hiến vạch đúng dòng ghi biên bản:
– “Đã bắt được cả chốt an toàn của lựu đạn còn nằm trong túi quần của thủ phạm”.
Hiến nói tiếp:
– “Đáng nghi ngờ hơn nữa là thằng bé con bị bắt không có phản ứng tự vệ, hoảng hốt buông ngay trái lựu đạn ra. Dù sao, vẫn là một vị thành niên, cần phải thẩm tra kỹ lại để khỏi có hậu quả xấu về sau”.
Fallon gật đầu cầm máy nói quay lên phòng đại tá Tư lệnh báo cáo lại tình hình rồi nói lại cho biết:
– “Đại tá đồng ý cho hoãn lại 24 tiếng để thẩm tra hồ sơ. Nếu không phát hiện được điều gì mới, 9 giờ sáng hôm sau cứ y lệnh thi hành!”
– “Nhưng thời gian gấp quá, đại úy có cho tôi được toàn quyền hành động không?”
– “Được, cho anh toàn quyền – Fallon gật đầu – Muốn cần ai giúp cứ nói. Đóng cửa phòng lại mà làm việc, không một ai được phép quấy rầy anh, kể cả tôi. Miễn sao đúng 6 giờ chiều mai có kết quả”.
Hiến cầm hồ sơ về phòng trong lòng vừa mừng vừa nặng trĩu. 24 giờ, thời gian quá ngắn, có kịp xoay trở tình thế không? Tên cảnh sát vẫn chờ để giải chú bé về khám.
*
Trên đường trở về nhà, Hiến vừa đi vừa suy nghĩ. Phải làm sao cứu chú bé khỏi bị bắn, vì chuyện đó vô nhân đạo quá. Và biết đâu đây là đội viên của Tiểu đội Hoàng hoạt động bí mật trong thành phố mà hai tháng trước đội viên Trần Đổng, 16 tuổi, chưa kịp ném lựu đạn đã bị bắt và bị xử bắn ngoài cầu tàu bờ sông với tội danh khủng bố gây phẫn nộ trong quần chúng và cả trong nội bộ quân địch. Hiến ghé lại nhà chú Tư Ngà, một điệp viên trong Tổ Điệp báo của anh, nói lại cho chú Tư biết tình hình và nhờ chú giúp ngay cho hai việc:
– “Một là tìm hiểu lai lịch tên chỉ điểm Nguyễn Văn Thanh, hai là tìm hiểu dư luận ở Cần Thơ về vụ ném lựu đạn. Nếu cần đêm nay, hoặc 6 giờ sáng mai chú cho Hiến biết tin vì thì giờ quá gấp”. Chú Tư Ngà đồng ý.
Đêm ấy, Hiến gần như không ngủ, cứ thao thức suy nghĩ kế hoạch tác chiến ngày mai để cứu cho bằng được chú bé mà Hiến tin là đội viên trong Tiểu đội Hoàng. Sáng sớm, Hiến ghé nhà chú Tư Ngà, vừa uống trà vừa nghe chú Tư báo cáo về tên Thanh, tên này vốn là một du kích xã đội Long Tuyền, đánh bài Tây bị bắt, giam ở xã đội, hắn trốn trại mang theo một trái lựu đạn ra đầu thú với Jaquemin, Giám đốc cảnh sát Cần Thơ, được tên này cho làm chỉ điểm cho bọn cảnh sát. Hắn theo dõi Nhâm và bắt quả tang khi Nhâm liệng lựu đạn. Hiến nghĩ ra ngay việc phải làm:
– “Nhờ chú kiếm cho tôi hai người làm chứng, người của mình. Ở gần nơi liệng lựu đạn càng tốt”
– “Họ phải nói sao khi bị hỏi?”
– “Cái đó chú chờ tới trưa. 11 giờ tôi sẽ về nói cho chú rõ”.
