Nghề này thì lấy ông này “tiên sư”

Hồi kháng chiến chống Pháp ở tỉnh Trà Vinh có một nhân vật nổi tiếng về tài vô đồn giặc lấy súng dễ như lấy đồ chơi trong túi, bất kể đồn giặc đó canh gác cẩn mật đến thế nào. Đó là Mai Văn Quý. Rất nhiều giai thoại về tài “xuất quỷ nhập thần” của anh như lấy súng giặc đủ trang bị cho một đại đội.

Nghe nói trước Cách mạng tháng Tám, Mai Văn Quý chuyên nghề ăn trộm, thường là trộm những nhà giàu như phú nông, địa chủ. Không như những tay trộm khác chỉ biết “đào hầm khoét vách”, Quý ăn trộm bằng cách mở khóa cửa đi vào hoặc trổ nóc nhà đi xuống, và đặc biệt là chưa bị bắt lần nào. Anh thuận tay trái và chạy nhanh như ngựa.

Năm 1946, anh gia nhập Quốc vệ đội công an Trà Vinh. Do có tài vào đồn lấy súng giặc nên anh em đặt cho biệt danh “Mao Toại”, nhân vật ăn trộm thần thoại trong truyện cổ tích của Trung Quốc. Sau đây là câu chuyện anh lấy súng không phải ở Trà Vinh mà ở Cái Bè - Mỹ Tho, trong chuyến nghỉ phép đi bán muối cải thiện đời sống.

Người ta kể rằng: một hôm Ủy ban Hành chánh kháng chiến một xã vùng ven Đồng Tháp Mười thuộc huyện Cái Bè - Mỹ Tho, có người đến trình giấy giới thiệu xin bán muối ở vùng giải phóng của xã. Ông Chủ tịch xem giấy thấy đề tên Mai Văn Quý ở Trà Vinh, mắt sáng lên vui vẻ: - Xin lỗi, ông có phải là ông Bảy Quý lấy súng giặc nổi tiếng ở Trà Vinh không? - Dạ thưa là tui - Mai Văn Quý lễ phép đáp.

Ông Chủ tịch cười ha hả: - Vậy thì, bao nhiêu muối ông chở lên đây bán, Ủy ban bao mua hết!. Đến lượt Mai Văn Quý tròn mắt ngạc nhiên: - Quý anh mua hết thiệt sao? Ghe tui chở cả trăm dạ đó!. Ông Chủ tịch xoa tay: - Đã nói bao mua là mua hết! “Quân tử nhất ngôn” mà! - Rồi ông nheo mắt cười nói tiếp: - Tụi tui nghe danh ông đã lâu, nay mới hân hạnh được gặp. Ông phải ở đây nhậu với tụi tui một chầu cho đã mới được!. Mai Văn Quý cảm động trước nhiệt tình mến khách của ông Chủ tịch.


Đường kháng chiến - sơn dầu của Phạm Minh Sáu.

Vậy là đêm hôm ấy, tiệc nhậu bày ra trước sân trụ sở Ủy ban - đóng ở nhà dân - với đủ thứ đặc sản của vùng Tháp Mười: lươn, rắn, rùa, chuột… Tiệc đã tàn tàn, ông Chủ tịch nâng ly: - Xin Mai đại ca cạn ly này rồi, tiểu đệ mới dám nói! (Không biết họ đổi cách xưng hô hồi nào trong lúc nhậu). Không từ chối được, Quý ngửa cổ uống cạn ly, “khà” một tiếng rồi gật gù: - Ta cạn rồi đó. Đệ nói đi!.

Ông Chủ tịch đổi giọng buồn buồn: - Không dám giấu đại ca. Du kích bọn đệ ở đây nghèo quá… Cả đội chỉ lèo tèo vài cây súng mút thời Bảo Đại với mớ lựu đạn Binh công xưởng khu 8 sản xuất trái nổ trái lép, mà xã đệ lại là vùng ven lộ Đông Dương, tụi giặc ở Cái Bè vô càn như cơm bữa… Không diệt được tụi ác ôn đó, bọn đệ tức lắm đại ca à! Nghe danh đại ca “xuất quỷ nhập thần” - ông Chủ tịch nhìn Mai Văn Quý với ánh mắt trông đợi - vô đồn giặc lấy súng như lấy đồ chơi trong túi, xin đại ca chiếu cố giúp bọn đệ một chuyến thì ơn nghĩa đại ca suốt đời bọn đệ không dám quên!

