Hai đạo diễn Trung Quốc nổi danh thế giới là Trương Nghệ Mưu và Trần Khải Ca từ lâu đã được các nhà làm điện ảnh Việt Nam nói riêng và khán giả Việt Nam nói chung thực sự ngưỡng mộ. Mấu chốt thành công của phim Trương Nghệ Mưu và Trần Khải Ca chính là sự kết hợp hài hoà, phát huy hiệu quả tính hiện đại và tính dân tộc trong tác phẩm. Bởi vậy, chúng tôi muốn thông qua những tác phẩm cụ thể của họ để rút ra những nhận xét, những kinh nghiệm cho phim Việt Nam.
Sau Cách mạng văn hoá, xã hội Trung Quốc bước vào một cuộc cải cách và mở cửa triệt để, các nhà sáng tác điện ảnh thuộc thế hệ thứ năm khởi nghiệp điện ảnh nên họ có điều kiện bộc lộ những suy nghĩ, tình cảm mạnh mẽ của mình - đại diện cho tâm trạng chung của cả dân tộc. Từ cuối thập kỷ 80, tác phẩm của họ được đánh giá cao tại các Liên hoan phim Quốc tế (LHPQT). Điều này đem lại vị thế nổi bật cho điện ảnh Trung Quốc trên thế giới.
Đạo diễn Trương Nghệ Mưu

Đạo diễn Trương Nghệ Mưu
Cao lương đỏ (1987) là phim đầu tiên Trương Nghệ Mưu làm đạo diễn và là bộ phim Trung Quốc đầu tiên được trao giải Gấu vàng tại LHPQT hàng đầu Tây Berlin (CHLB. Đức) năm 1988 và hàng chục giải thưởng quan trọng tại các LHP ở trong và ngoài nước. Phim được chuyển thể từ tiểu thuyết Cao lương đỏ và một số tình tiết từ tiểu thuyết Rượu cao lương của nhà văn Mạc Ngôn.
Đây là một bộ phim mang tính truyền kỳ về mối tình giữa “ông nội tôi” (vốn là thổ phỉ) và “bà nội tôi” (vợ của ông chủ nhà giàu nhưng bị cùi). Mối tình bất chấp mọi luật lệ xã hội này toát lên tinh thần sống tự do, phần nào mang tính bản năng nhưng thật sảng khoái, khoẻ mạnh mà các thế hệ cha ông đã từng sống.
Đây chính là một nét cốt cách tiềm ẩn trong con người Trung Hoa, vốn đời này qua đời khác sống trong vô số vòng vây của lễ giáo. Sự phát hiện cốt cách tinh thần này cho thấy một góc nhìn hiện đại của nhà làm phim về truyền thống dân tộc.
Bộ phim được đánh giá cao tiếp theo của đạo diễn họ Trương là Cúc Đậu (1990). Phim được đề cử giải Oscar cho phim nước ngoài xuất sắc nhất năm 1991. Được chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn trẻ Lưu Hằng với câu chuyện xoay quanh số phận đầy ngang trái của Cúc Đậu (Củng Lợi đóng) - một cô gái trẻ phải lấy ông chồng già giàu có, bất lực về sinh lý dẫn đến mối tình vụng trộm bốc lửa của cô với người cháu của ông chồng già. Bối cảnh chính của phim là một xưởng nhuộm ở một vùng nông thôn Trung Quốc đầu thế kỷ XX.
Một hình tượng màn ảnh xuyên suốt bộ phim, đóng vai trò quan trọng như một nhân vật là cái lò nhuộm với những tấm vải thiên về màu đỏ, đỏ đến chói mắt và cháy ruột gan! Chính sự sáng tạo về ngôn ngữ thể hiện này, vừa khiến người xem cảm nhận mạnh mẽ những nét đặc trưng mang tính dân tộc trong tình cảm và cuộc sống của con người Trung Quốc vừa cho thấy cách tiếp cận hiện đại của nhà làm phim trong việc hình tượng hoá những cảm xúc và ấn tượng trên màn ảnh.

