ĐỖ THU
Có ngon chi cái cọng cao lầu cứng quèo quèo, cái nước lèo mặn chát, cái miếng da heo lật sật… mà lần nào về Hội An cũng phải sà vào làm một tô?Thôi chết rồi, lại “ăn thương ăn nhớ”!
Thương nhớ cái mà mình không có. Gọi là quê hương nhưng không phải nơi sinh ra cũng chẳng phải nơi lớn lên. Thương nhớ tuổi thơ cha, có con sông Hoài tắm mát, có chùa Cầu, chùa Phúc Kiến no say những giấc ngủ trưa hè.
Đứa bạn nghe mình say sưa đặc sản Hội An, hăm hở đi ăn. Rồi thất vọng, lắc đầu quầy quậy: “Không ngon, không ngon!”. Làm mình nửa áy náy (giống như mình lừa “hắn”), nửa quê quê. Rồi chợt hiểu ra: vì “hắn” không “ăn thương ăn nhớ”.

Cách nhau một cái đèo mà món ăn xứ Quảng thua xa món ăn xứ Huế, về cả sự phong phú lẫn vẻ cầu kỳ. Món ăn của dân thường sao sánh được với nem công, chả phượng của vua? Món Quảng nếu không ăn ở xứ Quảng thì đã mất đi nhiều hương vị. Phải có chút nắng chang chang, phải có chút gió từ sông Hoài thổi lên mát mà vẫn nóng hừng hực, phải có chút giọng Quảng ngồ ngộ lao xao… Món Quảng chỉ thực sự ngon khi ăn bằng tất cả giác quan như vậy.
Đi ăn món Quảng mà xin thêm đủ thứ. Thì ra, vì đã quen ăn uống ở Sài Gòn, món gì cũng đầy ắp nước lèo, ngồn ngộn rau sống… Chị hàng rong vừa lặng lẽ thêm nước, thêm rau vừa hiền lành nói: “Món này chỉ chan xâm xấp nước thôi em”.
Nhớ gánh hàng rong năm kia, một chiều phố cổ chạng vạng lên đèn. Ăn tô mì bốn ngàn, liếc sang anh chàng Tây ba-lô bên cạnh đang xì xụp đến tô thứ hai. Chợt nghĩ linh tinh: “Romeo ngày xưa đẹp lắm chắc cũng chỉ bằng chàng này”.
Lần này ra, không có thời gian lê la các gánh lề đường nên theo bác xích lô ra chợ mua mấy hộp cao lầu về ăn tối. Hàng cao lầu đã có “thương hiệu”, không còn rẻ như xưa, người xưa cũng vắng bóng…
Về khách sạn, ngồi trong phòng máy lạnh mát rượi mà ăn cao lầu chẳng thấy ngon. Vì thiếu nắng gió, vì thiếu giọng Quảng lao xao hay vì…
“Ăn thương ăn nhớ” còn không?