Nước mắt mẹ cha

Tôi vừa đi viếng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn ở Quảng Trị, gần đường Hồ Chí Minh, thượng nguồn sông Bến Hải. Dưới bầu trời trong xanh, nổi bật trên nền lục của rừng thông đồi núi và các vệt đỏ chói của hoa phượng đầu hè là một màu trắng bao la, loá mắt, tịch mịch, hư vô, bất động của hàng vạn tấm mồ xếp hàng thẳng tắp như một cuộc duyệt binh vĩnh viễn.

Màu trắng của trinh bạch, thuần khiết, vì 80% của hơn một vạn liệt sĩ chôn tại đây có tuổi từ 18 đến 22. Ấy là không kể nghĩa trang đường số 9 gồm hơn một vạn nấm mồ cũng ở Quảng Trị.

Biết bao người mẹ người cha đã khóc con, đã gồng mình để giải toả nỗi đau, biến đau thương thành hành động, tìm nguồn sống mới trong niềm tưởng nhớ.

Sự vật lộn về tinh thần ít khi bộc lộ ra.

Cũng như các nước Đông Á khác, chúng ta chịu ảnh hưởng Khổng học, quan hệ cha mẹ - con cái mang nặng dấu ấn chữ hiếu.

Hiếu là đức lớn, chỉ xếp sau trung. Theo tinh thần Nhị thập tứ hiếu, chữ hiếu có ý nghĩa thiêng liêng, hầu như thần bí.

Trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái, nhấn mạnh nhiệm vụ con cái thờ phụng cha mẹ, thể hiện đạo đức là chính, ít đề cập đến tình cảm. Đề cập đến tình cảm của cha mẹ đối với con cái lại càng ít hơn.

Trong văn chương cổ điển của ta, có những áng văn tế khóc cha mẹ khá lâm li, nhưng hình như không có mấy áng văn cha mẹ khóc con chết yểu.

Trong các nền văn hoá phương Tây, do ảnh hưởng chủ nghĩa cá nhân, không có tinh thần thứ bậc uy quyền như trong chữ hiếu của Khổng học. Vẫn có phần nhiệm vụ giữa cha mẹ con cái, nhưng phần tình cảm đậm đà và bộc lộ hơn. Trong văn chương, có những áng văn cha mẹ khóc con được truyền tụng.

Một tác phẩm hay về loại này là Bài ca ở Villequier (1847) của nhà thơ lãng mạn lớn Pháp Victor Hugo. Một bài thơ dài hơn một trăm câu.

Tác giả khóc con gái 19 tuổi vừa lấy chồng thì cả hai vợ chồng cùng bị tai nạn chết đuối ở sông Seine.

Xa lánh chốn phồn hoa Paris, nhà thơ ngồi bên mộ con trong cảnh thiên nhiên sông nước, đồi cây thảm cỏ, đã cảm thấy nỗi buồn lắng xuống, chấp nhận khổ đau, cảm thông với nhân loại đau khổ, nhận ra chân lí: nỗi đau của con người là do ý Chúa, thiên cơ vượt tầm hiểu biết của con người.

Nhà thơ nhà văn sáng tác để khóc con chết, làm dịu nỗi buồn và tìm lại nguồn sống, khiến cho những ký ức thân thương về con sống mãi trong lòng mình. Tôi có biết hai trường hợp tìm cách giải thoát tương tự.

Condominas là trường hợp đầu tiên. Giới nghiên cứu Khoa học Xã hội nước ta đều biết nhà dân tộc Pháp trứ danh này. Ông năm nay 86 tuổi, sinh ở Hải Phòng, cha Pháp, mẹ lai Trung Quốc, đậu Tiến sĩ văn học và khoa học nhân văn.

Ông chuyên nghiên cứu về dân tộc học và từ vựng học những nhóm Nam Á thuộc Đông Dương, đặc biệt người Mnông Gar ở Tây Nguyên, tôn giáo dân gian Lào...

Ông là người rất có hiếu, hiếu theo nghĩa Khổng học. Có lần, ông tặng tôi một cuốn tuyển tập các bài của cha ông viết về Việt Nam, trang đầu in chữ Hán to: Hiếu, để tỏ lòng biết ơn cha.

 

Ông có một cậu con trai nhỏ ông đặc biệt yêu quý. Cách đây khoảng hai chục năm, cậu bị chết trong một tai nạn thang máy... Ông đau khổ đến mức trong nhiều năm, ông đóng cửa không tiếp ai, không đi đâu xa.

