Thưa ông Mục sư,
Tôi xin cảm ơn ông về những tập sách nhỏ và thư mà ông đã có nhã ý gửi cho tôi. Tôi đã đọc rất chăm chú lời kêu gọi của ông. Các dự án của ông rất đáng ca ngợi và tôi chắc rằng nó sẽ được những người thiện tâm tán thành và khích lệ.

|
Nguyễn Ái Quấc (ảnh chụp vào đầu thập niên 1920) |
Tuy nhiên tôi xin lưu ý ông về vài điểm trong lời kêu gọi dường như đi ngược lại với ý tưởng cơ bản của công việc của ông, bởi vì những điểm này có thể gây ra sự xung đột tình cảm ở những người mà sứ mệnh của ông đang hướng tới.
Trước khi làm việc đó, tôi mong ông tin rằng tôi nhấn mạnh những điểm này không phải vì tinh thần phê phán hay càng không phải vì tinh thần tranh luận. Là người Việt Nam(1), tôi biết điều mà những người Việt Nam khác suy nghĩ và, trong những phương tiện eo hẹp của tôi, tôi muốn giúp đỡ tất cả những ai đang hoạt động vì lợi ích của đồng bào tôi tránh được những trở ngại có thể xảy ra. Vì vậy tôi phải nói một cách thành thật thẳng thắn điều mà tôi tin là có ích cho ông.
Như tất cả những gì thuộc về lý tưởng, tôn giáo không có và không nên có biên giới, và những người đảm nhiệm công việc truyền bá tôn giáo phải tự đặt mình lên trên mọi chủ nghĩa dân tộc và mọi lợi ích chính trị, vì vậy cho nên, theo thiển ý của tôi, từ “Đông Dương” ngắn gọn, không có tính từ, diễn tả tốt hơn(2) ý tưởng của Người(3) mà tất cả chúng ta đều thương yêu và niềm hy vọng của những ai mà ông muốn dạy thương yêu Người. Tính từ “thuộc Pháp” đặt sau “Đông Dương” mang lại một hiệu ứng hoàn toàn trái ngược với điều mà ông và chúng tôi muốn; bởi vì, như ông nói, công việc của Chúa Cơ Đốc là một công cuộc giải phóng và giải thoát, trong khi chủ nghĩa thực dân dù là kiểu nào cũng là một công cuộc áp bức và nô dịch. Đông Dương bị đô hộ không thể là một Đông Dương thật sự của đạo Cơ Đốc.
Dường như Hội thanh niên Cơ Đốc(4) ở Đông Dương chỉ mở cửa cho những cựu quân nhân, sinh viên và con cái của quan lại. Như vậy, phải chăng nó đóng cửa đối với quần chúng, trong khi chỉ có quần chúng mới có nhu cầu nhiều nhất được an ủi và chiếu rọi ánh sáng?
Trong lời kêu gọi của ông Đại úy Monet có câu “đối với người Việt Nam, sự dối trá và giấu diếm là những tài khôn khéo rất đáng khen ngợi”. Tôi lấy làm tiếc rằng một vài hạng người Việt Nam có những khuyết điểm ấy - khốn thay, trong mọi quốc gia và mọi dân tộc đều có những hạng người như vậy. Những khuyết điểm ấy là những khuyết điểm đáng ghét và có ở người Việt Nam cũng như ở những người khác. Hơi xa sự thật khi nói rằng người Việt Nam xem những khuyết điểm này như những tài khôn khéo rất đáng khen ngợi, nghĩa là như những phẩm chất của dân tộc. Ông biết rằng người Việt Nam ngay từ khi còn nhỏ đã học chữ “trung” và chữ “tín”(5) như những đức hạnh hàng đầu sau lòng hiếu thảo.
Xa hơn một chút, người ta nói “những đặc điểm về sự giấu diếm hay ích kỷ như vậy chỉ là kết quả của những nguyên lý cốt yếu của “triết lý Khổng giáo” và của Phật giáo v.v…”. Tôi tin rằng chỉ có một triết lý, một nguyên lý và một tôn giáo cho tất cả mọi người, bởi vì chỉ có một Chân lý. Chúng ta chỉ được phép thấy Chân lý này từ phía chúng ta đang đứng và chúng ta đặt tên cho nó theo cái mà chúng ta thấy hay đúng như chúng ta có thể thấy: Khổng Tử hay Phật đối với người phương Đông và Chúa Cơ Đốc đối với người phương Tây.
