Một thời để nhớ

Một thời để nhớ” của Thu Trang, câu chuyện của một người tham gia hoạt động nội thành từ rất sớm, từng bị bắt, bị tra tấn dã man và giam giữ ở bót Catinat và khám Lớn, rồi hoạt động báo chí, đoạt vương miện hoa hậu Việt Nam 1955, làm diễn viên điện ảnh và qua Paris lấy được bằng Tiến sĩ sử học tại Đại học Paris 7…

Hồn Việt trân trọng giới thiệu lời Tựa của GS Lê Thành Khôi và vài trích đoạn của hồi ký trong cuốn truyện sắp xuất bản này.

Hoa hậu Thu Trang (1955)

Tựa của GS. Lê Thành Khôi

Tôi quen Thu Trang gần nửa thế kỷ, từ những năm cùng hoạt động trong Hội người Việt Nam yêu nước ở Paris, một thời mà ai cũng tâm niệm mong đóng góp phần mình vào sự nghiệp giành tự do, độc lập cho đất nước.

Thuở ấy, tôi không biết quá khứ của Thu Trang vì tôi ở miền Bắc, Thu Trang ở miền Nam thời trẻ.

Những sinh hoạt trong Hội đoàn là dịp chúng tôi gặp nhau, biết nhau qua các cuộc hội họp, thảo luận và chia công việc. Tôi chỉ biết qua loa về Thu Trang là một cây bút tích cực, văn phong thuyết phục, thường xuyên viết bài đăng trên các tờ báo của Hội.

Gần đây, tôi nghe Thu Trang nói đang viết Hồi ký và có nhã ý mời tôi viết lời Tựa. Mới đầu tôi e ngại vì không phải là nhà văn, mà chỉ là người thích đọc văn hay. Nhưng khi tôi đọc xong tập Hồi ký của Thu Trang, tôi đã phát hiện chị là một người đặc biệt. Từ thời tuổi xuân, Thu Trang đã dấn thân kháng chiến, đã bị bắt, bị tra tấn, những điều mà ở Paris ít ai biết. Rồi do thời cuộc, Thu Trang đã ra đi để thoát khỏi cuộc sống dưới chế độ Ngô Đình Diệm.

Một chặng đường mới mở ra khi Thu Trang đến ngụ cư tại Paris. Một hoa hậu thời nào ở Sài Gòn đã thành sinh viên đi học lại... và trở nên một nhà nghiên cứu Sử học. Có thể do tâm huyết cộng với tinh thần hiếu học nên Thu Trang đã tìm hiểu về chặng đường Duy Tân của các nhà nho yêu nước vào thời đầu thế kỷ 20, có hai khuynh hướng hành động của hai vị Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh. Các vị đã cùng tìm cách chống Âu Tây với chính khí giới Âu Tây.

Thu Trang năm 60 tuổi

...

Tập Hồi ký này theo ý tôi sẽ có phần ích lợi cho giới độc giả trẻ biết thêm về một vài chặng đường lịch sử cận đại của đất nước, đồng thời chuyện đời của một cá nhân đã gắn phần nào với những cuộc thăng trầm của quê hương.

Ai đọc tập Hồi ký này đều sẽ cảm nhận lòng yêu nước của tác giả. Có những trang viết chân thực rất cảm động. Đôi ba lần có chấm phá bằng một vài câu thơ, vì tác giả còn là một nhà thơ nên cũng tạo được không khí thơ mộng khi cần thiết.

Bìa tập hồi ký "Một thời để nhớ"

Bót Catinat

Khoảng giữa năm 1952, chúng tôi bị bắt. Hình như là tháng 7 hay 8 dương lịch, vì tôi còn nhớ sau đó ít ngày, thì bên ngoài có trận bão khá to mà thiên hạ gọi là cơn bão năm Thìn.

