Nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu: Tiếng cười của người đã nhiều nước mắt

HOÀNG ĐĂNG

Nghệ nhân hát xẩm - NSƯT Hà Thị Cầu về Hà Nội theo lời mời của Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam (thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam) để biểu diễn trong Đêm hát xẩm và trống quân. Các nghệ sĩ của Trung tâm tề tựu ở khách sạn suốt cả buổi chiều để đón khách. Chặng đường hơn 70 km từ Yên Phong (Ninh Bình) về Hà Nội chẳng làm cho cụ bà 82 tuổi mệt mỏi…

MỘT LẦN TỚI THỦ ĐÔ

Có lẽ cuộc đời cụ đã quá nhiều truân chuyên, nước mắt đã chảy vào trong nên bây giờ cụ hay cười. Hay những người hát xẩm luôn lạc quan, yêu đời và yêu người vì đã trót gắn cả kiếp sống với xẩm - điệu hát được coi là buồn vào hàng bậc nhất của âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Người hát đã trút hết nỗi buồn vào câu hát, nên chỉ còn lại tiếng cười khi trở về với cuộc sống đời thường? Có lẽ tiếng cười của cụ Cầu đã được tích tụ qua lớp lớp tháng năm với những buồn vui của một kiếp người…


Nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu

Vào quán cơm bình dân gần khách sạn, rượu sóng sánh chén hạt mít. NSƯT Văn Ty và anh em nghệ sĩ nâng chén mời cụ. Cụ nhả bã trầu, mắt chớp chớp ánh lên những tia long lanh, tay nhón chén rượu đưa lên ngang tầm mắt, cụ cụng chén rồi làm một hơi hết nhẵn.

Nhân chén rượu đưa môi, có người nhắc chuyện cụ Cầu khiến một khách sạn ở Bắc Kinh (Trung Quốc)… náo động trong lần cụ cùng các nghệ sĩ Việt Nam sang nước bạn biểu diễn cách đây khá lâu. Cụ mở toang cửa phòng và cứ thế hát vang. Có lẽ những người Trung Quốc lần đầu nghe hát xẩm nên nhầm tưởng cụ “có vấn đề” về thần kinh. Sau mới biết cụ đã uống hết cả chai rượu Mao Đài.

Cụ hát cả ngày cho tới đêm hôm đó vẫn hát nữa. “Cụ mà uống vào, thì hát hăng lắm, hát cả ngày đêm cũng không biết mệt”, ai đó thầm thì. Lại có người bảo, rượu là phương thuốc hiệu nghiệm để người hát rong giữ ấm và thông giọng.

NGHỆ NHÂN HÁT XẨM HÀ THỊ CẦU

Cụ Cầu là “sao” của chương trình hát xẩm và trống quân đêm ấy. Vẫn “bài tủ” của cụ: xẩm Thập âm Theo Đảng trọn đời. Bài này cụ viết lời vào năm 1978. Mấy năm sau ngày đất nước thống nhất, làng quê Yên Phong của cụ ít nhiều thay da đổi thịt. Mẹ con cụ hồi đó vẫn nghèo nhưng cái náo nức của làng quê bước vào một thời kỳ mới đã làm cụ phấn chấn. Nghe đâu, cụ nhẩm lời rồi nhờ cô bé học trò hàng xóm chép ra giấy.

Ai cũng công nhận đó là bài xẩm hay cả ý lẫn lời. Mà cụ hát bài này hay số một trong những bài xẩm quen thuộc với cụ. “Mẹ kể con nghe từ khi từ khi có Đảng. Từ khi có Đảng dẫn đầu…”.

Dường như cụ đã tích tụ câu chuyện “mẹ kể con nghe” từ rất lâu rồi. Lời ca tiếng hát ấy cất lên tự sâu thẳm cuộc đời của cô gái Hà Thị Năm (Cầu là lấy theo tên của con trai cả) sinh ra trong gia đình 3 đời hát xẩm.

Từ nhỏ, bé Năm đã ngồi trong thúng theo bố mẹ gánh đi hát rong. 10 tuổi, cô đã thuộc hàng chục bài xẩm, cùng gia đình nay đây mai đó lấy tiếng hát làm kế sinh nhai. 11 tuổi, cha mất sớm, Năm cùng mẹ về quê sinh sống tại thôn Phố Mỹ, xã Quảng Phúc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.

16 tuổi, cô Năm làm vợ thứ 9 của trùm xẩm Yên Mô Nguyễn Văn Mậu. Cụ ông mù, mặt rỗ nhưng dáng cao lớn và chơi bầu, nhị, trống, phách đều cực giỏi. Vợ chồng bồng bế con thơ lặn lội khắp các tỉnh thành bằng nghề hát xẩm. Cụ ông mất khi cụ Cầu 33 tuổi. Khó khăn, túng quẫn, mẹ con cụ dắt díu về quê tá túc. Không có ruộng vườn, có ma chay cúng giỗ được mời thì đến hát… Nghèo đói quá, cụ phải rứt ruột cho đi con gái út!…

Bài Theo Đảng trọn đời đem đến nhiều niềm vui cho cuộc đời cụ. Khi ấy, anh con trai đi bộ đội biên giới, vì bài hát của mẹ phát trên sóng phát thanh mà được đơn vị cho nghỉ phép về thăm mẹ. Cô con gái sau gần 30 năm lưu lạc cũng tìm được đường về với mẹ vì bài hát này.

