Trên đường từ Halle đi Leipzig theo xa lộ (Autobahn) 14, chúng tôi chạy dưới một cái cầu chui rất dài trước khi rẽ vào đường B6. Anh Sơn, nguyên kỹ sư điện Bách khoa Hà Nội, hiện định cư cùng vợ con ở Halle, lái chiếc Volkswagen kiểu Polo, cho tôi biết cái “cầu” trên đầu chúng tôi chính là đường băng của sân bay Leipzig-Halle Kursdorf.
LEIPZIG, THÀNH PHỐ VĂN HÓA
Tương tự ở những thành phố lớn như Hannover, Berlin, Halle mà tôi đã dừng chân mấy hôm trước, Leipzig cũng có những mảng xanh lớn với nhiều cây lâu năm, những bãi cỏ xanh mướt, những lối đi êm ả, những chiếc ghế gỗ dài sạch sẽ ngay trong các khu trung tâm. Để dọn lá úa rụng, trên các lối đi trong công viên, tôi thấy có những người lao động chân tay, dùng cào vun thành đống để hốt, mặc dù thành phố có nhiều xe lớn nhỏ tự động quét và hút rác hoạt động. Loại nhỏ chỉ to bằng chiếc xe lam, quét và hút rác trên mọi ngóc ngách, cả trên lề đường. Xe lớn hoạt động dưới lòng đường.

Bảo tàng Mendelssohn
Trên suốt các ngả đường mà chúng tôi tỏa ra từ trung tâm, hầu như đứng ở vị trí nào cũng có thể thấy trụ sở của đài phát thanh và truyền hình công MDR chung cho ba bang Sachsen, Sachsen-Anhalt và Thüringen. Được xây dựng từ 1968 đến 1972 làm một cơ sở của trường đại học Leipzig thời CHDC Đức, cao ốc mấy chục tầng cao 142,5m này phỏng theo hình dáng một quyển sách mở. Sách, nghề in và đồ họa vốn là thế mạnh có truyền thống lâu đời của Leipzig.
Người dân Đức rất thân thiện. Ở những đoạn đường vắng, gặp các cụ già, chúng tôi lên tiếng guten Tag! (xin chào), các cụ đã hết sức vui vẻ đáp lại giống như các cụ già ở khắp vùng quê Việt Nam. Lúc chúng tôi đang mải mê dò đường trên tấm bản đồ trong một bảng kính dựng bên quảng trường Augustusplatz, một cặp vợ chồng người Đức đã bước lại với lời đề nghị được giúp đỡ. Họ lắng nghe yêu cầu và chỉ dẫn tận tình đường tới nhà thờ thánh Thomas và bảo tàng J. S. Bach mà chúng tôi đang tìm.

Nhà thờ thánh Thomas
LEIPZIG, THÀNH PHỐ ÂM NHẠC
Nhà thờ thánh Thomas có từ thế kỷ XII - XIII, đã trải qua rất nhiều lần tu sửa theo những phong cách kiến trúc khác nhau và lần gần đây nhất được hoàn tất vào dịp kỷ niệm 250 năm ngày mất của Bach (28/7/2000). Nhà thờ này và ngôi trường mang cùng tên chính là nơi Johann Sebastian Bach (1685-1750) sống và làm việc, sáng tác phần lớn những tác phẩm hay nhất của mình, từ năm 1723 cho đến năm ông qua đời, 1750.
Bach được đánh giá là một trong những nhà soạn nhạc lớn nhất có ảnh hưởng đáng kể đến toàn bộ nền âm nhạc sau này. Chính Mozart và Beethoven cũng từng thừa nhận, ông là người thầy không thể vượt qua. Một cửa hàng cạnh bảo tàng Bach bán nhiều quà lưu niệm về ông. Từ sách, đĩa CD và DVD, áo, nón, đồng hồ… đến những tượng bán thân của Bach cao từ 10cm, 13cm đến 20cm có giá 6, 17 và 23.
Chung quanh khu trung tâm (Zentrum) và nhà ga chính của Leipzig (Hauptbahnhof) có rất nhiều đường mang tên văn nhân nghệ sĩ Đức và thế giới như Goethe, Ri-chard Wagner, Chopin… Ngay khu trung tâm nam (Leipzig Zentrum-Süd) là ba con đường song song liên tiếp mang tên Beethoven, Mozart và Haydn. Kế bên quảng trường chợ là Nhà hát opera (Opernhaus) bị phá hủy trong chiến tranh, được khánh thành lại năm 1960 và nhà thờ thánh Nicholas (Nicolaikirche), nơi khởi đầu những hoạt động mà sau đó đưa đến sự thống nhất nước Đức.

Tượng J. S. Bach
Sau khi ngồi nghỉ trưa và ăn mấy món mua ở một cửa hàng ăn nhanh (Imbiss) trong công viên mang tên Clara Zetkin, người đề xướng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, trời đổ mưa khá nặng hạt nhưng vì thời gian lưu lại đây không nhiều, anh Sơn vẫn lái xe tìm đến một bãi đậu và chúng tôi che dù rảo bước đến trường đại học Leipzig ở đường Goldschmidstraße, cách khu trung tâm ba khối phố.
Trong tòa nhà lớn của khoa âm nhạc có dành hẳn một tầng làm bảo tàng Mendelssohn. Một mảnh vườn nhỏ có từ lúc sinh thời Mendelssohn vẫn được giữ nguyên. Cuối sân, một bức tượng đồng bán thân của ông với khuôn mặt kiên nghị ngẩng nhìn trời cao. Tòa nhà này cũng chính làtrường đại học âm nhạc đầu tiên của nước Đức được Felix Mendelssohn (1809-1847) – nhà soạn nhạc và nhạc trưởng- cùng người bạn đồng lứa Robert Schumann (1810-1856) – nhà soạn nhạc lãng mạn nổi tiếng và nhà phê bình âm nhạc - thành lập năm 1843.
Rời Mendelssohn-Haus, chúng tôi ra đường lớn Dresdner-Straße rồi rẽ vào đường Inselstraße, đến số nhà 18, thăm và chụp ảnh lưu niệm ở Schumann-Haus, nhà bảo tàng về Robert và Clara Schumann. Schumann đã cùng vợ sống ở đây năm năm. Bản “Giao hưởng Mùa xuân” của ông lần đầu tiên trình diễn tại phòng hòa nhạc thành phố Leipzig (Gewandhaus) do chính Mendelssohn chỉ huy dàn nhạc.
Tháng Tám ở Leipzig giống như ở Praha, Cộng hòa Séc, rất sôi động các hoạt động âm nhạc, nhất là âm nhạc cổ điển. Bên ngoài các phòng hòa nhạc lớn nhỏ, các nhà thờ, bảo tàng… giăng đầy những poster về chương trình của các dàn nhạc giao hưởng và thính phòng.
Nối tiếp vai trò một trong những trung tâm âm nhạc của châu Âu từ giữa thế kỷ XIX, Leipzig đang nổi lên như một trung tâm du lịch văn hóa - âm nhạc, đặc biệt từ khi khởi động vào năm 2001 một dự án lớn nối liền Bach-Mendelssohn-Schumann.