Những tháng cuối mùa khô này, ngay cả tận nguồn của nhiều dòng sông miền Trung và phía Bắc cũng đã cạn tận đáy, nói gì đến thượng nguồn, đặc biệt là ở những thượng nguồn khô khát như bốn huyện vùng núi đỉnh của tỉnh Hà Giang.
Ở Đồng Văn - Mèo Vạc mùa mưa nước đổ sạt núi trong chốc lát, còn mùa khô thì những lạch nước cũng hiếm hoi còn lại trong vài khe núi làm cho cả vùng chỉ một màu đá trắng xác…

Làm ruộng trên đá. Ảnh: Bạch Thành Đồng.
Đói nghèo vì khát. Xóa đói giảm nghèo ở nơi đây là đi tìm nguồn nước. Không có nước, không thể gieo trồng, năm nào tỉnh cũng lo cứu đói cho bà con hai huyện Đồng Văn - Mèo Vạc đến sáu tháng liền.
Hộ nghèo, mỗi khẩu được cứu đói mỗi lần 10 cân gạo… Một năm cấp hai đến ba lần. Tình trạng cấp cứu đói vì thiếu nước gieo trồng có lẽ còn dài dài, vì như bà con ở đây nói, ngô, hạt đậu do hạn, do thoái hóa mà mỗi năm một nhỏ hơn. Đói đi liền sau khát, ai cũng thấy.
Được biết từ 2 năm trước, Nhà nước cấp kinh phí cho Hà Giang làm 30 bể treo để tích nước, cấp nước cho bà con những vùng khô cạn. 2/3 số bể treo theo dự án đã được thi công, giải quyết phần nào khó khăn về nước.
Nhưng xét về lâu dài làm bể treo cũng chỉ là giải pháp tình thế, giải khát trước mắt, chứ về lâu về dài, bài toán nước cho vùng cao cần phải có kế sách bền vững và triệt để hơn, ấy là khôi phục lại rừng, vốn phủ xanh bạt ngàn trên núi đá.
Ở đỉnh Xín Cái, trung úy bộ đội biên phòng Phạm Trung Hoài dẫn chúng tôi thăm cột mốc 476 để ngắm quang cảnh cả bên này và bên kia xứ bạn. Vẫn là núi đá pha chút đất chạy dài từ Xín Cái vắt sang, nhưng bên ta là núi hoang, lưa thưa cây dại, còn bên bạn núi được phủ xanh, làng với những nóc nhà thấp thoáng trong rừng.
Từ Xín Cái, chúng tôi đến Phố Là, thuộc Phó Bảng, quê hương của 2.000 người Pù Péo còn lại trên đất nước. Nơi đây, đường biên giới chạy dọc nóc núi. Sườn đông, bên ta là núi đất pha đá đỏ au, hiếm hoi vài bóng cây; còn sườn núi bên bạn là rừng sa mu xanh tốt. Chúng tôi gặp những người vác gỗ từ đỉnh núi đi xuống. Đó là bà con mình mua gỗ bên Trung Quốc, 30.000 đồng một cây, để làm cột nhà.
Đi dọc vùng đỉnh, đứng bên ni, ngó bên tê, thấp thoáng thôi, ta đã nhận ra, cùng một vùng đất đá nhưng bạn có rừng còn ta là núi phơi màu đá hoang cằn; bạn có suối nước còn ta thì lòng suối cũng khô cháy.
Từ đây, thiết tưởng chúng ta tìm được cách giải bài toán nước ở miền đá khát này, ấy là cách giải mà Bác Hồ đã dạy: “Vì lợi ích mười năm trồng cây”.
Nên chăng, thay vì hàng năm Nhà nước vẫn cấp gạo cứu đói 60% hộ nghèo trong mùa giáp hạt dài 6 tháng cho bà con ngồi chờ mưa thì có kế hoạch dài hạn mười năm, cấp gạo cả năm để bà con trở thành công nhân đại lâm trường phủ xanh vùng đá?
Giải bài toán nước từ trồng cây, phục hồi lại rừng trên núi đá thiết nghĩ là cơ bản và lâu dài. Không có rừng thì cũng chẳng bao lâu sẽ không còn mạch nước chảy vào hồ treo nữa. Hết rừng, hai huyện cực bắc Đồng Văn - Mèo Vạc chỉ còn đá, đến người khó mà trụ lại nói gì đến phát triển kinh tế!
Nước chảy về xuôi, thượng nguồn khát, thì hạ nguồn cũng khô hạn là điều đang xảy ra ở dọc miền Trung và đồng bằng Bắc Bộ khi những dòng sông vốn màu mỡ từ ngàn xưa nay khô tận đáy.
Nước đang thách thức sự phát triển của chúng ta, thậm chí đã đến mức rung chuông cảnh báo, khi “khẩu phần” nước của người Việt Nam chỉ còn bằng một nửa của bình quân/người trên thế giới, mức 4500m³/người/năm so với 7400m³/người.
Lo nước cho thượng nguồn, chính là lo nước cho hạ nguồn, cho sự bền vững, là việc cần làm ngay từ mùa khô cạn này…