Bài 1
遊龍門奉仙寺
已從招提遊
更宿招提境
陰壑生虛籟
月林散清影
天闕象緯逼
雲臥衣裳冷
欲覺聞晨鐘
令人發深省
Phiên âm
DU LONG MÔN PHỤNG TIÊN TỰ(1)
Dĩ tòng chiêu đề du
Cánh túc chiêu đề cảnh
Âm hác sanh hư lại
Nguyệt lâm tán thanh ảnh
Thiên khuyết tượng vĩ bức
Vân ngọa y thường lãnh
Dục giác văn thần chung
Linh nhân phát thâm tỉnh.
Dịch nghĩa
CHƠI THĂM CHÙA PHỤNG TIÊN Ở NÚI LONG MÔN
(Sáng) đã đến thăm chùa Phật,
(Đêm tối) ngủ lại cạnh chùa một đêm.
Trong hang lạnh tối sinh ra tiếng sáo trời,
Ánh trăng sáng trong vườn cây tản mác trên bóng cây đầy đất,
(Trên núi cao) ngưỡng trông bầu trời, sao trời như ở ngay bên cạnh.
Thân mình như nằm ngủ trong mây, áo quần (mảng) bị thấm lạnh.
(Đêm hết, trời gần sáng) nghe tiếng chuông chùa buổi sáng
Khiến cho lòng người phải tỉnh ngộ sâu sắc.
Dịch thơ
Đã bạn với nhà sư;
Lại nằm nhờ cửa Phật...
Hang hút gió vi vu...
Ngàn tỏa trăng trong vắt!
Mây dầm áo lạnh mình...
Trời kề sao sát mặt!
Chuông sớm gọi hồn mê,
Việc đời lòng tẻ ngắt.
Nhượng Tống dịch
Sáng đến thăm chùa Phật,
Ngủ trọ chùa đêm nay.
Hang lạnh vi vu sáo,
Ánh trăng rải rừng cây.
Sao trời ở bên cạnh,
Như nằm ngủ trong mây.
Nghe tiếng chuông buổi sáng,
Chợt tỉnh ngộ lòng này.
Mai Quốc Liên dịch.
1. Viết khoảng lúc Đỗ Phủ 25 tuổi (737) theo “Độc Đỗ tâm giải” (瀆杜心解). Chùa ở huyện Y Khuyết (?), Hà Nam. Có thuyết nói sau khi thi trượt Tiến sĩ, (khoảng 735-736) vào khoảng 30 tuổi (741) đến 33 tuổi (744), Đỗ đến vùng gần Lạc Dương là Y Khuyết (伊闕) Long Môn (龍門) thăm hang chùa Phật nổi tiếng và lưu lại hai bài thơ, đây là một. Chiêu đề: chữ Phạn: thác đề đề sa, thác nhầm thành chiêu, gọi tắt là chiêu đề: chùa Phật.
Bài 2
春日憶李白
白也詩無敵
飃然思不群
清新庾開府
俊逸鮑參軍
渭北春天樹
江東日暮雲
何時一樽酒
重與細論文
Phiên âm
XUÂN NHẬT ỨC(2)LÝ BẠCH
Bạch dã thi vô địch
Phiêu nhiên tứ bất quần
Thanh tân Dữu Khai phủ
Tuấn dật Bão Tham quân
Vị bắc xuân thiên thụ
Giang Đông nhật mộ vân
Hà thời nhất tôn tửu
Trùng dữ tế luân văn?
Dịch nghĩa
NGÀY XUÂN NHỚ LÝ BẠCH(3)
Thơ anh Bạch(4) không ai địch nổi
Tứ thơ phiêu dật khác hẳn người thường
Thanh thoát mới mẻ như (thơ) quan Khai phủ họ Dữu(5)
Mạnh mẽ phiêu dật như (thơ) quan Tham quân họ Bão(6)
Mùa xuân thấy cây cối bên bắc sông Vị Thủy(7) (lại nhớ ông)
Trông đám mây chiều ở Giang Đông (càng thêm buồn)(8)
Ngày nào (được uống với nhau) một chén rượu
Lại cùng bàn luận kỹ càng những chuyện văn chương.
