Đừng ngại những chuyến đi, đừng ngại gõ cửa

TRẦM HƯƠNG

Nếu một ai đó hỏi rằng “Bảo tàng của chị có gì quý giá nhất?”. Tôi không chút ngần ngại để nói rằng: “Những con người mà tôi được gặp là “hiện vật” quý giá nhất. Bằng những gì đã trải nghiệm trong gần 20 năm công tác ở bảo tàng, tôi có lý do để nói như vậy. Và trong gần 20 năm, điều cốt lõi giúp tôi trụ bám lại với nghề ở bảo tàng, cũng chính là những con người mà tôi được gặp. Chính vốn quý con người đã giúp tôi viết lên được một châm ngôn cho chính mình “Đừng ngại những chuyến đi, đừng ngại gõ cửa”.

Đừng ngại những chuyến đi…

Một ngày đẹp trời, trong bảo tàng vắng lặng, đi ngang qua những gian trưng bày, lòng tôi chợt rung lên niềm thương cảm cho những hiện vật được trưng bày đơn sơ, giản lược trong ngăn tủ kính chật hẹp. Tràn ngập trong lòng tôi là cảm giác có lỗi. Dường như những hiện vật nằm bất động đang máy môi cử động, hóa thân thành những con người bằng xương bằng thịt, bước ra cuộc đời đang trò chuyện cùng tôi, đòi tôi - những người ăn lương Nhà nước trả lại cho họ lẽ công bằng, quyền được gọi đúng tên, được đặt đúng chỗ.

Những hiện vật ấy như muốn nói với tôi rằng “Cô sẽ không hiểu gì cả, nếu như cô không lắng nghe, không nhìn ngắm chúng tôi bằng một thế giới tâm linh đầy liên cảm của hiện tại và quá khứ, giữa người sống và người chết, giữa cái được và cái mất”.


Châm ngôn của tôi là: “Đừng ngại những chuyến đi, đừng ngại gõ cửa”.

Tràn lên trong lòng tôi là cảm giác có lỗi. Tôi muốn đi tìm lại linh hồn cho những hiện vật bị giam cầm trong những ngăn tủ kính chật hẹp kia. Tôi đã đi và được gặp…

Trời nắng, bụi mù, dòng người cuồn cuộn mà xách chiếc xe gắn máy cà tàng ra đi, thật ngán ngại. Nhưng có một cái gì đó vẫy gọi, thôi thúc. Làm nghề bảo tàng cũng cần lòng dũng cảm.

Tôi tự nhủ phải vượt lên chính mình, cả sự bất công, không được chia sẻ về nhiều thứ để đi tìm lại nguồn gốc, linh hồn từ những hiện vật bị nhốt chặt trong chiếc lồng kín chật hẹp kia.

Tôi về Chợ Đệm, tìm đến di tích Vườn Bà Bông - một địa danh gắn liền với phần mộ của thân mẫu nhà yêu nước Hồ Huân Nghiệp. Vườn Bà Bông ngày hôm nay chỉ còn là một khoảng đất hẹp bởi quá trình “đô thị hoá”. Còn ngôi mộ của mẹ Hồ Huân Nghiệp lúc ấy thật điêu tàn, nằm sau nhà bếp của một căn phố trên cuộc đất thấp, luôn ngập nước, không một tấm bia, không một dòng mộ chí.

Sau chuyến đi ấy, trở về thành phố, tôi cứ bị ám ảnh bởi gương mặt khắc khổ, buồn rười rượi trước câu nói của ông Hồ Thạch Ngọc - cháu cố của Hồ Huân Nghiệp: “Là con cháu, chúng tôi có bổn phận tôn tạo phần mộ của ông bà nhưng…Chúng tôi nghèo quá, không sao xây nổi ngôi mộ cho bà sơ tôi…”.

Đừng ngại gõ cửa…

Hai hàng nước mắt lăn trên đôi gò má xương xẩu trên gương mặt u uất của cháu cố một nhà yêu nước trước khi ra pháp trường không kể thân mình, chỉ lo cho mẹ già phất phơ đầu bạc đã thôi thúc tôi gõ những cánh cửa. Tôi đi làm cầu nối cho những bàn tay và những tấm lòng.

Năm 2001, nhờ sự hỗ trợ của Khách sạn Sài Gòn, mộ bà Bông được cải táng, được đưa vào khu đất khang trang. Lòng tôi tràn ngập niềm vui khi mộ chí của bà được khắc lên bốn câu thơ đầy nghĩa khí, tràn ngập lòng yêu thương của nhà yêu nước Hồ Huân Nghiệp trên tấm đá hoa cương.

Chuyến đi về Cầu Đất - Bưng Môn chị Phan Thị Tiết, con gái Bà mẹ VNAH Phan Thị Chạy đã để lại trong lòng tôi nỗi day dứt không nguôi. Sau Khởi nghĩa Nam kỳ, mẹ chị bị bắt, đã sinh chị trong nhà tù.

Sau chiến tranh, cha, mẹ chị đều hy sinh. Ngôi nhà chị trống hoác ven chân cầu Mỹ Quý, Bưng Môn, Cai Lậy, Mỹ Tho. Chị không biết chữ, dán ngược tấm bằng Tổ quốc ghi công. Chị phải gánh nước mướn với đôi chân bệnh tật, đã xỉu trước ống kính quay phim vì bụng đói… Tôi gõ mọi cánh cửa đều vô vọng. May sao, anh Hồ Duy Hùng- giám đốc Công ty Du lịch Phú Thọ đã đến tận nơi thị sát và xây tặng chị ngôi nhà tình nghĩa…

Mong muốn tìm lại những nhân chứng Khởi nghĩa Nam kỳ đã thôi thúc tôi tìm đến ngôi nhà 31/29/7 đường Đất Thánh, phường 6, quận Tân Bình để gặp bà Nguyễn Thị Ngọc Ngân - người mẹ sinh con trong nhà tù, cả gia đình bà gồm cha, anh, chị đều sa vào tay giặc, bị đày ra Côn Đảo, hy sinh.

