Nên giữ hay bỏ kỳ thi Tú tài? Trước hết có lẽ chúng ta nên xem thiên hạ trên thế giới làm như thế nào. Do lịch sử, có thể nói hai nền giáo dục có ảnh hưởng lớn đến giáo dục nước ta hiện nay là Pháp và Mỹ. Vì vậy, chúng ta nên thử xem cách làm của hai “đại ca” này và của một số nước láng giềng châu Á như Nhật Bản, Thái Lan, Singapore.
Nhìn ra các nước
Pháp: Giáo dục tiểu học - trung học của Pháp cũng 12 năm như ta. Kỳ thi Tú tài Pháp được tổ chức từ thời Hoàng đế Napoléon và liên tục cho đến nay. Bộ Giáo dục Pháp tổ chức kỳ thi Tú tài trên phạm vi toàn quốc và cả các vùng thuộc Pháp ở hải ngoại với mức độ tập trung quyền lực cao nhất: Ra cùng một đề thi, bổ nhiệm các Hội đồng coi thi và chấm thi để bảo đảm là bài làm của học sinh được “giám khảo ngoài” chấm, tránh thiên vị. Tất nhiên chương trình thi, nội dung thi thay đổi theo thời gian.
Hiện nay việc thi Tú tài Pháp (Baccalauréat, gọi tắt là BAC) tùy theo phân ban. Phân ban A sẽ hướng đến 3 “Bac tổng quát” (Baccalauréat Générale) gồm Bac S (Scientifique - Toán và Khoa học thực nghiệm), Bac ES (Économique et Sociale - Kinh tế và Khoa học xã hội) và Bac L (Littéraire - Văn chương).
Phân ban B gồm 4 Bac Kỹ thuật (Bac Technologique): STI (Sciences et Technologies Industrielles - Khoa học và Công nghệ công nghiệp), STL (Sciences et Technologies de Laboratoire - Khoa học và Công nghệ phòng thí nghiệm), STT (Sciences et Technologies Tertiaires - Khoa học và Dịch vụ thương mại, hành chánh, kế toán, quản lý) và SMS (Sciences Médico-Sociales - Khoa học Y tế Xã hội).
Phân ban C có Bac chuyên nghiệp (Bac Professionnelle) dành cho những người đã có bằng học nghề CAP (Certificat d’ Aptitude Professionnelle) hay BEP (Brevet d’ Études Professionnelles). Như vậy, tổng cộng Pháp hiện có 8 loại bằng Tú tài. Thi Tú tài của các Phân ban A và B gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn một: thi Tiếng Pháp (4 giờ thi viết, và sau đó thi vấn đáp) vào cuối năm Première (lớp 11). Phải đỗ kỳ thi này mới được dự kỳ thi Tú tài vào cuối năm Terminale (lớp 12) thường gồm 7 môn trong đó có 5 hay 6 môn thi viết từ 3 tới 4 giờ/môn, các môn còn lại thi vấn đáp(1).
Cách đây nhiều năm thì cuối năm lớp 11 (Première) thi Tú tài bán phần (Bac I), ai thi đỗ mới được lên học lớp 12 (Terminale) để cuối năm thi Tú tài toàn phần (Bac II), nhưng ngày nay, người ta đã thay kỳ thi Tú tài bán phần bằng việc thi Tiếng Pháp (gồm thi viết và vấn đáp), và phải đỗ môn thi này thì cuối năm sau mới được thi Tú tài. Điều này cho thấy người Pháp rất coi trọng việc học tiếng Pháp dù sau đó học sinh theo học ngành gì.
Bằng Tú tài của Pháp vừa dùng để xác nhận trình độ học vấn của công dân lứa 18 tuổi vừa để cho ghi danh học (không cần thi vào) tại những trường đại học không chuyên nghiệp như các ngành Toán, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Văn chương, Kinh tế, Luật… Nhưng với những trường chuyên nghiệp, để người tốt nghiệp ra hành nghề làm kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ, giáo viên (cấp 1, 2, 3), hành chánh công... đều phải thi do từng trường tổ chức. Việc thi rất gay go cho nên người muốn thi vào những trường danh tiếng (Grandes écoles) thường phải học luyện thi từ 1 tới 2 năm, và nếu 2 lần thi mà không đỗ thì phải chuyển qua ngành khác.