2 . Có bản viết “Xuân nhật hoài Lý Bạch” (Đường thi trích dịch, trang 819).
3. Mùa hạ năm Thiên Bảo thứ 3 (744) hai cự tinh (vì sao khổng lồ) trên thi đàn thời Đường là Lý Bạch và Đỗ Phủ gặp nhau ở Lạc Dương, sau đó cùng đi du lịch châu Lương (nay thuộc tỉnh Hà Nam), trải qua thời gian xa cách ngắn ngủi, mùa xuân năm sau hai người lại gặp nhau ở Duyện Châu.Về sau Lý Bạch đi Giang Đông, Đỗ Phủ đến Trường An. Họ không có dịp gặp lại. Sau này Đỗ Phủ đã viết nhiều bài thơ thể hiện nỗi lòng nhớ Lý Bạch. Bài này nhà thơ làm năm 746, khi trở về Trường An, được đánh giá cao trong các bài thơ viết về Lý Bạch. Nhà thơ biểu hiện lòng ngưỡng mộ, thương nhớ và tình cảm nồng nàn đối với bạn. Những câu như: “Xuân thiên thụ”, “Nhật mộ vân”, đời sau được dùng làm thành ngữ, biểu thị nỗi nhớ nhau của bạn bè, được dùng cho đến ngày nay.
4. Nguyên văn: Bạch dã 白也 (Bạch a, Bạch ấy a), bạn thân nói với nhau, rất thân mật! 也 là hư từ dùng như một dấu phẩy, Đỗ Phủ dùng hư từ rất diệu kỳ.
5. Khai phủ họ Dữu: tức Dữu Tín, tự là Tử Sơn (513 - 581), một nhà thơ thời Nam Bắc triều. Khai phủ là chức quan.
6. Tham quân họ Bão: tức Bão Chiếu, tự là Minh Viễn (445 - 470), cũng là một nhà thơ thời Nam Bắc triều. Tham quan là chức quan.
7. Nguyên văn là Vị bắc: phía bắc sông Vị, khu vực Hàm Dương, Tràng An, nơi Đỗ Phủ đang ở.
8. Giang Đông: nơi Lý Bạch ở. Phía nam hạ lưu sông Trường Giang, ngày nay thuộc phía nam tỉnh Giang Tô và phía bắc tỉnh Triết Giang. Lúc này Lý Bạch đang phiêu bạt ở Đông Ngô. Hai câu tả sự ngưỡng mộ Lý Bạch của nhà thơ. Trong thơ đối cử hai nơi hai cảnh, một nói rõ hai người ở hai nơi cách nhau ngàn dặm, một tả nỗi lòng nhớ bạn của tác giả. Tình cảm này được thể hiện tha thiết, khéo léo. “Xuân thiên thụ” (Cây ngày xuân) là cảnh thực ngay trước mắt; “Nhật mộ vân” (Mây chiều tối) là tưởng tượng của tác giả, cũng là để chỉ cuộc đời phiêu bạt vô định của Lý Bạch.
Dịch thơ:
Lý Bạch thơ ai sánh,
Lâng lâng tứ tuyệt trần.
Thanh hơn Dữu khai phủ,
Cao chấp Bão Tham quân.
Mây đất Giang Đông tối,
Cây trời Vị bắc xuân.
Bao giờ một nậm rượu,
Lại cùng luận thơ văn.
Nam Trân dịch
Anh Lý, thơ vô địch
Nhẹ bay tứ tuyệt luân
Trong như Dữu Khai phủ
Mạnh sánh Bão Tham quân
Giang Đông mây chiều tối
Vị bắc cây trời xuân
Bao giờ một bầu rượu
Gặp nhau, bàn thơ văn.
