Có chuyện thú vị là có em bé ngoại quốc đã viết thư hỏi nhà văn về cái râu của chú Dế Mèn và màu sắc thân hình vì ở xứ lạnh chỉ có giống côn trùng tương tự. Điều đó thể hiện chú Dế Mèn đã in dấu trong tâm hồn tuổi thơ khắp nơi. Cũng có nghĩa là chú Dế Mèn đã làm cuộc phiêu lưu khắp xứ sở, vùng miền ở những chân trời xa tít tắp.
Tô Hoài là nhà văn bằng văn chương của mình đã sớm hội nhập toàn cầu. Ông xứng danh là nhà văn có tầm tư tưởng lớn của dân tộc trong thời đại này.
Trước hết, Tô Hoài là một nhà giáo dục. Bước đầu ông viết hàng loạt truyện cho thiếu nhi trên sách Hoa hồng, Truyền bá. Cũng là khởi đầu cho mảng truyện thiếu nhi đồ sộ mà nhàvăn tiếp tục suốt đời viết. Truyện có hình ảnh một chú bé ngộ nghĩnh, thông minh, vui tươi, hồn nhiên. Tuy nhiên, đó đã là cậu bé có cốt cách đạo đức đáng quý. Trong nhà em là đứa trẻ hiếu đễ. Với xóm giềng lại là người bạn tốt, đứa trẻ ngoan. Dế Mèn có đức tính nổi trội là ưa tìm kiếm phát hiện đời sống xã hội, đi phiêu du thể hiện một tâm lý và ý thức vượt thoát khỏi tù túng. Để tìm kiếm nguồn sống - những bãi cỏ xanh tươi, để tìm thú vui và tình nghĩa cộng đồng. Thực chất đó là ý chí tự do. Dế Mèn có tinh thần xã hội rộng lớn, biết đi để hợp quần, động viên sức mạnh đấu tranh. Tóm lại đã hình thành một cốt cách con người từ thuở ấu thơ. Nhân cách tốt đẹp ấy được lan tỏa từ trong gia đình ra đến xã hội.
Đây là một ý tưởng lớn lao về đạo đức, về lý tưởng của một đời văn lớn.
Tương tự, ta nhớ tới Lev Tolstoi - nhàvăn lớn Nga cũng là nhà giáo dục lớn tầm cỡ thế giới. Cuối đời, sự nghiệp của ông là xây dựng kiểu trường học mới với “Nguyên lý tự do”. Sách giáo khoa của ông được in do bộ giáo dục xuất bản phát hành khắp toàn quốc trong nhiều năm.
Có một lý tưởng hồn nhiên ban đầu về chống chiến tranh, mưu cầu cuộc sống yên lành là lý tưởng chủ nghĩa hòa bình cao siêu. Trong đời cho đến trước khi vĩnh biệt cõi đời này, trong những năm tháng gần đây có thể hình dung Ông Dế Mèn nhiều lần “vuốt râu”, “rung đùi”, mỉm cười đắc chí về chủ nghĩa hòa bình được đề xuất từ thế giới “Dế Mèn” ngây thơ. Trên thế giới cho đến nay còn biết bao xung đột, tàn sát bi thảm về sắc tộc, về tôn giáo, còn biết bao va chạm, mâu thuẫn, đối địch đe dọa chiến tranh, thậm chí có hành động xâm lược của những thế lực bành trướng, bá quyền, những chủ nghĩa độc tài, phát xít mới.
Nghiệm như thế để thấy lý tưởng hòa bình đã trải qua bao thăng trầm trong lịch sử. Đã có lúc Dế Mèn bị lợi dụng, xuyên tạc. Bọn cơ hội, xét lại đã nêu ngọn cờ “Chung sống hòa bình” - thực chất là tư tưởng sợ Mỹ để làm chiêu bài đối ngoại. Chủ nghĩa hòa bình chân chính là cao đẹp và là lý tưởng của nhân loại trong muôn đời lẽ nào có thể “mập mờ đánh lận con đen”, lừa bịp lương tri của loài người. Thế giới tiến bộ ngày nay luôn đồng thuận nhất trí với mục tiêu hòa bình, ổn định, phát triển vì hạnh phúc nhân loại.
Dế Mèn phiêu lưu ký là tác phẩm đầu đời cũng là tác phẩm để đời của Tô Hoài. Đó là đóng góp xứng đáng cho Đời của nhàvăn lớn mang tư tưởng thời đại.
* * *
Một tác phẩm để đời khác của Tô Hoài là Vợ chồng A Phủ.
