Ăn Tết Đoan Ngọ, nhớ nhà thơ Khuất Nguyên

Vào ngày mồng 5 tháng 5 Âm lịch, người Việt Nam ta cũng như người dân một số nước vùng Đông Nam Á ăn Tết Đoan Ngọ - một trong những ngày Tết cổ truyền của các dân tộc cùng vùng văn hóa với Trung Quốc.

Vì sao gọi là Tết Đoan Ngọ? Đoan, đồng nghĩa với “sơ” 初 có nghĩa là mở đầu, là đầu tiên. Ngọ là từ đồng âm với “ngũ” thường được dùng thay cho “ngũ” nghĩa là “năm”. Đoan Ngọ gọi tắt là “ngọ nguyệt sơ ngọ”, tức ngày 5 tháng 5. Tết này không lớn như Tết Nguyên Đán, song cũng như Tết Thanh Minh, Tết Trung Thu, được nhân dân coi trọng với nhiều hoạt động khá lý thú.

Về nguồn gốc của Tết Đoan Ngọ, có nhiều thuyết khác nhau, song phổ biến nhất là thuyết cho rằng Tết này kỷ niệm nhà thơ Khuất Nguyên của Trung Quốc. Đúng ngày này, Khuất Nguyên đã trầm mình xuống dòng sông Mịch La, gây nhiều xúc động cho người đương thời và bao thế hệ đời sau.

Khuất Nguyên là nhân vật lịch sử có thực. Ông tên là Bình, tên tự là Nguyên, sinh khoảng năm 339, mất khoảng năm 278 trước CN, người ở ấp Khuất nước Sở thời Chiến Quốc (480-221 trước CN).

Khuất Nguyên là người tài cao học rộng, từng được vua nước Sở đương thời là Sở Hoài Vương rất tín nhiệm giao cho làm Tả Đồ là chức vụ hết sức quan trọng trong triều đình. Ông đã hết lòng vì nước vì vua, đem tài năng và tâm huyết cống hiến cho việc dựng xây đất nước tốt đẹp.

Song nước Sở lúc này đã suy yếu. Sở Hoài Vương tin dùng bọn gian thần, ngày càng tăm tối u mê. Khuất Nguyên là người trung thực ra sức can ngăn và nêu ra những biện pháp tích cực cứu nước, cứu dân. Bọn cận thần xấu thì ra sức mê hoặc Hoài Vương, do ghen tức với Khuất Nguyên, chúng vu cáo hãm hại nhiều lần khiến ông bị nhà vua lạnh nhạt và cuối cùng bị đày đi xa.

Không có Khuất Nguyên, bọn gian nịnh càng ra sức tung hoành. Rồi Sở Hoài Vương chết, con trai là Khoảnh Tương Vương nối ngôi lại càng ngu tối hơn, vẫn nghe theo bọn bán nước hại dân, mời Khuất Nguyên trở lại rồi lại nghe lời gièm pha, một lần nữa đày ông đi xa hơn nữa. Cuối cùng, Sở bị Tần tấn công rồi thôn tính.

Khuất Nguyên ở nơi đi đày ngày đêm đau khổ, biết cách cứu nước mà không được cứu, thương xót nhân dân mà chịu bó tay, ông đã đau đớn cực độ, làm rất nhiều thơ bi phẫn rồi nhảy xuống dòng sông Mịch La tự tận.

Tương truyền ông tuẫn quốc đúng ngày 5 tháng 5 Âm lịch, nhân dân nước Sở đã vô cùng xúc động, người ta lấy ngày này để tưởng nhớ ông, có nhiều hoạt động để tượng trưng cho sự thương tiếc ông, như làm loại bánh tro rất nhỏ để ném thật nhiều xuống sông cho cá độc tranh nhau ăn khỏi rỉa cắn ông, đua thuyền rồng, đánh trống phách thanh la để xua đuổi những thuồng luồng cá ác, bảo vệ cho thi thể ông…

Sự tích Khuất Nguyên đã được lịch sử Trung Quốc ghi nhận. Không chỉ những công tích chính trị của ông đáng được khâm phục mà sự nghiệp thơ ca của ông cũng được in đậm trên những trang sử văn học của dân tộc Trung Hoa.

