Một ít chuyện làm báo

Tôi ở 63 Lý Tự Trọng Thành phố Hồ Chí Minh suốt thời kỳ cơ quan Đại diện như là tiền phương của báo Quân đội nhân dân trong chiến tranh biên giới Tây Nam. Giữa một Sài Gòn phồn hoa, bình yên và nhiều vui thú, nhóm phóng viên thường trú ở cơ quan Đại diện ngày đêm sống với chiến tranh. Chúng tôi chia nhau đi dọc biên giới lấy tài liệu nóng hàng ngày để đưa tin, viết bài.

Thường là những chuyến đi ngắn, vội vã, nay đi, mai về, lăn ra viết rồi sang văn phòng Đại diện báo Lao động bên kia vườn hoa, uống với nhau vài vại bia hơi, lại ra biên giới...

Cơ quan lúc nào cũng râm ran chuyện đánh giặc, ăn vội, đi vội. Lâu lâu để nuôi cái không khí trận mạc, Tổng Biên tập Trần Công Mân lại bay vào cầm quân đi một chuyến thực tế để khích lệ sĩ khí các sĩ quan làm báo.

Cuộc sống tốc độ làm chúng tôi máu mê những chiếc Honda. Loạt Honda đầu tiên của cơ quan Đại diện là tốp Cao Tiến Lê, Trọng Lượng, Hoàng Như Thính, Tô Phương, Thiều Quang Biên và Trần Đình Bá nhặt từ sân bay Tân Sơn Nhất về.

Hầu hết xe đã cũ nát, do người vội di tản bằng máy bay vứt lại. Chỉ có chiếc Kavazaky 125 phân khối, anh Lê nhặt từ Nha cảnh sát đem về là mới. Chiếc này cao lênh khênh, vốn của cảnh sát dùng cho việc truy đuổi, như ngựa bất kham. Nhà văn Cao Tiến Lê được Trọng Lượng dạng hai chân theo tư thế xuống tấn giữ đuôi, để anh leo lên xe vài lần, cũng chỉ dám đi vài vòng trong sân, rồi đút gầm cầu thang.

Ở báo Quân đội nhân dân trong chiến tranh phá hoại, từng có tổ phóng viên Trần Thắng với xe đạp Vĩnh Cửu có đèn bão sơn đen treo tay lái, đi từ Hà Nội vào Vĩnh Linh, ăn ngủ tại các trận địa dọc đường liền hai tháng để viết bài dọc hành trình bom đạn.

Chiếc Kavazaky rồi vào tay phóng viên ảnh Vũ Đạt. Đạt nhỏ con, người ngợm như cóc gặm, nhưng lại là một tay chơi liều lĩnh, hợp với ngựa chứng. Đạt tự sang sửa chiếc xe và thường chọn tôi ngồi sau ôm eo. Có mấy lý do vì sự chọn này.

Một là, tôi viết bài, Đạt chụp ảnh vừa một cặp lại khá ăn ý. Hai là, tôi là đứa dễ sai, không phá quấy, Đạt ưa. Ba là, tôi với Đạt từng một chuyến chia ngọt xẻ bùi đi dọc Trường Sơn vào mặt trận Đông Nam Bộ, ngay trước cuộc Tổng tiến công Mùa xuân năm 1975.


Đón xe từ mặt trận trở về để hỏi thăm tin tức.
Ảnh: Đoàn Công Tín.

Chuyến ấy, xe vừa ra đầu ô thì có người mặc áo mưa đứng chắn. Đạt nhảy xuống quát lác kẻ liều lĩnh dám bịt mặt chắn đường, bỗng ngớ ra vì đó là một cô gái Hà Nội nhỏ nhẹ và xinh đẹp, Đạt từng quen trong một lần đi làm báo. Tôi vội ghi được vài pô, sau đó ra giá với Đạt mỗi ảnh một bao Tam Đảo.

Sau tháng 4 năm 1975, Đạt không chỉ tặng tác giả cả tút thuốc mà còn kèm theo cả bánh cốm Hàng Than, chè móc câu Thái Nguyên và hạt sen Đình Bảng, tất cả đều thắt nơ đỏ. Cặp nhân vật trong ảnh nên vợ nên chồng...

Ngày đầu cuộc chiến đấu giải phóng Campuchia khỏi ách diệt chủng Pôn Pốt, cơ quan Đại diện thường chỉ còn lác đác mấy anh chị giữ gôn ở nhà. Tất cả bám theo đơn vị tỏa đi các hướng chiến trường.