Mỹ: Trái với dân Gaulois, con cháu chú Sam khá thoải mái trong việc lấy được cái bằng tốt nghiệp trung học: trong thời gian khá dài trước đây, việc tốt nghiệp trung học hầu như giao khoán cho trường cấp 3 tự lo liệu. Nhưng sau người ta nhận ra rằng nhiều học sinh thỏa các điều kiện của nhà trường để có bằng Tốt nghiệp trung học mà thực học quá kém, nên khoảng trên 10 năm trở lại đây, các bang của nước Mỹ bắt đầu buộc học sinh cấp 3 muốn có bằng tốt nghiệp phải đạt điểm tối thiểu của bài thi Tốt nghiệp trung học (High School Graduation Examination) do Sở Giáo dục bang quy định.
Nếu không đạt điểm về bài thi này thì dù có đạt gì ở trường cũng không được Bằng tốt nghiệp trung học (High School Diploma), mà chỉ được Chứng chỉ xác nhận có theo học (Certificate of Attendance). Bang California dùng bài thi CAHSEE(2) do Sở Giáo dục của bang soạn, và cho phép học sinh được dự thi đến tối đa 8 lần trong 3 năm cuối trung học. Bài thi CAHSEE chỉ gồm viết, đọc tiếng Anh và Toán. Học sinh xem như đỗ phần Anh văn khi đạt điểm từ 60% trở lên. Bài thi Toán gồm 90 câu theo dạng trắc nghiệm ở trình độ lớp 8, và xem như đỗ nếu điểm thi đạt từ 55% trở lên.
Học sinh ở California được thi Bài thi tốt nghiệp lần thứ nhất vào năm lớp 10 (cấp 3 gồm 4 năm: lớp 9, 10, 11 và 12). Thi hỏng phần nào (Anh văn, Toán) thì chỉ thi lại phần đó, cho đến tối đa 8 lần trước cuối năm lớp 12. Thật là quá dễ đối với học sinh nước ta, có phải không?
Tỉ lệ tốt nghiệp trung học ở Mỹ là bao nhiêu? Ở Mỹ (cũng như Pháp) người ta tính tỉ lệ tốt nghiệp của lứa học sinh, thí dụ tỉ lệ tốt nghiệp lứa 2010 là tỉ số giữa số được cấp bằng tốt nghiệp năm 2010 và số học sinh vào lớp 9 năm 2007 (cấp 3 ở Mỹ gồm 4 năm học: lớp 9, 10, 11, 12). Lứa 1998: trung bình cả nước: 71%; lứa 2001: 72%; lứa 2006: 69,2 %; lứa 2007: 68,8 %; lứa 2008: 75%.
Ngoài bằng tốt nghiệp trung học, để xin vào đại học Mỹ, học sinh phải nộp kết quả thi SAT hay ACT(3). Một số ít đại học tự soạn bài thi riêng. Học sinh cấp 3 có thể thi nhiều lần SAT/ACT, lấy kết quả tốt nhất để nộp, kết quả của SAT/ACT chỉ có giá trị trong vòng 2 năm. Ứng viên xin vào các đại học danh tiếng còn có thể phải viết nộp một bài luận, kết quả hoạt động ngoại khóa, thư giới thiệu của thầy, của cơ sở hoạt động ngoại khóa...
Nhật: Hệ thống giáo dục tiểu học - trung học ở Nhật gồm 12 năm: 6-3-3. Sau 6 năm tiểu học là 3 năm trung học cấp thấp, 3 năm trung học cấp cao. Giáo dục cưỡng bách gồm 9 năm: 6-3, và trung bình có khoảng 96% học sinh cấp 2 lên cấp 3. Sau khi học 6 năm tiểu học, học sinh phải thi để chọn trường cấp 2, cũng như sau khi xong cấp 2 học sinh phải thi để chọn trường cấp 3.