Thơ ca ông để lại gần 25 thiên, đại bộ phận nói lên tư tưởng, tình cảm, tài năng, phẩm chất của một con người yêu nước thương dân rất đáng khâm phục.

Tác phẩm tiêu biểu nhất của ông là thiên Ly Tao, một thiên trường thi dài nhất của thơ ca cổ Trung Quốc, gồm 373 câu, thể hiện nội dung tư tưởng sâu sắc và giá trị nghệ thuật rất cao, có ảnh hưởng lớn đến truyền thống thơ ca cổ Trung Hoa.


Chân dung Khuất Nguyên. Nguồn: wikipedia.org

Những nét chính của cuộc đời và thơ ca Khuất Nguyên được thuật kể sơ lược trên đây chắc chắn nhiều người đã biết, thậm chí biết rất tường tận, song cũng có thể nhiều người còn chưa biết. Chúng tôi giới thiệu giản lược như vậy chỉ cốt để ngày Tết Đoan Ngọ của chúng ta sẽ có ý nghĩa văn hóa cụ thể và rõ nét trong ý thức mọi người nhiều hơn và thiết thực hơn.

Đặc biệt ở đây, chúng tôi muốn giới thiệu một bài thơ độc đáo của Khuất Nguyên, một bài thơ tình từng được người xưa yêu thích. Đó là bài Sơn quỷ.

Dịch là Thần Núi

Dường như có người trên góc núi
Khoác cỏ thơm, lưng thắt dây tơ
Mắt ngóng nhìn, cười mỉm như mơ
Dáng thưới tha, dịu dàng, xinh đẹp.

Xe tân di dùng báo đỏ kéo
Cờ ngọc quế dắt chồn hoa theo
Mui xe lan buộc đai đỗ hạnh
Tìm hoa thơm hái tặng bạn tình.

Chốn thâm sâu, trời mây chẳng thấy
Đường gập ghềnh, ta tới trễ chăng?
Đứng lặng một mình nơi đầu núi
Phía bên kia, mây kéo giăng hàng.

Ban ngày mà âm u mù mịt
Gió đông táp, mưa rơi nặng hạt
Ngóng đợi chàng, quên cả chuyện về
Hồng nhan tàn, tươi lại được sao?

Hái linh chi bên bờ khe suối
Đá lởm chởm, rậm rì cây cối
Oán bạn lòng quên cả chuyện về
Chàng nhớ ta nhưng chẳng rảnh chăng?

Người trong núi khác nào cỏ thơm
Ẩn bóng tùng, uống nước suối trong
Lòng nhớ chàng, một mình lặng lẽ
Phải vì chàng nghi hoặc ta chăng?

Tiếng sấm rền, mưa mù u ám
Vượn hú đêm, não nuột tiếng kêu
Gió rì rào, lá cây xào xạc
Nhớ bạn lòng, luống những bi thương.

Bài thơ này Khuất Nguyên mượn chuyện thần để nói về chuyện người. Thần núi ở đây tức Vu Sơn Thần Nữ, người tình của Sở Tương Vương trong truyền thuyết. Cách đây hơn hai ngàn năm mà nhà thơ miêu tả tình cảm nhớ thương rất tinh tế và cực kỳ lãng mạn. Thơ tả nàng hẹn ước với người yêu, song đến nơi thì không được gặp. Nàng đã đau khổ và khát vọng đến thế nào. Từ chỗ háo hức, tự tin, khát khao mong đợi đến chỗ băn khoăn, áy náy, buồn bã đau thương, rồi thông cảm, rồi nghi ngờ, rồi oán hận…

Những diễn biến tâm lý phong phú với thực tế của nhân vật rất điển hình và rất cảm động.

Ăn Tết Đoan Ngọ, nhớ đến Khuất Nguyên và biết thêm bài thơ tình đặc biệt này của ông, kể cũng có phần thú vị.

PHẠM THỊ HẢO