Một tâm hồn đánh thức những lương tri

HỒNG LÊ THỌ (Tokyo)

Trong cơn mưa cuối năm tầm tã, như đã hẹn, tôi đến thăm chị Trần Duy Phương ở gần khu chợ Ngã ba Ông Tạ (Q. Tân Bình, TP.HCM), nữ tù nhân một thời nổi tiếng xinh đẹp và rất có duyên, khi còn là học sinh trung học...

16 TUỔI, XẾP BÚT NGHIÊN, THOÁT LY RA BƯNG BIỀN.

Năm 1963, phong trào xuống đường của sinh viên học sinh chống chế độ độc tài, cần lao của Ngô Đình Diệm bùng nổ khắp các đô thị miền Nam, chị cũng đã có mặt khi còn học lớp đệ ngũ (tương đương với lớp 8 ngày nay) ở trường Trần Quý Cáp (Hội An).

Để rồi 16 tuổi Phương thoát ly ra bưng biền, hòa nhập vào cuộc chiến đấu trực diện với quân thù xâm lược sau những trận ruồng bố của kẻ địch hòng tiêu diệt phong trào đấu tranh học sinh - sinh viên ở nội thành.

Tấm ảnh Phương chụp chung với đồng đội bị bọn chúng phát hiện, không còn cách nào khác - mà cũng là thời điểm để chị quyết tâm thoát ly - mặc dù ao ước của cô học sinh trong trắng ấy là được đi học thành tài như lời người cha dặn dò trước khi bị địch bắt (cha chị đã hy sinh trước những trận đòn tra tấn dã man, bị ép buộc ly khai và xé cờ Đảng trong cuộc “khủng bố trắng” ở Côn Đảo).

Mồ côi cha từ đó, rồi trận lụt khủng khiếp năm 1964, tất cả bị chôn vùi trong mưa lũ đã làm cho cô gái ngây thơ sững sờ, lo sợ không biết ngày mai sẽ ra sao.
Chị tâm sự: “Phương sinh ra trong một gia đình cách mạng, chứng kiến cảnh tù đày và cái chết của cha nên cách mạng là một cái gì rất gần gũi... và luôn tự hỏi Cộng sản là gì? Cách mạng là gì?”.

Cô của chị cũng theo cách mạng rồi thoát ly sau đó, dặn dò chị: “Con bây giờ đã là con liệt sĩ. Nếu được ra Bắc, con sẽ được Nhà nước nuôi ăn học đến nơi đến chốn” và cũng với lý do ấy “đầu óc tôi cứ hướng về cách mạng, lên rừng, ra Bắc... Tôi trông chờ một sự đổi thay kỳ diệu sẽ đến với mình để được tiếp tục học hành”.

Thế là, đầu xuân năm 1965, cô nữ sinh ra đi, chọn con đường theo cách mạng thật dứt khoát như chị đã trả lời sau này khi bị địch bắt: “Tôi đã chọn đường cho mình và chỉ có một mà thôi!”.

Ôi đẹp sao hình ảnh một cô gái ở tuổi mộng mơ, tràn đầy sức sống, đã vươn lên, lăn xả vào nơi cam go nhất, đầy thử thách và hiểm nguy, chấp nhận mọi hy sinh với niềm hy vọng sẽ được đi học trong một đất nước yên bình, thống nhất.


Cổng và đường vào khu Nhà tù Phú Tài. (1967 đến năm 1972) Bình Định.
Ảnh TL.

20 TUỔI, BỊ TRA TẤN DÃ MAN, BỊ TẬT NGUYỀN SUỐT ĐỜI

Hoạt động cách mạng ở vùng giải phóng, làm một “cán bộ con con” như lời nói yêu của các chú các bác ở Ban Tuyên huấn Q. Quế Sơn (Quảng Nam) nhưng tấm lòng trinh nguyên của chị vẫn nhớ đến bạn học, nhớ mái trường xưa:

“Tôi nhớ Hội An đến cồn cào gan ruột, luôn hình dung đến từng khuôn mặt những đứa bạn thân thương, Hội An trong tôi đã trở thành máu thịt... Phong trào học sinh, sinh viên thành phố xuống đường chống Mỹ ngày càng rầm rộ. Lòng tôi rộn rã niềm vui sướng vô cùng. Vậy là trong đám bạn bè tôi ở thành phố hẳn đã có nhiều người trở thành đồng chí của tôi”.

