Đừng đốt, trong ấy đã có lửa

Ngô Ngọc Ngũ Long

Bắt đầu những cảnh quay đầu tiên từ 28/4/2008. Sau 1 năm nỗ lực hoàn thành Đừng đốt ra mắt khán giả cả nước vào ngày 29/4/2009, như một lời tri ân đối với những giọt máu đã đổ xuống vì độc lập dân tộc…

Dưới ngọn đèn dã chiến nhỏ xíu trong căn lán giữa rừng, có cô gái đêm đêm vẫn trải lòng mình cùng cuốn sổ tay nhỏ. Những dòng chữ lướt đi chở theo biết bao tình cảm sôi tràn trong trái tim cô. Và đường dây phim cũng bắt đầu từ những dòng chữ ấy, nó dẫn dắt người xem đến với thế giới nội tâm của cô gái, hình dung được gương mặt, nụ cười và tiếng hát trong veo của cô… hình dung hết những giọt nước mắt, những nỗi đau nhói trong trái tim yêu từng bị tổn thương, và những gian nan khốc liệt mà cô phải đối mặt hàng ngày, hàng giờ.

Trạm xá thiếu thốn mọi bề, cô bác sĩ người Hà Nội vừa mổ cho thương binh vừa rơi nước mắt vì không còn đủ thuốc tê, từng ngày phải chống chọi với những trận mưa giông dữ dội giữa núi rừng Đức Phổ trong nỗi đau xót, bất lực đến tột cùng vì không thể cứu được đồng đội, đồng bào mình…


Bác sĩ Đặng Thùy Trâm trong một ca mổ

Và chính cuốn nhật ký đã dẫn dắt người xem đến với trại đóng quân của lính Mỹ, một bối cảnh hoàn toàn khác mà cô gái không thể hình dung nổi. Ở đây có đủ mọi phương tiện để giết người, nhưng chỉ một điều không thể có, đó là lý tưởng nồng nhiệt, là tình yêu thương con người cháy bỏng… Cuốn nhật ký đã rơi vào tay quân thù, nhưng đã được giữ lại trước ngọn lửa bởi sức lan toả của một trái tim nồng nhiệt.

Huân, người sĩ quan thông dịch đã đọc và bị cuốn hút… Và ngọn lửa ấy đã được anh truyền sang Fred Whitehurst. Những dòng chữ lại tiếp tục hiện lên trong tâm tưởng từng người, và bác sĩ Thùy lại tiếp tục sống trên phim qua từng trang giấy với bao nỗi buồn, niềm vui, bao giận hờn, đau khổ, với tất cả tình yêu thương dành hết cho đồng đội xung quanh cô, với Thuận người em trai mà cô yêu thương nhất, và với mối tình đau đớn, hụt hẫng luôn làm nhói đau trái tim cô…

Tất cả như có một sức sống mãnh liệt lan tỏa vào trái tim từng người đọc, không còn có ranh giới giữa hai chiến tuyến, bởi tính nhân văn thấm đẫm trong từng trang viết. Và ngọn lửa ấy cô đã truyền cho Robert Whitehurst, anh trai của Fred, thuyết phục được Mai, vợ Robert, người từng căm hận “Việt Cộng”, để Mai đồng ý dịch quyển nhật ký của cô bác sĩ Việt Cộng cho cả nhà đọc.

Quyển sổ này có thể thiêu cháy cuộc đời con” không phải ngẫu nhiên mà mẹ Fred đã nói với con mình như vậy, bởi đó là sự cảm nhận từ chính trái tim người mẹ. Bà hiểu rõ con trai mình sẽ không thể có một ngày bình yên nếu chưa tìm được nơi chốn trở về cho quyển sổ huyền bí kia.

Bức tranh mùa thu bà vẽ đỏ rực lá phong bên bờ hồ xanh trong yên bình chính là niềm mơ ước không nguôi của con người về một cuộc sống thanh bình.


Đặng Thùy Trâm đang chơi đàn, một cảnh trong phim Đừng đốt

Fred và nhiều cựu chiến binh như anh trở về Mỹ nhưng không thể trở lại cuộc sống mà trước đây anh đã sống. Bởi cuộc chiến vô nghĩa mà anh và tuổi trẻ của thế hệ anh đã tham dự vào như một vết nhơ không thể tẩy rửa. Bàn tay anh đã nhúng vào máu của một cô gái trên cánh đồng lúa Việt Nam…, viên đạn anh đã bắn ra, tướt đi sinh mạng của một người mà anh biết chắc là vô tội, đã trở thành nỗi ám ảnh không nguôi trong trái tim anh.