Các cuộc thi này rất cạnh tranh để được chọn vào các trường tốt được học khu tổ chức chung đối với các trường công, hay tự trường tổ chức đối với các trường tư. Kết quả chọn được dựa vào vừa điểm của kỳ thi vừa thành tích học tập của cấp học dưới. Cuối năm lớp 12, học sinh trường nào tốt nghiệp theo sự đánh giá của học khu hay của trường nấy. Như vậy, Nhật không có kỳ thi quốc gia cho sự lên cấp và tốt nghiệp trung học(4).
Nhưng trước năm 1964 thì Bộ Giáo dục Nhật buộc tất cả học sinh sau 6 năm tiểu học và sau 3 năm cấp 2 phải dự thi kỳ thi quốc gia hàng năm (Annual Achievement Test) về 2 môn Tiếng Nhật và Toán. Cuộc thi này không cốt để cấp bằng cho học sinh mà để Bộ Giáo dục, Sở Giáo dục đánh giá kết quả đào tạo của các trường liên quan tới các yếu tố khác của đời sống học sinh, từ đó lập kế hoạch điều chỉnh chương trình, phương pháp giảng dạy... Kết quả thi chỉ gởi tới Bộ Giáo dục, các Sở Giáo dục, còn trường nào muốn biết thì mới được gởi tới.
Nhưng do bị chỉ trích là vừa tốn kém mà vừa gây căng thẳng quá nhiều cho học sinh vốn đã bị căng thẳng qua việc học thi chọn trường (cấp 1 lên cấp 2, cấp 2 lên cấp 3, cấp 3 vào đại học) và Bộ Giáo dục xen sâu vào việc quản lý giáo dục địa phương nên kỳ thi quốc gia này đã bị bỏ từ năm 1964.
Tuy nhiên, về sau, Nhật thấy có sự sa sút trong kết quả học tập của học sinh nên quyết định tổ chức lại kỳ thi quốc gia này vào năm 2007. Kết quả trung bình của 3 lần thi 2007, 2008 và 2009 trên tất cả 44 học khu là 65,7% đạt yêu cầu, cao nhất là 72,3%.tại Akita và thấp nhất là 58,3% tại Okinawa. Nhưng vì chi phí quá lớn: khoảng 7,7 tỉ yen/kỳ thi quốc gia, cho nên từ năm 2010 Nhật thu hẹp số lượng học sinh dự thi bằng cách chọn một số trường với mục đích lấy mẫu nghiên cứu.
Nhật không có kỳ thi quốc gia, chỉ do từng học khu hay trường tự tổ chức cách cho bằng Tốt nghiêp trung học, nhưng thi vào đại học thì rất gay go với những đại học có uy tín, khiến học sinh phải học thêm, học luyện thi từ các cấp dưới, và có thể 1,2, 3 năm sau khi tốt nghiệp trung học tại các trường luyện thi gọi là Juku hay Yobikou. Đặc biệt, NCUEE (National Center for University Entrance Examinations = Trung tâm quốc gia về thi vào đại học) tổ chức kỳ thi quốc gia hàng năm JFSAT (Joint First Stage Achievement Test)(5) để đánh giá tốt hơn về thành tích học tập của học sinh đã tốt nghiệp trung học và khuyến cáo các đại học dùng kết quả kỳ thi này trong việc tuyển sinh.
Những đại học có uy tín thì dùng kỳ thi này để hạn chế số ứng viên nộp đơn vào trường bằng cách chỉ cho những học sinh đạt mức nào đó trong kỳ thi JFSAT mới được nộp đơn, sau đó nhà trường tổ chức kỳ thi riêng cho những ứng viên này để tuyển sinh. Những trường đại học công lập ít uy tín có thể dựa vào kết quả JFSAT để tuyển sinh, những trường đại học tư thường tự soạn đề thi cho kỳ thi riêng của mình để tuyển sinh.
Thái Lan: Năm 1977, Thái Lan đã đổi hệ thống giáo dục từ cấu trúc 4-3-3-2 năm qua 6-3-3 năm, trong đó giáo dục cưỡng bách 9 năm: 6 năm tiểu học và 3 năm trung học cấp thấp. Sau mỗi cấp, học sinh phại dự kỳ thi quốc gia NET (National Education Test) để tốt nghiệp cấp ấy.
