Đảng và Bác Hồ trong chỉ đạo đánh và đàm

Sự kết hợp đánh với đàm là một tư tưởng chiến lược truyền thống của dân tộc ta trong quá trình dựng nước và giữ nước. Truyền thống này đã được kế thừa và phát huy cao độ trong thời đại Hồ Chí Minh ngay từ những ngày đầu sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 tới hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.


Chủ trương kết hợp đánh với đàm trong kháng chiến chống Mỹ đã được Đảng và Bác Hồ trù liệu từ rất sớm. Sau khi có nghị quyết Hội nghị Trung ương 15 khóa II tháng 5-1959, cách mạng miền Nam đã chuyển hướng chiến lược sang kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, nhưng Đảng ta không chủ trương quyết giành thắng lợi chỉ bằng chiến thắng quân sự. Bác Hồ đã chỉ đạo: “đối với Mỹ, ta có cách chủ động để đi tới cho nó rút ra, vì rất phức tạp. Một tay đánh, một tay mở cho nó ra, trước cửa cần có rèm chống”(1). Trong thư “Gửi anh Mười Cúc và Trung ương Cục miền Nam” tháng 7-1962, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đã nêu ba vấn đề quan trọng:

Một là, mức độ chiến thắng của ta và khả năng đàm phán: “Hiện nay, cách mạng miền Nam đang ở giai đoạn đầu… Đế quốc Mỹ phải thua nhưng có thể thua đến mức nào, ta phải thắng nhưng có thể thắng đến mức nào; đó là điều phải tính toán, đo lường cho chuẩn xác… Đế quốc Mỹ ngày càng sa lầy trong một cuộc chiến tranh kéo dài không có đường ra… Do đó, ta có thể buộc địch phải đàm phán với ta. Trong đàm phán nếu ta đưa ra yêu cầu có mức độ, làm cho địch thấy rằng, tuy phải thua nhưng thua ở mức có thể chịu được, một mức thua chưa đẩy địch vào tình thế nguy khốn, thì chúng cũng phải chịu thua. Đề ra những mục tiêu cơ bản của cách mạng miền Nam trong cương lĩnh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, chúng ta đã tính đến mức độ cần thiết mà ta có thể thắng, địch có thể thua…”(2).

Hai là, dự báo tình thế Mỹ thay Diệm và chỉ đạo tranh thủ nhân sĩ cho khả năng thành lập chính phủ liên hiệp ở miền Nam khi có thời cơ: “Trong quá trình phát triển của chiến tranh, nếu đánh lâu dài mà không thể thắng được ta, thì đến một lúc nào đó, có khả năng Mỹ phải thay Diệm hoặc buộc phải thương lượng với ta và chấp nhận lập chính phủ liên hiệp. Nhằm chủ động đón khả năng đó, ta nên liên hệ với những nhân sĩ tiến bộ có uy tín, có cảm tình với cách mạng, nhưng chưa bị lộ với địch, để sử dụng vào việc đấu tranh lập chính phủ nhiều thành phần sau này. (Phải thuyết phục họ tìm cách bề ngoài có quan hệ với Mỹ, nhưng phải hết sức giữ bí mật cho họ vì có thể họ sợ quan hệ với Mỹ sẽ mất uy tín và bị ta hiểu lầm)”(3).

Ba là, xác định mức độ tấn công quân sự: “chúng ta chủ trương kiềm chế địch trong loại “chiến tranh đặc biệt”đó, không cho chúng mở chiến tranh ở miền Nam thành chiến tranh cục bộ và đưa chiến tranh vượt ra khỏi phạm vi miền Nam. Như vậy, trong khi xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cũng như đẩy mạnh đấu tranh quân sự, ta phải nắm thật vững phương hướng chiến lược đó để thắng địch theo yêu cầu cụ thể của ta”(4).

Ngày 19-12-1965, trong “Điện mừng nhân dịp kỷ niệm lần thứ năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Những chiến thắng vẻ vang gần đây ở Vạn Tường, Plâyme, Đà Nẵng, Chu Lai, Bầu Bàng, Dầu Tiếng, Sài Gòn v.v… càng chứng tỏ quân và dân ta ở miền Nam có đủ khả năng đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ dù chúng đưa thêm vào miền Nam mấy chục vạn quân nữa”(5). Đó chính là cơ sở thực tiễn quyết định để Hội nghị Trung ương 12 khóa III họp từ 21 tới 27-12-1965 thông qua chủ trương, quyết tâm đánh Mỹ và kiên quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Nghị quyết Hội nghị khẳng định: “Trong quá trình chiến đấu chống Mỹ, cứu nước, ta phải giữ vững quyết tâm chiến lược, đồng thời áp dụng sách lược đấu tranh chính trị và ngoại giao khôn khéo để phối hợp với đấu tranh quân sự, chủ động tiến công địch, nêu cao ngọn cờ độc lập và hòa bình nhằm tranh thủ rộng rãi dư luận thế giới và cô lập hơn nữa đế quốc Mỹ”(6). Trong bài phát biểu tại Hội nghị Trung ương 12 này, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn cũng đã đề cập tới ba vấn đề có ý nghĩa chiến lược:

Một là, kết hợp đánh với đàm: “Vấn đề đánh và đàm không phải là vấn đề hoàn toàn mới. Trong lịch sử nước ta, Nguyễn Trãi cũng đã thực hiện chiến lược lấy yếu đánh mạnh, có đánh có đàm để chống quân phong kiến nhà Minh… Về mặt quân sự, chúng ta cũng không chủ trương phải đánh và tiêu diệt đến tên lính Mỹ cuối cùng ở miền Nam và bắt đế quốc Mỹ đầu hàng không điều kiện, mà chúng ta chủ trương đánh đến lúc làm tan rã ngụy quân về cơ bản, đồng thời tiêu diệt một bộ phận quan trọng của quân Mỹ do đó mà đập tan được ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, bắt chúng phải thừa nhận những điều kiện của chúng ta! Như vậy, vấn đề có đánh có đàm - đánh thắng rồi mới đàm, hoặc vừa đánh vừa đàm - là một sách lược gắn liền với đường lối chính trị và quân sự nói trên. Tất cả đường lối và sách lược ấy đều nằm trong chiến lược lấy yếu đánh mạnh của chúng ta”(7).

Hai là, thời cơ đàm phán: “Trong tình hình của chúng ta, có lẽ không đợi phải giành được thắng lợi một cách căn bản rồi mới đàm, mà đến một lúc nào đó, trong những điều kiện nhất định sẽ có thể vừa đánh vừa đàm, nhằm hạn chế những hành động quân sự của đối phương, tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ rộng rãi hơn nữa trên thế giới, và cũng để giấu bớt ý đồ chiến lược của chúng ta. Vấn đề hiện nay là phải có thời cơ thuận lợi: thời cơ đó là những thắng lợi to lớn và giòn giã hơn nữa của chúng ta trên chiến trường, là tình thế khốn quẫn hơn nữa, ý chí xâm lược của chúng bị giảm sút hơn nữa. Thời cơ đó cũng còn là sự nhất trí về quan điểm đánh và đàm trong các đảng, các nước xã hội chủ nghĩa anh em nữa”(8).

Ba là, xây dựng lực lượng. “Phải gấp rút tăng cường lực lượng của ta về mọi mặt, trước hết là ra sức phát triển ba thứ quân, nhất là nhanh chóng tăng cường lực lượng dự bị chiến lược. Vấn đề xây dựng và nắm chắc lực lượng dự bị là vấn đề rất quan trọng về mặt chiến thuật cũng như về mặt chiến lược. Vì vậy, cần phải khắc phục mọi khó khăn về tiếp tế, hậu cần để xây dựng thêm những khối chủ lực ở những hướng chiến lược quan trọng, hình thành những quả đấm mạnh để đánh địch một cách bất ngờ và thực hiện ý đồ chiến lược của ta”(9). Việc xây dựng lực lượng dự trữ chiến lược có tầm quan trong đặc biệt. “Trong chiến dịch Điện Biên Phủ trước đây, ta thắng rất oanh liệt, nhưng không phát huy được triệt để thắng lợi của chiến dịch là do ta không còn lực lượng dự trữ chiến lược”(10). Nhờ chủ động xây dựng lực lượng từ sớm mà sau này quân và dân ta đã giành được những chiến thắng có tính quyết định hậu thuẫn cho đấu tranh ngoại giao trong kháng chiến chống Mỹ.

Những chiến thắng giặc Mỹ của quân và dân miền Nam liên tục trong hai năm 1965-1966 đã tạo điều kiện thuận lợi cho ta chuẩn bị mở “Mặt trận Ngoại giao”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 13 khóa III, tháng 1-1967 khẳng định: “Chúng ta tiến công địch về ngoại giao bây giờ là đúng lúc vì ta đã và đang thắng địch, thế của ta là thế mạnh… Trong tình hình quốc tế hiện nay, với tính chất cuộc đấu tranh giữa ta và địch, đấu tranh ngoại giao giữ một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động…”(11). Tuy nhiên, khi nào bắt đầu thì còn phải thúc đẩy và chớp thời cơ tốt nhất. Cần phải có một thắng lợi quân sự có ý nghĩa chiến lược buộc Mỹ phải xuống thang và từ bỏ ý đồ đàm phán trên thế mạnh.

Ngày 28-12-1967, Bác Hồ chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định kế hoạch Tổng tiến công mùa Xuân 1968. Thắng lợi to lớn của đợt 1 cuộc Tổng tiến công Xuân 68 đã làm nhụt ý chí xâm lược của Mỹ và buộc Tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố trên truyền hình ngày 31-3-1968 về việc Mỹ sẵn sàng đơn phương chấm dứt ném bom miền Bắc và chấp nhận thương lượng với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 13-5-1968, Hội nghị hai bên giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ chính thức họp phiên đầu tiên tại tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Kléber ở thủ đô Paris của Cộng hòa Pháp. Từ đây cục diện “vừa đánh vừa đàm” trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã được khai mở.

“Trong đàm phán Paris, ta ngày càng nhận thấy rõ đấu tranh ngoại giao là một khoa học và một nghệ thuật. Khoa học và nghệ thuật này đòi hỏi ta phải nắm vững so sánh lực lượng ở chiến trường; phải nắm vững địch tình; phải biết rõ chiến lược, sách lược và âm mưu của đối phương; phải tính đường đi nước bước cho khéo và chính xác; phải nắm vững thời cơ.

Khoa học và nghệ thuật đàm phán đòi hỏi phải biết giành thắng lợi từng phần và phải biết ngả bài đúng lúc. Sớm quá hoặc muộn quá đều không có lợi.

Đàm phán, nhất là đàm phán với Mỹ, đầu sỏ của chủ nghĩa đế quốc, không thể bắt đối phương chấp nhận mọi điều kiện của ta… Bác Hồ đã dạy: ‘Dùng lối nói chuyện thì phải nhân nhượng nhau đúng mức’”(12).

Để đối thoại thành công với những chính khách chuyên nghiệp, lọc lõi, mưu mô của siêu cường thế giới Hoa Kỳ, “lãnh đạo đàm phán trực tiếp không chỉ cần tinh thần cách mạng tiến công và ý thức kỷ luật mà còn phải có tầm tư duy chiến lược, bản lĩnh vững vàng và phương pháp sáng tạo, khôn khéo”(13). Hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh biết cần phải cử ai tới Paris để đàm phán với đại diện của Mỹ. Người đã cùng Bộ Chính trị (BCT) lựa chọn một đội ngũ cán bộ ưu tú từ các ngành ngoại giao, quân sự, thông tin-báo chí… tham gia hai Đoàn đàm phán ở Paris. Đó là một “binh chủng hợp thành” đặc biệt, đoàn kết keo sơn gắn bó, tận tâm, tận lực, có đủ trí tuệ, bản lĩnh và văn hóa chính trị, năng lực và nghiệp vụ để đàm phán với đoàn Mỹ.

Bác Hồ đã viết thư đề nghị BCT điều đồng chí Lê Đức Thọ từ chiến khu Bắc Tây Ninh ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới: làm Cố vấn đặc biệt. Lúc đó đồng chí Lê Đức Thọ là Ủy viên BCT, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam (đồng chí là Bí thư Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1952-1954)(14). Đồng chí Xuân Thủy - Bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng, là Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trưởng đoàn MTDTGPMNVN là ông Trần Bửu Kiếm. Trưởng đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam là Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình. Chính H. Kissinger sau này đã phải thừa nhận: “khi họ đối diện với người đại diện của cường quốc hùng mạnh nhất thế giới, họ tỏ ra tinh tế, kỷ luật và kiên nhẫn biết bao”(15).

Ở Hà Nội, BCT cũng quyết định thành lập “Tiểu ban Việt Nam - CP.50” làm công tác nghiên cứu tham mưu giúp BCT chỉ đạo đàm phán. “Cuộc đàm phán Paris gắn chặt với cuộc đấu tranh chống Mỹ xâm lược Việt Nam và là một công tác quan trọng hàng đầu được tập thể BCT chỉ đạo hàng ngày”(16). Quá trình gần 5 năm đàm phán ở Paris là quá trình phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa Đoàn đàm phán với lãnh đạo trong nước, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Trung ương Cục miền Nam và nhiều cơ quan khác. Khi cần thiết, đồng chí lãnh đạo Đoàn đàm phán về nước báo cáo, trình bày ý kiến và tiếp thu ý kiến chỉ đạo của BCT…(17).

Sau cuộc gặp riêng ngày 11-10-1968 với Harriman và C. Vance, khả năng về một thỏa thuận buộc Mỹ ngừng ném bom ở miền Bắc vào cuối tháng 10-1968 đã xuất hiện. Nhưng chiều 13-10-1968, đồng chí Lê Đức Thọ đã nhận được một chỉ thị của BCT, mà nếu thực hiện chỉ thị này thì có thể bỏ lỡ thời cơ và đẩy địch tới hành động liều lĩnh. Sau khi trao đổi trong đoàn, đồng chí đã quyết định bay về Hà Nội. BCT đã thảo luận trong 3 ngày (từ 17 đến 19-10) và cuối cùng đã nhất trí với phương án của Đoàn đàm phán ở Paris. Trong chỉ thị ngày 20-10-1968 của Bộ Chính trị gửi cho đoàn ta ở Paris đã có sự điều chỉnh: “2- Vấn đề đòi Mỹ nói chuyện với Mặt trận và đòi Sài Gòn thay đổi chính sách không phải là điều kiện bắt buộc Mỹ phải chấp nhận trước, sau này vào hội nghị bên ta sẽ tiếp tục đấu tranh”(18). Nhờ vậy mà Đoàn đàm phán ở Paris đã tranh thủ thời gian để kịp đi tới thỏa thuận về việc Mỹ quyết định chấm dứt ném bom miền Bắc không điều kiện ngày 31-10-1968 và sau đó sẽ tiến hành họp bốn bên.

Đây là thắng lợi ngoại giao quan trọng đầu tiên trong triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 13 (khóa III): “Trước mắt chúng ta cần tập trung vào khẩu hiệu đòi Mỹ phải chấm dứt không điều kiện và vĩnh viễn việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa”(19). Đồng thời, đó cũng là một thắng lợi bước đầu quan trọng của sự kết hợp đánh với đàm, có tác động hỗ trợ lớn cho chiến trường miền Nam khi đó đang gặp khó khăn sau đợt 3 của cuộc Tiến công Xuân Mậu Thân. Ngày 25-1-1969, Hội nghị bốn bên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Mặt trận Dân tộc Giải phóng - Hoa kỳ - Việt Nam Cộng hòa khai mạc ở Paris. Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 4-1969 nêu rõ: “Ngoại giao đã trở thành một mặt trận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược”(20). “Mấu chốt là ở chỗ quân Mỹ phải ra còn quân ta thì ở lại”(21). Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đã giao nhiệm vụ đó cho đồng chí Lê Đức Thọ - Tư lệnh mặt trận ngoại giao đàm phán với Mỹ ở Paris(22). Trong quá trình đàm phán gần 3 năm, phía Mỹ khăng khăng đòi hai bên phải cùng rút quân. Trong đề nghị chuyển cho Đoàn VNDCCH ngày 11-10-1971, Mỹ mới không còn nêu vấn đề quân miền Bắc(23).

Sau thất bại quân sự ở Campuchia và Lào, Mỹ bắt đầu dở trò dùng tam giác chiến lược “Mỹ-Trung-Xô” để ép ta. Ngày 9-7-1971, H. Kissinger bí mật đi Trung Quốc để thu xếp chuyến thăm Trung Quốc cho Tổng thống Mỹ R. Nixon. Sau chuyến thăm này của Tổng thống Mỹ R. Nixon vào tháng 2-1972; ngày 22-3-1972, Mỹ đã tuyên bố ngừng họp Hội nghị Paris vô điều kiện với hy vọng dùng tác động bên ngoài để ép ta. Để hậu thuẫn và thúc đẩy đàm phán tới bước ngả bài, theo chỉ đạo của BCT, ngày 30-3-1972, Quân Giải phóng miền Nam mở chiến dịch Xuân Hè tấn công địch từ Quảng Trị đến Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Ngày 6-4-1972, Tổng thống Mỹ R. Nixon ra lệnh ném bom lại miền Bắc Việt Nam. Sau chuyến thăm Moskva tháng 5-1972 của Tổng thống Mỹ R. Nixon, ngày 11-6-1972, phía Mỹ gửi công hàm cho Đoàn ta ở Paris đề nghị nối lại cuộc gặp riêng vào ngày 28-6-1972. Ta đã giải phóng được Quảng Trị và Lộc Ninh. Trên cơ sở đánh giá tương quan lực lượng và so sánh thế và lực giữa ta với địch trên chiến trường, quan hệ Mỹ-Xô-Trung và tình hình chính trị nội bộ nước Mỹ; BCT quyết định đã tới lúc có thể đi vào giải pháp ở đàm phán Paris trước bầu cử ở Mỹ.

Ngày 4-10-1972, BCT điện cho Đoàn tại Paris: “Ta cần gác một số yêu cầu khác về nội bộ miền Nam… Nếu chấm dứt được sự dính líu quân sự của Mỹ ở miền Nam thì trong đấu tranh với ngụy sau này, ta có điều kiện để đạt các vấn đề đó và còn giành thắng lợi lớn hơn…”(24). Ngày 8-10-1972, trong cuộc gặp riêng, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ đã trao cho H. Kissinger bản “Dự thảo Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”. Trong phiên họp riêng kéo dài lâu nhất trong suốt gần 5 năm đàm phán, từ 9 giờ 30 sáng ngày 11-10-1972 tới gần 2 giờ sáng ngày hôm sau, nội dung Hiệp định về cơ bản đã được hai bên chấp nhận. Trong thông điệp ngày 20-10-1972 gửi Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng thống Mỹ Nixon đã xác nhận “văn bản Hiệp định coi như đã hoàn thành” và cam kết Hiệp định sẽ được chính thức ký kết ngày 31-10-1972 tại Paris. Kissinger thông báo với báo giới: “Hòa bình trong tầm tay”(25)!

Tuy nhiên, đồng chí Lê Đức Thọ “cũng đã dự kiến những diễn biến phức tạp do các nhân tố khách quan, trong đó có mối quan hệ Mỹ - ngụy”(26). Ngày 22-10, Tổng thống Nixon đã gửi công hàm cho ta, nêu khó khăn với Nguyễn Văn Thiệu nên chưa có thể ký Hiệp định như đã thỏa thuận. Sau khi Tổng thống Nixon được tái cử ngày 7-11, trong cuộc họp ngày 23-11-1972, Kissinger đòi sửa lại 69 điều trong văn bản đã thỏa thuận.

Trong cuộc họp hẹp với Kissinger sáng ngày 4-12-1972, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ nhấn mạnh: “Chúng tôi cũng đã dự tính là nếu không giải quyết được thì chiến tranh sẽ rất tàn khốc, có thể là các ông sẽ đem B-52 đánh bom ồ ạt đất nước chúng tôi… Chúng tôi đã chịu đựng hàng triệu tấn bom đạn của Mỹ, nhưng chúng tôi không hề khiếp sợ, chúng tôi không chịu khuất phục, không chịu làm nô lệ. Cho nên những lời đe dọa của các ông và việc các ông không giữ đúng lời hứa chỉ chứng tỏ các ông không phải là những người đàm phán nghiêm chỉnh”(27).

Tới cuộc gặp riêng ngày 6-12-1972, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ đề nghị: “Nếu sửa thì chỉ sửa một số chi tiết không thuộc thực chất và nguyên tắc; hai là hai bên đều sửa đổi. Đã sửa đổi thì bên này sửa lớn, bên kia cũng sửa lớn; bên này sửa nhỏ, bên kia cũng sửa nhỏ; không thể chỉ một bên sửa, một bên không sửa. Cứ như thế sửa đi sửa lại mãi không thể hoàn thành được. Trong hai cách đó, phía Mỹ chọn cách nào tôi cũng sẵn sàng, nhưng chúng tôi cho rằng cách tốt nhất là cơ bản giữ hiệp định”(28). Đến phiên gặp riêng ngày 12-12-1972, chỉ còn hai vấn đề sẽ giải quyết bằng trao đổi công hàm: cách ký văn kiện và vấn đề khu phi quân sự, nhưng tới cuộc gặp riêng sáng hôm sau, ngoài hai vấn đề trong văn bản, quan điểm của hai bên trong các nghị định thư cũng xa nhau. Ngày 14-12-1972 Kissinger về Mỹ. Ngày hôm sau, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ rời Paris và về tới Hà Nội vào chiều tối 18-12-1972.

Đúng như dự báo của Bác Hồ từ cuối năm 1967 về việc Mỹ chỉ chịu thua Việt Nam sau khi thua trên bầu trời Hà Nội, tối 18-12-1972, Mỹ đã dùng B-52 không kích Hà Nội. Đồng thời cũng trong ngày hôm đó, Mỹ lại gửi công hàm tới Đoàn ta ở Paris đề nghị nối lại đàm phán sau ngày 26-12-1972. Đây là canh bạc cuối cùng của Nixon - một chiến dịch đã được chuẩn bị sẵn từ trước với cái tên Linebacker II. Nhưng có một điều mà các chiến lược gia Hoa Kỳ chưa biết rõ. Đó là Thăng Long địa linh “ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục”, đã chôn vùi nhiều mộng tưởng xâm lăng. Nhờ dự báo tài tình và sự chỉ đạo chuẩn bị trước của Bác Hồ, nên ta đã giành chiến thắng vẻ vang. Trong 12 ngày đêm của trận “Điện Biên phủ trên không” cuối năm 1972, đã có 81 máy bay Mỹ bị bắn rơi, trong đó có 34 chiếc B-52 và 5 chiếc F-111; 43 giặc lái đã bị bắt. Quỷ kế tàn bạo của Nixon đã thất bại và ông ta cũng không còn cách nào để trấn an chính quyền Thiệu được nữa; nội bộ càng lục đục, mâu thuẫn. Dư luận thế giới phê phán và phản đối Mỹ kịch liệt. Tổng thống Nixon không còn lựa chọn nào khác là phải quyết định ngừng ném bom để quay lại bàn đàm phán.

BCT đã thảo luận suốt 3 ngày trong hầm nhà Rồng ở trong thành, nhiều ý kiến lật đi lật lại, nhưng cuối cùng đã nhất trí cao với ý kiến do các đồng chí Lê Duẩn và Lê Đức Thọ đề xuất là phía ta nên gặp lại phía Mỹ để giải quyết vấn đề(29). Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký tắt ngày 23-1-1973 và được ký chính thức ngày 27-1-1973 với nội dung cơ bản như dự thảo của ta chủ động đưa ra hồi tháng 10-1972. Với thắng lợi ngoại giao này, tư tưởng chiến lược của Bác Hồ về “Đánh cho Mỹ cút” đã được thực hiện để sau đó, ta tiếp tục “Đánh cho ngụy nhào” trong Tổng tiến công Xuân 75 với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

“Trong suốt mười ngàn ngày đêm chiến đấu, đối ngoại và ngoại giao thực sự là một mũi tiến công chiến lược có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự trên chiến trường để giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành toàn thắng; biến sự ủng hộ quốc tế thành một trong các nhân tố quyết định thắng lợi”(30). Bài học này vẫn có giá trị đối với công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc hôm nay.l

 

_____

* Những chữ in đậm và in nghiêng do tác giả nhấn mạnh.

