Đại tá Đặng Tính quê ở Hải Dương. Năm 1951, ông được Trung ương cử sang làm Bí thư tỉnh ủy Thái Bình khi Pháp chiếm 85% đất đai tỉnh này. Rồi ông lên làm Tư lệnh khu Tả Ngạn. Trong lãnh đạo khu, ông được coi là người yêu văn nghệ nhất. Ông có cái kèn acmonica, bỏ trong xà cột. Xuống với các chiến sĩ, ông thổi kèn cho anh em hát theo. Rồi dạy anh em bài hát mới. Họ gọi ông là “ông Văn Hóa”.
Trong lễ cưới của tôi, ông Tính thổi kèn và nói chuyện rất vui… Khi mưa tạnh, ông chắp vần làm thơ hoặc ghi chép. Ông có mấy tập sổ nhỏ bằng ba đầu ngón tay, khổ dày, ghi chữ nhỏ tí như con kiến, lại viết tắt, người khác khó mà đọc. Ông ghi được 3 tập, gửi tôi giữ giúp, để sau này viết chuyện kháng chiến. Hôm ấy giặc càn, tôi gói cùng sổ sách của tôi vào chiếc chăn chui đầu, chiến lợi phẩm ta thu của địch, đưa xuống hầm bí mật ở Bổng Thôn (Tiên Hưng), bị mối xông hết. Ông cũng như tôi, tiếc ngẩn tò te, nhưng ông không trách tôi, chỉ xuýt xoa và thở dài.
Trong lúc tình hình u ám, tin tức từ Việt Bắc đưa vào khó khăn, ông Tính trực tiếp chỉ đạo bộ phận thông tin liên lạc. Có cái máy phát điện để chạy vô tuyến bị trục trặc, anh em phải sửa chữa cật lực, quay đến toạc da tay, trầy da chân nhưng nó vẫn cứ trơ như cục đá. Ông Tính và nhất là tôi sốt ruột sốt gan như ngồi trên hỏa lò. Bộ chỉ huy hỏi tôi: - Có tin gì mới không? Tôi cứ ngẩn người, không trả lời được; hoặc có trả lời thì tin đã cũ rích. Vì thế rất cần sửa máy. Ông Tính mải miết việc nhưng chốc chốc lại ra xem chữa máy đến đâu rồi. Cảm thông với anh em, ông làm thơ động viên: Lính ta chân chạy tay quay/ Cái đầu lo nhiệm vụ, cái dạ dày thiếu chất tươi/ Cái miệng muốn mếu vẫn cười/ Tin lên, tin xuống vẫn khơi được nguồn.
Rất tiếc là ông hy sinh ở chiến trường phía Nam. Nếu còn, ông có thể trở thành cây bút sâu sắc và giàu vốn sống về kháng chiến cứu nước.
(Ghi theo Đại tá Nguyễn Sáng)