Hữu Ngọc nguyên là học sinh Trường Bưởi. Hữu Ngọc chọn cho mình con đường nghiên cứu văn hóa hai chiều. Ông thành thạo nhiều ngoại ngữ và trở thành nhà “sản xuất nhập khẩu” (giới thiệu nước ngoài vào Việt Nam) và cũng là nhà “sản xuất xuất khẩu” (giới thiệu văn hóa Việt Nam ra các nước). Tác phẩm xuất – nhập khẩu của ông lên tới mấy chục đầu sách và hàng trăm bài nghiên cứu, có những cuốn để đời như: Truyện cổ Grim; Từ điển triết học giản yếu; Phác thảo chân dung nhà văn hóa Pháp; Thơ Đường, Hồ sơ văn hóa Mỹ… Đại sứ Hy Lạp (tháng 3/2008) gọi ông là cây cầu nối văn hóa Việt Nam với thế giới và thế giới với Việt Nam.
Tháng 10 năm 2008, theo gợi ý của Chủ tịch Quỹ phát triển văn hóa Thụy Điển – Việt Nam Hữu Ngọc, trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Yên Bái – (nơi tôi đang làm hiệu trưởng), xây dựng dự án tài trợ thiết bị âm thanh cho các câu lạc bộ văn hóa thôn bản.
Hội đồng Quỹ đã duyệt và cấp 7 bộ thiết bị trị giá gần 100 triệu đồng cho 7 cơ sở thực hành của trường. Giáp Tết Kỷ Sửu, được sự ủy nhiệm của ông Chủ tịch Quỹ, trường đã tổ chức trọng thể lễ chuyển giao cho các thôn bản ở Chế Tạo, Sùng Đô, Khe Liền, Roong Chuông, Pá Lau.
Chiếc xe gầm cao năm chỗ ngồi lại chở theo sáu bảy kiện sách lăn bánh rời thành phố Yên Bái rẽ vào chiến khu Vần, vào xã Đại Lịch, rồi đi về phía Tây.
Tôi trở thành hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ cho nhà văn hóa lớn, ngược rừng Tây Bắc giữa tháng Giêng hội hè.
- Cái tên Đại Lịch, nghe hay, nhưng có từ bao giờ?
- Con cháu hôm nay cũng chưa làm rõ ông ạ, nhưng chỉ biết trong Kiến Văn tiểu lục, Lê Quý Đôn đã nhắc đến tên và vùng đất này.
Xe vượt qua đèo Ách, qua địa phận xã Sơn Thịnh (Văn Chấn), sườn đồi bên đường những cây hoa ban đang trổ nụ trắng hồng, nếu có thời gian nhất định tôi sẽ đưa ông lên thăm Suối Giàng người Mông, xứ sở của chè tuyết cổ thụ nổi tiếng. Thật tiếc!
- Ông vừa nói cánh đồng Mường Lò…
- Vâng. Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc, bốn cánh đồng trù phú của Tây Bắc (Mường Thanh, Mường Lò, Mường Than, Mường Tấc). Riêng Mường Lò còn gắn với Quam to mương (Kể chuyện Mường) và Táy pú sấc (Những bước chinh chiến của cha ông) - những cuốn sách cổ của người Thái đen.
- Có nghĩa là…
- Có nghĩa Mường Lò là địa danh Thái cổ. Thế kỷ thứ IX Tạo Xuông, Tạo Ngân đã đưa đoàn người di cư từ Mường Om Mường Ai về đây, nhưng phải đến thế kỷ XI Lò Lạng Chượng, con trai thứ tư của Tạo Lò, cháu nội Tạo Ngân mới là người chính thức “cắm” đất này thành các mường trong đó Mường Lò là trung tâm.
Lò Lạng Chượng trở thành ông tổ của người Thái đen, khi ông mất (ở Mường Thanh – Điện Biên) hồn ông được đưa tới Nậm Tốc Tát (Tát Huổi Lô) ở Mường Lò để về với Mường trời. Từ đấy, người Thái đen có tục khi qua đời tổ chức thiêu xác để hồn được về với Mường tổ.