Nhân đây cũng xin nói qua vài nét về các trường quốc tế tiểu học và trung học tại Thái. Ở Thái có nhiều trường quốc tế, riêng Bangkok đã có 65 trường. Nhưng với ý thức phải giữ gìn văn hóa Thái cho học sinh Thái ngay trên quê hương mình, Bộ Giáo dục Thái có những quy định khá nghiêm ngặt.
Vị trí trường, phong cách các tòa nhà, các điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ giảng dạy, học tập, chương trình học phải được Bộ Giáo dục Thái duyệt và chấp thuận, học sinh được nhận vào không phân biệt quốc tịch, tôn giáo, chương trình học và sinh hoạt không chống trái với đạo đức và sự ổn định của xã hội Thái, ngôn ngữ giảng dạy không phải tiếng Thái, nhưng tiếng Thái và văn hóa Thái phải là môn học cốt lõi của chương trình.
Nếu học sinh là người Thái thì mỗi tuần phải học ít nhất 5 tiết (50 phút/tiết) về môn cốt lõi tiếng Thái và văn hóa Thái, còn học sinh người nước ngoài phải học ít nhất 1 tiết về môn này. Hiệu trưởng và nhân viên quản lý phải có quốc tịch Thái. Trong vòng một năm từ khi khai giảng, trường phải nộp đơn xin được công nhận giá trị (Accreditation) bởi một cơ quan công nhận giá trị quốc tế đã được thừa nhận (International Accreditation Organization Recognized) và được sự chấp thuận của Văn phòng Ủy ban giáo dục tư thục (thuộc Bộ Giáo dục Thái) (Office of the Private Education Commission) và việc công nhận giá trị phải đạt được trong vòng 6 năm kể từ ngày xin(6).
Không rõ là Bộ Giáo dục và Đào tạo của nước ta có quy định chặt như thế hay thả lỏng để các trường gọi là “quốc tế” tự tung tự tác trên đất nước ta, để rồi con em người Việt giàu có học ở đó không rành chữ Việt, chứ đừng nói là văn hóa Việt.
Singapore: Giáo dục tại Singapore có cấu trúc 10 năm: 6-4, trong đó tiểu học 6 năm (6-12 tuổi), trung học 4 năm (12-16 tuổi). Ngôn ngữ giảng dạy là tiếng Anh, nhưng học sinh phải học thêm tiếng mẹ đẻ của mình có thể là Trung Quốc, Mã Lai, Tamil.... Học sinh quốc tịch Singapore bị cấm học trường quốc tế tại Singapore trừ khi có phép của Bộ Giáo dục Singapore(7).

Quốc đảo Sư tử có một nền giáo dục tiên tiến.
Sau 6 năm tiểu học mọi học sinh phải dự kỳ thi quốc gia PSLE (Primary School Leaving Examination = Kỳ thi Rời trường tiểu học). Bài làm của học sinh được gởi về Bộ Giáo dục, những câu trắc nghiệm được chấm bằng máy tính, những phần tự luận được rọc phách, chọn ngẫu nhiên gởi lui về cho các giáo viên chấm. Học sinh rớt kỳ thi phải ở lại học lớp 6 trường tiểu học. Học sinh đỗ, tùy theo điểm thi được Bộ giới thiệu vào 6 trường trong 4 loại: Đặc biệt (Special), Tăng tốc (Express), Bình thường phổ thông (Normal (Academic)) hay Bình thường kỹ thuật (Normal (Technical)).
Sau 4 năm trung học, học sinh theo lớp Special và Express phải dự kỳ thi quốc gia O-level (Singapore-Cambridge General Certificate of Education (Ordinary Level) Examination). Kỳ thi này tổ chức hằng năm tại Singapore mà đề thi các môn thi học bằng tiếng Anh do UCLES (University of Cambridge Local Examinations Syndicate = Hiệp hội khảo thí địa phương của Đại học Cambridge) soạn, còn đề thi các môn học bằng tiếng mẹ đẻ như Trung Quốc, Mã Lai, Tamil thì do Bộ Giáo dục Singapore soạn(8).
