Gần đây, nhất là vào cuối năm 2013, đầu năm 2014, một số tờ báo và nhà xuất bản đã đăng nhiều bài, in sách đề cao những người như Phan Thanh Giản, Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh… Cái mưu đồ lấy cớ đổi mới, xét lại chính sử, lộn ngược lịch sử được gieo mầm trong một số cuộc hội thảo về triều Nguyễn ở Thanh Hóa năm 2009, hồi đó đã bị các báo vạch trần, phản bác một cách chính xác mạnh mẽ như các tờ Hồn Việt, Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh v.v… nay xem chừng đang nổi dậy trở lại, đâm chồi nảy lá muốn dùng bút màu da cam da quýt để tô lại bản đồ Việt Nam.
Trong bài này, tôi chỉ xin nêu một số ý kiến về bài báo mới rợi: Một Phạm Quỳnh viết du ký của Hương Sen đăng trên tờ Đại Biểu Nhân Dân – tiếng nói của Quốc hội, diễn đàn của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và cử tri, số ra ngày 13-2-2014. Trong bài này, tác giả Hương Sen đã thích thú khen ông Phạm Quỳnh rất giỏi tả cảnh ở nước ta và nước ngoài, và bày tỏ niềm biết ơn với ông Phạm Quỳnh.
Điều đáng chú ý là đoạn ông Hương Sen trích lời ông Dương Trung Quốc như sau:
“Phạm Quỳnh cùng với các tác phẩm của ông đã đóng góp một phần quan trọng trong vấn đề thống nhất đất nước, thống nhất quốc gia, là những di sản xuất sắc trong thế kỷ 20…”.
Có thật ông Phạm Quỳnh có công với đất nước như vậy không?
Trước hết hãy bắt đầu từ tờ tạp chí Nam Phong, nơi ông Phạm Quỳnh khởi nghiệp và nổi tiếng.
Tạp chí Nam Phong do Pháp lập ra với mục đích là vận động cho chủ nghĩa “Pháp - Việt đề huề” tranh thủ giới trí thức, nhằm cột Việt Nam vào Pháp bằng dây thừng văn hóa, như vậy thì vững bền hơn. Trên bình diện chính trị, báo Nam Phong không cần nghiên cứu thật giả đúng sai thế nào, chỉ một mực nói theo luận điệu xuyên tạc, lên án phong trào cách mạng trong nước, hô hào phục vụ “mẫu quốc Pháp” trong chiến tranh thế giới thứ hai. Trong quá trình chủ trì báo Nam Phong, ông đã được nhà cầm quyền Pháp tin cậy cho nên người ta đã mời ông vào kinh đô Huế để giữ một chức quan tay hòm chìa khóa: Ngự tiền Văn phòng Tổng lý Đại thần kiêm Thượng thư Bộ Giáo dục, ủy viên của Hội đồng Cải cách dưới sự điều khiển của Khâm sứ Pháp ở Trung Kỳ. Do đươc tín nhiệm cao, ông đã nhảy vọt lên thành Thượng thư Bộ Lại, chức quan to nhất triều đình (như Thủ tướng).
Trong thời gian làm “trụ cột” của triều đình Huế, ông có một việc làm được nhiều người nói đến đó là việc ông sang Pháp “đòi” hay “xin” Pháp thực hiện hòa ước năm 1884 (hòa ước mà triều đình Huế đã ký chịu đầu hàng Pháp). Về việc này, báo Ngày Nay ở Hà Nội ngày 28-9-1939 viết: “Trong bảy năm ông làm một trụ cột trong triều đình Huế, lương cao bổng hậu, ông đã không làm được một mảy may cho dân cho nước. Và mới đây công việc của ông định làm là sang Pháp xin trở lại hòa ước 1884 sáp nhập Bắc Kỳ vào Trung Kỳ dưới triều đình Huế, thật là một việc thất sách và vụng về hết chỗ nói… kết quả cuộc thử nghiệm của tướng công thật là hư vô. Trong bảy năm, ông chỉ là một cái bù nhìn đáng thương. Cho nên vì tướng công, chúng tôi kêu lên: ‘về đi thôi, từ chức đi thôi ông Phạm Quỳnh’”.
Phạm Quỳnh và phe nhóm chủ trương dùng mọi tàn dư của phong kiến để phục vụ cho trật tự Pháp - Việt để chống lại mọi sự chuyển biến của cách mạng, phá hoại cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân. Phạm Quỳnh gửi thư ngỏ cho Pôn Ray-nô, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp, đăng trên báo Nam Phong số 166 tháng 10-1931, “Xin ngài (Ray-nô) cho chúng tôi một cái Tổ quốc để mà thờ”. Thề thốt trung thành với Đại Pháp mà Đại Pháp vẫn không nghe, vẫn không chịu cho trở lại hòa ước 1884, không ban cho Quỳnh một cái “Tổ quốc để mà thờ” dù “Tổ quốc” đó vẫn ngoan ngoãn chịu nằm trong đế quốc Pháp!
Lâu nay những kẻ muốn tâng bốc Phạm Quỳnh chỉ nói về tài văn hay chữ tốt của Phạm Quỳnh mà né tránh không dám trưng cái bộ mặt làm tay sai cho Pháp trong những năm làm trụ cột ở triều đình Huế. Vì nó quá tệ, đã có hàng ngàn trang sách viết rất chính xác, rõ ràng. Nay nhà sử học Dương Trung Quốc đã không ngần ngại ngợi ca Phạm Quỳnh “nghĩ tới niềm mong mỏi của dân đối với đất nước trong những năm ông [Quỳnh] sống ở Huế và Nam Kỳ giai đoạn 1932-1945”.