- Tôi có đọc bài viết của ông đăng trên Tạp chí Văn hóa các dân tộc thiểu số, ông nói về cách làm đẹp của các cô gái Thái Mường Lò, có đúng thế không?
- Đúng chứ ạ. Tục ấy, bây giờ nhiều gia đình vẫn giữ và vẫn “kết quả”.
Chị Hương ngồi bên thêm vào.
- À,… khi đứa bé gái lên chín mười tuổi, người mẹ Thái đã cho thắt xài ẻo (dây thắt lưng bằng vải màu xanh - HLK), để thon bụng; cho gội đầu bằng nước gạo nếp chua, tóc sẽ mềm và mượt; cho đánh răng bằng cỏ nhả xay răng sẽ trắng mịn. Người Thái có câu Eo kilu meng po (thắt đáy lưng con tò vò), Kinh cổm nỗm tẳng (mình thon vú dựng) đó là những tiêu chuẩn về vẻ đẹp của người con gái Thái đen Mường Lò.
Chiếc xe gầm cao sải bánh qua cây cầu Suối Thia, giữa cánh đồng Mường Lò đang vụ chấm xanh, rẽ ngược lên thị xã Nghĩa Lộ - xưa thuộc Mường Lò - một thị xã của miền Tây Bắc nơi từng là trọng tâm của chiến dịch Tây Bắc Thu - Đông năm 1952.
- Để xe lại, ta đi bộ lên Căng và đồn Nghĩa Lộ! Ông Ngọc nói như ra lệnh là cho chú lái xe cho xe chạy chậm dần rồi dừng hẳn dưới sân nhà nghỉ, từ đây lên khu Di tích cũng phải mất đến một cây số.
Tay không chống gậy, chân đi đôi dép cao su quai nhỏ, đầu đội chiếc mũ vải, trong bộ quần áo “nhà nông” quen thuộc, “cây trầm già” (chữ dùng của nhà thơ Trần Đăng Khoa, chỉ nhà văn hóa Hữu Ngọc) lẳng lặng bước dọc phố Nghĩa Lộ.
Bên ông là nhà từ thiện Phạm Phú Bằng, một cựu chiến binh Trung đoàn 74 tham gia trận công kích đồn Pú Chạng – Nghĩa Lộ 57 năm trước, hôm nay mới có dịp thăm lại chiến trường xưa. Thắp hương và vái ba vái trước chân tường mộ chín liệt sĩ vượt ngục không thành năm 1944, ông không ngờ rằng nhạc sĩ Đinh Nhu – tác giả bài hát Cùng nhau đi Hồng binh lại đang yên nghỉ giữa lòng đất và người Mường Lò này.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc (phải) và nhà văn Hà Lâm Kỳ trên chiếc Cầu Mây bắc qua sông Mường Hoa.
Những dấu tích chiến thắng của Tây Bắc vẫn còn đây: Cột cờ đồn Nghĩa Lộ chỉ còn trơ thân trụ gạch. Cửa hầm ngầm này, quan ba Pháp thiếu tá Ty-Ri-Ông cùng cả lũ Âu Phi cầm vải trắng chui lên nộp súng cho bộ đội Cụ Hồ.
Bảy giờ sáng, chúng tôi tiếp tục ngược đường miền Tây Bắc, qua đất Sơn Lương, Nậm Búng, dừng ở một quán nhỏ giữa lòng Tú Lệ - xứ sở của người con gái Thái trắng và gạo nếp thơm.
- Tôi nghe tiếng lâu rồi nhưng hôm nay mới được đến và ăn xôi Tú Lệ. Rồi quay sang tôi: Nghe nói Tú Lệ có suối nước nóng, đồng bào có tập quán tắm suối không?
- Vâng, chẳng những Tú Lệ mà còn ở Sơn Thịnh, Bản Bon, Bản Hát của Mường Lò này. Cháu cho rằng tập quán tắm suối của người Thái người Mường là cả một nét đẹp văn hóa phồn thực.
