Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là những chuyện không mới. Vì đây là trụ cột của nền kinh tế nước ta, là nơi bảo vệ nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, là lực lượng chủ lực trong cách mạng và kháng chiến. Và hiện nay, tam nông vẫn giữ một vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong việc xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nông nghiệp nước ta từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, đến nay qua hơn 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới đã có được những thành tựu nổi bật trong sản xuất lương thưc, nông sản, hải sản xuất khẩu, góp phần quan trọng vào việc tăng trưởng kinh tế của đất nước; bộ mặt nông thôn trên nhiều vùng đã có những thay đổi rõ nét với những công trình phục vụ sản xuất và đời sống: điện, đường, trường, trạm đã được hoàn thiện ở nhiều nơi; đời sống nông dân đã có những cải thiện không nhỏ so với vài mươi năm trước. Đó là một thực tế không ai có thể phủ nhận được.
Nhưng so với mặt bằng phát triển chung của các ngành, các vùng nhất là các vùng đô thị thì quả là nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở nước ta đang bộc lộ những mâu thuẫn, những khó khăn... làm hạn chế sự phát triển, đặc biệt là trong vài năm trở lại đây. Nhiều vấn đề đặt ra cần phải được chỉ đạo giải quyết một cách thấu đáo, vừa bảo đảm tính chiến lược trong điều kiện toàn cầu hóa vừa phải cụ thể, quyết liệt thì mới có thể đưa nông nghiệp tiếp tục phát triển, đời sống nông dân mới được cải thiện, nông thôn mới được ổn định, giàu đẹp. Đối với vấn đề này, Nghị quyết 26 NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã nêu khá đầy đủ, nhưng nghị quyết vẫn chưa đi vào cuộc sống và tam nông vẫn là vấn đề nóng bỏng hiện nay. Kỳ họp Quốc hội cuối năm 2013 vừa qua, nhiều đại biểu đã làm nóng nghị trường trong các phát biểu về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với bao nỗi trăn trở, băn khoăn, bức xúc… Năm 2013 đã đi qua và là một năm mà nước ta đã hứng chịu hơn 10 cơn bão, gây nên những thiệt hại kinh hoàng trên hầu hết các vùng trong cả nước mà trước hết là mặt trận nông nghiệp, giai cấp nông dân và địa bàn nông thôn phải gánh chịu nặng nề nhất.
* * *
Để giải quyết vấn đề tam nông trước mắt cũng như lâu dài, việc chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 26 NQ/TƯ khóa X cần phải được chỉ đạo quyết liệt hơn nữa mới có thể tạo được những chuyển biến thực sự, tích cực trong những năm tới:
Một là cần rà soát quy hoạch sử dụng đất đai, nhất là đất trồng lúa. Thời gian qua, việc quy hoạch các khu đô thị, khách sạn, sân gôn… đã trở thành hội chứng ở nhiều địa phương, gây nên những hậu quả nặng nề. Nông dân mất đất đã xảy ra bao vụ kiện tụng đông người kéo dài; sản lượng lương thực, nông sản ở những nơi này giảm sút, lao động nông thôn không có việc làm đổ ra đô thị, tệ nạn xã hội phát triển. Nếu không chỉ đạo việc quy hoạch và sử dụng đất một cách chặt chẽ thì tình trạng mất đất, nhất là đất trồng lúa vẫn tiếp tục xảy ra. Mà đất trồng lúa là một sản phẩm vô giá, một tư liệu sản xuất hàng đầu của nông nghiệp. Vừa qua, do giá gạo xuất khẩu giảm đã có ý kiến nên chuyển 2 triệu hécta đất trồng lúa sang trồng các cây khác có giá trị cao hơn kể cả cây lâu năm. Nhưng điều quan trọng là liệu khi chuyển qua trồng các cây đó thì việc chế biến tiêu thụ ra sao, thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông sản đó có vững chắc không, hay lại xảy ra tình trạng “càng sản xuất nhiều, giá càng thảm hại” thì cái khổ lại đổ lên đầu nông dân. Mặt khác, vấn đề an ninh lương thực của nước ta cũng đang đối mặt với việc tăng dân số và biến đổi khí hậu thì việc bảo vệ đất trồng lúa càng trở nên cấp thiết. Việc Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) trong kỳ họp vừa qua chắc chắn sẽ có thêm hiệu lực, hiệu quả pháp lý trong vấn đề này.
