Chúng tôi xem trên mạng thấy nói: Ông Đỗ Thanh Xuân, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Nam Định đã yêu cầu UBND thành phố Nam Định chỉ đạo các phòng và đơn vị liên quan cho sửa mấy câu thơ trên bia mộ nhà thơ Trần Tế Xương nằm bên hồ thuộc công viên Vị Xuyên.
Ở mặt sau tấm bia có khắc hai câu thơ của cụ Nguyễn Khuyến nguyên văn như sau: “Kìa ai chín suối Xương không nát/ Có lẽ ngàn thu tiếng vẫn còn”.
Ở mặt trước tấm bia có khắc hai câu thơ của chính nhà thơ Trần Tế Xương, nguyên văn như sau: “Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình lại tưởng tiếng ai gọi đò”.
Ông Đỗ Thanh Xuân cho biết: Ở hai câu thơ của cụ Nguyễn Khuyến nên sửa chữ “ngàn” thành chữ “nghìn” cho đúng. Ở hai câu thơ của nhà thơ Trần Tế Xương nên sửa chữ “lại” thành chữ “còn” cho được chính xác hơn.
Chúng tôi xin Ban biên tập Hồn Việt vui lòng cho biết ý kiến, xem sửa như vậy đã thực chính xác chưa? Xin cảm ơn.
Học giả Nguyễn Quảng Tuân trả lời:
Chúng tôi đã xem lại một số sách báo cũ để tìm hiểu về hai câu thơ của Trần Tế Xương. Quyển Văn đàn bảo giám (Trần Trung Viên sưu tập, Nam Ký xuất bản năm 1926) đã chép bài Sông lấp Nam Định như sau:
Sông kia rày đã nên đồng, Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai. Đêm nghe tiếng ếch bên tai, Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò. Việc đời nghĩ đến mà lo, Giàu sang có phận, đói no có trời. Ai ơi chơi kẻo già đời! |
Nhưng quyển Vị Xuyên thi văn tập (Sở Cuồng Lê Dư sưu tập, Nam Ký xuất bản năm 1931) lại không có chép bài thơ ấy.
Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học có cho in quyển Tú Xương toàn tập (Đoàn Hồng Nguyên biên soạn, Văn Học xuất bản năm 2010) trong có bài Sông lấp nhưng chỉ có 4 câu và câu thứ tư lại chép là: Giật mình còn ngỡ tiếng ai gọi đò (dĩ nhiên là bản này có chú thích thêm các dị bản Nôm: Văn đàn bảo giám do Trần Trung Viên sao lục, Nam Ký thư quán xuất bản lần đầu 1926; Thân thế và thơ văn Tú Xương, Vũ Đăng Văn, NXB Cây Thông, Hà Nội, 1951; Thơ văn Trần Tế Xương, Hoàng Ngọc Phách – Lê Thước – Đỗ Đức Hiểu, NXB Bộ Giáo Dục, Hà Nội, 1957; Tú Xương con người và nhà thơ, Trần Thanh Mại và Trần Tuấn Lộ, NXB Văn Hóa, Hà Nội, 1961…).

Mộ nhà thơ Trần Tế Xương tại TP. Nam Định.
Qua hai quyển sách kể trên ấy, chúng ta thấy sự sao chép đã có khác biệt rồi nhưng ở câu thơ này nên chọn “còn tưởng” hơn là “còn ngỡ” vì âm hưởng của hai chữ ấy nghe thanh thoát và nhẹ nhàng hơn nhiều…
Riêng với đề nghị sửa chữa của ông Đỗ Thanh Xuân, chúng tôi nhận thấy:
- Nếu dùng chữ “lại” trong câu: “Giật mình lại tưởng tiếng ai gọi đò” thì câu thơ không rõ nghĩa, người đọc có thể hiểu rằng con sông còn chưa bị lấp hoặc đã bị lấp vì chữ “lại” không minh định được thời gian. Hơn nữa, chữ “lại” viết với dấu nặng ( . ) thuộc trầm nhập thanh đọc nghe không thanh thoát bằng chữ “còn” viết với dấu huyền ( \ ) thuộc trầm bình thanh.
- Nếu dùng chữ “còn” thì câu thơ rõ hẳn nghĩa, minh định được thời gian con sông đã bị lấp rồi, nay chỉ còn tưởng đến cảnh gọi đò ban đêm mà thôi.
Hơn nữa, chữ “còn”, như đã nói ở trên, thuộc thanh bằng nên câu thơ đọc lên có âm hưởng hơn nhiều.
Như vậy, việc sửa chữ “lại” thành chữ “còn” là đúng, nên làm để cho câu thơ có nghĩa chính xác.
Nhân đây, chúng tôi cũng xin nói thêm về chữ “vẳng” trong câu “Vẳng nghe tiếng ếch bên tai”. Chữ “vẳng” là “nói về cái tiếng ở xa xa đưa lại” (Việt Nam tự điển – KTTĐ), nó rất yếu ớt, không thể làm cho người nghe phải “giật mình” được. Theo như vị trí của sông Vị Hoàng thì khúc sông này chảy qua thành phố Nam Định vào quãng các phố Hàng Nâu, Hàng Song, Hàng Sắt… , chảy sát bên phía đông của làng Vị Hoàng (sau đổi là Vị Xuyên) nên nhà thơ Trần Tế Xương đêm nghe ếch nhái kêu ở những bờ ao quanh nhà rất rõ ràng, như ngay ở “bên tai”. Và tiếng ếch kêu to đã làm cho nhà thơ phải “giật mình” mà liên tưởng tới tiếng gọi đò lúc đêm khuya trước kia, nó chính là cái cảm khái của nhà thơ Tú Xương trước vận nước khi ấy.
Các bản sao chép thơ văn của Trần Tế Xương thường chép là “Đêm nghe” . Đúng! Phải là về đêm mà “đêm càng về khuya” thì tiếng gọi đò mới càng nghe rõ và mới càng có tính cách vội vã. Chữ này gợi lên hình ảnh của một người hoạt động yêu nước chống Pháp thời đó, lặn lội lúc đêm khuya, quên cả mọi hiểm nguy vất vả. Tác giả vì nỗi lòng cố quốc khôn nguôi nên còn tưởng ra như vậy.
Qua phần trình bày ở trên, chúng tôi cho rằng, hai câu thơ khắc ở tấm bia mộ Trần Tế Xương nên được chép là:
Đêm nghe tiếng ếch bên tai, Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò. |
Chúng tôi lại cũng xin đề nghị nên khắc thêm chữ quốc ngữ kèm theo với chữ Nôm ở tấm bia mộ của nhà thơ Trần Tế Xương chứ nếu chỉ khắc bằng chữ Nôm như hiện nay thì không mấy người đã đọc được, tưởng cũng là điều đáng tiếc.