Hãy nhớ viên đạn đã bay ra khỏi nòng thì không bao giờ có thể thu lại được”, anh căn dặn đứa cháu như thế khi một lần nữa nó phải bước theo vết chân anh ở chiến trường Iraq, một sự lặp lại đau lòng của lịch sử. Thế hệ Fred đã nhả đạn vào dân làng Việt Nam và gọi họ là Việt Cộng, máu họ thắm nhuộm vùng đất này, mà không ai có tất sắt trong tay để chống trả.

Cảnh tượng đó làm anh ngơ ngác, anh không hiểu vì sao anh và đồng đội mình phải giết những con người mà anh hoàn toàn mù mịt. Nên khi đọc những dòng nhật ký của Thùy, Fred mới thực sự hiểu anh đã bắn vào ai. Anh nhìn bức ảnh tươi sáng của cô gái, đọc những dòng chữ trong veo trong trái tim cô để thấm thía hiểu rằng họng súng của những người lính Mỹ như anh đã bắn vào chính lương tri của nhân loại.

Chính những dòng chữ đầy ắp lòng yêu thương kia đã giúp anh hiểu được những người mà anh từng gọi là kẻ thù đã sống đẹp và tràn đầy lý tưởng biết chừng nào: “Chính Thùy là ân nhân của tôi, cô ấy đã dạy tôi biết yêu thương…


Đặng Thùy Trâm đang tải thương binh, một cảnh trong phim Đừng đốt

Hình ảnh cô bác sĩ Thùy vẫn xuyên suốt trên phim, ngay cả khi chị đã ngã xuống, bởi vì chị vẫn cứ tiếp tục hiện lên trong từng dòng nhật ký. Thế hệ cách sau chị 40 năm vẫn tiếp tục hình dung ra chị, vẫn xúc động nghẹn ngào khi đọc lại những trang viết của chị…

Nhật ký của chị đã xuất bản ở Mỹ từ tháng 9/2007 và đã dịch ra 14 thứ tiếng. Những dòng chữ viết ra chỉ để riêng mình đọc, chỉ để bày tỏ cho riêng mình, nhưng bây giờ nó đã bay ra khắp thế giới trong sự đồng cảm của cả nhân loại.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh đã sử dụng cái tứ ấy để chắp cánh cho phim: Chính tâm hồn trong veo đầy tràn lý tưởng yêu nước, chính tình yêu thương tha thiết đồng bào, đồng đội trong chị đã vượt ra khỏi ranh giới của sự hận thù. Ý nghĩa nhân văn ấy là thuộc về nhân loại, sức lan toả của nó chính là sự đồng cảm sâu xa từ trong trái tim mỗi người, dù không cùng màu da, quốc tịch.


Đạo diễn Đặng Nhật Minh đang chỉ đạo diễn xuất

Nên Thùy Trâm vẫn cất cao Bài ca hy vọng tặng cho thế kỷ XXI còn ngụp lặn trong hận thù và khói lửa chiến tranh. Và vẫn mộc mạc với vần thơ tràn đầy tình yêu thương con người:

Và ai có biết chăng ai

Tình thương sẽ chắp cánh dài cho ta.

  • KB& ĐD: Đặng Nhật Minh

  • DV: Minh Hương, Minh Trang, Matthews Korchs, Brian Townes…

  • Quay phim: Vũ Đức Tùng, Lý Thái Dũng, Richard Connors

  • Âm nhạc: Benedicfi Zoltan, Benedicfi Istvan

Gần 40 năm về trước, Frederic Whitehurst rời Việt Nam với một kỷ vật vô giá là cuốn nhật ký nhặt được của nữ bác sỹ có tên Đặng Thùy Trâm - kèm theo lời nói ám ảnh của người phiên dịch: “Đừng đốt, trong đó đã có lửa”. 40 năm sau, Matt Korsch - một diễn viên người Mỹ - quay trở lại Việt Nam, tái hiện lại hình ảnh Fred thời kỳ đó qua bộ phim mang cái tên ám ảnh ngày nào: “Đừng đốt, trong đó đó đã có lửa” của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Kẻ đi, người quay lại nhưng đều có chung một nỗi đau đáu được cất giữ trong ba lô Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm.