Cùng đoàn công tác đi nghiên cứu, khảo sát tình hình văn học nghệ thuật ở Ấn Độ do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, tôi đã hoàn toàn bị choáng ngợp trước nền văn minh sông Hằng. Chỉ 7 ngày, thời gian quá ngắn để thấu hiểu, dù là rất sơ lược một nền văn hóa đồ sộ 5.000 năm, nhưng tất cả những gì nhìn thấy trước mắt như mở ra cho tôi một cái nhìn vừa lạ lẫm vừa say mê về một đất nước vô cùng đa dạng nhưng cũng đầy nghịch lý - vừa là một cường quốc trên thế giới nhưng cũng là một đất nước đầy rẫy những khu nhà ổ chuột với những người dân sống dưới mức của sự nghèo khổ, là nơi có số người nhiều nhất (hơn 300 triệu người) sống dưới chuẩn nghèo quốc tế (1,25 USD/ngày)...
New Delhi - Thành phố xanh...
Thủ đô New Delhi giống như một vườn cây xanh tĩnh lặng bên những ngôi biệt thự trắng uy nghi. Phong cách kiến trúc Tây phương in đậm trên từng con đường, từng hàng cây xanh mướt. Delhi là thành phố cổ hơn 3.000 năm, một thành phố lớn ở trên con đường thương mại cổ từ Tây Bắc Ấn Độ đi Đồng bằng sông Hằng. Vì vậy, nơi đây ví như là một thành phố bảo tàng khổng lồ với nhiều tượng đài cổ, các địa điểm khảo cổ, những tòa lâu đài cổ được xây bằng đá, các viện bảo tàng, nhà triển lãm nghệ thuật và các tàn tích có tầm quan trọng quốc gia. Các hoàng đế Mughal đã cho xây một phần của thành phố (hiện được gọi là Phố Cổ hay Delhi Cổ) để làm kinh đô của Đế quốc Mughal. Trong thời kỳ thuộc Anh, New Delhi được hai kiến trúc sư hàng đầu người Anh là Sir Edwin Lutyens và Sir Herbert Baker xây dựng bên cạnh kinh đô cổ Delhi như một quận hành chính của thành phố với các công trình kiến trúc lớn như tòa nhà Quốc hội, Phủ Tổng thống, cổng Ấn Độ và các trường Đại học Tổng hợp, Trường Đại học Bách khoa, Viện Hàn lâm Nghệ thuật Quốc gia, Học viện Âm nhạc-Kịch-Múa và nhiều cơ sở văn hóa, cơ quan khoa học quan trọng khác...
Ngay từ ngày đầu tiên đến Ấn Độ, trên đường từ sân bay đến thành phố, người ta có thể nhận ra ngay những ẩn chứa đằng sau lớp sang trọng đó. Đường cao tốc thênh thang thẳng tắp đi vào những khu phố sang trọng, xe ô tô(1) nối đuôi nhau trên đường hòa lẫn với dòng xe auto-rickshaw (còn gọi là tuk tuk - loại xe chở khách bình dân giống như xe Lam của ta), đã tạo nên diện mạo một thủ đô thanh lịch. Nhưng chỉ cần đi xa những khu phố ngoại giao, tiến ra vùng ngoại ô ta sẽ dễ dàng nhận ra khuôn mặt thứ hai của thành phố thanh lịch này, đó là những khu dân cư nháo nhác với những con người nghèo khổ bên những túp lều vài mét vuông chỉ đủ làm chỗ ngủ... Với người Ấn, nghèo khó như là một số mệnh đã sắp đặt sẵn cho họ, cũng như thứ bậc giai cấp trong xã hội là chuyện lưu truyền nhiều đời. Không ai có thể chọn cho mình giai cấp thượng lưu hay bình dân. Đó là chuyện của số mệnh và người ta vui vẻ chấp nhận điều đó như là điều hiển nhiên. Trên đường phố, các cô gái với những tà áo sari sắc màu rực rỡ phơi mình dưới cái nắng gay gắt một cách bình thản. Dường như phụ nữ Ấn Độ không có thói quen đội nón, họ phơi đầu trần dưới nắng hoặc chỉ kéo chiếc sari choàng lên mái tóc là xong. Điều đặc biệt nhất là rất hiếm khi tìm ra chiếc váy hay chiếc quần jean trên phố. Dù là thủ đô, hay cả thành phố công nghiệp Mumbai, những chiếc sari và áo dài kiểu Ấn vẫn rực rỡ trên khắp mọi nẻo đường. Lạ lùng sao, một đất nước từng bị nô thuộc phương Tây hơn một thế kỷ, dù thành phố đã ghi dấu ấn rất nhiều kiến trúc phương Tây, nhưng con người nơi đây vẫn bền bỉ một cách kiên cường cùng với bản sắc dân tộc của mình: từ phục trang cho đến phong cách giao tiếp...