Thật tình lúc ấy Hiến chưa nghĩ ra, phải chờ cách phản cung của bị cáo. Trên đường đi đến sở làm, Hiến hình dung công việc: phải lập một tòa án binh giả, ít nhất để uy hiếp tinh thần tên phản bội, ngoài ra… tùy cơ ứng biến. Bên cảnh sát bọn Jaquemin bị Hiến làm thất bại mấy vụ án trước rồi, chắc chắn sẽ tìm cách đối phó. Tốt nhất phải giữ vai trò đạo diễn, tuyệt đối không để bút tích mình trong hồ sơ. Hiến nghĩ như vậy khi bước vào cửa phòng làm việc, đồng hồ chỉ đúng 7 giờ. Do được sếp 2è Bureau cho biết trước, nên các nhân viên văn phòng đợi sẵn chờ Hiến phân công giao việc.
Phiên tòa do Hiến sắp đặt sẽ mở ngay tại phòng khách. Chỉ một chiếc bàn đặt chính giữa, ba cái ghế tựa cho thượng sĩ Laurent làm chủ tọa, phiên dịch Bình và Hiến hỏi cung. Một cái ghế để trống trước bàn cho người bị hỏi cung vin vào làm vành móng ngựa. Hai tên lính Miên cao to đứng tư thế nghiêm, thắt lưng lủng lẳng dùi cui sơn trắng. Một lính Miên khác ôm súng gác cửa phòng. Bố trí xong, Hiến lệnh cho dẫn bị cáo Nhâm và tên chỉ điểm Thanh vào. Cũng như hôm qua, Nhâm vẫn bận quần đùi rách. Chỉ vào góc phòng, Hiến bảo Nhâm ngồi chờ. Tên Thanh vênh váo xấn vào đưa tay vịn vào lưng tựa chiếc ghế duy nhất trống định ngồi, Hiến nghiêm sắc mặt:
– “Anh khoan ngồi, hãy nghe phổ biến nội dung. Hãy nghe cho kỹ, trả lời cho đúng theo câu hỏi, không nói thêm, nói bớt, nói thiếu… Phải được phép mới nói, không được phép cắt ngang lời người khác. Không tự tiện di chuyển khi đang làm việc, muốn đi đâu phải xin phép trước. Vi phạm nội quy sẽ bị nghiêm trị”.
Bình dịch nội quy do Hiến “sáng tác” cho Laurent cùng nghe. Hiến ngồi bên cạnh Laurent. Laurent nghe xong hỏi nhỏ Hiến:
– “Par où commencer?” (Ta bắt đầu từ đâu?).
Hiến chỉ ngay mặt tên chỉ điểm. Thế là Laurent nhìn vào giấy hỏi cung (do Hiến viết sẵn) bắt đầu hỏi:
– “Nom et prénom?”.
Bình dịch: – “Họ tên?”
– “Dạ, Nguyễn Văn Thanh”.
Cứ sau câu hỏi của Laurent, Bình dịch luôn:
– “Nghề nghiệp?”
– “Dạ, chỉ điểm viên”, Thanh đáp.
Hiến nói nhỏ với Laurent:
– “Hỏi nghề nghiệp nó lúc ở hàng ngũ Việt Minh kia!”.
Câu hỏi đó làm mặt Thanh tái nhợt. Cú đòn tâm lý đã có tác dụng. Hắn ấp úng:
– “Dân quân du kích!”.
Bình dịch xong, Laurent trố mắt không hiểu ra sao cả. Một tên chỉ điểm lại là dân quân du kích! Người tố cáo trở thành bị cáo chăng? Laurent nhìn Hiến với ánh mắt dò hỏi. Hiến ghé tai nói nhỏ:
– “Hãy hỏi hắn trang bị vũ khí cho cá nhân du kích?”.
Nghe Laurent hỏi, Thanh đáp một cách rụt rè:
– “Dân quân du kích thì đứa có cây súng mút, đứa có vài trái lựu đạn, thế thôi”.
Hiến chen vào hỏi:
– “Anh được Việt Minh giao vài trái lựu đạn để canh gác hả. Nói cụ thể hai hay ba?”
– “Dạ, một trái ạ!”
– “Sao lại một? Vài thì ít nhất phải là hai trái chứ!”
– “Dạ, hai trái ạ!”.
Hiến nhìn tên Thanh nhắc lại:
– “Việt Minh giao cho anh hai trái lựu đạn để canh gác phải không?”.
Thanh gật đầu:
– “Dạ đúng ạ!”.
