Mấy ý kiến đề nghị về đổi mới căn bản giáo dục-đào tạo

Nghị quyết số 29 của Hội nghị Trung ương Đảng thứ 8 về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) đã có nhiều chủ trương rất quan trọng bao gồm toàn diện các vấn đề của GD-ĐT. Tôi chỉ xin nói về 2 chủ đề:


1. Tăng cường đầu tư cho GD-ĐT.
2. Chế độ đối với giáo viên.

Vấn đề tăng cường đầu tư cho GD-ĐT
Nghị quyết 29 đã khẳng định quan điểm cơ bản hết sức quan trọng, chỉ đạo toàn bộ các biện pháp là: “Giáo dục-đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”.

Nội dung tư tưởng sáng suốt đó đã được Đảng khẳng định từ năm 1996, trong Nghị quyết 2 của Trung ương VIII: “Thực sự coi giáo dục-đào tạo là quốc sách hàng đầu. Nhận thức sâu sắc GD-ĐT cùng với khoa học công nghệ là nhân tố quyết định tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, đầu tư cho GD-ĐT là đầu tư phát triển. Thực hiện các chính sách ưu đãi đối với GD-ĐT, đặc biệt chính sách đầu tư và chính sách tiền lương. Có giải pháp mạnh mẽ để phát triển giáo dục”.
Từ năm 1996 đến nay, đã tăng mức đầu tư của ngân sách nhà nước vào GD-ĐT, từ dưới 15% lên 20% (năm 2012 là 170 tỉ đồng).

Lần này, Nghị quyết 29 khẳng định: “Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư phát triển GD-ĐT, ngân sách nhà nước chi cho GD-ĐT tối thiểu ở mức 20% tổng chi ngân sách”. Tuy mức không tăng hơn 20% (hiện nay đã đạt rồi), nhưng quy định rõ: “Phân định rõ ngân sách chi cho giáo dục (mầm non, phổ thông, nghề nghiệp và đại học) với ngân sách chi cho cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc các hệ thống chính trị và các lực lượng vũ trang”. Như thế là từ trước cho đến nay, các lớp đào tạo bồi dưỡng của Quân đội, của Công an, của các đoàn thể Thanh niên, Phụ nữ, Công đoàn và của hệ thống Đảng, đều được tính chung trong phần 20% ngân sách dành cho GD-ĐT. Và chắc chắn rằng phần ngân sách này không phải là nhỏ, nếu từ nay được tách bạch rõ ràng ra khỏi 20% ngân sách dành cho GD-ĐT thì phần ngân sách cho GD-ĐT cũng được tăng đáng kể.

Vấn đề chế độ đối với giáo viên
Nói giáo viên là nói toàn bộ đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
1. Nghị quyết ghi rõ: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”.
Quan điểm quan trọng này cũng đã được ghi từ Nghị quyết 2 Trung ương VIII (1996): “Lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm chế độ phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng do Chính phủ quy định”.
Việc có thêm chế độ phụ cấp các loại thì đã được thực hiện: phụ cấp đứng lớp, phụ cấp trách nhiệm quản lý, phụ cấp dạy ở vùng sâu, vùng xa, phụ cấp dạy trẻ em khuyết tật, thâm niên giảng dạy…

Tuy nhiên, điều cơ bản đã được Trung ương nhấn mạnh từ năm 1996 đến nay, điều có tác dụng động viên và tăng cường chất lượng toàn đội ngũ giáo viên, thì đến nay vẫn chưa rõ ràng, ngay trong những cán bộ chủ chốt của Bộ Giáo dục và Bộ Tài chính, đó là:

- Hiện nay, thang lương giáo viên đang đứng vào bậc bao nhiêu trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp? Nếu được xếp vào bậc cao nhất, thì lương xuất phát của giáo viên sẽ được tăng lên bao nhiêu, sẽ được lên bao nhiêu bậc?
- Muốn thực hiện điểm nghị quyết đó của Trung ương Đảng, thì cơ quan nào phải chủ trì để nghiên cứu, đề nghị lộ trình thực hiện? Bộ Tài chính, hay Bộ GD-ĐT, trách nhiệm phối hợp của 2 bộ như thế nào? Ngay trong Bộ GD-ĐT thì việc này thuộc trách nhiệm Vụ nào, Vụ Tài chính hay Vụ Tổ chức cán bộ?
- Thực hiện nghị quyết đó của Trung ương Đảng tức là không cần chờ việc cải cách thang lương công chức-viên chức chung của nhà nước. Vì nếu phải chờ thang lương chung, thì điều quyết định ấy trong Nghị quyết Trung ương sẽ chẳng còn ý nghĩa.
- Và bao giờ sẽ phải trình Chính phủ để quyết định?

Vấn đề nâng lương thích đáng cho giáo viên là vấn đề có tính chất quyết định trong việc thực hiện quan điểm “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Nó có tác dụng rất cơ bản và sâu sắc đến tinh thần và chất lượng của toàn thể đội ngũ giáo viên, là khâu mấu chốt để có thể thực hiện tốt toàn thể các biện pháp khác trong Nghị quyết.

 

 Nâng lương thích đáng cho giáo viên là vấn đề có tính chất quyết định trong việc thực hiện quan điểm “giáo dục là

quốc sách hàng đầu”

2. Ngoài ra, về chế độ giáo viên hiện nay, xin đề nghị giải quyết thỏa đáng chế độ trợ cấp thâm niên đối với nhà giáo.
Đến nay, sau rất nhiều cố gắng của Hội Cựu giáo chức Việt Nam cũng như của Bộ GD-ĐT, Chính phủ đã có 2 quyết định về trợ cấp thâm niên cho giáo viên. Nhưng 2 quyết định ấy vẫn chưa chú ý giải quyết các vấn đề sau đây:

- Chỉ những anh chị em nghỉ hưu khi đang giảng dạy mới được xét tính trợ cấp thâm niên, còn những anh chị em đã chuyển sang công tác khác trước khi về hưu, kể cả công tác quản lý giáo dục, cũng không thuộc diện xét trợ cấp, dù trước đó anh chị em đã có một thời gian dài làm giáo viên, và là những giáo viên giỏi mới được chọn làm cán bộ quản lý.
- Những anh chị em được cử đi B (vào miền Nam để phát triển giáo dục) là những người đã chiến đấu, hy sinh nhiều trong việc phát triển giáo dục ở miền Nam, cũng không được xét vào diện được trợ cấp.
- Mức trợ cấp hiện nay là quá thấp (chỉ 10%). Hội Cựu giáo chức Việt Nam đã đề nghị mức trợ cấp = 20% mức lương khi nghỉ hưu x số năm giảng dạy.
Nghị quyết Trung ương 29, mặc dù còn một số dè dặt do tình hình khó khăn về kinh tế hiện nay của đất nước, cũng đã có những quyết định quan trọng tăng cường đầu tư cho GD-ĐT. Nếu chúng ta tích cực khai thác, thực hiện nghiêm túc những quyết định ấy, chắc rằng sẽ có thể tạo được bước chuyển căn bản và toàn diện nền GD-ĐT trong tình hình hiện nay.

Ngày 3-5-2014

_____

* Phó Chủ tịch Ban chấp hành Hội Cựu giáo chức Cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo

(Hồn Việt số 83, 7/2014, tr. 44)

PHAN HOÀNG MẠNH*