Mai Quốc Liên dịch
Bài 3
自京竄至鳳翔喜達行在所 (三首選二)
其一
西億岐陽信
無人遂卻回
眼穿當落日
心死著寒灰
茂樹行相引
連山望忽開
所親驚老瘦
辛苦賊中來
Phiên âm
TỰ KINH THOÁN CHÍ PHƯỢNG TƯỜNG HỈ ĐẠT HÀNH TẠI SỞ (tam thủ tuyển nhị)
Kỳ nhất
Tây ức Kỳ Dương tín
Vô nhân toại khước hồi
Nhãn xuyên đương lạc nhật
Tâm tử trước hàn khôi
Mậu thụ hành tương dẫn
Liên sơn vọng hốt khai
Sở thân kinh lão sấu
Tân khổ tặc trung lai.
Dịch nghĩa
Phía TỪ KINH CHẠY ĐẾN PHƯỢNG TƯỜNG MỪNG TỚI ĐƯỢC CHỖ VUA(9)
(ba bài chọn hai)
Bài 1
Tây nhớ mong tin tức Kỳ Dương
Không người truyền báo đành trở gót
Mắt rõi theo hướng mặt trời đang lặn
Lòng lặng chết như tro lạnh
Hàng cây rậm rạp dẫn đường đi
Núi liên miên bỗng nhiên mở lối
Người thân thuộc kinh ngạc kêu lão sao gầy guộc
(Thương lão) đã khốn khổ từ chốn giặc thoát ra.
9. Tháng 2 năm Chí Đức thứ 2 (757), Túc Tông từ Bành Nguyên dời đến Phượng Tường. Vào tháng 4 Đỗ Phủ đã mạo hiểm tính mạng từ cửa Kim Quang Trường An chạy trốn, theo đường nhỏ chạy đến Phượng Tường. Tác giả chú rằng: “Tự kinh thoán Phượng Tường” (Từ kinh đô chạy đến Phượng Tường). Chùm thơ này làm sau khi đến được Phượng Tường.
Dịch thơ
Tin tức Kỳ Dương ngóng,
Người về nào thấy ai.
Tro tàn, lòng đã chết,
Bóng xế, mắt không rời.
Theo khói cày lần bước,
Chợt đồi núi mở đôi.
Bạn kinh mình hốc hác:
Vùng giặc thoát đây rồi!
Bảo Định Giang dịch
其二
愁思胡笳夕
淒涼漢苑春
生還今日事
間道暫時人
司隸章初睹
南陽氣已新
喜心翻倒極
鳴咽淚沾巾
Phiên âm
Kỳ nhị
Sầu tư Hồ già tịch
Thê lương Hán uyển xuân
Sinh hoàn kim nhật sự
Gian đạo tạm thời nhân.
Tư Lệ chương sơ đổ
Nam Dương khí dĩ tân
Hỉ tâm phiên đảo cực
Minh yên lệ triêm cân.
Dịch nghĩa
Não lòng nhớ tới những buổi tối nghe tiếng kèn Hồ(10)
Cảnh xuân thê lương ở vườn Hán Khúc Giang(11)
Được sống trở về là chuyện bây giờ
Còn trên đường đi chỉ là người sống tạm
(chẳng biết chết lúc nào)
Điển chương Tư Lệ mới được thấy đây(12)
Khí Nam Dương đã đổi thay rồi(13)
Lòng đang vui lại đảo hẳn lại
Nghẹn ngào lệ ướt đẫm khăn.
10. Nhớ tới khi còn ở Trường An.
11. Nguyên văn dùng Hán uyển tức vườn Hán, trỏ vườn cây ở cạnh sông Khúc Giang nơi kinh đô. Ở đây chỉ Cấm uyển ở Trường An, triều Đường.
12. Tư Lệ chương: điển chương thời Hán Quang Vũ. Hán Quang Vũ tức Lưu Tú, làm Tư Lệ hiệu úy, đã khôi phục vương triều Hán từ triều Vương Mãng. Ở đây dùng ví với Túc Tông dẹp nghịch tặc dựng lại triều Đường.