Phật giáo + Khổng giáo + Cơ Đốc giáo = Điều Tốt Đẹp.
Bởi vì chúng ta có được hạnh phúc chiêm ngưỡng cùng một lúc cả ba nguồn sáng này, nên chăng ông yêu thích cả ba và cố gắng điều hòa cả ba với bản tính của chúng ta để làm cho bản tính đó tốt hơn, thay vì đem ba cái đó ra đối chọi lẫn nhau.

|
Lá thư của Nguyễn Ái Quấc gửi mục sư Ulysse Soulier |
Ông Đại úy Monet nói rằng “những tín đồ Cơ Đốc Pháp phải hiểu rằng dân Việt Nam bị áp bức về mặt tinh thần(6) và họ đau khổ vì sự áp bức đó”. Điều phát hiện này hoàn toàn đúng, nhưng không đủ, bởi vì dân Việt Nam cũng bị áp bức cả về các mặt vật chất, xã hội và chính trị lẫn về mặt tinh thần. Người ta không thể biến họ thành những tín đồ Cơ Đốc tốt bằng cách chỉ làm nhẹ bớt một phần khổ đau của họ, cũng như người ta không thể làm cho một người mạnh khỏe bằng cách chỉ chữa một phần bệnh của người đó, ngược lại người ta có thể rủi ro biến người bệnh thành người bại liệt. Tôi thiết tưởng rằng những lợi ích về tinh thần và những lợi ích về vật chất phải đi song song với nhau, vì cái này không thể được thực hiện nếu không có cái kia. Và tại sao chúng ta, những người tranh đấu cho sự thật, lại không nói lên toàn bộ sự thật?
Ở cuối lời kêu gọi, ông đại úy Monet nói phải cố hết sức biến 3.000 sinh viên thành những tín đồ Cơ Đốc thật sự và thành những người Pháp tốt(7). Đối với một người hay một xạ hội, thật sự không thể hoàn thành cùng một lúc hai sứ mệnh trái ngược nhau: một sứ mệnh đẹp nhất, cao quý nhất: sứ mệnh rao giảng Phúc âm, dạy cho mọi người thương yêu Thượng đế và đồng loại của họ; và sứ mệnh kia, đặt một nhóm người “vào những đẳng cấp” và khuyến khích họ từ chối tổ quốc của họ hay ít ra làm cho họ yêu một tổ quốc khác với tổ quốc của họ.
Người Việt Nam, dù là sinh viên hay nông dân mù chữ, vẫn là người Việt Nam, họ cứ phải là người Việt Nam. Làm người Việt Nam tốt không ngăn cản họ làm tín đồ Cơ Đốc tốt. Ngược lại là đằng khác. Phải chăng con người duy nhất được Thượng đế thừa nhận là con người tự do; tổ quốc duy nhất mà chúng ta phải thừa nhận là Nhân loại. Những người làm con chiên ngoan ngoãn cho các ông chủ ngày nay sẽ không xứng đáng với Người Chủ Chăn Vĩnh Cửu(8), bởi vậy nếu ông muốn tìm một tín đồ Cơ Đốc thật sự ở Đông Dương, ông hãy tìm người đó ở người Đông Dương tốt, chứ không phải ở nơi nào khác.
Thưa ông Mục sư, tôi biết rất rõ những gì các hội truyền đạo Công giáo đã làm ở Đông Dương và những gì các hội truyền đạo Tin Lành đã làm đối với nước Triều Tiên láng giềng của chúng tôi, nên tôi không thể không hết lòng cầu mong ông sẽ thành công trong việc truyền bá nhanh chóng đạo Tin Lành ở nước tôi. Nhưng để thay đổi tinh thần của một dân tộc, nhất là của một dân tộc đã có những phong tục, những truyền thống và tính mẫn cảm được hình thành qua nhiều nghìn năm lịch sử, trước hết ông phải thấu triệt não trạng của dân tộc đó. Chính vì để làm cho phận sự hàng đầu của ông được dễ dàng và để đáp lại mối thiện cảm của ông đối với tôi, tôi mạn phép kính gửi tới ông bức thư này. Tôi hy vọng ông sẽ miễn thứ tính thẳng thắn của tôi và tôi xin ông hãy tin tưởng ở những tình cảm tốt đẹp của tôi.