Hiến nhìn biên bản hỏi cung do phiên dịch Bình ghi. Một cảm giác lâng lâng chợt đến: Thế là anh đã tìm được con đường sống cho chú bé. Chú vẫn ngồi bó gối trong góc phòng đưa đôi mắt sưng húp nhìn mọi người.
Bước vào phút quyết định, Hiến tung ra đòn hỏi bất ngờ cho tên Thanh:
– “Lợi dụng sơ hở của Việt Minh, anh ôm lựu đạn ra quy hồi với chính phủ phải không?”
– “Dạ phải!”.
– “Anh nộp lựu đạn cho ai?”
– “Dạ, ông Jaquemin”.
– “Mấy trái?”
– “Dạ, một trái!”
– “À, vậy còn một trái nữa anh để ở đâu?”.
Bị hỏi dồn dập, Thanh ấp úng nói bừa:
– “Dạ tôi còn để ở nhà!”.
Hiến như mở cờ trong bụng. Anh đề nghị Laurent cho nghỉ giải lao. Trong thời gian nghỉ, trung sĩ Bình phiên dịch sẽ cùng lên xe jeep cùng tên Thanh trở lại Bình Thủy để lấy trái lựu đạn mà Thanh nói còn giữ ở nhà.
Thượng sĩ Laurent vào căng tin giải khát. Hiến ở lại xem xét các tờ hỏi cung chuẩn bị buổi chiều hỏi tiếp những người còn lại. Hai lính Miên được ra khỏi phòng xả hơi. Chỉ còn lại chú bé Nhâm trong phòng. Hiến chuẩn bị cho chú đối phó tình thế:
– “Bây giờ đã đến lúc em phải phản cung. Bằng không, chỉ có chết! Em nói thật đi, việc xảy ra thế nào?”.
Nhâm cũng đã đủ thời gian suy ngẫm và rút ra được nội dung phản cung hợp lý. Nhâm nói:
– “Chiều hôm đó, má tôi sai tôi đi mua nhang. Khi đi ngang qua ngã tư thì gặp thầy đó chặn lại, định nhét trái lựu đạn vào túi quần tôi, vu cho tôi liệng lựu đạn. Tôi sợ quá vừa chạy vừa la “không phải của tôi, không phải của tôi”. Nhưng chạy không thoát. Bị bắt về bót, bị đòn đau quá, tôi phải nhận bậy để tránh đòn”.
Hiến bảo Nhâm nhắc lại lần nữa, rồi bảo:
– “Em nhớ chiều phải khai đúng như thế, nếu em muốn khỏi bị tử hình. Nhớ chưa?”
– “Dạ nhớ!”.
Nhâm nhìn Hiến với ánh mắt biết ơn.
Chừng 20 phút sau, chiếc xe jeep chạy vào cổng. Từ ngoài Bình đã văng tục:
– “Đ.M! Nó biểu xe chạy vòng vòng chớ chẳng thấy lựu đạn đâu cả!”.
Hiến mỉm cười nhìn Laurent:
– “Trái lựu đạn đó nằm ngay đây chớ ở đâu! Đó là tang vật của vụ án. Bởi vậy không thể tìm nơi nào khác được là lẽ tất nhiên. Thôi, chúng ta hãy nghỉ. Chiều tiếp tục hỏi cung”.
*
Về đến đầu ngõ, Hiến đã thấy chú Tư Ngà đợi sẵn. Chú đưa danh sách hai người làm chứng. Một là chị Sương thợ may, hai là chú Xồi bán bánh bao. Cả hai đều là cơ sở tốt ở gần ngã tư xảy ra vụ ném lựu đạn.
Hiến dặn cả hai đúng 2 giờ chiều đến văn phòng và trước sau chỉ nói một câu: Thấy Nhâm vừa chạy vừa la “không phải của tôi, không phải của tôi”. Họ còn thấy tên Thanh đuổi theo dúi trái lựu đạn vào túi quần đùi của Nhâm. Chỉ khai như vậy thôi.
Trước khi từ giã, chú Tư Ngà còn trao cho Hiến một bản cáo thị của sếp cảnh sát Jacquemin ký tên, dán trên đường phố Cần Thơ, hứa sẽ tặng thưởng 100 đồng cho người nào bắt được Việt Minh ném lựu đạn. Hiến rất mừng vì thêm một bằng cớ tăng sức mạnh cho bản phản cung của Nhâm.
