Nghịch lý của Ý
Con người và bi kịch của con người, đó là đặc sắc của nghệ thuật Ý. Hầu hết tác phẩm nghệ thuật của Ý không nói đến hạnh phúc, mà nói đến bi kịch của con người. Những tác phẩm của Dino Buzacti, Moravia… nhìn cuộc đời châm biếm, hài hước và kết thúc bằng bi kịch. Những tác phẩm thành công nhất liên quan đến tội ác và ngoại tình. Con người Ý rất hoa tình. Nổi bật cái đẹp của cơ thể, còn cái đẹp tâm hồn thể hiện qua tình yêu đôi lứa. Bản thân tiếng Ý là ngôn ngữ của tình yêu. Dân ca hay nhất là dân ca lãng mạn về tình yêu. Rất nhiều tình yêu vụng trộm: phong kiến giống như Việt Nam, Kitô giáo không cho phép ly dị nhưng rất nhiều tình yêu vụng trộm, tan vỡ.
Đây là đất nước của tội phạm, maphia như thể hiện trong phim Con bạch tuộc, Thanh tra Montan Bano và gần đây nhất Gômôra (dựa theo một cuốn tiểu thuyết cực kỳ ăn khách của Ý ngày nay, mà tác giả của nó là Robert Saviano, 29 tuổi, đang bị dọa giết vì đã phơi bày rất nhiều tội ác của maphia. Khi đến Ý, đi trên đường phố, thấy nó đẹp, không biết rằng nó ẩn giấu trong đó bao nhiêu tội ác, bao nhiêu bi kịch. Nước Ý là sự tổng hợp cái đẹp và cái xấu của con người. Họ sống với maphia hàng trăm năm. Tội phạm nhiều khi thành nếp sống, người ta tìm mọi cách lách luật. Đó thậm chí là nét riêng của lối sống Ý. Xã hội càng phát triển càng bộc lộ mặt trái của nó.
Nước Ý rất lạ. Nó ca ngợi con người, nâng con người lên trung tâm vũ trụ. Một người Ý (chứ không phải người Tây Ban Nha) là Cristo Colombo đã tìm ra châu Mỹ. Nhưng Ý là quê hương của chủ nghĩa phát xít. Ý cũng là nơi mà tư tưởng phát xít vẫn còn ẩn hiện đâu đó. Hơn 1000 năm, Ý sống dưới chế độ thần quyền. Hàng trăm năm chịu sự đô hộ của Áo và Pháp. Nó chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn minh khác nhau, vì nằm trên Địa Trung Hải.
Ý tiêu biểu cho sự cát cứ phong kiến. Vua là người đứng đầu Nhà nước, đồng thời là Giáo Hoàng. Đó là điều duy nhất trên thế giới. Ý nằm ở một vị trí chiến lược. Cho đến bây giờ, các phong trào Cộng Sản ở Ý tuy suy thoái vẫn tồn tại và họ vẫn cho rằng họ là tinh túy. Đất nước này được cứu trong tay phát xít hồi đại chiến thế giới thứ II bởi những người du kích Cộng Sản.
Một bối cảnh phức tạp nên một đất nước cũng phức tạp. Sau năm 1946, Ý trở thành một nước Cộng Hòa, trung bình mỗi năm có một chính phủ. Rất nhiều lực lượng: Cánh hữu, Phát xít mới, Ôn hòa, Dân chủ Thiên Chúa giáo (đứng sau là Vatican), Cộng sản, các phong trào mang tính địa phương (Ý được tạo nên bởi 20 vùng khác nhau nên tính địa phương là rất lớn). Không có một lực lượng thực sự áp đảo nên nó rất dễ thay đổi.
Người Ý hay thay đổi, thích thay đổi, họ không chấp nhận một cái gì quá cũ. Người Ý rất phóng khoáng, thích đối thoại, nhưng họ rất dễ tổn thương, dễ tự ái, tính khí bốc đồng, lãng mạn, yêu thích hết mình nhưng cũng hay kêu ca, phàn nàn. Nói chung là thiếu kiên định. Có lẽ đó là nét nó thừa hưởng từ lịch sử của nó. Tư duy Đức và Ý trái chiều nhau. Người Đức khô khan lại sinh ra những nhà tư tưởng, còn người Ý thiên về tình cảm hay giải quyết theo tình cảm. Người Pháp tập hợp cả hai cái đó.