Giọng Quý rè hẳn, mắt mở không muốn lên: - Nhưng súng ở đâu mà lấy bây giờ? - Ngoài lộ Đông Dương thiếu giống gì đại ca! Cứ khoảng một cây số nó đóng cái lô cốt. Ngon lành lắm đại ca à! Giọng ông Chủ tịch vẫn còn trong vắt, dường như từ tối đến giờ ông uống nước lã chớ không phải loại đế “mắt mèo”, loại rượu mà tửu lượng cỡ Mai Văn Quý chỉ cần một xị cũng đủ quên mất mình là ai rồi…

Tối hôm sau, hai anh du kích còn rất trẻ dẫn Quý lội ra đám ruộng bỏ hoang cỏ đưng, lác ngập tới ngực, gần sát lộ Đông Dương. Trời tối đen như mực, gió thổi lồng lộng. Họ dừng chân bên bờ ruộng dưới rặng trâm bầu. - Nó đó, anh Bảy. Anh du kích trẻ có cái miệng rộng chỉ về cái lô cốt đóng trên lộ.

Cái mirador - anh em hay gọi là “chuồng cu” - trên nóc lô cốt in lờ mờ trên nền trời, cách chỗ họ chừng vài trăm mét. - Hai chú ở đây chờ tui. Nói rồi Quý cởi hết quần áo để lại gốc trâm bầu, trần truồng dồng dỗng biến vào bóng đêm, không gây một tiếng động nhỏ trước sự ngạc nhiên của hai anh du kích trẻ.

Thời gian chầm chậm trôi… Sương đêm bắt đầu phủ xuống lành lạnh. Đã hơn một giờ mà chẳng thấy Quý trở lại, hai anh du kích bồn chồn lo lắng, liệu con người có vẻ nông dân cục mịch ấy có làm nổi cái việc như người ta đồn đại hay không? Nhưng kìa, Mai Văn Quý đã trở lại. Mỗi bên vai trần của anh là hai cây súng trường Mas, loại súng mới được trang bị cho bọn lính đóng lô cốt dọc lộ Đông Dương. - Trời ơi, anh Bảy! Làm sao anh lấy được nhiều quá vậy! Quý cười trong hơi thở dồn dập: - Hai chú để tui thở một chút chớ! Mang nặng thấy bà! Mà nặng thiệt, bốn cây súng trường chứ có phải bốn ống tre đâu. Lại còn phải lội qua cánh đồng hoang đưng, lác, cỏ dại mọc ngập đầu mới về đến đây.

Ngồi nghỉ một lúc, mặc lại quần áo, Quý kể lại chuyện đột nhập vô lô cốt vừa rồi: “Lô cốt này có hai lớp rào dây kẽm gai có mắc lon báo động và lựu đạn gài. Phía trong là lớp tre nguyên cây vạt nhọn đan chéo nhau cao hơn ba thước. Cổng trước mặt lộ là vọng gác có lính canh suốt ngày đêm. Bên trong lô cốt, bọn lính nghèo quá toàn ngủ trong nóp (*), trừ thằng sếp được ngủ trong mùng dã chiến. Súng để vào giá có cây sắt dài xuyên qua vòng cò và khóa lại bằng ổ khóa lớn cỡ nắm tay. Lấy gì mở khóa đây? Nếu ở Trà Vinh thì luôn có chùm chìa khóa “nghề” bên mình, còn đây là nghỉ phép đi bán muối để cải thiện đời sống, mang “đồ nghề” theo làm gì? Thôi đành mượn tạm chìa khóa của thằng sếp, nó bỏ trong túi áo treo ở đầu giường vậy… Mở xong, mình trả lại chùm chìa khóa vô túi áo của nó đàng hoàng, rồi mới vác súng về đây”.