Buổi chiều. “Tòa án binh” trong phòng có đầy đủ các thành viên. Hai nhân chứng đến chờ trước cửa. Tên lính ôm súng đứng gác trước phòng họp không cho ai ra vào. (Sau này, Hiến nghe anh ta nói lại mấy lần sếp Jacquemin muốn vào phòng, nhưng không vào được, vì Fallon hứa dành cho anh toàn quyền hành động). Cả buổi trưa, Hiến tiếp tục suy nghĩ: Dự kiến kết luận buổi phản cung, các yếu tố đã có đủ. Trái lựu đạn Thanh khai cất giữ ở nhà không tìm thấy. Bản cáo thị của Jacquemin với tiền thưởng 100 đồng tiền Đông Dương, chỉ chờ lời phản cung của Nhâm và lời khai của hai nhân chứng là đủ chứng minh sự vô tội của Nhâm. Tốt nhất là để cho Thanh tìm đường rút lui trước.
Sau khi nghe Bình báo cáo lại sự việc tìm trái lựu đạn không có kết quả, Hiến đề nghị hãy ghi nhận sự việc rồi chuyển sang hỏi cung Nhâm. Nhâm vẫn khai đúng như đã nói lúc sáng với Hiến. Mấy lần Thanh định mở miệng nhưng bị hai tên lính Miên giơ ma trắc đe đánh, hắn sợ rụt cổ lại. Đến lượt gọi hai nhân chứng vào. Chị Sương và chú Xồi được hỏi riêng biệt kẻ trước người sau, từng người đều thừa nhận là Nhâm bị Thanh đút trái lựu đạn vào túi quần chú bé, vu vạ chú ném lựu đạn.
Liếc nhìn đồng hồ đeo tay đã hơn 15 giờ 30, Hiến xin lỗi Laurent để anh trực tiếp nói với tên Thanh. Anh nhìn thẳng vào mặt nó nói rành rọt:
– “Ta có thể kết luận được rồi. Lời phản cung đã được hai nhân chứng xác nhận. Đối với anh chỉ có một lối thoát duy nhất giữa hai con đường, anh phải chọn lấy một. Một là anh phải thú nhận anh có nhét trái lựu đạn vô túi quần của Nhâm, vì muốn được 100 đồng tiền thưởng (Hiến đưa bản cáo thị của Jacquemin cho Bình đọc). Như thế có lẽ là tốt nhất. Thay vì được thưởng, anh sẽ bị sếp mắng, nhưng vẫn được tự do. Và Nhâm khỏi phải chết. Hai là anh cứ khư khư đòi kết tội Nhâm thì ông quan năm cũng chưa kết án được. Và chúng tôi, quân đội Pháp, cũng sẽ giam giữ anh cho đến lúc tìm ra trái lựu đạn mà anh cất giấu. Bởi lẽ, như anh thấy đó, không tìm thấy được trái lựu đạn thì chúng tôi cũng không thể ăn ngon ngủ yên. Anh hãy suy nghĩ kỹ lời tôi, chọn một trong hai cái điều tôi vừa nói ra, không có cách nào khác!”.
Không đầy một phút suy nghĩ thiệt hơn, sau cùng Thanh chọn điều một, xin một tờ giấy viết lời thú tội. Viết xong đề ngày tháng, ký tên vào. Kim đồng hồ chỉ 5 giờ chiều. Hiến thở phào nhẹ nhõm, tuyên bố giải tán phiên tòa, rồi ôm hồ sơ chạy qua phòng nộp cho đại úy Fallon.
Tên Thanh xin phép trở về Sở Cảnh sát. Hiến hội ý với Laurent ký giấy tạm giam hắn vào khám Cần Thơ:
– “Anh hãy tạm nghỉ ở đó một đêm, sáng mai có lịnh sếp anh, chúng tôi sẽ cho anh về”. Thực tình, Hiến cũng chưa biết đại tá Cluset quyết định cuối cùng vụ này ra sao, nên chưa cho tên Thanh tự do.