Thiết tưởng không cần phải nói lại nhiều những phê phán ông Phạm Quỳnh làm tay sai đắc lực cho thực dân Pháp, chỉ nêu vài dẫn chứng:
“Bác sĩ Trần Đình Nam, Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong chính phủ Trần Trọng Kim, đã kể là: sau đảo chính 9-3-1945, cụ thấy một tủ sách niêm phong kỹ của viên cố vấn chính trị người Pháp, cụ ra lệnh mở và đã đọc những tài liệu ghi các việc người Pháp chỉ thị cho Phạm Quỳnh thi hành và họ đã dùng những chữ rất khinh bỉ để gọi Phạm Quỳnh như một tay sai dễ bảo, trung thành. Cụ không muốn nói rõ những chữ đó là chữ gì, cũng không muốn kể lại những việc Pháp ra lệnh cho Phạm Quỳnh làm là những việc gì, nhưng cụ có nói một câu để tóm lược tất cả: ‘đó là việc làm của một người phản quốc’, thế là đủ hiểu và cụ nói tiếp từ đó tôi thực sự thất vọng và khinh Phạm Quỳnh” (Trích theo Nguyễn Văn Trung trong Trường hợp Phạm Quỳnh – tủ sách Tìm về dân tộc – Nam Sơn, Sài Gòn, 1975).
Và đây là lời của Bảo Đại, ông vua cuối cùng của triều Nguyễn, người mà Phạm Quỳnh đã phủ phục bên cạnh suốt 12 năm trời viết trong hồi ký Con rồng An Nam (Nguyễn Phước tộc xuất bản năm 1990), như sau:
… “Tôi đóng vai trò bình phong, làm phỗng đá, để cho các quan lại cai trị của họ (Pháp) tha hồ làm mưa làm gió. Họ cũng đặt ở các địa vị then chốt những bọn tay sai dễ bảo, bọn trung thành tuyệt đối. Họ đặt cạnh tôi Phạm Quỳnh, như vậy là họ được bảo đảm rồi”!
Trong khi nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá ông Phạm Quỳnh là người có công với đất nước thì tướng De Gaulle – Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Pháp năm 1945, có lẽ đã nhầm lẫn cho nên đã phái một toán sĩ quan sáu tên do quan tư Castella dẫn đầu nhảy dù xuống Hiền Sĩ cách Huế 25km về phía bắc với bản mật lệnh như sau:
“Quan tư Castella có nhiệm vụ bắt liên lạc với Ngô Đình Khôi, Phạm Quỳnh…, với các lực lượng Pháp Hải ngoại (FFE) và các lực lượng Pháp Nội địa (FFI) để tổ chức chiếm lĩnh các công sở và thành lập chính quyền bảo hộ ở miền Trung Việt Nam.
Tất cả các FFE và FFI đều phải đặt dưới quyền của quan tư Castella.
De Gaulle”.
Chính vì những tin tức bọn thực dân Pháp tìm bắt lên lạc với Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi để đánh chiếm các công sở, thiết lập lại ách thống trị của thực dân Pháp ở miền Trung, mà Cách mạng, trong tình hình cực kỳ nguy hiểm, đã quyết định bắt khẩn cấp hai ông Khôi, Quỳnh.
Nếu tướng De Gaulle biết ông Quỳnh là người có công với nước Việt Nam hẳn đã không làm việc phiêu lưu là tìm liên lạc với ông Quỳnh!
Trong khi quân và dân ta đổ máu để gìn giữ độc lập, xây dựng đất nước, lòng yêu nước cần được luôn luôn trân trọng, phát huy, bồi dưỡng thường xuyên thì có những người cứ tìm mọi cách đề cao những kẻ phản bội, đầu hàng, có tội với nhân dân. Họ làm rất kiên trì, bài bản, lợi dụng mọi sơ hở, khiếm khuyết trong công tác tư tưởng để lật ngược thế cờ. Đó là một nguy cơ thật sự, không phải báo động giả.
Câu nói nổi tiếng của nhà báo, người anh hùng Tiệp Khắc trong sách Viết dưới giá treo cổ: “Hỡi những con người mà ta hằng yêu thương, hãy cảnh giác!” đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Sau cùng, cần nhắc thêm điều này: không được lợi dụng những “sử liệu giả” – bịa ra những câu nói không có nguồn gốc, xuất xứ từ bất kỳ sách nào, báo nào, ai làm chứng… của Chủ tịch Hồ Chí Minh để hòng gỡ tội cho Phạm Quỳnh.
Mặt khác, “sự nghiệp” chính trị và văn hóa của Phạm Quỳnh là nhất quán. Ở một người “có chữ” và mưu chước như Phạm Quỳnh, ông ta dại gì không đem văn hóa phục vụ mục tiêu chính trị? Còn nếu ông làm trái lại, thì bọn quan thầy cáo già thực dân Pháp – những “học giả lỗi lạc” lẽ nào để cho ông yên thân trên ghế cao chót vót một thời? Cho nên cái mưu toan phục hồi Phạm Quỳnh về chính trị và văn hóa, nghe ra nó có mùi chính trị xấu.
Hà Nội, 18-2-2014