13. Khí Nam Dương: khí lành Nam Dương. Hán Quang Vũ người Nam Dương, dùng ví với Đường Túc Tông. Khí Nam Dương: khí tượng Trung Hưng. Quang Vũ Đế Lưu Tú, khởi binh ở Thung Lăng (nay là Tảo Dương, Hồ Bắc). Thuật sĩ Tô Bá A nhận lệnh của Vương Mãng đến Nam Dương, nhìn về Thung Lăng nói: “Khí lành thay! Dồi dào tốt đẹp thay!”.
Dịch thơ
Não lòng kèn Hồ tối,
Thê lương Trường An xuân.
Sống về, mừng biết vậy;
Đường trường, náu tấm thân.
Điển chương mừng thấy lại,
Nam Dương rực khí thần.
Đang vui, sầu trở lại.
Nghẹn ngào lệ đẫm khăn.
Mai Quốc Liên dịch
Bài 4
別房太尉墓
他鄉復行役
駐馬別孤墳
近淚無乾土
低空有斷雲
對棋陪謝傅
把劍覓徐君
惟見林花落
鶯啼送客聞
Phiên âm
BIỆT PHÒNG THÁI ÚY MỘ
Tha hương phục hành dịch
Trú mã biệt cô phần
Cận lệ vô can thổ
Đê không hữu đoạn vân
Đối kỳ bồi Tạ Phó
Bả kiếm mịch Từ Quân
Duy kiến lâm hoa lạc
Oanh đề tống khách văn.
Dịch nghĩa
TỪ BIỆT MỘ PHÒNG THÁI ÚY(14)
Ta lại đi công cán nơi quê người,
Dừng ngựa giã từ nấm mồ lẻ loi.
Chỗ gần nước mắt, không có đất khô ráo
Dưới vòm trời, có những đám mây đứt đoạn (vì buồn).
Đánh cờ với Tạ Phó,
Mang gươm tìm Từ Quân(15),
Chỉ thấy hoa rừng rụng,
Nghe oanh hót tiễn đưa người…
14. Bài này làm vào tháng 2 năm Quảng Đức thứ 2 (764), khi Đỗ Phủ sắp từ Lang Châu đi đến Thành Đô, trước khi đi đã đến mộ Phòng Thái úy khóc biệt. Phòng Thái úy tức Phòng Quán.
15. Tạ Phó tức Tạ An, đời Tấn, đang đánh cờ với bạn thì có thư đến báo tin có giặc, Tạ An buồn bã. Từ Quân: Lưu Hướng, người thời Xuân Thu. Thuyết uyển: "Ngô Lý Trát đi sứ sang Tấn thuận đường ghé thăm Từ. Biết Từ thích thanh kiếm của mình, Lý Trát định khi về sẽ tặng bạn nhưng khi tới thì Từ đã chết, liền lấy thanh kiếm cắm lên mộ ông rồi đi. Ở đây Tạ Phó và Từ Quân trỏ Phòng Thái úy tức Phòng Quán.
Dịch thơ
Dừng ngựa bên mồ bạn.
Quê người nay bỏ nhau!
Lệ dài đất đầm ướt.
Trời thấp mây dầu dầu,
Trút kiếm người nào thấy!
Hầu cờ chuyện đã lâu!
Hoa ngàn thầm lặng rụng
Oanh hót giục ai sầu!
Nhượng Tống dịch
Quê người còn lang bạt,
Dừng ngựa thăm mồ hoang.
Lệ rơi ướt mặt đất,
Trời cao mây che ngang.
Đánh cờ, học Tạ Phó,
Mang kiếm, tìm Từ Quân.
Chỉ thấy hoa rừng rụng,
Tiếng oanh đưa dặm ngàn.