Phóng viên ảnh Bá Thước theo xe tăng ở bến sông Niết Lương tăng dồn ứ lại, Thước nhảy xuống xe vừa chụp ảnh, vừa hò hét cứ như chỉ huy tiểu đoàn. Cũng nơi bến sông Niết Lương này Tất Thắng, phóng viên trẻ, tài năng của báo Quân đội nhân dân đã ngã xuống trong một đêm vượt sông...

Thắng là sinh viên khoa báo chí về báo Quân đội thực tập với tấm bằng mới tốt nghiệp và cuốn tiểu thuyết đầu tay Hoa tuy-líp, Nhà xuất bản Thanh niên in, vừa phát hành. Thắng xung phong đi thực tế mặt trận ngay chuyến công tác đầu tiên cùng với phóng viên quân sự kỳ cựu Nguyễn Thắng.

Họ đến Niết Lương trong đêm, bị pháo địch bắn phủ đầu. Tất cả được lệnh nhảy xuống xe, chạy đến khu ẩn nấp. Thắng cận nặng, đeo kính mười đi-ốp, lúc nhảy xuống xe, kính bị văng, không còn nhìn thấy gì. Trong lúc lần mò tìm kính, Thắng bị đạn pháo, ngã xuống, tay còn xoa trên mặt cỏ dò tìm...

Từ lâu lắm tôi ao ước cơ quan Đại diện nên có hình thức nào đó giữ lại những kỷ niệm một thời phóng viên mặt trận đáng nghiêng mình như Tất Thắng, để đồng đội nhớ về nhau, nhưng ước muốn vẫn còn xa lắc...

Bây giờ thì Vũ Đạt với hai máy Pratica Cộng hòa liên bang Đức khoác chéo người, đèo tôi sau lưng, phóng Kavazaky như bay vượt qua biên giới vào vùng đất Prâyveng chiến tranh vừa đi qua, khói súng còn khét lẹt và nhiều đám cháy cuốn khói đen ngoài bờ sông.

Rất nhiều phóng viên Quân đội đang cuốn theo cuộc thần tốc vào Phnôm Pênh của Quân đoàn 4. Chiếc ô-tô con biển số quân sự đi trước chúng tôi trên con đường vắng hoe bỗng đường đột dừng lại vì thấy chiếc Kavazaky bám sát phía sau. Nhận ra chúng tôi, chiếc xe ô-tô nhường đường cho mô-tô phóng viên đi trước.

Càng vào vùng địch phản pháo, Đạt phóng xe càng hăng. Chiếc Kavazaky chồm chồm nhảy qua các bờ ruộng giống như “cát-ca-đơ” trong phim hành động. Để giảm tốc độ, tôi chỉ còn cách cấu thật mạnh vào hai bên eo lổn nhổn những xương của người cầm lái. Như là không biết đau, Đạt lao xe qua một bờ cây rồi khựng lại.

Đó là một trận địa pháo 122 ly, lính ta mới thu được của địch, đang quay nòng về hướng truy kích, bắn chặn đầu. Đạt tác nghiệp nhanh như máy. Chốc lát, tôi đang hỏi chuyện mấy cậu lính, Đạt đã nhảy lên xe, giục đi.

Tôi hỏi: “Đi đâu?”

Hắn không giải thích, giục: nhanh lên, kẻo nguội mất mẹ nó bây giờ.

“Cái gì nguội?”, Tôi hỏi.

Hắn gắt: Mặt người nó nguội chứ còn cái gì. Im tiếng súng tí nữa, mọi việc yên ổn, cảnh nhạt hoét...

Chúng tôi no nê một ngày làm báo, trở lại Sài Gòn vào tầm nửa đêm, thức đến sáng để làm ảnh, viết bài. Viết xong, những tưởng chỉ mình nhanh chân, có tư liệu độc nào ngờ ra khỏi cửa mới biết Anh Ngọc, Nguyễn Thắng, Thiều Quang Biên còn nhanh hơn cả Kavazaky. Mấy hắn đã làm xong mọi việc và rủ nhau khao hủ tiếu.

Ít ngày sau, tôi và nhà thơ Anh Ngọc vào. Vừa đến Phnôm Pênh buổi trưa, được nhà mỹ học Sơn Nam, cán bộ tuyên huấn của Quân đoàn 4 đãi một bữa nước thốt nốt thay bia ngon tuyệt, tối Anh Ngọc rủ tôi đến thăm anh Vũ Cao, Tham mưu trưởng quân đoàn.

Anh Vũ Cao là nhà quân sự, nhưng yêu văn học, từng viết tập ký khá hay Bảy ngày đến Phnôm Pênh. Anh nói về chiến tranh cứ như tập trận và khơi gợi nhiều mới lạ về Campuchia cổ kính và trần trụi ở phía trước, làm hai chúng tôi hào hứng xin được theo HU1A lên vùng núi Các-đa-môn, nơi ta và địch còn đang tranh chấp.