NGUYỄN ÁI QUẤC
(*) Trong những năm đầu thế kỷ XX, Bác Hồ thường viết tên mình là Nguyễn Ái Quấc. Trong bài này, chúng tôi giữ nguyên cách viết của Bác Hồ. Theo Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, từ quấc là “biến thể của quốc trong một số từ gốc Hán”.
Ghi chú của người dịch:
(1) Tác giả bức thư dùng từ “annamite”, vì lúc đó từ “vietnamien” chưa thông dụng.
(2) Sau từ “diễn đạt”, tác giả viết thêm một từ (viết tay, giữa hai hàng chữ đánh máy, hơi khó đọc). Chúng tôi đoán là “mieux” (tốt hơn).
(3) Từ “Người” với N viết hoa chỉ Chúa (theo thói quen của người theo đạo Cơ Đốc).
(4) Trong nguyên văn, tác giả viết Y.M.C.A, tên tắt của Young Men’s Christian Association, thành lập ngày 6/6/1844 tại Luân Đôn (Anh), có trụ sở ở Genève (Thụy Sĩ).
(5) Hai chữ “trung” và “tín” viết bằng chữ quốc ngữ mà không dịch ra tiếng Pháp, điều đó cho thấy mục sưUlysse Soulier biết tiếng Việt.Chữ “trung” bị ?لnh mلy nhầm thành chữ “taung”.
(6), (7) Tác giả gạch hai gạch dưới cụm từ “về mặt tinh thần” và một gạch dưới cụm từ “những người Pháp tốt”.
(8) Cụm từ này chỉ Chúa (theo thói quen của người theo đạo Cơ Đốc).
***
Cuối năm 1917(1), Nguyễn Tất Thành rời kinh đô của Vương quốc sương mù tới Paris. Hơn một năm rưỡi sau, ngày 18/6/1919, anh cùng hai chí sĩ họ Phan – phó bảng Phan Châu Trinh và luật sư tiến sĩ Phan Văn Trường – thay mặt Nhóm người Việt Nam yêu nước gửi bản Yêu sách của nhân dân Việt Nam tới trưởng đoàn đại biểu các nước tham dự Hội nghị hòa bình Versailles. Cùng năm đó, anh gia nhập Đảng xã hội Pháp. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ XVIII của đảng này tại thành phố Tours từ ngày 25 đến 30/12/1920, với tư cách là đại biểu của Đông Dương, anh bỏ phiếu tán thành việc gia nhập Quốc tế III.

|
Nguyễn Ái Quấc tại Hội nghị Tours (tháng 12/1920) |
Tuy trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên, đồng thời là một trong những người sáng lập Đảng cộng sản Pháp, quan tâm hàng đầu của Nguyễn Ái Quấc lúc đó vẫn là làm sao đấu tranh giải phóng nhân dân các thuộc địa – trong đó có đồng bào của anh – khỏi ách thống trị và bóc lột của thực dân Pháp. Trong năm 1921, anh cùng một số nhà yêu nước ở các thuộc địa của Pháp lập ra Hội liên hiệp thuộc địa (Union intercoloniale), rồi cùng một số đồng chí thành lập Ban nghiên cứu thuộc địa (Comité d’études coloniales) thuộc Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Pháp. Anh cũng quan hệ rộng rãi với nhiều người thuộc nhiều giới, nhiều tổ chức, nhiều quốc tịch… khác nhau để giúp họ hiểu tình cảnh của đất nước Việt Nam và vận động họ ủng hộ công cuộc giải phóng đồng bào mình. Trong số những người đó, có mục sư Ulysse Soulier.
Anh vốn không thích các nhà truyền giáo người Pháp. Trên tờ Le Paria của Hội liên hiệp thuộc địa, anh kể lại chuyện một nhà truyền giáo Pháp ở Đông Dương coi thường mạng sống của người bản xứ: “Một nhà truyền giáo (vâng, một vị linh mục nhân từ) nghi một học sinh trường thầy dòng người bản xứ ăn cắp của mình 1.000 đồng, ông ta trói người học sinh này lại, treo lên xà nhà, tra khảo. Người học sinh đáng thương ấy ngất đi. Họ hạ anh xuống. Khi anh hồi tỉnh, họ lại treo lên tra khảo. Anh đã gần chết. Có lẽ hôm nay thì chết rồi”(2). Một lần khác, anh không đả kích sự tàn ác của một linh mục riêng lẻ, mà lên án vai trò của các nhà truyền giáo trong việc xâm lược đất nước và bóc lột đồng bào của anh: “Trong cuộc xâm chiếm Đông Dương thì chính những nhà truyền đạo Thiên Chúa đã đi do thám để báo cho đội quân chiếm đóng biết những kế hoạch phòng thủ của nước chúng tôi. Cũng chính những nhà truyền đạo đã dẫn đường những đội quân tiến công”. Cũng chính những nhà truyền đạo đó đã tước đoạt ruộng đất của nông dân Đông Dương(3).