Mai Quốc Liên dịch
Bài 5
閣夜
歲暮陰陽催短景
天涯霜雪霽寒宵
五更鼓角聲悲壯
三峽星河影動搖
野哭千家聞戰伐
夷歌幾處起漁樵
臥龍躍馬終黃土
人事音書漫寂寥
Phiên âm
CÁC DẠ
Tuế mộ âm dương thôi đoản cảnh
Thiên nhai sương tuyết tễ hàn tiêu
Ngũ canh cổ giác thanh bi tráng
Tam giáp tinh hà ảnh động dao
Dã khốc thiên gia văn chiến phạt
Di ca kỷ xứ khởi ngư tiều
Ngọa Long, Dược Mã chung hoàng thổ
Nhân sự âm thư mạn tịch liêu.
Dịch nghĩa
ĐÊM TRÊN GÁC(16)
Cuối năm, sáng tối đuổi nhau đi mau, ngày ngắn lại(17)
Nơi chân trời, sương tuyết vừa tạnh trong đêm lạnh
Suốt năm canh, tiếng tù và thanh âm bi tráng(18)
Nơi Tam Giáp bóng sao bóng sông Ngân xao động
Qua tiếng khóc nơi đồng nội của ngàn nhà, nghe tiếng
chiến trận
Mấy nơi tiếng dân ca miền núi do các ông chài, ông hái củi
ca lên(19)
Ngọa Long (Khổng Minh), Dược Mã (Công Tôn Thuật)
cuối cùng cũng biến thành đất thó(20)
Việc người, tin tức những vắng tanh.
16. Bài này làm năm 766 khi nhà thơ trú đêm tại Tây Các ở Quỳ Châu. Lúc này bạn bè của ông ở Tứ Xuyên đều chết cả rồi và đất Tứ Xuyên còn loạn.
17. Ý nói: cuối năm, ngày đông ngắn.
18. Ý nói: loạn lạc.
19. Những người câu cá, đốt than mà cũng hát những bài ca của người rợ, đủ thấy tập tục thay đổi lắm rồi.
20. Ngọa Long tức Gia Cát Lượng (Tam Quốc) Dược Mã tức Công Tôn Thuật (cuối Hán). Thuật cũng đã từng chiếm đất Thục xưng đế. Ở Quỳ Châu đều có di tích và đền thờ của hai người đó. Ý nói: triều đình, bè bạn quên mình thì cũng buồn, nhưng nghĩ lại trung như Gia Cát Lượng hay nghịch như Công Tôn Thuật rồi cũng chết, nhân dân ngày nào cũng mắc nạn chiến tranh, nỗi buồn của mình thấm vào đâu!
Dịch thơ
Ngày tàn gần tết mau trưa, tối!
Đêm lạnh phương trời sạch tuyết, sương!
Ba Thác ánh sao rung nhấp nháy!
Năm canh tiếng ốc thổi buồn thương!
Quăng chài mấy kẻ nghêu ngao sớm!
Chết trận đầy đồng khóc lóc vang!
Việc nước, tình nhà đầu giục bạc!
Công cao, danh lớn, đất trơ vàng!
Nhượng Tống dịch
Âm dương năm hết ngày thâu lại,
Sương tuyết phương trời đêm sáng ra.
Bi tráng năm canh hồi trống ốc,
Lung lay Tam giáp bóng ngân hà.
Muôn nhà giặc giã đồng quê khóc,
Mất chỗ ngư tiều khúc rợ ca.
Dược Mã, Ngọa Long rồi hóa đất,
Sự đời, tin bạn não gì ta!
Khương Hữu Dụng dịch
Năm tàn, ngày ngắn ruổi qua nhanh
Đêm lạnh, chân trời tuyết ráo quanh
Năm canh tiếng trống dồn bi tráng
Ba Thác, ngàn sao động đáy duềnh
Chết trận nghìn nhà òa tiếng khóc
Quăng chài mấy khúc trỗi ca thanh
Ngọa Long, Dược Mã rồi ra đất
Tin tức gần đây cũng vắng tanh.
Mai Quốc Liên dịch