Bà vốn là con gái một người giàu có, nhà bị địch đốt cháy mấy ngày đêm chưa tắt. Vậy mà giờ đây, bà ra sân lặt rau, vì sợ ngồi phía trong, ngôi nhà sẽ đổ nhào bất cứ lúc nào. Làm sao trái tim con người không rung lên một nỗi đau trước sự quên lãng, bất công…

Để giúp bà, tôi nghĩ cách hiệu quả nhất là viết bài kêu gọi. Đó là một cách gõ cửa, để năm 2000, Tòa soạn báo ANTG đã tặng gia đình bà số tiền hỗ trợ cho gia đình xây lại ngôi nhà khang trang hơn…

Cứ như thế, nhiều ngôi nhà thương, tình nghĩa đã được dựng lên, nhiều số phận quên lãng được biết đến, có cả nữ dũng sĩ, vợ anh hùng được kêu gọi giúp đỡ trả nợ vì phải vay nóng chữa bệnh hiểm nghèo cho con, có cả Bà mẹ VNAH từng đóng góp nhà cửa, tài sản, con cái cho kháng chiến trong hòa bình không có nhà để ở.

Nhiều di tích được tôn tạo, trong đó có công trình Miếu Dân Công. Nỗi đa cảm trước ngôi miếu bơ vơ giữa cánh đồng ngập nước mà tôi đã đi qua trong một lần theo Trung tâm bảo trợ những bà mẹ cô đơn đã thôi thúc tôi phải viết nên một cái gì đó.

Bộ phim tài liệu “Đêm trắng Vĩnh Lộc” đã làm rơi nước mắt nhiều người. Nhiều công chúng đã quyên tiền cải tạo ngôi miếu. Sau hai lần lột xác, UBND TP.HCM đã cho xây công trình tưởng niệm Miếu Dân Công - nơi 32 dân công hy sinh đêm 20/5/1968 (Âm lịch), sau một trận ném bom hủy diệt, với kinh phí 7 tỷ đồng, khánh thành và đưa vào sử dụng năm 2006.

Tôi xin được chuyển nguyện vọng bà con Vĩnh Lộc, rằng họ rất tự hào về di tích Miếu Dân Công, rất cảm động trước sự quan tâm của thành phố. Nhưng bà con mong công trình có thêm hội trường, phòng làm việc để di tích không chỉ là di tích mà còn là nơi phục vụ cho tham quan, học tập truyền thống, nghiên cứu lịch sử - một địa điểm giao lưu, sinh hoạt văn hóa… tiện ích, hiệu quả. Có như thế, Di tích Miếu Dân Công mới thường xuyên thu hút được khách tham quan.

Tôi cũng xin được bày tỏ nỗi niềm của mình trong công tác sưu tầm hiện vật cách mạng. Đó là những hiện vật vô giá, gắn bó máu thịt với người làm ra lịch sử hay thân nhân họ. Người làm bảo tàng có tâm lý xin, mua bằng được. Nhiều người muốn giữ lại những kỷ niệm quý giá nhưng vì nể, khó xử.

Trong những trường hợp này, chúng ta nên tôn trọng sự bảo tồn ấy của quần chúng, xây dựng mối quan hệ để có được những “kho mở” trong lòng quần chúng, để khi cần, chúng ta mượn hiện vật ấy trưng bày. Và chính chủ nhân những hiện vật kia cũng góp phần vào chuyên đề nghiên cứu, trưng bày của chúng ta.

Vì lẽ đó, việc xây dựng mối quan hệ giữa bảo tàng và quần chúng là vô cùng cần thiết. Để họ trở thành một phần, là một kho mở vô tận của Bảo tàng; chúng ta không thể đến với họ bằng quan hệ mua bán sòng phẳng như mua đồ cổ mà phải biết lắng nghe, chia sẻ, sáng tạo, trách nhiệm, nghĩa tình với những con người đã làm nên lịch sử và đang sở hữu những giá trị vô giá mà Bảo tàng chỉ mới chạm đến ở lớp vỏ bên ngoài.

Hơn 20 năm, kể từ ngày được thành lập, chúng tôi cầu thị để nhìn nhận rằng Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ được nhận Huân chương lao động hạng nhất là vì thành tích “Uống nước nhớ nguồn”.

Đó là một thế mạnh của Bảo tàng phụ nữ nhưng thành tích đó cũng đặt ra cho chúng tôi nhiều áp lực trong chặng đường phía trước, khi nằm trong xu thế chung, các bảo tàng đều mong muốn đi vào hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.

Làm thế nào bảo tàng không chỉ là nơi sưu tầm, nghiên cứu, trưng bày, bảo tồn hiện vật mà còn là cầu nối, góp phần trả lại sự công bằng, tỏa sáng cho những nhân chứng lịch sử?!

Làm thế nào để hoạt động bảo tàng gắn kết, song hành với đời sống của công chúng là câu hỏi vô cùng to lớn, không dễ tìm ra câu trả lời cho những người làm công tác bảo tàng thời hội nhập. Trong lúc chờ đợi lời giải đáp, tôi chỉ có một cách duy nhất là tiếp tục những chuyến đi…