Giữa tuổi xuân thì phơi phới ý chí đấu tranh, trong lúc bầu nhiệt huyết đang dâng lên trong những ngày nhập cuộc thực sự vào sự nghiệp cách mạng thì than ôi, nghiệt ngã thay, tổ hoạt động của chị bị giặc càn quét bất ngờ đánh úp, súng quân thù bắn xối xả vào người, vào chân chị, biến người con gái chưa đến hai mươi tuổi đời thành một kẻ tàn phế tật nguyền suốt đời, thật đắng cay, uất hận.

Chị đã thách thức kẻ địch: “Các người hãy bắn tôi chết đi, đừng hỏi han gì cả” khi biết mình đã bị trúng đạn, đồng đội tất cả đã hy sinh, nhưng bọn chúng đã mang thân thể bết máu của chị về bệnh viện không phải vì “nhân đạo” mà muốn tiếp tục đày đọa để khai thác.

Một nữ tù còn trẻ măng, biết bao dằn vặt đớn đau hành hạ trên thể xác từng giây phút, đã làm chị luôn nghĩ đến cái chết để kết thúc vì không thể chịu đựng số kiếp tuyệt vọng và trớ trêu. Mỗi khi yếu lòng suy nghĩ thật buồn, nghẹn ngào chị nói: “Cho dù còn sống thì đời tôi đến đây coi như đã hết”.

Hạnh phúc duy nhất mà chị đã có là tình cảm của những người thân, bạn bè từ thời ngồi ghế nhà trường, những ngày xuống đường, đêm không ngủ để đấu tranh ở thành phố.

Hoài bão được đi học sau ngày đất nước hòa bình, tổ quốc thống nhất cũng dần dà lịm tắt, nói chi đến những điều khác, dù rất đơn giản, bình thường. Chị cũng chẳng được phép mơ tưởng, ước ao.

Một sự khủng hoảng đến tột độ, lập lại quay cuồng trong trí óc tưởng chừng không thể nào vượt qua được: “Mỗi lần nghe tiếng hát của những đồng chí bị giam cầm ở nhà lao bên cạnh vọng sang Phương lại thấy ấm lên, thấy người dễ chịu đi một chút là Phương khe khẽ hát. Hát để quên đi đau đớn, hát để lấy lại tinh thần, hát cho đến khi cổ họng nghẹn lại, nước mắt trào ra”.

Cô nữ sinh Phương bé bỏng ngày nào vẫn có tiếng là người hát hay cơ mà: “Nếu không tin thì tí nữa Phương sẽ hát cho anh nghe”.

Trong niềm uất hận, tuyệt vọng đến cùng tận ấy chị đã tự tìm cho mình một lối ra mỗi khi nhớ lại hình ảnh bị tra tấn vùi dập đến sưng bầm đỏ tím, không còn nhận ra được của người cha lúc cô gái nhỏ vừa lên 5, đến thăm cha qua cửa sổ nhà giam; và khuôn mặt của mẹ một đời tần tảo hy sinh cho chồng con, tơi tả vì cuộc sống lam lũ.

Chị từ bỏ mọi ý nghĩ yếm thế, tiêu cực, tiếp tục sống và chiến đấu với kẻ thù ác độc để cho chúng biết khí phách của người chiến sĩ cách mạng như lời động viên của các anh, các chú trong tù.

GIỮ TRỌN NIỀM TIN TẤT THẮNG

Bên ngoài nhà giam, cục diện của cuộc chiến đang bước vào giai đoạn quyết liệt, chính quyền Mỹ leo thang chiến tranh, từ chiến tranh cục bộ chuyển sang toàn diện, liên tục ném bom phá hoại miền Bắc, tiêu diệt “Việt Cộng” ở miền Nam với những chiến dịch quy mô: “Johnson City”, “Phượng Hoàng”... huy động trên nửa triệu quân viễn chinh, hà hơi tiếp sức cho ngụy quyền, ngụy quân, từng bước đẩy mạnh “Việt Nam hóa” chiến tranh.

Nhưng tất cả đều thất bại thảm hại, miền Bắc vẫn đứng vững, vùng giải phóng cứ rộng dần, phong trào đấu tranh phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ bùng lên khắp nơi trên thế giới, ngay cả trong lòng kẻ địch.


Đội văn nghệ Trung kiên của nữ tù trại giam Phú Tài trình diễn
bài hát Chị em ơi vùng lên cho phái đoàn Mặt trận, Chính phủ xem
vào tháng 4/1973, sau 2 năm ra tù.