Đây cũng làtác phẩm xuất sắc mang nhiều tư tưởng lớn. Truyện thể hiện tinh thần chống chế độ phong kiến ở miền núi như kiểu xóa bỏ ách địa chủ trong cải cách ruộng đất ở miền xuôi. Bọn chúa đất, thống lý đại diện cho chế độ áp bức bóc lột độc ác tàn nhẫn, với cả một chế độ khắc nghiệt đè nén, trói buộc con người. Trong ý thức giai cấp có cả tinh thần dân tộc thể hiện cuộc đấu tranh quyết liệt giữa những người nghèo khổ chống lại cả hệ thống thống trị. Cô Mị được giải thoát khỏi tay A Sử cũng là biểu hiện sức mạnh nổi loạn. Chủ đề truyện vượt khỏi tác phẩm, vượt lên số phận cá nhân với lý tưởng giải phóng con người. Một sự giải phóng hoàn toàn khỏi nhà tù gia đình để bung ra xã hội. Cô Mị từ chỗ đầu óc u mê tăm tối đã bùng lên những tia sáng mới, từ nô lệ trở thành cô gái tự do về thân phận nhưng chủ yếu là được giải thoát về mặt tâm hồn. Đôi vợ chồng Mị - A Phủ là sự kết hợp tuyệt đẹp của tình yêu vàlý tưởng tự do chân chính. Tô Hoài đề cập tới một vấn đề hết sức sâu xa về phận người, kiếp người cũng giống Nam Cao qua Chí Phèo là vấn đề kiếp sống, là vấn đề làm người, tức quyền sống con người.
Truyện Tây Bắc trong đó có Vợ chồng A Phủ thể hiện những con người từ nạn nhân trở thành chủ nhân, làm chủ mình, làm chủ cuộc đời. Đó là những con người biết ngẩng đầu đứng thẳng, đi lên. Vợ chồng A Phủ là gia đình du kích tham gia vào cuộc kháng chiến của dân tộc. Đó là những con người tự giải phóng và tham gia vào sự nghiệp giải phóng của đất nước.
Vợ chồng A Phủ vì vậy cũng là đại biểu, đại diện ưu tú cho lý tưởng độc lập tự do.
Truyện Tây Bắc và Miền Tây của Tô Hoài là tác phẩm xuất sắc thể hiện tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các bộ tộc ởTây Bắc cùng đi lên trong cuộc đời chiến đấu xây dựng mới. Mường, Thái, H’Mông chung tay góp sức, thân ái hữu nghị xây dựng đại gia đình dân tộc Việt Nam. Đó cũng là tinh thần lớn, có ýnghĩa thời đại. Mảng truyện miền núi của Tô Hoài thể hiện một chủ nghĩa dân tộc chân chính trong thời đại Cách mạng. Nó xóa bỏ tất cả mọi kỳ thị, chia rẽ dân tộc và tuyệt nhiên xóa bỏ những mâu thuẫn xung đột về sắc tộc. Chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, độc tôn, tự thị đã và đang còn là hiểm họa trong lòng nhân loại, đó đây đã bùng phát và đe dọa, nổ vỡ như đồng hành với chủ nghĩa bá quyền, bành trướng trên thế giới hiện nay.
* * *
Có thể nói tới một chủ nghĩa nhân văn trong văn chương Tô Hoài.
Đó là một lý tưởng cao đẹp về tính người và tình người. Tư tưởng nhân văn, lòng thương yêu tôn trọng con người xuyên suốt tác phẩm Tô Hoài trong đời viết. Những sáng tác lớn có thành tựu đặc sắc về đề tài miền núi hay đề tài Hà Nội cũng như mảng tự truyện, hồi ký, bút ký đều toát lên một thứ ánh sáng lung linh, đằm thắm tình người. Trước Cách mạng, mảng truyện về quê hương vùng ven thành thị phản ánh đời sống khổ cực, nghèo hèn, tù túng của dân nghèo thành thị và những người lam lũ vùng quê. Sự phá sản của lớp người bị bần cùng hóa chính là thảm cảnh xã hội một thời, qua đó là sự cảm thương sâu sắc những số phận nghèo khổ. Mảng truyện từ sau Cách mạng vẫn là tình thương cảm lớn nhưng đã có thêm lòng thương yêu tôn trọng con người. Ở một số tác phẩm về đề tài Hà Nội như Mười năm, Quê nhà đã có sự đề cao con người tự giải phóng. Nói cách khác đó là sự đề xuất rất sớm về chủ nghĩa anh hùng cách mạng quần chúng có tính truyền thống lưu truyền từ các nghĩa quân cho đến những dũng sĩ thời nay. Đó cũng chính là đặc điểm phong cách nghệ thuật Tô Hoài: cảm hứng nhân văn đời thường. Nhân vật là những chị Mít, anh Xoài, anh Cu Lặc... từ đời thường bước vào sự nghiệp chung trở thành những con người bỗng trở nên khác thường, phi thường. Họ là những nhân vật làm nên lịch sử chân chính, tất nhiên trong đó nổi bật những tấm gương xuất sắc: Kim Đồng, Vừ A Dính, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ.
* * *
Cây đại thụ văn chương đã vĩnh biệt. Nhưng trên đồng bãi, núi đồi văn học dân tộc vẫn tồn tại một bóng dáng xum xuê đang ôm trùm mãi mãi.
TP.HCM, 8-7-2014
_____
* PGS-TS Trường đại học Sư phạm Hà Nội