Cảnh trong phim Đèn lồng đỏ treo cao.
Ngay sau Cúc Đậu, Trương Nghệ Mưu lại xây dựng một bộ phim thành công vang dội là Đèn lồng đỏ treo cao (1991). Phim được trao giải Sư tử bạc tại LHPQT Venice (Italia), được đề cử giải Oscar cho phim nước ngoài xuất sắc nhất năm 1992.
Đèn lồng đỏ treo cao được chuyển thể từ tiểu thuyết Bầy thê thiếp của nhà văn Tô Đồng. Nhân vật chính là Tụng Liên (Củng Lợi đóng) - một cô gái có học, con nhà nề nếp ở tỉnh thành, được lão gia cưới về làm vợ thứ tư. Những tưởng nàng sẽ khác các bà vợ trước, không ngờ bà tư cũng “lao” vào vòng giằng co ngấm ngầm đầy đố kỵ, ghen tuông hẹp hòi và cắn xé nhau tàn nhẫn với ba bà vợ kia và con a hoàn.
Hình ảnh xuyên suốt bộ phim là những chiếc đèn lồng đỏ. Đèn lồng đỏ không chỉ là một “nhân vật” tham gia vào câu chuyện (như ruộng cao lương hoặc lò nhuộm trong các phim trước) mà trở thành một biểu tượng gắn liền với lẽ sống của các bà vợ.
Nó là hạnh phúc, là sự hả hê mãn nguyện, nó cũng là nguyên nhân của sự giằng xé, giẫm đạp lẫn nhau, dồn đẩy nhau đến cái chết bất kể lúc nào! Tạo một ấn tượng thị giác mạnh và đậm bản sắc Trung Hoa qua đèn lồng đỏ, nâng nó lên thành biểu tượng gắn với số phận của những người đàn bà là thành công lớn của phim.
Thu Cúc đi kiện (1992) đạt được thành công quốc tế nổi bật khi giành giải Sư tử vàng và giải Diễn viên nữ (cho Củng Lợi) tại LHPQT Venice (Ý) năm 1992. Kịch bản phim được chính tác giả Trần Nguyên Vũ chuyển thể từ tiểu thuyết của mình.
Câu chuyện người phụ nữ nông dân bụng mang dạ chửa ở vùng núi xa xôi cương quyết đội giá rét, đạp tuyết băng để đi hết huyện đến tỉnh rồi về tận Thủ đô để thưa kiện ông trưởng thôn “cho ra phải trái” vì ông ta đã đánh đúng vào “chỗ hiểm” của chồng chị, được mô tả thật cuốn hút. Khi chị trở dạ, chính ông trưởng thôn là người nhiệt tình giúp đỡ để chị được mẹ tròn con vuông.
Ngày thằng bé đầy tháng, vợ chồng chị mời ông trưởng thôn và làng xóm đến ăn mừng, nhưng chính lúc vui vẻ nhất lại là lúc xe cảnh sát đến bắt ông trưởng thôn vì đơn kiện của chị đã được xử “theo lẽ phải trái”!
Thể hiện một vụ kiện mà đạo diễn không phân tuyến nhân vật chính - tà, các nhân vật đều là những người tốt, nhưng mọi “trục trặc” được trình bày như sự hiển nhiên của guồng máy xã hội đương thời.
Với cách trình bày khách quan ấy, một đặc điểm mang tính dân tộc Trung Hoa hiện lên: Đó là cách ứng xử xã hội còn theo kiểu quan hệ gia đình, từ đó nảy sinh những mâu thuẫn giữa tình cảm và pháp luật - nét đặc trưng của xã hội nông nghiệp đang trong quá trình công nghiệp hóa.

Củng Lợi - Lý Bảo Điền trong phim Cúc đậu.
Phải sống (1993). Đây là phim không được phổ biến tại Trung Quốc, nhưng lại được phép dự thi LHPQT và chiếu ở nước ngoài. Phim giành giải Diễn viên nam cho Cát Ưu tại LHPQT Cannes năm 1993.
Là một chuyển thể văn học từ tiểu thuyết Sống của Dư Hoa, phim Phải sống phản ánh giai đoạn đầy thăng trầm trong lịch sử Trung Quốc hiện đại từ thập niên 40 đến thập niên 70 của thế kỷ XX: Cách mạng giải phóng dân tộc, cải cách đất đai, đại nhảy vọt… Mọi biến cố xã hội được phản ánh qua sự chìm nổi số phận của gia đình Phúc Kiến (Cát Ưu) - Gia Trân (Củng Lợi). Phim kết hợp giữa màu sắc hiện thực và triết lý, giữa bi và hài, khiến người xem nhiều lúc phải cười ra nước mắt!
Trương Nghệ Mưu thường tái tạo những giai đoạn lịch sử của xã hội Trung Quốc, trong đó số phận con người và hoàn cảnh cuộc sống của họ được khai thác đến tận cùng và “nhuộm” màu sắc Trung Hoa một cách đặc trưng và điển hình nhất.
Thế nhưng, người xem vẫn cảm nhận được cái cốt lõi sâu sắc và thân thuộc như một mẫu số chung của CON NGƯỜI qua mỗi số phận và hoàn cảnh cụ thể ấy. Chính vì vậy mà hầu hết phim của Trương Nghệ Mưu đều chinh phục được khán giả trên toàn thế giới.
Đạo diễn Trần Khải Ca