Điều mơ ước của Phương đã gần kề. Ngày 15/2/1973, chị đã được trở về trong vòng tay ấm áp đón tiếp của đồng đội trong đợt hai bên trao trả tù binh theo Hiệp định Paris.

Nằm trên băng ca chị đã khóc tức tưởi như nhiều người khác, khóc cho thỏa thuê khi chiếc máy bay C-130 của chúng đáp đến sân bay Lộc Ninh trong vùng giải phóng, khi từ cửa sổ chị đã thấy những lá cờ quen thuộc phất phới trong gió.

Gần 5 năm bị giam cầm trong bệnh tật, kẻ thù đã đưa chị đi từ trại giam này sang trại giam khác, từ Phú Tài (Qui Nhơn) đến Cần Thơ với biết bao thử thách, chiêu dụ hồi chánh và những đớn đau dày vò, chị vẫn thường phải tự an ủi và động viên mình, nhất định phải “giữ trọn niềm tin tất thắng”.

MỘT TÂM HỒN LÀM MẤT NGỦ NHỮNG LƯƠNG TRI

Cái vui được trở lại với đồng đội qua đi nhanh chóng, bom đạn vẫn tiếp tục trút lên đất nước, càng về cuối bọn giặc càng hung hăng, táo tợn.

Nằm dưỡng bệnh nhưng phải chạy giặc, tránh bom biết bao lần. Bệnh viện phải di dời liên tục nhưng các bác sĩ, tập thể y sĩ, cán bộ y tá luôn dành cho chị sự chăm sóc đặc biệt, hết lòng và tận tụy cho dù vết thương đã ăn sâu vào cơ thể, đôi chân đã mất khả năng hoạt động, những cơn đau nhức đay nghiến, ngày càng mạnh hơn.

Thêm nỗi cô đơn, trống trải khi các đồng đội lần lượt trở về quê hương, đơn vị để tiếp tục chiến đấu thì chị vẫn phải nằm yên trên giường bệnh một cách vô vọng.

Dằn vặt, khủng hoảng còn hơn lần bị bắt giữ trong tù. Đầu óc mất cả sự tỉnh táo, căng ra như muốn vỡ tung: “Tôi không nhớ được điều gì đã xảy ra với tôi. Những mũi thuốc ngủ và những viên thuốc an thần bác sĩ đã cho tôi dùng liên tục”. Cầm cự với bản thân lần này thật gay go.

Chị tức tưởi, tủi thân: “Tôi đã tàn phế, xã hội đâu cần đến những người như tôi”. Nhưng ở người con gái ấy có một nghị lực thật diệu kỳ, mỗi lần rơi vào tuyệt vọng não nề lại là một lần đứng lên để khẳng định, vươn tới; một ý chí quật khởi trong tiềm thức, giúp chị gượng lại, chống đỡ: “Phải có cách sống riêng mình, cho dù số phận nghiệt ngã đến bao nhiêu”.

Trò chuyện với Phương gần ba tiếng đồng hồ. Thỉnh thoảng chị xoa nhẹ, bóp vào đầu, có lúc phải nằm nghiêng hai tay ôm lấy chân vì cơn đau lại hoành hành. Tôi phải tìm cách nhìn ra cửa sổ, thầm đếm những giọt mưa rơi tí tách bên hàng hiên khi thấy chị lấy tay dụi mắt.

Đã trên 25 năm trôi qua, từ ngày được trao trả đến nay chị vẫn phải tiếp tục uống thuốc, ngăn chặn những cơn đau bằng những mũi thuốc tiêm, tự mình nuôi giấc ngủ thật vất vả, nhọc nhằn.

Nhìn hàng chục gói thuốc lớn bé ngổn ngang trên bàn làm việc mà lòng xót xa, đau nhói. Người đang ngồi trước mặt tôi hôm nay vẫn giữ một tấm lòng sắt son, một nụ cười của cô nữ sinh áo trắng thơ ngây ngày nào, đẹp, tự tin và lạc quan.

Chị hào hứng vô cùng khi cho tôi đọc lại những lá thư của bạn bè ngày ấy, của những đồng đội, đồng chí đã gặp chị trong đời mà chị đã giữ rất kỹ lưỡng: “Đây là những kỷ vật quý nhất của đời mình” trong đó có một mẩu giấy đã vàng úa theo thời gian, bài thơ Màu tím hoa sim mà bạn chị, nhà thơ Hữu Loan đã nắn nót viết tặng với dòng chữ: “Chép tặng cô Phương, một tâm hồn, một vấn đề làm mất ngủ những lương tri”.