Phần bài làm bằng tiếng Anh sẽ được gởi đến Đại học Cambridge ở Anh để chấm, phần bài làm bằng tiếng mẹ đẻ do Bộ Giáo dục Singapore tổ chức chấm. Học sinh thi O-level phải thi ít nhất 6 môn. Điểm thi cho theo tương đối với đám đông cùng thi trong với hệ thống 9 bậc A1, A2, B3, B4, C5, C6, D7, E8, F9 trong đó: A1/A2 (xuất sắc) ứng với điểm số là 1, 2; B3/B4 (giỏi) ứng với điểm số 3, 4; C5/C6 (đỗ) ứng với điểm số 5, 6; D7/E8 (đỗ vớt) ứng với điểm số 7, 8; F9 (rớt) ứng với điểm số là 9.
Một học sinh chỉ cần một môn được từ C5 hay C6 trở lên là được cấp chứng chỉ đỗ O-level. Khi cộng tất cả điểm số của 6 môn mà ít hơn 20 thì được nhận vào đại học, người xuất sắc nhất sẽ được 6 điểm (6 môn được 6 con điểm A1). Tùy theo điểm số mà học sinh được nhận vào loại trường đại học nào theo thứ tự ưu tiên từ giỏi đến kém (điểm thấp tới điểm cao).
Như vậy kỳ thi quốc gia O-level cuối trung học của Singapore là “2 trong l”, vừa tốt nghiệp trung học vừa để chọn vào đại học. Tuy nhiên, việc chọn vào đại học thì ngoài điểm thi O-level, còn xem xét thành tích hoạt động ngoại khóa CCA (Co-Curricular Activities). Mọi học sinh trong 4 năm trung học tại Singapore bắt buộc phải tham gia vào ít nhất một trong 4 loại hoạt động ngoại khóa:
Uniformed Groups (Nhóm Nghi thức, thiên về hoạt động có kỷ luật với đồng phục như Đội Thiếu sinh quân, Đội Thiếu sinh Cảnh sát quốc gia, Đội Chữ thập đỏ, Đội Hướng đạo...), Performing Arts (Nghệ thuật biểu diễn), Clubs & Societies (Câu lạc bộ và Hội đoàn), Sports & Games (Thể thao và Trò chơi). Các hoạt động này được đánh giá theo hệ thống điểm gọi là LEAPS (Leadership = Khả năng lãnh đạo, Enrichment = Khả năng làm phong phú, Achievement = Thành tích, Participation = Mức độ tham gia, Service = Mức độ phục vụ).
Trở lại với Việt Nam ta: Có nên bỏ kỳ thi toàn quốc tốt nghiệp trung học?
Câu trả lời sẽ phụ thuộc vào bằng Tú tài (hay Tốt nghiệp trung học) của ta dùng để làm gì?

Học sinh xem điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2011.
Hiện nay, nước ta không có kỳ thi quốc gia Rời trường tiểu học như Singapore, không có các kỳ thi quốc gia hết từng cấp học như Thái Lan, không có kỳ thi quốc gia hết cấp tiểu học và trung học bậc thấp để nghiên cứu như Nhật. Do đó kỳ thi Tú tài quốc gia của ta không những để đánh dấu cái mốc học vấn cho lứa thanh niên 16-18 tuổi, để làm cơ sở ban đầu cho việc tuyển sinh đại học.
Như các nước Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore mà còn được dùng như một phương tiện để đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế, xã hội, văn hóa... lên thành tích học tập của học sinh trong từng vùng, từ đó có cơ sở để điều chỉnh chương trình, điều chỉnh đầu tư cho giáo dục sao cho tối ưu, đặc biệt ưu tiên đầu tư cho các vùng mà giáo dục gặp khó khăn, nhằm làm giảm sự cách biệt giàu nghèo giữa các vùng thành thị và thôn quê. Cho nên nếu bỏ thi Tú tài quốc gia thì không có cơ sở để có thể tiến hành các nghiên cứu này.