Bay chừng nửa giờ, dưới cánh bay chỉ núi là núi. Nửa giờ nữa máy bay nâng độ cao để giữ an toàn. Nửa giờ nữa, tổ lái báo phía dưới có hỏa lực của tàn quân Pôn Pốt bắn lên. Thay vì lên cao, máy bay đường đột lao xuống thấp, bay ngoằn ngoèo theo thung núi, rồi vội đáp xuống vạt đất yên ngựa có đám khói do lính ta đốt chỉ điểm hạ cánh.

Chúng tôi đeo balô vừa nhảy xuống đất, chưa kịp chào nhau, chiếc HU1A đã vội bốc lên. Lính ta khoái máy bay đã bỏ lại hai chàng toòng teng máy ảnh, chĩa súng lên trời bắn chào mấy loạt...

Tôi và Anh Ngọc được dẫn đến sở chỉ huy của tiểu đoàn 4 đóng quân trong khu Ba Nhà. Sau này, về Sài Gòn đọc thêm tài liệu mượn được của anh Trần Thanh Phương, một nhà sưu khảo khá nổi tiếng công tác ở báo Đại đoàn kết, tôi mới biết thêm khu Ba Nhà là vùng nghiêng của Các-đa-môn, có khí hậu nghiệt ngã nhất Đông Dương, hang ổ của sốt rét ác tính.

Ba Nhà đơn độc vùng này, vốn là trạm hậu cần của lính Pôn Pốt. Lính ta tiếp quản nhưng không ở được trong nhà vì hôi hám bốc ra từ rất nhiều đống da trâu, da bò lẫn lộn với xương cốt...


Rộn bước quân hành. Ảnh: Đoàn Công Tín.

Ngay cả ở các đơn vị của Quân khu 6 ở lọt trong vùng cực Nam Trung Bộ, bốn phía địch bao vây tôi từng gắn bó trong chiến tranh cũng không đến nỗi kham khổ như lính tình nguyện ở khu Ba Nhà.

Ngày ba bữa cơm muối trắng. Đêm lính lục tục di chuyển chỗ ngủ một vài lần đề phòng địch tập kích. Những lính trẻ da dẻ bủng beo, chân tay lòng thòng vì không còn cơ bắp, suốt ngày lùng lũ giặc đã hóa phỉ ẩn nấp trong rừng.

Sáng nào tôi cũng bắt gặp cảnh lính ta lặng lẽ khiêng cáng đồng đội trên con đường mòn ngang qua khu Ba Nhà. Những cái chết bị vấp mìn, bị bắn tỉa, bị sốt rét ác tính và vì muôn vàn thứ do rừng hoang, thiếu thốn và ác liệt gây ra...

Chúng tôi ở khu Ba Nhà chừng mươi ngày thì được trinh sát dẫn đường ra Lếch, thị trấn nhỏ ven rừng, vốn là đại bản doanh của Tà Mốc, Tham mưu trưởng tàn ác khét tiếng của quân Pôn Pốt.

Vừa bước vào thị trấn, Anh Ngọc bỗng lặng người nhìn hút hồn đoàn rước dâu ngang qua. Sau này, đọc trường ca Mê Kông bốn mặt của Ngọc, tôi mới tạm hiểu cái giây phút lặng người của nhà thơ ở Lếch; giây phút bất ngờ lóe sáng, run rẩy vì chợt đến của những câu thơ của thiên trường ca tài hoa về sự hi sinh, tự do và những nụ cười Bayon huyền bí...

Chúng tôi rời Lếch một cách may mắn, vì chỉ vài giờ sau đó đã rơi vào đơn vị hậu cần làm công việc đánh cá Biển Hồ. Chủ nhà là một sĩ quan quê Thanh Hóa đã hào phóng khao chúng tôi một bữa toàn cá rô nướng lại còn biếu một con cá nặng 16 cân, tôi và Ngọc phải khiêng như khiêng quả đạn cối 120 ly.

Quả đạn cối trên vai chúng tôi cứ lủng lẳng khiêng mà bước qua mọi trạm gác nghiêm ngặt, vào thẳng chỉ huy sở Quân đoàn 4. Cả sở chỉ huy tiền phương bấy giờ có chừng hai chục người. Con cá thì những 16 cân, nào nướng, nào canh chua, nào rán cũng chỉ hết non nửa, nửa kia phải gọi đơn vị đến giúp....

Tại tiền phương của Quân đoàn 4, chúng tôi nhận được tin nhắn từ cơ quan Đại diện rằng đi Pai-lin, vùng mỏ kim cương, hậu cứ của Pôn Pốt, dự lễ mừng công của Quân đoàn.