Tôi bị bắt ở ngoài đường, giữa ngã tư Gia Long, vào lúc ra sở. Đúng giữa trưa, có hai tên lính sáp vào xe đạp hỏi tên tôi và ra lệnh: Về bót./ Tại sao? Tôi không đi đâu hết./ Việt Minh mà còn lẻo mép. Tên mặc thường phục vẻ du đãng nói to lên. Tôi không biết hắn ta là ai.

Hai người lính xông lên và ra hiệu cho chiếc xe jeep công an rà tới. Họ kéo tôi lên và tôi la hoảng: Mấy người cho coi giấy đi, bắt tôi về tội gì?/ Đúng - có ai đó ở bên đường xen vào - Bắt người phải có lệnh chớ. Hai người lính trợn trạo gắt: Mấy người đừng có xen vô. Con nhỏ này là Việt Minh đưa nó về bót Catinat liền, có ai dám theo không? Tôi không nghe ai dám trả lời gì cả. Tôi bị hai tên lính kẹp hai bên và xe chạy vù về bót Catinat trong mấy phút.

Tới nơi tôi bị hỏi cung mấy câu về tên thật của anh Hai, về chị Tư liên lạc. Tất nhiên là tôi trả lời không biết. Thực sự là khi giải phóng tôi mới rõ chị đã lấy tên anh là Bác sĩ Trần Văn Ngà.

Hừ, cô sẽ gặp họ lát nữa, lúc đó có dám chối không. Tên cò nói. Hắn độ ngoài 40 tuổi, mập tròn và có giọng nói đúng kiểu anh chị, với tiếng cười hà hà nghe thật ác ôn. Tôi bị tịch thu hết giấy tờ (kỳ này là giấy thật, cũng là may, vì hỏi sở làm là biết), nữ trang và áo dài. Chúng ném cho tôi và bắt mặc ngay một chiếc áo tù dơ bẩn rồi đẩy tôi tới phòng hỏi cung.

Trời ơi, tôi sững người. Anh Hai mặt mày thâm tím, máu đọng ở mép và ngồi xệp trên đất. Anh nhìn tôi tuyệt vọng, đôi mắt ngó xuống. Chúng nó, những tên tra tấn chuyên môn, ba bốn đứa áp lại đánh đấm tôi túi bụi và la lên: Mày chối nữa đi. Chỉ huy của mày đó. Khai hết ra, không thì cho đi máy bay thấy mẹ! (Máy bay là lối tra tấn dã man: nạn nhân bị trói hai tay có khi ngược lại là hai chân, rồi bị treo lên quay vòng rồi cho rớt xuống đất, có khi bị gãy xương, hoặc vỡ đầu, sai xương sườn, xương sống v.v…). Dạ. Tôi líu nhíu nói trong lúc chưa định trí nổi phải nói năng gì.

Mấy quả đấm, đá làm tôi chóng mặt. Bọn chúng hè nhau: Đánh thấy mẹ nó đi, hồi nãy ở ngoài đường nó dám chống cự./ Bộ mày tưởng tụi tao là ăn cướp hả. Đ.m. mày. Khai đi. Tiếp theo lại một loạt đấm đá nữa. Lúc đó bước vào tên cò hồi nãy. Hắn hỏi anh Hai: Phải con nhỏ này không?/ Không biết. Tôi không nhớ./ Gì? Mày nói lại đi. Tụi bay, cho thằng cha này chút điện nữa đi. Đ.m. qua mắt tao hả? Một thoáng anh Hai bị còng chân vào một thanh sắt to như cổ tay. Chúng bắt điện vào và người anh bị giật tung lên, ngã xuống. Anh quằn quại la trời ơi, trời... Mặt anh tím ngắt và tôi tưởng anh sắp chết tới nơi.

