Thú thực, đã rất nhiều lần tôi cầm bút định viết về anh chị Nguyễn Xuân Ngọc - Lê Tụy Phương, hai tấm gương mà tôi vô cùng thán phục và ngưỡng mộ, nhưng rồi cuối cùng vẫn chưa viết được. Bởi vì… biết viết về khía cạnh nào đây? Cuộc đời và tình yêu của anh chị đều quá đẹp.
Vâng, quả là hiếm có. Hai cuộc đời và một tình yêu hiếm có. Họ quen biết và kết bạn với nhau cách đây ngót 75 năm. Năm ấy, 1935, anh mới 13 và chị 14 tuổi. Chị là cô gái Hà Nội hiền dịu, mảnh mai và anh là cậu học sinh con nhà nghèo chuyên mặc áo dài đen, quần vải chúc bâu trắng, mùa rét cắt da cũng chỉ độc một chiếc áo the đen.
Họ vào học năm thứ nhất ở trường Trung học tư thục Thăng Long, phố Ngõ Trạm (Hà Nội). Mà họ đâu chỉ có học. Năm 1935 họ vào trường thì năm 1936 phong trào Mặt trận Dân chủ do Đảng Cộng sản Đông Dương phát động bắt đầu lan rộng. Trong số giáo sư và học sinh Thăng Long tham gia Mặt trận Dân chủ đầu tiên có chị Lê Tụy Phương và anh Nguyễn Xuân Ngọc. Ngay từ thời ấy, mới còn là những cô cậu học sinh 14, 15 tuổi, họ đã có một tinh thần yêu nước sôi nổi, già dặn, nhưng đồng thời cũng có một trái tim hết sức đa cảm.
Anh Ngọc bắt đầu chú ý đến chị Tụy Phương, cô thiếu nữ có một vẻ ngoài mộc mạc, giản dị nhưng toát lên vẻ đẹp tinh thần trong sáng và cao thượng. Còn chị Tụy Phương thì chú ý đến anh Ngọc vì biết anh nhà nghèo nhưng có ý chí và học rất giỏi. Họ nối tiếp nhau vào Đoàn Thanh niên Cứu quốc.
Năm 1939, 18 tuổi, chị Phương được giao nhiệm vụ làm liên lạc đặc biệt của Xứ ủy Bắc Kỳ thì anh Ngọc cũng mặc nhiên trở thành một trong những trợ thủ đắc lực của chị.
Mùa hè năm 1938 đặc biệt đáng ghi nhớ trong cuộc đời và tình yêu của anh chị. Chị Phương tìm đến tận nhà thăm anh Ngọc, trước là để truyền đạt lời thầy Đặng Thai Mai nhắn anh Ngọc đến gặp thầy, sau là để đính chính tin đồn chị Phương đã có người yêu. Và chị nói để anh biết rằng họ có thể trở thành bạn của nhau.
Sau này, khi đã là một ông già 80 tuổi đời, anh Ngọc bồi hồi nhớ lại:
“...Đó là một sáng mùa hè 1938. Một mùa hè mang hơi thở cuộc mít tinh quần chúng khổng lồ ngày Quốc tế Lao động 1/5, vang dội tiếng hát Quốc tế ca của ba vạn con người dưới nền trời xanh thẳm và màu đỏ tươi rực rỡ của những lá cờ búa liềm phần phật trong gió như giục giã đoàn quân ra trận.
Tôi đang ở nhà một mình đọc sách. Có tiếng chân bước lên cầu thang. Tôi nhìn ra phía cửa. Thật bất ngờ. Trước mắt tôi là Tụy Phương! Cô ấy ăn mặc khác hẳn mọi ngày. Vẫn là bộ áo dài nhưng bằng lụa màu trắng phớt vàng may kiểu Lemur bó sát người làm nổi lên một cách kín đáo những đường cong duyên dáng. Đôi dép da thay cho đôi guốc. Không còn vẻ mộc mạc nhưng cũng không diêm dúa. Một nữ sinh Hà thành thanh lịch…”.
Khỏi phải nói lúc ấy anh Ngọc sung sướng đến thế nào. Đã bao nhiêu lần anh mơ tưởng đến cô bạn học cùng trường nền nã và thông minh ấy, anh đã đi đi lại lại bao nhiêu lần trước cổng nhà chị và là nhà Hộ sinh Con Rồng bề thế nằm trên đường Henri d’Orléans (nay là đường Phùng Hưng, Hà Nội), mà chưa lần nào dám làm quen. Nay chị lại đến thăm anh. Tôi nghĩ đó chính là “buổi sáng định mệnh hạnh phúc” của hai người, gắn kết họ cho đến hết cuộc đời.
Tôi đã theo dõi những trang hồi ký đầu tiên anh ghi lại thay cho chị Tụy Phương khi nó còn là bản thảo. Năm đó là năm 2000. Chị Phương đã bị tai biến mạch máu não 18 năm trời, đã đến giai đoạn ngồi xe lăn và mất tiếng nói. Anh Ngọc cũng đã về hưu được 14 năm. Từ khi không phải đi làm, bận bịu việc cơ quan (trước khi về hưu anh là Viện trưởng Viện Phân vùng Quy hoạch Trung ương thuộc Ủy ban Kế hoạch Nhà nước), anh tự xác định cho mình nhiệm vụ là cả ngày đêm chăm sóc chị. Ngoài ra, anh còn viết một cuốn sách về chị, dưới dạng hồi ký, sử dụng những trang ghi chép, những thư từ, nhật ký trước đây của chị, cả những câu chuyện chị đã từng kể cho anh nghe về công tác, về thời thơ ấu. Anh tâm sự với tôi:
“Suốt những năm trước khởi nghĩa tháng Tám, nhà hộ sinh Con Rồng của Phương đã là cơ sở bí mật của Đảng, làm nơi liên lạc và che giấu cán bộ, quyên góp tiền ủng hộ quỹ Đảng, lùng mua thuốc quý gửi cho các đồng chí trong tù… Nhiều đồng chí bị mất liên lạc đã qua Phương mà liên lạc được với Đảng. Còn với chồng, con, bạn bè, đồng chí thì Phương là một tấm gương hy sinh, tận tụy hiếm có.