Vùng mỏ kim cương không giống như tôi hình dung; không có vẻ gì giàu có mà xơ xác, bụi đất màu cám rang mù mịt trong nắng gió hầm hập. Cảnh lễ mừng công của Quân đoàn cũng không giống như tôi tưởng, không phải đơn sơ chiến trường mà như một ngày hội lớn, có đội kèn đồng với quân phục đại lễ trắng nõn, đeo ngù vàng, đứng dưới mái hội trường dựng tạm, lợp lá, tấu vang lừng bản Tiến bước dưới quân kỳ như cho cả đội hùng binh diễu qua quảng trường...

Tôi có gặp một tổ phóng viên của một số tờ báo từ Thành phố Hồ Chí Minh bay chuyến TP.HCM - Xiêm Riệp rồi đáp ô tô đã kịp đến Pai-lin đúng lúc kèn đồng vừa ngạo nghễ cất lên. Họ đến nhanh và cũng đem nhanh tiếng kèn đồng thắng trận về thành phố báo tin cho độc giả.

Tin thắng trận không có cảnh những người lính sốt rét ở khu Ba Nhà. Cuộc chiến được nhìn từ tấm áo choàng lộng lẫy trên người các anh lính tình nguyện đã che khuất hàng vạn chiến sĩ đã lặng lẽ ngã xuống trên những cánh rừng, đồng ruộng, con đường của đất nước gần gũi mà xa xôi này...

Sau chuyến đi nhiều kỷ niệm với nhà thơ Anh Ngọc, tôi trở lại Campuchia một lần nữa, băng qua những cánh rừng khộp cuối mùa khô, đến thành phố có biểu tượng mặt trăng xanh trôi trên những lá thốt nốt - thành phố Stung Treng.

Chẳng có thành phố nào trên bán đảo Đông Dương tôi đã qua lại lạ lẫm như Stung Treng này. Phố chỉ mấy dãy nhà, ban ngày người ngơ ngơ ngác ngác như buồn ngủ, nhưng đêm đến thì không chỉ người mà ngọn cỏ, lá cây cũng như bừng tỉnh, rung rinh trong háo hức mời gọi của tiếng trống tạ-pôn.

Tôi lọt vào vòng vây của một đám trai gái múa không biết mệt. Vài giờ lúc chập tối chỉ là múa xã giao. Khách khứa đến chung vui được phụ nữ cung kính cúi người mời rượu rồi mời múa vài vòng. Trẻ con và người cao tuổi cũng vào vòng múa trong giờ trước khi đi ngủ.

Màn xã giao và vui múa cộng đồng kết thúc một cách tự giác khi một chàng trai vạm vỡ bước ra, nhận chiếc trống từ tay một ông già. Chàng trai tung trống lên như trò xiếc tung hứng, rồi chộp lấy, kẹp đuôi trống vào hai bắp vế, hai bàn tay vỗ lên mặt trống bọc da trâu nhanh như tan biến...

Nhịp trống dồn dập vang lên. Vòng múa chỉ còn lại nam thanh nữ tú. Các cô gái của thành phố miền sơn cước với bộ ngực vĩ đại, cặp mông quen lội rừng, trèo núi rắn chắc và đồ sộ bước ra. Họ càng múa, khối cơ thể tưởng như nặng nề kia chuyển động mềm mại như mèo cái động tình và quyến rũ một cách kỳ lạ. Những đôi mắt to, rất nét. Những cặp môi dày nóng bỏng. Những khuôn cằm đầy đặn... Tất cả như rực lên ngọn lửa tình.

Các chàng trai bước vào. Họ múa, không chạm tay vào nhau, nhưng vẫn cuốn vào nhau như có sợi dây vô hình ràng buộc. Càng múa, đất dưới chân họ như bỏng lên. Các cô gái xoay người, xoay người lắc mông, lắc ngực. Họ lắc cho cơ thể thả lỏng dần, hai bầu vú căng cứng đột nhiên chuyển động mềm mại, đập vào nhau thành tiếng bì bạch như tiếng bàn tay trẻ con vỗ êm ái trong lồng ngực...

Tôi trắng đêm ở Stung Treng múa. Thiên nhiên báo chuyển mùa bằng tiếng sinh sôi của rừng. Rì rào như một cơn mưa nhẹ, nhưng không phải mưa, mà là hơi ẩm tràn về làm cho lớp vỏ khộp cong vênh vì khô nắng suốt sáu tháng, nay đột ngột gặp hơi ẩm vội tách nứt, để lộ những mầm non ngơ ngác trong đó. Tôi được sống trong đêm cuối cùng của mùa khô phương Bắc nước bạn.

 Trích hồi ký Một ít chuyện làm báo

HÀ ĐÌNH CẨN