Tôi nghẹn ngào quay mặt, không dám nhìn anh nữa. Đầu óc tôi bấn loạn vì hàng trăm câu hỏi dồn dập. Mình sẽ ăn nói sao đây? Có bị tra tấn như anh? Ánh nắng vàng xiên qua cửa sổ, chiếu trên mặt, tôi nghiêng đầu cúi xuống, nước mắt rơi lã chã. Tôi vội quệt tay, ngăn hàng lệ để không cảm thấy là mình đang khóc.

Ngục trần gian Catinat. Câu ấy vang lên trong đầu càng làm tôi lạnh xương sống. Tôi đã từng nghe các đồng chí nói về các vụ tra khảo vô cùng ác độc tại đây. Tôi nhìn lần nữa, căn phòng sáng sủa với chiếc bàn bu-rô của tên cò sang trọng không có vẻ gì ghê rợn. Cửa vào ngục tù của thực dân có vẻ văn minh để che giấu sự dã man độc ác bên trong. Tôi bỗng giật mình nghe tên cò la lớn. Nói đi, con nhỏ này là ai? Nó làm gì cho mày./ Làm liên lạc. Tên cò gật gù. Có lẽ hắn chỉ cần anh Hai nhận là biết tôi. Nó quay lại tôi hậm hực: Mày thấy chưa, nó biết mày quá mà. Chối nữa thôi.

Tôi điếng người và ghi nhanh trong óc: làm liên lạc. Làm liên lạc! Như vậy là hai chữ điệp viên chưa bị lộ. Anh Hai chắc chưa khai gì. Tôi nghĩ nhanh về điều này, nhìn anh gần ngất nằm co dưới sàn gạch, tôi vừa thương xót lẫn lo sợ. Tên cò mặt hầm hầm đi qua đi lại và hất hàm ra lệnh mở còng chân anh Hai và đưa anh ra khỏi phòng. Thấy anh đi không vững, hai tên xốc nách anh, tôi muốn khóc.

Tên cò nhìn tôi chăm chăm: Hứ, bày đặt ai biểu theo Việt Minh? Tụi nó cho gì? Trả tiền không? Theo tụi nó từ bao giờ?/ Dạ, dạ mới quen anh Hai./ Thằng hồi nãy làm gì? Nó là sếp mày?/ Dạ, quen vậy thôi, tôi không biết ảnh làm gì./ Hứ, đánh thấy mẹ nghe… Nói thiệt đi. Tao cho đi tàu ngầm bây giờ (loại trấn nước đổ từ từ vào mũi nạn nhân cho ngộp thở).

Bọn nó đứa nào đứa nấy nhìn tôi như bầy thú nhìn mồi. Tôi sợ hãi và chỉ còn nghĩ được ý duy nhất anh Hai khai tôi làm liên lạc. Tôi bám vào ba chữ ấy và chưa biết sẽ khai thế nào cho hợp lý. Tên cò hất hàm và tôi bị một cái tát đổ đom đóm: Làm gì cho Việt Minh? Nói đi./ Làm liên lạc./ Ở đâu, đi đâu? Đưa ai vô khu? Ở đâu? Những câu hỏi tới tấp giăng quanh tôi, bọn ba bốn tên tra tấn tôi mặt mày như quỷ dữ. Tôi lắp bắp, trả lời: Dạ không đi khu./ Vậy đi đâu?/ Ở Sài Gòn thôi./ Oánh thấy cha nó đi, làm liên lạc mà ở Sài Gòn hả? Dạ, dạ... Liên lạc với ông tướng Nguyễn Văn Th.

Tên cò có vẻ ngạc nhiên, hắn nhìn tôi hỏi lại: Ổng quen mày?/ Dạ, quen nhiều./ Ổng làm chi, nói bậy chết nghe./ Dạ, ổng theo ông De Lattre đi đánh ngoài Bắc… Tên cò hơi khựng lại. Hắn bắt đầu có vẻ bán tín bán nghi, vì tôi đã nói đúng như báo đã đăng tin cách đó ít lâu. Tôi quen với ông ta thật, và trong lúc hốt hoảng nói đại ra với tia hy vọng là ông ta có thể can thiệp. Hy vọng vu vơ, như người ngã xuống sông gần chết đuối, vớ lấy bất cứ gì trước mắt.