Hồi chưa cưới, có lần vì gia cảnh quá khó khăn, tôi phải chuyển qua học hàm thụ trường Luật và vào Vinh dạy học. Phương đã giúp tôi, ở nhà vừa đi làm vừa hoạt động cho Đảng, lại vừa qua lại chăm sóc mẹ tôi và hàng tuần đi mượn cả trăm trang bài vở của các bạn học trường Luật về chép tay gửi vào Vinh cho tôi theo học...”.
Năm 2001, cuốn hồi ký Nghĩa tình năm tháng cuộc đời, ký tên Lê Tụy Phương ra đời, làm cảm động bao người đọc. Rồi bệnh của chị Phương phát triển sang một giai đoạn mới. Chị không còn ngồi xe lăn được nữa mà phải nằm bất động trên giường, ăn bằng xông và luôn phải có một bình oxy bên cạnh. Mỗi lần chúng tối đến thăm, chị không còn biết mỉm cười và chậm chạp đưa bàn tay trái ra cho chúng tôi nắm như trước nữa.
Tôi thật xót xa nghĩ đến hình ảnh chị trước đây, một nhà giáo dục lúc nào cũng năng nổ tích cực phụ trách các trại trẻ hàng trăm cháu trên đỉnh núi Khe Khao thời chống Pháp hay trong các làng quê sơ tán thời chống Mỹ. Rồi sau khi về hưu là các cuộc đi nói chuyện triền miên về tâm lý giáo dục trẻ em, tâm lý giáo dục nữ thanh niên trong các khu phố, nhà máy, các đơn vị bộ đội, các trường đại học.
Các cơ quan đua nhau mời chị vì biết tiếng chị là một nhà tâm lý giáo dục thanh thiếu niên nhiều kiến thức và kinh nghiệm, lại có lối nói chuyện giản dị, nhẹ nhàng, chân thật rất dễ đi vào lòng người.
Có lần nhìn chiếc giường trải nệm trắng tinh, gọn gàng, sạch sẽ, chị nằm nhỏ thó một bên, một bên là một khoảng trống rộng có kê một chiếc gối ở đầu giường tôi hỏi anh Ngọc:
- Đêm vẫn có cháu gái phục vụ nằm bên cạnh chăm sóc chị chứ anh?
- Không, chỗ đó tôi nằm. Tôi không dám để các cháu trông Phương ban đêm vì sợ các cháu tuổi ăn, tuổi ngủ, có gì xảy ra mà không biết kịp thì nguy hiểm lắm.
- Thế chị cứ bị khó thở lục sục cả đêm thì anh ngủ làm sao được?
Anh Ngọc cười buồn:
- Phương phải thở oxy gần như suốt cả đêm qua... Không ngủ đêm được thì ngày tôi ngủ bù.
“Mà Phương vẫn còn tỉnh táo lắm đấy - Anh lại nói, giọng rất vui - Cứ sáng ra là quờ tay sang phía tôi nằm, tìm tay tôi. Tôi nắm lấy tay Phương thì Phương nắm lại, rất chặt”.
Thật hiếm có đôi vợ chồng nào yêu thương nhau và một người chồng tận tụy đến vậy. Các con của anh chị, nay đều thành đạt, có 5 người thì 4 người ở xa. Người ở Thành phố Hồ Chí Minh, người ở Trung Quốc, ở Ba Lan, ở Mỹ. Cậu con trai áp út ở Hà Nội nhưng đã có vợ con, lại là một phó giáo sư tiến sĩ khoa học, công việc bù đầu nên cũng ít về.
Nhớ những năm kháng chiến chống Mỹ khó khăn, nhiều lần chị đã phải giấu chồng đến bệnh viện Việt Đức bán máu để nuôi con và trang trải việc gia đình. Một lần đi bán máu về, chị kể với tôi, thấy tôi hoảng hốt và lo lắng, chị cười an ủi: “Không sao đâu em ạ. Về chị ăn một quả trứng, một đĩa rau muống là lấy lại được số máu ấy thôi mà”.
Việc chị Phương phải đi bán máu lấy tiền nuôi con ấy mãi sau này trong những ngày cuối cùng của chị, anh Ngọc mới biết. Anh khóc với tôi: “Tôi có tội với Phương, tôi thật vô tâm. Nếu đúc được tượng vàng cho Phương cũng không nói được những gì Phương đã làm cho gia đình, cho tôi và các cháu...”.
Bây giờ thì chị Tụy Phương đã không còn nữa. Chị mất ngày 28/5/2007, thọ 87 tuổi. Trên bàn thờ chị, cạnh bức di ảnh là pho tượng bán thân bằng thạch cao của chị. Bức tượng không được đúc bằng vàng như anh Ngọc mơ ước, nhưng vẫn nói lên tất cả tình yêu, lòng cảm phục và nỗi tiếc nhớ khôn cùng của anh Ngọc, người chồng thương yêu của chị.