"Ăn ốc trông trăng" - món ăn độc đáo của thi sĩ Tản Đà

Thi sĩ Tản Đà – tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939), quê ở huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây (nay là huyện Ba Vì, TP. Hà Nội) nơi có phong cảnh hữu tình núi Tản, sông Đà, có những đặc sản của rừng, của sông, của suối như ốc nhồi Bằng Tạ - Đầm Lang nổi tiếng, nên Tản Đà đã để lại một món ăn đặc sản: “Ăn ốc trông trăng”.

Sau đây là câu chuyện của ông Nguyễn Văn Phúc, hậu duệ của Tản Đà, kể lại: “Ốc ở vùng Bằng Tạ - Ba Vì là loại ốc ngon nổi tiếng, ốc ở đây được chở về Hà Nội từ tinh mơ để rải cho các cửa hàng ăn đặc sản của thủ đô. Khách sành ăn có thể phân biệt được cái ngon của ốc nhồi Bằng Tạ - Đầm Lang với ốc nhồi Hồ Tây. Ốc nhồi Bằng Tạ - Đầm Lang như còn ngậm trong lòng nó cái khí chất hồng hoang, cái lặng lẽ yên bình trú ngụ trong đầm, và thi sĩ Tản Đà đã tạo ra cách ăn ốc rất Tản Đà. Đó là cách ăn độc đáo từ những nguyên liệu: ốc - rượu - trăng”.

Ông Phúc kể về cách ăn cầu kỳ đó của Tản Đà như một sự tích toát lên một phong tục đẹp tương quan giữa con người với trời đất và vạn vật. Vào dịp rằm tháng 8 hơi sương đã lạnh là lúc dân vùng trung du thường mở ra tiệc ốc với những con ốc ngon nổi tiếng của vùng hồ Bằng Tạ - Đầm Lang (Ba Vì), đó là tiệc “Ăn ốc  trông trăng”.

pic

Để chuẩn bị cho bữa tiệc, ốc nhồi bắt về phải được ngâm với nước vo gạo trước vài ngày cho nhả hết rêu và các chất bẩn. Vớt ốc ra cho ráo nước rồi dùng khăn lau sạch từng con và để cho khô, kiếm những chiếc vỏ sò to cũng phải rửa sạch và lau khô. Một chiếc lò nướng đỏ rực than hồng, một liễn mỡ và đĩa hành hoa thái sẵn, một bình rượu quê thơm phức và một bộ chén hạt mít.

Bữa tiệc bắt đầu bằng việc đặt những chiếc vỏ sò vào trong lò nướng, chờ cho vỏ sò nóng lên bởi than hồng. Ốc được nhể ra để vào đĩa, xong mới múc mỡ từ liễn ra đổ lần lượt vào những chiếc vỏ sò đã được đốt nóng rồi gắp mấy nhành hành vào mỡ, mùi mỡ phi hành bốc lên thơm phức, lúc đó gắp từng con ốc đã nhể sẵn vào chiếc vỏ sò.

Chờ cho mỡ, ốc, hành reo vui trong lò nướng, khi ốc vừa chín tới thi sĩ mới gắp chiếc vỏ sò ra để lên thành mâm, rượu rót ra đầy chiếc chén bạch định. Lúc đó thi sĩ mới nhấp rượu, mỗi lần nhấp một chén là một lần ông cầm lấy chiếc vỏ sò trút cả con ốc vừa chín tới mùi thơm phức và nóng hổi vào miệng, thêm vài lá rau thơm và vừa uống rượu vừa ăn ốc vừa ngắm trăng cứ từ từ nhô lên trên nền trời trong vắt.

Thi sĩ còn dặn rằng: ăn ốc kiểu này phải chọn thời tiết se lạnh, chọn ngày trời trong của thu tháng 8 mới thật hứng thú. Phải tính số người ăn để chọn số vỏ sò vừa đủ, đừng để thừa khiến ốc nguội lạnh ăn mất ngon.

Cách ăn ốc của thi sĩ Tản Đà quả là cách ăn có nghệ thuật, tận dụng được cái ngon của ốc, cái đẹp của trăng lên, và cái khí lạnh của thời tiết với núi Tản – sông Đà. Thật hiếm có một thi sĩ ăn uống kiểu nghệ thuật độc đáo mang hương vị đồng quê đậm đà đến thế.

Tạ Ngọc Hà