Bọn mấy tên tra tấn ra khỏi phòng lúc nào tôi không để ý. Tên cò ra hiệu cho tôi lại ngồi trước mặt hắn. Hắn ngồi sau bàn và mở gói thuốc ra hút. Khói thuốc gì mà thơm lan trong phòng cho tôi cảm giác lấy lại chút bình tĩnh. Mình khai vậy rồi, phải tiếp theo gì nữa, tôi tự hỏi.

Hắn nhìn tôi và nói giọng khác đi: Con nhỏ ngộ quá chớ. Ê mày là mèo của ổng? (thời ấy trong giới bình dân còn dùng chữ mèo chuột để chỉ những tình nhân)/ Dạ, quen thân vậy thôi./ Đừng có giấu, nếu thiệt thì tao nhắn ổng vô, dám không? Tôi chưa nghĩ đến tình huống ấy. Nếu hắn nhắn ông ta thì chắc gì ông ấy đã nhận là quen mình? Tôi phân vân, im lặng.

Hắn hỏi: Dám không, hay mày nói xạo? Đánh thấy mẹ nghe. Nó lại đổi giọng. Tôi ngập ngừng, trả lời nước đôi: Dạ tuỳ ông, nếu ổng không có ở Sài Gòn thì sao. Ông đi đánh hoài ở ngoài Bắc. Mấy tháng nay tôi không gặp./ Vậy mày gặp ổng bao nhiêu lần? Làm chi, nói nghe coi./ Dạ, đi ăn cơm Tây, đi nhảy đầm với bạn của ổng. Có lần có ông Trịnh M. Th./ Mấy ổng nói chuyện chi?/ Đủ thứ hết, tôi không hiểu./ Mày làm liên lạc cho thằng Hai đó quen ổng hả.

Tự nhiên hắn nghĩ ra điều này. Tôi nhận hay không? Nếu nó hỏi anh Hai thì sao? Có lợi hại gì? Tôi không trả lời mà nói lảng: Dạ ổng khó tánh lắm. Tôi chưa hỏi vụ đó. Tôi giật mình khi hắn gọi to: Tụi bay, cho con nhỏ này đi tàu ngầm. Nó nói loanh quanh không hà.

Và tôi bị lôi đi sang phòng kế bên. Chúng ra lệnh cho tôi cởi hết quần áo, rồi trói tôi trên một tấm ván dài, buộc một miếng giẻ trên miệng và lấy nước đổ từ từ vào hai lỗ mũi. Tên cò đứng cạnh đó. Hắn nhấn mạnh: Nói thiệt đi, nếu không thì còn được đi máy bay nữa. Tôi cảm thấy từng giọt nước chảy xuống mũi, xuống cổ ngột ngạt kinh khủng, cảm giác hết sức là tê dại nghẹt thở. Tôi vẫy vùng và ú ớ, vì miệng bị bịt.

Một lúc sau bụng tôi phùng lên, óc ách đầy nước, chúng nhìn tôi ra dấu gì tôi không rõ, mắt tôi mờ đi và thình lình tôi cảm thấy nước trào lên đau đớn cùng cực vì những cú đấm trên bụng. Tôi ngất đi và không rõ bao lâu tôi tỉnh lại thấy mình nằm trên sàn gạch trần truồng và run lên vì lạnh, vì đau ê ẩm khắp người. Tôi khóc thành tiếng nức nở. Có một tên bước vào: À, ngủ dậy rồi. Bận quần áo đi, xuống khám (phòng giam phụ nữ phía sân sau bót Catinat).

(Còn tiếp)

Thu Trang giảng dạy tại ĐH Duy Tân năm 2000


Bài liên quan:

Thu Trang