(1) Sự nghiệp và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, NXB QĐND, 1990, tr.223.

(2) Lê Duẩn: Thư vào Nam, NXB QĐND, 2005, tr.30-32, 44-45.

(3) Lê Duẩn: Thư vào Nam, NXB QĐND, 2005, tr.45-46.

(4) Lê Duẩn: Thư vào Nam, NXB QĐND, 2005, tr.41.

(5) Hồ Chí Minh - toàn tập, t.11, NXB CTQG, 1996, tr.562.

(6) Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.26, NXB CTQG, 2003, tr.650.

(7) Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.26, NXB CTQG, 2003, tr.593.

(8) Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.26, NXB CTQG, 2003, tr.595.

(9) Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.26, NXB CTQG, 2003, tr.596.

(10) Lê Duẩn: Thư vào Nam, NXB QĐND, 2005, tr.93-94.

(11) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, t.28, NXB CTQG, 2003, tr.174, 176.

(12) Bộ Ngoại giao, Mặt trận Ngoại giao với cuộc đàm phán Paris về Việt Nam, NXB CTQG, 2004, tr.408.

(13) Lê Đức Thọ: Người cộng sản kiên cường-Nhà lãnh đạo tài năng, NXB CTQG, 2011, tr.415

(14) Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.12, NXB CTQG, 2001, tr.411.

(15) Dẫn theo Lưu Văn Lợi-Nguyễn Anh Vũ: Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris, NXB CAND, 1996, tr.329.

(16) Bộ Ngoại giao, Mặt trận Ngoại giao với cuộc đàm phán Paris về Việt Nam, NXB CTQG, 2004, tr.399.

(17) Bộ Ngoại giao, Mặt trận Ngoại giao với cuộc đàm phán Paris về Việt Nam, NXB CTQG, 2004, tr.409.

(18) Lưu Văn Lợi và Ngyễn Anh Vũ, Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ-Kissinger tại Paris, NXB CAND, 1996, tr.44.

(19) Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.28, NXB CTQG, 2003, tr.176.

(20) Bộ Ngoại giao, Mặt trận Ngoại giao với cuộc đàm phán Paris về Việt Nam, NXB CTQG, 2004, tr.62.

(21) Lê Duẩn: Thư vào Nam, NXB QĐND, 2005, tr.370.

(22) Xem: http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/ong-le-duc-tho-mo-xe-co-van-my-o-ban-dam-phan-paris-2419291.html.

(23) Bộ Ngoại giao, Mặt trận Ngoại giao với cuộc đàm phán Paris về Việt Nam, NXB CTQG, 2004, tr.440.

(24) Bộ Ngoại giao, Mặt trận Ngoại giao với cuộc đàm phán Paris về Việt Nam, NXB CTQG, 2004, tr.534.

(25) Xem: http://dantri.com.vn/xa-hoi/nha-ngoai-giao-le-duc-tho-tai-hoi-nghi-paris-688890.htm

(26) Lê Đức Thọ: Người cộng sản kiên cường - Nhà lãnh đạo tài năng, NXB CTQG, 2011, tr.467.

(27) Lê Đức Thọ: Người cộng sản kiên cường - Nhà lãnh đạo tài năng, NXB CTQG, 2011, tr.468.

(28) Lưu Văn Lợi & Nguyễn Anh Vũ, Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris, NXB CAND, 1996, tr.381.

(29) Lê Đức Thọ: Người cộng sản kiên cường - Nhà lãnh đạo tài năng, NXB CTQG, 2011, tr.456-457.

(30) Ban chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975: Thắng lợi và bài học, NXB CTQG, 2000, tr.277.

TS LÊ TRUNG NGUYỆT