Một pho sách 200 tuổi tái sinh

Trung tâm Nghiên cứu Quốc Học đã làm một việc có ích và cần thiết: in lại pho Dictionarium Anamitico – Latinum (Từ điển tiếng An Nam – Latinh) của cố đạo Pháp J.L.Taberd soạn năm 1772-1778 và in năm 1838 tại Ấn Độ thuộc Anh. Pho sách in nguyên lại bản gốc, trông đồ sộ, có phần tra cứu Việt (Quốc ngữ và Nôm – Latinh), phần tra cứu chữ Nôm xếp theo bộ và số nét (theo Hán tự), có phần về thảo mộc. Thật là một cống hiến quý giá cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam.

Đánh giá như vậy e có người không đồng tình vì cho đây là từ điển Latinh, lại do một người nước ngoài, một cố đạo soạn dành cho người nước ngoài đến Việt Nam (thủy thủ, nhà truyền giáo, nhà buôn). Lập luận như vậy chưa hẳn chính xác.

Theo một quan điểm của môn Nhân học văn hóa thì khi một sản phẩm văn hóa (vật chất hoặc tinh thần) được phổ biến trong một cộng đồng (thí dụ một dân tộc) mà phù hợp với cộng đồng ấy thì nó trở thành một yếu tố của bản sắc văn hóa cộng đồng đó. Sản phẩm ấy có thể phát sinh từ nội tại hay vay mượn từ ngoài qua tiếp biến văn hóa. Như hồ cầm, đàn của người Hồ (Tây vực) nhập vào Trung Quốc trở thành đàn dân tộc Trung Quốc.

Vậy thì bộ từ điển phục vụ tốt tiếng Việt (Nôm và Quốc ngữ) phải được coi là di sản văn hóa của nước ta, mặc dù do người nước ngoài làm và in ở nước ngoài, nhằm đối tượng nước ngoài qua tiếng Latinh. Pho sách trân trọng bảo tồn, ghi từ ngữ chính xác (qua chữ Nôm và chữ Quốc ngữ) như vậy chúng ta củng cố ý thức và văn hóa dân tộc.

Tác giả là người Pháp mà không dùng tiếng Pháp, dùng Latinh để dễ phổ biến cho mọi dân tộc. Họ đã đóng góp cho văn hóa Việt của ta mà hồi đó ta không có khả năng làm. Dĩ nhiên là công trình này có cả sự đóng góp của những người Công giáo Việt Nam có học, các chủng sinh: GS. Trần Văn Toàn (ở Pháp) đã nêu rõ một số điểm trên.


Bìa cuốn Từ điển Taberd, Trung tâm Nghiên cứu Quốc Học,
in năm 2004.

Giám mục J.L.Taberd (1794-1840) sinh ở Saint – Etienne. Năm 1820, ông sang Việt Nam truyền giáo. Năm 1830, ông được giao trách nhiệm coi sóc địa phận Công giáo đàng trong. Do chính sách cấm đạo của Minh Mạng, ông phải trốn sang Bangkok (1833). Không muốn để vua Xiêm lợi dụng chống Việt Nam, ông lại trốn sang Ấn Độ (1834), sau đó được cử làm giám mục Bengale. Ở đó (1838) cuốn từ điển Taberd ra đời.

Trước Taberd, giám mục Pigneau de Béhaine, người phù tá Gia Long và đưa hoàng tử Cảnh sang Pháp, đã khởi công biên soạn một cuốn từ điển An Nam (Việt – Latinh). Nhưng công việc chưa hoàn thành và bị cháy trong một vụ hỏa hoạn ở Cà Mau. Trên cơ sở những ghi chú còn lại của Pigneau de Béhaine, Taberd đã chỉnh lý và soạn cuốn từ điển của mình.

Muốn đánh giá đúng từ điển Taberd, cần thấy hết giá trị và vị trí của chữ Nôm trong văn hóa dân tộc Việt Nam. Chữ viết là một công cụ của ngôn ngữ, hồn của văn hóa dân tộc, dân tộc nào trưởng thành cũng muốn có văn tự riêng. Mấy nước đồng văn với Trung Quốc như ta, Cao Ly, Nhật Bản đều có nhu cầu ấy và đều tạo ra văn tự riêng.

Ý thức dân tộc ta được khẳng định, mài giũa qua hàng ngàn năm với Trung Quốc, nhấn mạnh sự khác nhau giữa Nam (Việt Nam) và Bắc (Trung Quốc):

Nam quốc sơn hà Nam đế cư (Lý Thường Kiệt) và lòng tự hào không kém gì Trung Quốc tuy là nước nhỏ hơn: “Như nước Đại Việt ta từ trước, vốn xưng nền văn hiến đã lâu. Sơn hà cương vực đã chia, phong tục Bắc Nam cũng khác (Bình Ngô đại cáo).

Do ý chí ấy nung nấu, các cụ đặt ra chữ Nôm (Nam). Trong tiếp biến văn hóa Việt Trung, ta vừa thoát Hán để giữ cốt Việt, nhưng đồng thời lại lấy của Hán để làm giàu cốt Việt. Quy tắc chung này cũng đúng với hiện tượng chữ Nôm. Các cụ dựa vào chữ Hán để tạo ra chữ Nôm: hoặc dùng nguyên hình chữ Hán (đọc theo âm ta, hay hơi đổi đi), hoặc lấy hai chữ Hán ghép lại (thường một là ý + một là âm). Ngôn ngữ Việt lại khác về một số thanh âm xa với ngôn ngữ Hán, nên chữ Nôm chưa thật hoàn chỉnh khi chỉ dựa vào chữ Hán (nhất là triều đình không coi văn tự chính thức nên kệ ai muốn viết sao thì viết).

Ít lệ thuộc vào văn tự Hán hơn các cụ nhà ta, người Cao Ly và Nhật chỉ mượn những nét đơn giản chữ Hán mà chế ra cách viết từng vần, từng âm, theo cách phát âm, trông chữ dễ đọc. Vì vậy, đối với ta, học chữ Hán đã khó, học Nôm lại khó gấp đôi.

Dù chưa hoàn hảo, chữ Nôm vẫn là một công cụ hiệu quả để ghi lại các sáng tác bằng ngôn ngữ dân tộc cùng cả một dòng văn học dân gian phát triển song song với văn chương bác học chữ Hán. Không có chữ Nôm thì liệu chỉ bằng truyền khẩu, ngày nay ta còn giữ được Truyện Kiều, tinh hoa văn học của ta không kể cả các truyện Nôm, cả một tòa lâu đài thơ văn Nôm? Có một lý do thôi thúc các cụ tạo ra chữ Nôm, là các cụ muốn ghi tư duy tình cảm của mình qua tiếng nước mình, không qua lăng kính Hán.

Từ Hàn Thuyên, các cụ đã dùng chữ Nôm để sáng tác.

Nhận định giá trị chữ Nôm để thấy giá trị cuốn từ điển chữ Nôm thế kỉ XVIII của Taberd trong việc nghiên cứu văn hóa dân tộc ta về nhiều mặt (lịch sử tiếng Việt, ngữ âm, ngữ nghĩa, ngữ pháp, dân tộc học, thực vật học, lịch sử nói chung).

HỮU NGỌC