Bài hát hay và nổi tiếng đến mức, Nhạc viện Hà Nội khi tổ chức chương trình văn nghệ mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V đã mời cụ Cầu về Hà Nội hát.

Tiếng hát xẩm ai oán não nề nơi lề đường xó chợ giờ thành tiếng hát ngợi ca, tỏ lòng biết ơn Đảng và vang lên ở nơi sang trọng bậc nhất ở Thủ đô. Người ta dành cho cụ Cầu không chỉ sự mến mộ một tài năng, cảm kích trước cuộc đời lấy tiếng hát làm lẽ sống, mà còn vì tấm lòng của người đàn bà nghèo ở vùng quê suốt đời chỉ sống với câu hát đã tự cất tiếng ca ơn Đảng.

Cụ đã trở thành báu vật sống của quốc gia. Dù không chỉ riêng cụ lưu giữ một loại hình âm nhạc truyền thống của cha ông nhưng cụ đã tạo thành một phong cách riêng trong làng xẩm.

Xẩm có làn điệu hát như nhau, nhưng phong cách thể hiện và môi trường diễn xướng khác nhau. Cụ chuyên hát đám hiếu, đám giỗ, lễ ở đình, chùa và tạo ra một phong cách hát xẩm Hà Thị Cầu. Vì thế, cụ được mệnh danh là “nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của thế kỷ” và Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phong tặng cụ danh hiệu “Nghệ nhân dân gian”.

Nhiều người sau này tìm đường về quê theo học cụ Cầu, thậm chí bắt chước giọng điệu và cách hát của cụ. Có người có giọng hát khỏe, vang và có cả vẻ hào sảng của cụ. Cũng miệng hát, chân phách, tay sênh, tay kia gõ một lúc 2 trống mảnh. Khuôn mặt cũng ra chiều buồn nhưng giọng hát thì làm sao thấm đẫm nỗi buồn được như cụ.

Có lần cụ bảo, những người hát xẩm hiện nay, chẳng ai buồn và chịu khổ được như cụ. Có lẽ vì thế, người nghe không cảm nhận được nỗi buồn thấm sâu tận đáy chữ dù người hát có day dứt với từng chữ từng lời.

Nỗi buồn mênh mang trong cách nhả chữ, ngân giọng và tiếng kéo nhị, tiếng phách gõ nhịp khắc khoải… không lan đến con tim người nghe. Tất cả những thanh âm ấy hoà quyện vào nhau làm nên cái màu của hát xẩm. Màu của xẩm dường như không thể thiếu sự đồng điệu trong tâm hồn người hát, thần thái của người đưa động tác kéo nhị, gõ phách nữa…


Nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu

Như cụ Cầu, tiếng hát xẩm đã trở thành ngôn ngữ của một đời người để nói lên tiếng lòng. Tiếng hát gắn với miếng cơm manh áo mỗi ngày, là tiếng của tình yêu, của hờn giận, của hạnh phúc và bao nỗi đắng cay suốt một kiếp người.

Tiếng hát ấy, cụ bảo là tiếng ở trong lòng, nên cụ uống rượu mà hát vẫn không quên lời. Tiếng hát ấy, ở tuổi ngoài 80 mà lên sân khấu vẫn cất vang đầy sinh khí, chỉ có thể là cụ Cầu.

Tiếng hát xẩm của cụ Hà Thị Cầu, dù có lạc quan yêu đời đến mấy thì thẳm sâu vẫn buồn. Cụ Cầu là vậy, cười vui đùa hay chửi thề nhưng còn đọng lại nơi khóe mắt những nỗi buồn.

Giống như đời nghệ sĩ, khi tấm màn nhung khép lại, trở về với thực tại, ai nấy đều phải đối mặt với cuộc sống thường ngày cùng biết bao lo toan trăn trở. Càng được biết đến nhiều, càng được tung hô trên sân khấu thì càng cô đơn, nỗi cô đơn có tên riêng: nghệ sĩ!

Những album lưu giữ tiếng hát của cụ làm sao thay thế được giọng hát vàng mộc mạc giữa đời thực ấy. Nhạc sĩ Nguyễn Cường thừa nhận chỉ cụ là người xứng danh “diva”. Có thể vì ông đã ngụp lặn rất sâu trong biển rộng văn nghệ dân gian để hiểu thế nào là “diva”.

Cũng có thể, ông muốn tôn vinh một người mà ông biết trong làng ca nước ta chưa có ai sánh kịp! Mà chỉ hát xẩm mới được coi là nghề chứ có loại hình âm nhạc dân gian nào ở Việt Nam gắn với chữ “nghề” như thế?


Nghệ nhân Hà Thị Cầu

Bằng khen năm 1998 của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Giải đặc biệt “Nghệ nhân hát chèo tỉnh Ninh Bình” trong Liên hoan Trích đoạn tuồng chèo hay toàn quốc.

Danh hiệu NSƯT năm 1992. Danh hiệu Nghệ Nhân dân gian năm 2004 của Hội văn nghệ dân gian Việt Nam.

Giải thưởng Đào Tấn (giải thưởng cho những đóng góp trong việc gìn giữ vốn quý nghệ thuật dân tộc) của Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam.

Tiếng hát của bà được thu âm trong các album: VCD Giai điệu 4 mùa, CD Xẩm chợ (Sài Gòn Audio), CD Hát xẩm (Viện âm nhạc Việt Nam).