Còn giao cho từng địa phương tự tổ chức thi Tú tài thì sao? Với pháp luật chưa nghiêm minh, với trình độ dân trí chưa cao, văn hóa chịu trách nhiệm, văn hóa từ chức vì những sai lầm do bản thân hay thuộc cấp gây ra chưa cao, và với tâm lý coi trọng thành tích, trọng danh hơn thực tài đang lan tràn hiện nay, nếu để cho các địa phương, các trường tự ra đề thi, tự tổ chức thi cấp phát bằng Tú tài thì ai dám bảo đảm rằng kết quả nghiêm minh hơn hiện nay, hay lại còn loạn hơn?
Còn việc tốn kém ngân sách? Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hay do các địa phương tự tổ chức thi cũng tốn kém, chỉ khác là ngân sách do trung ương hay địa phương chịu mà thôi. Nhưng nếu Bộ ra cùng một đề thi chung cho tất cả các địa phương thì ít tốn kém hơn là để cho mỗi địa phương tự ra một đề thi; hơn nữa đề thi chung còn dùng làm cơ sở để so sánh, đánh giá trình độ học sinh qua các địa phương trong nghiên cứu ảnh hưởng nhiều mặt khác lên hiệu quả đào tạo như đã nói trên, và cũng là một trong nhiều yếu tố giúp cho việc tuyển sinh đại học được dễ dàng hơn.
Như vậy, theo chúng tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên chỉ đạo tổ chức kỳ thi Tú tài quốc gia. Vấn đề còn lại là nên tổ chức thi như thế nào? Nên kết hợp việc thi Tú tài với việc thi đại học sao cho việc thi cử ít tốn thì giờ, công sức của cả học sinh lẫn thầy giáo, ít tốn tiền bạc mà nghiêm minh hơn, lựa chọn đúng đối tượng hơn trong cả thi Tú tài và tuyển sinh đại học.
(Còn tiếp kỳ cuối: Đề nghị một phương án thi Tú tài và tuyển sinh đại học)
(1) | Le Baccalauréat Français, http://www.carla.umn.edu/articulation/polia/pdf_files/lebaccalaureatfrancais.pdf |
(2) | CAHSEE là California High School Exit Exam (Bài thi ra trường trung học bang California), http://en.wikipedia.org/wiki/California_High_School_Exit_Exam |
(3) | SAT là SAT Reasoning Test, trước năm 2005 gọi là Scholastic Aptitude Test hay Scholastic Assessment Test, do Educational Testing Service của College Board soạn, chấm thi từ năm 1926 đến nay. Trước năm 2005, bài thi SAT chỉ gồm 2 phần Đọc tiếng Anh và Toán (Critical Reading, Mathematics) dưới dạng trắc nghiệm, mỗi phần tối đa 800 điểm. Từ năm 2005 đến nay gồm 3 phần Đọc tiếng Anh, Toán và Viết tiếng Anh (Critical Reading, Mathematics, Writing), mỗi phần 800 điểm; phần Toán ngoài những câu trắc nghiệm, nay có thêm 10 câu mà thí sinh tự tìm ra đáp số rồi điền vào ô chỉ định (10 grid-in questions). Cần 3 giờ 45 phút để thi SAT. SAT được tổ chức 7 lần/năm ở Mỹ và 6 lần/năm ở nước ngoài. ACT là American College Testing, một đối thủ cạnh tranh với SAT trong việc xét khả năng vào đại học, do Everett Franklin Lindquist tổ chức lần đầu năm 1959. Hiện nay ACT được tổ chức 6 lần/năm. |
(4) | Education in Japan, http://en.wikipedia.org/wiki/Education_in_japan |
(5) | Joint Achievement Test, quản lý bởi Association of National Universities như là một cơ chế sàng lọc ban đầu trước kỳ thi do từng trường tổ chức. JAT gồm 5 môn: Toán, Tiếng Nhật, Anh văn, Khoa học tự nhiên, và Khoa học nhân văn. Kỳ thi diễn ra trong 2 ngày, theo Entrance examination system, http://members.tripod.com/h_javora/jed9.htm#eexs. |
(6) | http://www.moe.go.th/English/inter_school/index_eng.htm); http://www.moe.go.th/English/inter_school/schoolname_in_eng.htm |
(7) | http://en.wikipedia.org/wiki/Education_in_Singapore |
(8) | "GCE O Level Examination: General Information". Singapore Examinations and Assessment Board. Retrieved 2010-06-02. |