Cơm nếp chấm muối vừng ăn với thịt gà rang thật là tuyệt, chỉ tiếc là còn một món đặc sản Tú Lệ nữa, ấy là măng sặt luộc chấm mẻ.
Đèo Khau Phạ (dốc trời), con đèo ở xã Cao Phạ với những chiến công đánh Pháp lẫy lừng của Đội du kích người Mông Lý Nủ Chu những năm 1947-1950 mà tôi đã từng viết truyện dài Gió Mù Cang. Nay Cao Phạ đã là xã anh hùng lực lượng vũ trang, tôi chỉ cho chị Hương những cây Sơn Tra mọc hoang bên đường. Cây Sơn Tra (còn gọi là táo mèo) là đặc sản của đất Mù Cang Chải cùng với cây hoa Tớ dảy (đào mèo).
Cây Sơn Tra gắn bó với người Mông, rất hữu ích với người Mông, ngày nay rượu Sơn Tra, ô mai Sơn Tra đã trở thành món khoái khẩu của cả người Việt. Tôi định bụng đến chợ Mù Cang Chải sẽ mua biếu cụ già ít rượu rừng này.
- Đẹp quá “ông” ơi, đẹp quá. Ruộng bậc thang có tích gì không? Nhà văn hóa Hữu Ngọc làm cho mọi người đổ dồn mắt xuống cánh đồng La Pắn Tẩn nơi vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận di tích thắng cảnh ruộng bậc thang.
- Già làng kể. Ngày xưa, trai gái Mông đi Hội Gầu Tào chơi núi đầu xuân, từng đôi cứ đứng ở sườn đồi ném pao, quả pao tròn lăn xuống tận chân đồi, thương tình, một đêm, trời sai người xuống với tay cào ngang quả đồi, hôm sau trai gái tha hồ ném pao múa khèn không phải xuống chân núi nhặt pao nữa.
Hết dốc Khau Pạ là đỉnh Púng Luông, ở đây có lâm trường mà hầu hết là công nhân người Mông, nhiệm vụ của lâm trường là trồng thông. Cây thông bạt ngàn xứ sương mù này, tháng ba tháng tư gió lào thổi triền miên, khô khốc, nhiều lần dẫn đến thảm họa cháy rừng do sơ xuất của bà con làm nương rẫy.
- Mù Cang Chải có nghĩa là gì? Ông Hữu Ngọc bất ngờ hỏi tôi, rồi quay lại những người ngồi sau ghế xe nói như giảng bài: “Tây” đi đến đâu nó cũng hỏi nghĩa của địa danh.
- Mù là mồ, âm tiết bị đọc chệch, mồ có nghĩa là rừng gỗ; Cang là căng, âm tiết đọc chệch, có nghĩa là khô; Chải là một dông đất. Mù Cang Chải tạm hiểu là đất gỗ khô. Huyện này – tôi nói tiếp – có tới 95% người dân Mông, đơn vị Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.
- Anh hùng về cái gì?
- Không có các loại tệ nạn xã hội, giữ được rừng nguyên sinh, định canh định cư tốt. Lại không thèm nghe kẻ xấu xúi giục nữa.
Chị Hương, một người có thâm niên công tác ở Bộ Văn hóa thông tin nói thêm: Mù Cang Chải có hàng trăm năm trồng cây thuốc phiện mà mấy năm nay ít người nghiện hút. Thế là anh hùng rồi.
Sau khi trao tặng sách tài trợ cho các trường học và trao bộ thiết bị âm thanh cho Chế Tạo, xã xa nhất của huyện. Ông Hữu Ngọc cắt ngang không khí trang nghiêm: - Chế Tạo là gì, nghe như cơ khí.
Anh cán bộ xã vừa cười vừa nói: - Không, chế là cái nhà, tạo là đỗ tương, Chế Tạo là cái nhà để đỗ tương thôi. Mọi người cười vui, nghĩa của tiếng quan hỏa với tiếng phổ thông thật khác biệt.