Nhưng đó là những giám mục, linh mục Công giáo. Còn Ulysse Soulier là mục sư đạo Tin Lành.
Đạo Tin Lành và Công giáo tuy cùng thờ Chúa Cơ Đốc, nhưng có những điểm khác nhau về thần học, về lịch sử…
Công giáo có mặt ở Việt Nam từ mấy thế kỷ trước, còn đạo Tin Lành vào nước ta muộn hơn nhiều. “Năm 1897, nhà truyền giảng đầu tiên của tôn giáo này mới được phép đặt chân vào Đông Dương, nhưng không đặt nổi cơ sở truyền giáo, do sự ngăn trở của nhà cầm quyền”(4). Theo TS Nguyễn Thanh Xuân, “chính quyền Pháp ở Việt Nam không ưa đạo Tin Lành”. Có ít nhất hai lý do. Về chính trị, Pháp “lo ngại ảnh hưởng của Mỹ thông qua sự phát triển đạo Tin Lành”;về tôn giáo, Pháp đang “nâng đỡ, ưu ái Công giáo” nên không muốn đạo Tin Lành cạnh tranh với Công giáo. Mãi đến năm 1911, các mục sư F. A. Jaffray, P. M. Hosler và G.L. Hughes mới lập được cơ sở đầu tiên ở Đà Nẵng. “Năm 1911 được xác định là mốc thời gian đánh dấu sự truyền bá đạo Tin Lành vào Việt Nam”. Lợi dụng lúc chiến tranh thế giới I nổ ra, tháng 5 “năm 1915, chính quyền Pháp ra sắc lệnh cấm truyền đạo Tin Lành cho người bản xứ. Sau đó, 4 trong 9 giáo sĩ Hội truyền giáo CMA [The Christian and Missionary Alliance] bị trục xuất khỏi Việt Nam”(5). Chiến tranh kết thúc, các mục sư mới được trở lại hoạt động bình thường.
Do đặc điểm lịch sử nói trên, Nguyễn Ái Quấc không đánh đồng các nhà truyền đạo Tin Lành với các nhà truyền đạo Công giáo. Khi được mục sư Ulysse Soulier tặng cuốn “Nghiên cứu chuẩn bị cho việc thành lập một phái bộ truyền đạo Tin Lành Pháp ở Đông Dương” (Étude préparatoire à la fondation d’une mission protestante française en Indochine – xuất bản ở Paris năm 1920), anh viết thư cho mục sư: “Tôi biết rất rõ những gì các hội truyền đạo Công giáo đã làm ở Đông Dương và những gì các hội truyền đạo Tin Lành đã làm đối với nước Triều Tiên láng giềng của chúng tôi, nên tôi không thể không hết lòng cầu mong ông sẽ thành công trong việc truyền bá nhanh chóng đạo Tin Lành ở nước tôi”(6).

|
Bản Yêu sách của nhân dân Việt Nam |
Tuy nhiên, khi đọc lời kêu gọi của Đại úy Monet(7), anh thấy có “vài điểm trong lời kêu gọi dường như đi ngược lại với ý tưởng cơ bản của công việc của ông bởi vì những điểm này có thể gây ra sự xung đột tình cảm ở những người mà sứ mệnh của ông đang hướng tới”.
Theo anh,“tôn giáo không có và không nên có biên giới, và những người đảm nhiệm công việc truyền bá tôn giáo phải tự đặt mình lên trên mọi chủ nghĩa dân tộc và mọi lợi ích chính trị”. Do đó, anh phản đối việc dùng tên gọi “Đông Dương thuộc Pháp” vì “tính từ “thuộc Pháp” đặt sau “Đông Dương” mang lại một hiệu ứng hoàn toàn trái ngược với điều mà ông và chúng tôi muốn”.