Đúng 6 giờ chiều, đại úy Fallon đi hội ý trên Bộ Tư lệnh về đưa trả tập hồ sơ bản án. Hiến liếc nhìn trang đầu bên trái, chỗ dòng bút chì đỏ quen thuộc đã gạch chéo dòng chữ “Lanceur de grenades” và phía dưới Cluset ghi:
“À relaxer tout de suite le nommé Hai dit Nhâm. Demain matin, 9 heures, au marché, à fusiller le nommé Nguyễn Văn Thanh avec une grande pancarte: “Faux accusateur de lanceur de grenade” (Tha ngay tên Hai gọi là Nhâm. Sáng mai, 9 giờ, tại chợ đem bắn tên Nguyễn Văn Thanh với tấm bảng lớn: “Tội vu cáo người khác ném lựu đạn”).
Nét mặt đại úy Fallon rạng rỡ vì đã tránh xử tử một người vị thành niên. Còn Hiến không còn nỗi vui mừng nào lớn hơn vì đã cứu được đồng đội của mình thoát khỏi cái chết trong gang tấc. Niềm vui lớn đó, Hiến chỉ chia sẻ với chú Tư Ngà, một điệp viên xuất sắc trong Tổ Điệp báo của Hiến.
*
Thời gian lặng lẽ trôi. Biết bao biến động xảy ra trên đất nước thân yêu chúng ta cho đến ngày toàn thắng 30/4/1975. “Phiên tòa kỳ lạ” do Trần Hiến “sáng chế” trong hoàn cảnh khắc nghiệt trên dưới 8 tiếng đồng hồ, đã cứu đồng đội mình thoát chết và diệt trừ một tên đầu hàng phản bội.
37 năm sau. Mùa xuân năm 1984, nhân dịp họp mặt anh em Quân báo mừng năm mới mồng 4 Tết Giáp Tý ở nhà đồng chí Phấn - Trưởng ban, đến lúc gần ra về, Hiến nhìn thấy một người gần 60 tuổi, vóc người nhỏ thó, vẻ mặt ngờ ngợ quen quen. Anh hỏi:
– “Anh có bị bắt ở khám Cần Thơ lần nào không?”.
Người đó nhìn sững Hiến không chớp mắt rồi ôm chầm lấy anh nước mắt ràn rụa, nghẹn ngào không nói nên lời. Đó chính là Nhâm. Anh kể lại nguyên nhân bị bắt là do tên Thanh theo dõi anh từ lúc anh qua bến đò đi đến nhà tên lính kín Tài, mục tiêu anh chọn diệt hôm đó. Anh vừa rút lựu đạn ra cầm tay, thì bị tên Thanh theo dõi từ sau nắm chặt cả trái lựu đạn nên không vùng vẫy được. Ở khám lớn, anh bị nhốt vào xà lim tử tù cùng với một chiến sĩ người Khmer. Sáng hôm xử bắn tên Thanh, chính Nhâm là người bất ngờ nhất. Thấy xe cây tới, anh em tù nhân đứng sau song sắt chờ vẫy tay chào Nhâm, không ngờ khi cai ngục gọi tên Thanh ra mọi người nhìn nhau sửng sốt. Tên Thanh bị dẫn đi rồi, một lúc sau Nhâm cũng được phóng thích. Anh mừng quá chạy về đơn vị, cũng tần ngần không hiểu vì sao mình được thả. Sau đó, Nhâm được chuyển lên công tác Cao Miên. Sau Hiệp định Genève 1954, anh tập kết ra miền Bắc, chiến đấu ở chiến trường Lào bị thương 8/8 do bom na pan. Sau được chuyển ngành về Bộ Cơ khí Luyện kim học lớp quản lý. Sau 30/4/1975, anh xin về công tác ở Hậu Giang, lấy vợ là bác sĩ, có ba đứa con trai…
Phiên tòa đặc biệt cứu Nhâm hiện lên trong khoảnh khắc mùa xuân năm 1984 trong ký ức nhà tình báo Trần Hiến, một điệp viên xuất sắc Chi 50 Quân báo Cần Thơ trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở miền Tây Nam Bộ. Không riêng Nhâm, những đồng chí đồng đội khác được anh cứu trong tay giặc Pháp thời ấy đều đã trưởng thành, đóng góp công sức của mình vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Đó là phần thưởng lớn nhất đối với anh.
Xuân Nhâm Thìn 2012