Đạo diễn Trần Khải Ca.
Hoàng thổ (1984) là bộ phim đầu tiên khiến cho tên tuổi của Trần Khải Ca được chú ý. Đề tài phim Hoàng thổ xuất phát trên bối cảnh cuộc chiến tranh Trung - Nhật vào đầu năm 1939. Phim kể về một chiến sĩ Giải phóng đến Thiểm Bắc sưu tầm dân ca. Hào quang cách mạng của anh đã chinh phục một cô dâu ở vùng núi xa xăm này trốn chạy khỏi cuộc hôn nhân sắp đặt trước. Nhưng sự theo đuổi tự do hôn nhân đã khiến cô gặp những hoạn nạn và bi kịch.
Đặc biệt, thủ pháp thể hiện mới mẻ, hiện đại của đạo diễn Trần Khải Ca và nhà quay phim Trương Nghệ Mưu trở thành sự phá cách trong sáng tác điện ảnh đương thời.
Bá vương biệt cơ (1993) cho đến bây giờ vẫn có thể coi là bộ phim xuất sắc nhất của đạo diễn Trần Khải Ca. Được chuyển thể từ nguyên tác văn học cùng tên của nhà văn Lý Bích Hoa, phim là sự kết tinh của truyền thống văn hoá Trung Hoa và tư duy hiện đại của nhà làm phim. Câu chuyện phim kéo dài hơn nửa thế kỷ, được đặt trong bối cảnh Trung Quốc thế kỷ XX với những bước ngoặt lịch sử lớn, và mọi biến thiên của xã hội được phản chiếu qua số phận của các nhân vật trong phim.
Việc Trần Khải Ca chọn hai nhân vật chính là hai người hát kinh kịch đã tạo điều kiện để bộ phim thấm đẫm màu sắc dân tộc. Bởi vì, kinh kịch được coi là nơi đúc kết một cách tinh tuý nhất văn hoá Trung Hoa.
Xúc cảm mạnh mẽ và triết lý sâu sắc về tình yêu và thù hận, cuộc sống và cái chết, lòng thuỷ chung và sự phản bội… được diễn tả đầy ấn tượng qua những hình tượng màn ảnh có sức sống mãnh liệt.

Bá vương biệt cơ - Phim được đánh giá cao nhất
của đạo diễn Trần Khải Ca.
Nhờ kết hợp nhuần nhuyễn giữa tư duy hiện đại và bản sắc văn hoá Trung Hoa, Bá vương biệt cơ trở thành bộ phim được đánh giá cao nhất của Trần Khải Ca ở trong và ngoài nước (với nhiều giải thưởng cao nhất tại các LHP ở Trung Quốc, Cành cọ vàng tại LHPQT Cannes (1993) và nhiều giải quốc tế).
Mãi bên nhau (hay Nốt nhạc thiên tài), năm 2002, xoay quanh câu chuyện một người dân quê sùng bái cậu con trai 13 tuổi như một thiên tài âm nhạc đã cất công đưa cậu bé lên Bắc Kinh tìm thầy dạy nhạc.
Hai người thầy dạy vĩ cầm thuộc hai thái cực đối lập nhau khiến người cha lúng túng. Một người dáng vẻ cổ lỗ. Người kia thuộc tầng lớp thượng lưu mới. Cuối cùng, người cha đến với “thầy thời thượng”. Nhưng người làm cậu con rung động nhất lại là một “người đẹp tỉnh thành” bởi chỉ với nàng cậu mới thấy trỗi dậy những tình cảm tự nhiên và tự do!
Mãi bên nhau phản ánh sự va chạm giữa truyền thống và hiện đại, nghệ thuật và thương trường, khuôn phép và tự do… Nhưng bao trùm lên tất cả vẫn là tình phụ tử - mạch sống vô tận gắn kết giữa các thế hệ Trung Hoa.
Qua những bộ phim nêu trên, chúng ta có thể rút ra những bài học kinh nghiệm gì cho các nhà điện ảnh Việt Nam?
Thứ nhất, cần có cách nhìn biện chứng và đa chiều đối với sự việc và con người để thay thế cách nhìn một chiều, đóng khung thường thấy trong phim Việt Nam.
Thứ hai, cần tránh cách sao chụp hiện thực một cách “thật thà” thường thấy trong nhiều bộ phim Việt Nam, để đi sâu, phản ánh bản chất cuộc sống của dân tộc mình, nâng hiện thực cuộc sống lên tầm khái quát, khiến cho những vấn đề mang tính đặc thù dân tộc trở thành mối quan tâm chung của thời đại. Đây là bài học đặc biệt quan trọng trong tác phẩm của các đạo diễn thế hệ thứ năm của điện ảnh Trung Quốc, dẫn đến thành công quốc tế của cả Trần Khải Ca và Trương Nghệ Mưu.