Ruộng bậc thang ở Mù Căng Chải.
Lại nhớ chiều qua ở Mường Lò ông Hữu Ngọc hỏi Giàng A Dếnh cháu đích tôn của anh hùng lao động Giàng A Thào đã quá cố: “Cháu biết ông cháu có thành tích gì không?”, “- Biết chứ!”, “- Thành tích thế nào?”, “- Rời bản xuống chân núi”, không trồng lúa nương, mà trồng ruộng, làm chè, anh Giàng A Dếnh cười tít mắt ôm chặt bộ “ăm-ly” còn trong hộp xốp mà ông Chủ tịch Quỹ Thụy Điển – Việt Nam phát triển văn hóa vừa trao tặng cho xã.
Bữa cơm trưa do Phó chủ tịch ủy ban nhân dân huyện chiêu đãi “Cụ Chủ tịch Quỹ Thụy Điển - Việt Nam” ngay tại quán hàng bên đường thanh đạm như người vùng cao: đĩa thịt lợn luộc, đĩa thịt gà đen, đĩa ngọn su su xào…
- Thịt lợn này gọi là lợn cắp nách, còn gà là gà thuốc đi bộ. Anh cán bộ huyện giải thích.
Ông già tỏ ra ngạc nhiên:
- Nghĩa là lợn nuôi mấy năm không lớn và gà đen tuyền, vị thuốc của người Mông Mù Cang Chải.
- Ồ!
Uống chén trà quán, bác cháu lên xe dóng thẳng đường nhựa sang huyện Than Uyên, rồi huyện Tân Uyên, huyện Tam Đường của tỉnh Lai Châu, về Bình Lư, vượt đèo Ô Quy Hồ thăm thẳm dốc. 5 giờ chiều bác cháu đến huyện Sa Pa của tỉnh Lào Cai.
Bên kia đèo, nhiệt độ ngoài trời lên tới 32, giờ thì muốn có thêm cái áo khoác, Sa Pa đang 17 độ.
- Ăn cơm rồi, ông nên nghỉ ở trong nhà cho đỡ lạnh. Chị Hương nói.
- Không, đi chứ, đêm Sa Pa lạnh mới thú vị.
Nói đoạn ông già Hữu Ngọc kéo vai người bạn đường nhiều tuổi – ông Bằng: “Ta đi nhỉ!”. Hai ông chầm chậm đi trong làn sương dưới hàng đèn cao áp của xứ thần tiên huyền diệu.
Tâm huyết với Văn hóa Việt, đây là “chất” của ông; giản dị, đó là cốt cách của ông. Ít ai nhìn thấy ông com- lê cùng ca-vát dù là ngày ngày vẫn tiếp các vị chính khách, học giả, giáo sư đến các sinh viên Tây – Ta, ông thường mặc bộ quần áo sờn vải, đội chiếc mũ mềm, đeo túi vải và tiếp khách nước ngoài bằng… cà phê tan và chuyện văn hóa Việt.
Ngồi trước tôi đây, “cây trầm già Hữu Ngọc”, người từng làm chủ bút báo L’Étincelle (Tia Sáng), Giám đốc nhà xuất bản thế giới, Tổng biên tập báo Etudes Vietnamiennes (tiếng Pháp), tổng biên tập báo Việt Nam Esestudies (tiếng Anh), Chủ tịch Quỹ phát triển văn hóa Thụy Điển – Việt Nam, Chủ tịch Quỹ phát triển hợp tác và giao lưu Văn hóa Việt Nam – Đan Mạch… vẫn tranh thủ từng phút ghi chép về văn hóa các dân tộc thiểu số.
Chỉ ít phút nữa tôi lại được tiếp tục theo ông xuống thăm xã Tả Van của đồng bào Dáy Sa Pa, tôi sẽ chụp ảnh với ông trên chiếc Cầu Mây danh tiếng từng đi vào thơ của nhà thơ Xuân Diệu.
Yên Bái, tháng 3/2009