Năm 1993, nhân một chuyến công du qua Hà Nội, ông ghé tặng tôi cuốn truyện Cuộc đời Rancé của nhà văn lãng mạn Pháp Chateaubriand do ông nghiên cứu và giới thiệu.

Quả là một điều lạ: Condominas là một chuyên gia dân tộc học mà lại nhảy sang lĩnh vực nghiên cứu văn học; - sao lại chọn Cuộc đời Rancé là một tác phẩm ít người biết? Thì ra, tình cờ Condominas đã phát hiện ra và đánh giá tác phẩm bị lãng quên ấy là cuốn tiểu thuyết tình bi thảm nhất của văn học Pháp.

Câu chuyện có thật xảy ra vào thế kỷ 17: Mặc dù theo con đường nhà thờ để tiến thân, chàng thanh niên tu sĩ Rancé là một nhà quý tộc hào hoa phong nhã, có rất nhiều cuộc tình duyên. Năm 18 tuổi, chàng yêu một nữ công tước 32 tuổi có chồng già, nổi danh tài sắc.

Mối tình đang đậm thì bỗng một hôm, đi xa về, chàng vội vã chạy vào phòng tình nhân để thấy nàng đã chết, nằm trong vũng máu. Một cú "sốc" tâm lí khiến chàng bàng hoàng, giác ngộ về cái vô lí của cuộc đời và tìm về với Chúa.

Rancé tu hành thực sự, cải tạo dòng tu kín La Trappe thành một dòng tu khổ hạnh, ép xác tuyệt đối.

Condominas đã biên tập, nghiên cứu và đề bạt cuốn Cuộc đời Rancé phải chăng để giải toả cái "sốc" tâm lí của bản thân trước cái chết vô lí của cậu con thân yêu của mình?

Tôi không hỏi ông về vấn đề tế nhị này, nhưng tôi đoán là thế. Đoán có phần đúng, vì trong Lời bạt dài 40 trang giới thiệu và phân tích tác phẩm có những câu như: "hình ảnh mạnh mẽ ám ảnh sau cái chết dữ dội của một người thân thương", - "sự vô lí cùng cực" của cái chết dữ dội của một người trẻ đẹp. Ông cũng nhắc đến bài ca khóc con gái của V. Hugo.

Một trường hợp khác khóc con qua văn chương để tìm lại lẽ sống là một bà bạn Mỹ gốc Triều Tiên, bà Brenda Paik Sunoo, nhà báo và nhà nhiếp ảnh tự do, hiện đang sống ở Việt Nam.

Bà có hai con trai. Năm 1994, đột nhiên cậu con út 16 tuổi là Tommy, nguồn thân thương của gia đình đột tử vì một bệnh di truyền: sét đánh vào cuộc đời tình cảm của bà mẹ. Nỗi buồn đứt ruột của bà cũng như tất cả các cha mẹ có con chết yểu: "Khi bạn mất cha hay mẹ, bạn đánh mất dĩ vãng. Khi bạn mất vợ hay chồng, bạn đánh mất hiện tại. Khi bạn mất một người con, bạn đánh mất tương lai" (phương ngôn).

Bà Brenda suy sụp tinh thần đến mức có khi nghĩ đến cái chết cho mình. Được sưởi ấm bởi tình yêu thương đồng cảm của chồng và con trai đầu, bà đã xin vào Hội những cha mẹ có con chết sớm, cố đắm mình vào những hoạt động xã hội, thể thao và nghệ thuật để hoà lại vào dòng đời. Bản thân bà cũng tham gia vào việc chữa bệnh tinh thần cho các cha mẹ có con chết sớm.

Mãi bốn năm sau khi con chết, bà mới tĩnh tâm để viết hồi ký về con. Kết thúc cuộc hành hương qua nỗi buồn là cuốn Rong biển và cá pháp sư (Seaweed and Shamans), 2006, cuộc hành trình của một người mẹ dần dần tìm lại được sức sống và niềm vui trong cuộc sống mới luôn gắn với linh hồn người quá cố.

Đó là nhờ những món quà: "Mỗi khi tôi muốn chết, thì lại có người hoặc sự việc nào đó hiện ra như một món quà: một quyển sách, một bậc sư phụ khuyên giải, một giấc mơ, những chuyến du lịch, thiên nhiên...". Quý nhất là những món quà của cậu con để lại: những bức vẽ, những bài viết với tư duy thiếu niên...

Cuốn sách gồm 21 chương, nói về 21 món quà níu bà mẹ lại với cuộc sống trên nền tảng ký ức luôn đối thoại với cậu con quá cố. Cuốn sách có thể có ích cho các cha mẹ đau khổ.

HỮU NGỌC