Anh bác bỏ nhận xét phiến diện của Đại úy Monet khi ông này cho rằng “dân Việt Nam chỉ bị áp bức về mặt tinh thần”, quên rằng dân tộcViệt Nam đang oằn oại dưới ách đô hộ của thực dân. Anh nhấn mạnh: “Chủ nghĩa thực dân dù là kiểu nào cũng là một công cuộc áp bức và nô dịch”, do đó “dân Việt Nam cũng bị áp bức cả về các mặt vật chất, xã hội và chính trị lẫn về mặt tinh thần”.
Anh không tán thành lời hô hào của Monet “phải cố hết sức biến 3.000 sinh viên thành những tín đồ Cơ Đốc thật sự và thành những người Pháp tốt”. Anh khẳng định: “Người Việt Nam, dù là sinh viên hay nông dân mù chữ, vẫn là người Việt Nam, họ cứ phải là người Việt Nam” và phản đối ý đồ “khuyến khích họ từ chối tổ quốc của họ hay ít ra làm cho họ yêu một tổ quốc khác với tổ quốc của họ”.
Anh không đồng tình với ý kiến của Monet theo đó “đối với người Việt Nam, sự dối trá và giấu diếm là những tài khôn khéo rất đáng khen ngợi”. Anh thừa nhận có một vài hạng người Việt Nam có những khuyết điểm ấy, nhưng lưu ý rằng những khuyết điểm ấy cũng được tìm thấy ở các dân tộc khác. Anh khẳng định người Việt Nam xem những khuyết điểm đó là đáng ghét vì “ngay từ khi còn nhỏ, họ đã học chữ “trung” và chữ “tín” như những đức hạnh hàng đầu sau lòng hiếu thảo” . Anh cũng đả kích ý kiến cho rằng “sự giấu diếm hay ích kỷ là kết quả của những nguyên lý cốt yếu của Khổng giáo và của Phật giáo”. Anh khuyên mục sư Tin Lành không nên đem Cơ Đốc giáo của người phương Tây “ đối chọi với” Khổng giáo và Phật giáo của người phương Đông, vì theo anh, “chỉ có một triết lý, một nguyên lý và một tôn giáo cho tất cả mọi người, bởi vì chỉ có một Chân lý. Chúng ta chỉ được phép thấy Chân lý này từ phía chúng ta đang đứng và chúng ta đặt tên cho nó theo cái mà chúng ta thấy hay đúng như chúng ta có thể thấy”.
Những ý tưởng mà Nguyễn Ái Quấc trình bày trong thư rất thẳng thắn, dứt khoát, song lời lẽ văn hoa, lịch sự, khiến 44 năm sau, tháng 3/1965, khi đọc lại bức thư này, mục sư Ulysse Soulier ghi bên lề đoạn thứ 4 “Như tất cả… của đạo Cơ Đốc” lời nhận xét: “Ôi, tư tưởng của người bạn trí thức Việt Nam này thật đúng biết bao! Nhưng những người Cơ Đốc Pháp chúng ta vẫn chưa mở mắt đủ to”.
Xin cảm ơn PGS-TS Pascal Bourdeaux đã có công phát hiện một tư liệu quý giúp chúng ta hiểu thêm một khía cạnh mới trong tâm hồn người thanh niên yêu nước họ Nguyễn.
--------------------
(1) Xem: Phan Văn Hoàng, “Nguyễn Tất Thành đến Paris lúc nào?” trong Chủ tịch Hồ Chí Minh – Hành trình tìm đường cứu nước, NXB Tổng Hợp TP.Hồ Chí Minh, 2012, tr.466-476.
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 1995, tập I, tr. 86.
(3) Hồ Chí Minh, sđd, tập I, tr.210-211.
(4) Dương Trung Quốc, Việt Nam – Những sự kiện lịch sử (1919-1945), NXB Giáo Dục, Hà Nội, 2000, tr.352.
(5) Nguyễn Thanh Xuân, Bước đầu tìm hiểu đạo Tin Lành trên thế giới và ở Việt Nam, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2002, tr.372, 374, 375, 506.
(6) Gần nửa năm sau khi nhận bức thư này, hai mục sư Ulysse Soulier và Paul Monet cùng hai cựu chiến binh người Việt Nam (bị đưa sang Pháp trong chiến tranh thế giới lần thứ I) Samuel Vũ Tam Thất và Đội Dương sang Hà Nội vào cuối tháng 2/1922. Soulier về Pháp năm 1923, còn Monet rời Hà Nội năm 1925.
(7) Mục sư Paul Monet là kỹ sư trắc địa, nguyên đại úy trong Công binh Pháp. Ông qua đời ngày 26/6/1941 tại Marseille.