Hai là phải quan tâm và tăng cường hơn nữa việc tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ, vật tư và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Đây là những vấn đề đã được đề cập nhiều tại các cuộc hội nghị, hội thảo, các văn bản chỉ đạo về tam nông, nhưng xem ra vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Việc tổ chức sản xuất tuy đã có một số điển hình, nhưng việc nhân rộng ra chưa được bao nhiêu. Một số nơi đã tổ chức thí điểm Cánh đồng mẫu lớn đạt được hiệu quả, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giải quyết vấn đề tiêu thụ được tốt hơn nhưng vẫn còn rất nhỏ lẻ. Kinh tế tập thể hầu như chưa được chú ý tổ chức, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh như các thành phần kinh tế khác nên việc giúp đỡ, khuyến khích nông dân liên kết sản xuất trên quy mô lớn vẫn hầu như dẫm chân tại chố… Mà nếu không tổ chức sản xuất với quy mô thích hợp thì không có những vùng chuyên canh lớn, sản phẩm có chất lượng cao tạo ra hàng hóa có uy tín trên thương trường. Vấn đề này đòi hỏi Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã và Hội Nông dân từ trung ương đến địa phương phải vào cuộc quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn.
Việc tổ chức cung ứng dịch vụ, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản đang hết sức bức xúc. Hệ thống này nếu không được tổ chức và hoạt động tốt thì nông dân bị thiệt thòi cả hai đầu: đầu vào và đầu ra. Vừa qua, vấn đề này đã được các đại biểu Quốc hội nêu lên khá gay gắt trong kỳ họp cuối năm. Chủ trương liên kết “4 nhà” là một chủ trương rất đúng, rất hay nhưng khi thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.
Ba là nhà nước cần tăng cường đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Đã có quá nhiều ý kiến phẫn nộ, xót xa khi hàng chục, hàng trăm nghìn tỉ đồng đã bị tham nhũng, phung phí, mất mát… như các ụ nổi, tàu thủy đã nằm trơ với nắng mưa không sử dụng được của các tập đoàn Vinashin, Vinalines. Trong khi đó thì việc đầu tư xây dựng, tu bổ các công trình thủy lợi, các cơ sở bảo quản, chế biến nông lâm hải sản, các nhà máy sản xuất vật tư nông nghiệp thì còn xa mới đáp ứng được nhu cầu. Việc xây dựng thủy điện tràn lan, tốn khá nhiều kinh phí nhưng đã gây quá nhiều hậu quả nặng nề trong việc phá rừng, hủy hoại môi trường, xả lũ bất thường đổ bao tai họa cho đồng bào mà trước hết là nông dân miền Trung trong những trận bão lũ cuối năm.
Cần có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến nông sản, cung ứng dich vụ, vật tư cho sản xuất nông nghiệp. Còn nếu chỉ chạy theo kinh doanh bất động sản, xây dựng khu đô thị, khách sạn, sân gôn tràn lan thì quả là nông dân chẳng được lợi ích gì mà còn bị mất đất, sản xuất nông nghiệp bị đình đốn nếu không nói là bị thụt lùi.
Bốn là chú trọng nâng cấp và xây dựng hệ thống trường học, cơ sở y tế, văn hóa ở nông thôn, nhất là những vùng xa xôi hẻo lánh, những nơi từng là căn cứ cách mạng, kháng chiến cũ. Có chính sách đãi ngộ thích đáng để thu hút những sinh viên tốt nghiệp các trường đại học về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, y tế, giáo dục… về phục vụ cho công cuộc phát triển nông nghiệp và đổi mới nông thôn. Mở các trường dạy nghề để đào tạo nông dân có kiến thức ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, có tay nghề để được thu hút vào các khu công nghiệp, các cơ sở dịch vụ và xuất khẩu lao động nhằm giảm tối đa tỷ lệ lao động không có việc làm ở nông thôn. Quan tâm hơn nữa việc mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý hợp tác xã theo mô hình mới thuộc mọi lĩnh vực.
Năm là đi đôi với việc xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại cần hết sức chú trọng bảo vệ bản sắc văn hóa truyền thống. Hiện nay, tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, mại dâm, rượu chè, đánh giết người... xuất hiện nhiều ở nông thôn kể cả những vùng dân tộc thiểu số, miền núi xa xôi và những nơi mà trước đây được coi là rất yên lành. Trong khi đó, những truyền thống tốt đẹp ở nông thôn đang bị mai một, phai nhạt. Đó cũng là một điều rất bức xúc trong xã hội hiện nay.
* * *
Tổ chức thực hiện tốt các chính sách, chủ trương, giải pháp để bảo đảm cho nền nông nghiệp nước ta phát triển mạnh mẽ, cân đối, vững chắc; nông thôn ngày một khang trang, hiện đại nhưng vẫn bảo vệ được những nét đẹp văn hóa truyền thống; nông dân không phải chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống chung của xã hội, một xã hội đang vươn tới công bằng, dân chủ, văn minh. Đó cũng là nguyện vọng, là niềm tin của người nông dân trong cả nước trong chế độ của chúng ta vốn lấy “nhân dân - nông dân làm gốc”.
-----------------
*Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng (chú thích của H.V.)