Họa sĩ vẽ tranh trên đường phố
Một câu chuyện như Roméo–Juliette là của Ý (Vérona ở Bắc Ý), Shakespeare lấy lại. Đó là một câu chuyện phản ánh sự hận thù giữa các vùng. Chính maphia sinh ra từ gia đình. Ông bố truyền cho con lòng hận thù. Trong một gia đình phải bảo vệ lẫn nhau. Có gia đình tứ đại đồng đường. Các gia đình maphia bảo vệ nhau, nên Nhà nước khó mà biết được.
Nhà Thờ cũng là một lực cản lớn. Galilê bị Nhà Thờ rút phép thông công vì ông phát hiện trái đất quay. Tính cục bộ địa phương cũng vậy. Mỗi vùng một văn hóa riêng, một ngôn ngữ riêng. Thống nhất nước Ý rất khó. Trên nguyên lý là thống nhất nhưng giữa các vùng vẫn có sự chênh lệch.
Sống chung với mặt trái
Bi kịch của Ý xuất phát từ trong gia đình. Giáo Hoàng Alecxandrơ VI như một tên trùm maphia đầu tiên của Ý. Sống trong nỗi sợ hãi người khác giết mình, nên cho em gái yêu anh trai để không lấy người ngoài. Rồi gả con trai để lấy vùng đất khác, con cái hy sinh cho chính trị của bố (Gia đình giáo hoàng của Rodrigo Borgia – chuyện ở thế kỷ XVI).
Nhân dân nghèo khổ, còn bị áp bức về tinh thần, giáo chức cũng thối nát.
Vấn đề của người Ý là sống chung với mặt trái, coi như một phần của cuộc sống. Sống chung với maphia, Nhà Thờ, sống chung với cản trở. Xã hội Ý mấy năm nay có phát triển. Gia đình bị phá vỡ, Nhà Thờ cố can thiệp vào gia đình cổ, chống phá thai, không cho hôn nhân đồng giới, nhưng đồng tính luyến ái ở Ý là một vấn đề khá nhức nhối. Cái Đẹp – cái Xấu, cái Thiện – cái Ác đan xen nhau. Xixin đẹp, thơ mộng nhưng nó là thủ phủ của maphia…
Kinh tế Ý khủng hoảng nên không đầu tư được mấy cho phát tríển. Chảy máu chất xám, các đại học cũng đang khủng hoảng. Mỹ và Nhà Thờ có ảnh hưởng mạnh ở đây.
Việt Nam trong tim người Ý
Ý là một nước có phong trào ủng hộ Việt Nam chống Mỹ nhiều nhất. Tình cảm ấy bây giờ vẫn còn. Xa xôi như thế, ít liên quan với Việt Nam như thế mà có người nhắc đến chiến thắng của Việt Nam vẫn xúc động (thanh niên thì không còn biết nữa – chứ những người thế hệ 68 ủng hộ Việt Nam vẫn nhớ Việt Nam).

Nhật kí Đặng Thùy Trâm, quyển sách được Maria Cristina Bitti dịch sang tiếng Ý
Đại sứ Việt Nam tại Ý Nguyễn Văn Nam nói Việt Nam như một ngôi sao. Các phóng sự, truyền hình, bài báo… nói về Việt Nam cũng nhiều. Maria Cristina Bitti dịch “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” (dưới nhan đề “Đêm ấy, tôi mơ hòa bình”) và phát hành cuối năm 2007. Báo chí Ý đánh giá đây là một sự kiện của xuất bản và viết nhiều bài bình luận Nhật ký Đặng Thùy Trâm, thể hiện sự anh dũng của Việt Nam trong chiến tranh, và đây chỉ là một trong số biết bao nhiêu người hy sinh mà chúng ta không được biết.
“Đây là cuốn sách ghi chép của một nữ trí thức trẻ trong cuộc xung đột tàn khốc nhất của thế kỷ XX… nhưng cũng là câu chuyện về hy vọng và tình yêu cuộc sống” (trích Lời giới thiệu). Một nghệ sĩ nhiếp ảnh muốn qua các bức ảnh về nạn nhân chất độc da cam để kêu gọi lương tâm người Ý phản đối chiến tranh. “Súng không còn nổ, nhưng nạn nhân vẫn còn đau đớn, chúng ta phải làm điều gì đấy cho người dân ở Việt Nam, không được lãng quên…” (Nghệ sĩ nhiếp ảnh này đã từng biểu tình chống chiến tranh ở Việt Nam).
Cánh hữu ở Ý không thích Cộng sản nhưng phục Việt Nam. Đó là một điều rất lạ. Biết mình là người Việt Nam thái độ của họ khác hẳn, coi trọng mình. Có lẽ đó là chất nghĩa hiệp của người Ý.
Cái giá phải trả
Ý phải trả giá cực nhiều cho các vấn đề của nó. Ý phải trả giá không biết bao nhiêu lần (phát xít, đô hộ nước ngoài, một cổ hai tròng vừa cường quyền vừa thần quyền). Nhưng xấu đẹp gì nó đều phô ra. Niềm tự hào thái quá thành phát xít. Dân chủ quá thành vô chính phủ, ức chế Trung cổ thành Phục Hưng… Tất cả đan xen nhau. Luộm thuộm chắp vá nhiều tư tưởng.

Đấu trường Colloseum – Rome – Ý, danh thắng nổi tieng ở Ý
Họ tự hào nhất là về Cổ La Mã
Bất công xã hội, tội ác diễn ra hàng ngày, chính trị bỏ túi tiền… đấy là sự thái quá. Xã hội Ý tồn tại trong nhiều mâu thuẫn. Người Ý giải quyết mâu thuẫn có khi bằng bạo lực, đánh người nhập cư, giết chóc nhau cũng nhiều. Nó đang phải trả giá. Trên đời này cái gì rồi cũng phải trả giá…
_______________
(*) Chủ nhiệm Văn Phòng Đại Diện Thông Tấn Xã Việt Nam tại Roma – Ý. Bài viết để trả lời phỏng vấn của Hồn Việt.