- Nhưng mà anh Bảy ơi - anh du kích trẻ nói ngập ngừng - có súng mà không có lựu đạn thì coi như có chồng mà không có vợ. Có khi đâu cần bắn, bọn em phục đón bọn lính đi tuần tiễu, chơi nó một trái “ô ép” (OF) là “ăn ngon” rồi. Mai Văn Quý bật cười: - Hai chú mày tưởng tao đi vô bót dễ lắm sao mà còn đòi thêm lựu đạn nữa?Anh kia đế thêm: - Dạ, bọn em đâu dám nghĩ vậy. Nhưng với tài nghệ cỡ “sư tổ” như anh Bảy thì ba cái lô cốt quèn này có nhằm nhò gì, phải không anh?


Quanh cứ điểm - sơn mài của Thế Vinh.

Trước sự năn nỉ của hai anh du kích trẻ, Quý cầm lòng không đậu. Anh đứng dậy phủi mấy con kiến vàng bám ở cổ áo rồi cười rộng lượng: - Thôi, lần này nữa rồi về luôn, không đòi thêm cái gì nữa nghe!

Anh lại truồng dồng dỗng lao vào đêm tối. Hai anh du kích trẻ cứ rờ rẫm mấy cây súng Mas còn thơm mùi dầu mà sướng rơn. Đúng là trời thương du kích Cái Bè nên nên mới sai “ông thần Mao Toại” Mai Văn Quý đến giúp. Rồi đây bọn lính đi càn sẽ biết tay! Chưa đến một giờ, đã thấy Quý trở lại. Anh đặt bọc lựu đạn xuống rồi ôm quần áo đến cái đìa gần đó tắm rửa qua loa. Trên đường về, anh kể:

“Bọn lính vẫn ngủ say như chết. Mình không biết tụi nó để lựu đạn chỗ nào, có thể là để trong cái tủ ở gần giường thằng sếp. Lại phải lấy xâu chìa khóa trong túi áo nó để mở tủ. Quả nhiên lựu đạn ở ngăn cuối cùng. Bọn này tệ quá, không có lấy một cái bao bàng. Thôi thì đành mượn cái áo của thằng sếp mà bọc lựu đạn, còn chùm chìa khóa để lại đầu giường của nó”.

- Nhưng mà có chuyện này bọn em muốn hỏi. Tại sao anh Bảy lại cởi hết quần áo đi vô đồn vậy? Mắc cỡ thấy bà! - Ậy, đây là “bí mật nhà nghề” đó hai chú mày. Quần áo của mình dẫu có giặt sạch đến cỡ nào cũng còn mùi mồ hôi, mà mũi chó thì rất thính, cách một công đất nó vẫn đánh hơi được. Còn nếu hai chú mày truồng trần đi qua nó, thì coi như mũi nó không còn tác dụng. Nếu thoa bùn lên khắp người thì đến chó bẹc giê cũng chào thua. - Trời ơi, ở truồng dồng dỗng vô đồn, rủi gặp vợ lính kỳ chết anh Bảy. - Đã đi ăn trộm còn sợ coi kỳ, vậy ở nhà ôm vợ chắc không kỳ phải không? Hai anh du kích trẻ cười đỏ mặt.

Quá nửa đêm, ba người về đến trụ sở Ủy ban thì đã thấy đủ mặt các vị lãnh đạo xã cùng đông đảo bà con đã chờ sẵn ở đó rồi. Khỏi phải nói niềm vui của họ đến thế nào khi thấy ba người lủ khủ trên vai bốn khẩu súng trường mới tinh và một mớ lựu đạn bọc bằng áo của tên sếp lính. Nồi cháo gà bự chảng được dọn ra với gà xé phay bắp chuối hột. Và đêm ấy, Mai Văn Quý làm cho những người có mặt ở đó há hốc miệng với giọng ca vọng cổ rất mùi của anh với bài “Tôn Tẫn giả điên” mà họ rất quen thuộc.


(*) Nóp:

Một loại đệm đan bằng cây bàng.

DƯƠNG LINH