Đặc trưng độc đáo của Đờn ca tài tử
Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật được xem là “sinh sau đẻ muộn” nhất vào cuối thế kỷ XIX đầu XX. Dù trên nền của nhạc cung đình Huế, qua Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam mang chút âm hưởng miền Trung, tới miền Nam mảnh đất màu mỡ với những con người tháo vát, đầy sáng tạo, Đờn ca tài tử phát triển và trở thành một nét văn hóa đặc sắc của vùng Nam Bộ.
Nếu ở miền Trung, Đờn ca tài tử các điệu có phong cách chặt chẽ thì ở miền Nam lại phóng khoáng, bay bướm, nhạc điệu có tiết tấu thay đổi tùy thuộc vào cảm xúc của từng người và từng lúc. Tuy nhiên, vẫn mang một hơi hướng buồn man mác như để nhớ về cội nguồn. Đờn ca tài tử nói lên được đúng tính cách của người Nam Bộ, hễ vui thì chơi, chơi hết mình, còn không có hứng thì có “các vàng” cũng khó có thể mua được tiếng tđàn của những “tài tử, giai nhân”. Muốn trở thành người hát và đàn Đờn ca tài tử đúng nghĩa thật không phải dễ, không phải ai cũng có những ngón đàn, lời ca mùi mẫn đi vào lòng người. Những người được coi là nghệ nhân cũng đều phải qua quá trình tập luyện công phu, khổ luyện và có phong cách riêng.

Nhạc khí chú ý hơn lời ca
Nhạc khí trong Đờn ca tài tử là đàn kìm (đàn nguyệt) và đàn tranh, ít khi có độc tấu, thường là song tấu giữa đàn kìm và đàn tranh, tiếng thổ pha kim hoặc có khi là tam tấu đàn kìm, đàn tranh, đàn cò, thi thoảng có thêm tiếng sáo, tiếng tiêu. Đặc biệt là song lang (hai thanh tre già – có người gọi là song loan) để đánh nhịp. Ngoài ra, còn có các nhạc khí khác như đờn sến, đờn gáo, đờn độc huyền, đờn tỳ bà nhưng ít thông dụng.
Nếu như Ca trù miền Bắc và Ca Huế của miền Trung rất coi trọng lời ca hơn tiếng đàn, thì trong Đờn ca tài tử lại gần như ngược lại. Tiếng đàn có nhấn nhá, có sắp chữ, sắp câu sao cho duyên dáng, cách xuống câu đến xang, hò, xề… phải sao cho ngọt ngào uyển chuyển mới gọi là ngón đàn hay; cách đàn câu thòng, câu nhồi, câu lợi bay bướm, đa dạng. Âm thanh nhạc tài tử nhẹ nhàng, xen lẫn buồn, vui, ai oán. So với nhạc Huế, nhạc tài tử Nam Bộ theo ngôn ngữ bình dân và “mùi” hơn, khi trình diễn tự do, phóng túng hơn. Người hòa đàn chỉ cần ăn nhịp đầu và nhịp cuối, đoạn giữa có thể tùy hứng. Tuy nhiên, lối chơi phóng túng của Đờn ca tài tử cũng phải có nguyên tắc, còn lời ca của tài tử thì có thể dung nạp mọi đề tài, có thể từ các tích xưa, lịch sử, đạo lý truyền thống của dân tộc, cho đến các đề tài đương đại, thậm chí có thể sử dụng bài bản tài tử để viết lời mới phục vụ công tác tuyên truyền nhiệm vụ chính trị... Ca từ giản dị, mộc mạc, giàu chất văn học dân gian, đầy ắp hơi thở cuộc sống. Vì thế, nhiều bài đã được công chúng thuộc lòng, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Sức sống mạnh mẽ
Giáo sư Trần Văn Khê, nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống cho rằng: Chính sự hòa hợp, gần gũi giữa người trình diễn Đờn ca tài tử với khán giả đã tạo nên sức sống bền vững cho nghệ thuật trình diễn độc đáo này. Đờn ca tài tử không chỉ gắn bó với người dân lao động miền sông nước mà đã ngược dòng về nơi phố thị, lan tỏa khắp lục tỉnh đến Sài Gòn. Việc thưởng thức Đờn ca tài tử ở thành phố được mọi lứa tuổi yêu thích. Không những vậy, học trò theo học Đờn ca tài tử ngày càng đông. Nghệ nhân dân gian Lê Khắc Tùng (huyện Hóc Môn, TP. HCM) “chiêu nạp” đào tạo học trò lớn tuổi nhất là 60, nhỏ nhất là 9 tuổi. Ngoài việc truyền dạy cho hàng trăm học trò khắp cả nước, ông còn dạy cho nhiều người Việt sống ở nước ngoài như Pháp, Mỹ, Canada…
Nhiều câu lạc bộ, nhóm Đờn ca tài tử hoạt động sôi nổi ở khắp các tỉnh thành phía Nam, không chỉ có những nghệ nhân mà xu hướng người trẻ mê Đờn ca tài tử cũng ngày càng đông, lan tỏa, rộng khắp từ Nam chí Bắc. Hình ảnh những nghệ nhân gẩy ngón đàn thật “mùi”, xuống vọng cổ ngọt ngào đã nhận được những tràng pháo tay cổ vũ của khán giả ngồi trật kín khán phòng không còn hiếm thấy.
Rồi từ các câu lạc bộ, các nhóm đờn ca, những người nghệ sỹ của đồng quê được bước lên sân khấu thực thụ tại các cuộc liên hoan, nhạc hội, giao lưu được tổ chức thường xuyên, liên tục cấp tỉnh và Trung ương… Đờn ca tài tử được nhiều người xem là “nghề thời thượng” mang lại thu nhập khá cho nghệ nhân, nghệ sỹ. Giống như loại hình nghệ thuật truyền thống khác, Đờn ca tài tử có nhiều biến đổi theo năm tháng, thậm chí nhiều người lo sợ bị “cải lương hóa” trong cuộc mưu sinh và những chuyển biến ngày càng lệch lạc so với giá trị gốc khiến không ít người nhầm lẫn giữa Đờn ca tài tử với các trích đoạn ca vọng cổ, cải lương…
Có lẽ, đó cũng là lực cản lớn nhất trong hành trình của những nhà nghiên cứu, nhà quản lý đưa Đờn ca tài tử đến với UNESCO. Những nỗ lực cố gắng, qua nhiều bước đệ trình, thẩm định, hồ sơ Đờn ca tài tử đã đến được với UNESCO, cuối năm nay chúng ta hy vọng có cơ hội mang về danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại dành cho Đờn ca tài tử.