Nghệ sĩ ưu tú Hồng Vân: Tôi mong được đưa Duyên Việt ra thế giới, nhưng…!!

Những ngày cận Tết Canh Dần này, bà bầu Hồng Vân gần như không có thời gian nghỉ. Vừa trực tiếp dàn dựng vở kịch Giếng lạ (kịch bản: Phạm Tân và Huỳnh Tuấn Anh) để trụ ở Nhà hát Lớn TP. HCM suốt dịp Tết, vừa lo chuẩn bị trình làng sân khấu mới tại Superbowl A43 Trường Sơn, quận Tân Bình, TP. HCM với hai vở Kẻ đào tẩu, Trai mới lớnCuộc chiến ẩm thực (kịch thiếu nhi). Đầu xuân, Hồn Việt có cuộc trò chuyện cùng chị.

- Được biết Công ty Vân Tuấn của chị đã đầu tư hàng tỉ đồng cho sân khấu mới Superbowl, vì sao chị lại quyết định mở thêm điểm diễn ở đây, sau khi đã có hai sân khấu Phú Nhuận và Kim Châu khá phát đạt?

- Nói thật là phải có máu “liều” mới dám mở một sân khấu kịch ở một nơi như Superbowl, vì nơi đây vốn dành cho hoạt động thương mại và là nơi có nhiều người nước ngoài lui tới. Nhưng cũng chính vì vậy mà tôi muốn thử làm một cuộc “khai phá” xem sao. Tất nhiên, không thể đem mô hình như sân khấu Phú Nhuận hay Kim Châu đặt ở nơi này.


NSƯT Hồng Vân.

Sân khấu Superbowl mang một trách nhiệm hoàn toàn mới, là giới thiệu văn hóa Việt cho khách ngoại quốc. Bên cạnh việc chọn lọc và dàn dựng những vở kịch phù hợp, có chuyển ngữ sang tiếng Anh, chúng tôi cũng muốn giới thiệu nét đẹp về thời trang, về âm nhạc mà chương trình Duyên Việt 1 với chủ đề Hà Nội xưa vừa ra mắt báo giới là một ví dụ. Chúng tôi đang lên kế hoạch cho nhiều hoạt động, để sân khấu Superbowl có thể mở cửa đón khách cả ngày lẫn đêm.

- Khán giả là người quyết định sự sống còn của sân khấu, chị làm thế nào để “thượng đế” người nước ngoài có thể đến mua vé?

- Một số đơn vị du lịch đã đồng ý đưa sân khấu Superbowl vào danh sách điểm đến của các tuyến du lịch. Như vậy, trước mắt, chúng tôi sẽ có một lượng khách ổn định. Lịch diễn các chương trình “đối ngoại” như Duyên Việt nhiều hay ít sẽ tùy thuộc vào số lượng khách này.

Ngoài ra, chúng tôi cũng chuẩn bị một số vở mới để phục vụ khán giả “nội”, bởi địa bàn này lâu nay là “vùng trắng”của sân khấu kịch. Sân khấu Superbowl còn làm một việc ngược lại, đem các vở diễn hay của nước ngoài giới thiệu với khán giả Việt Nam, như vở Kẻ đào tẩu sẽ ra mắt vào dịp Tết Canh Dần này, một vở kịch mà tác giả và đạo diễn đều là người Hàn Quốc.

- Người ta đang đồn rằng, Tết năm nay, sân khấu của Công ty Vân Tuấn đang “bùng nổ” các điểm diễn?

- Họ nói vui thế thôi, ngoài sân khấu Superbowl với ba vở vừa kể, sân khấu Phú Nhuận diễn vở Lấy chồng cho vợ (tác giả - đạo diễn Thái Hòa), sân khấu Kim Châu cũng có ba vở Độc chiêu (tác giả - đạo diễn Đăng Nhân), Chuyện miệt đồng (tác giả - đạo diễn Trung Dân), Gái @yahoo.com (tác giả Viễn Hùng, đạo diễn Thanh Sơn), chúng tôi mở thêm điểm diễn ở Nhà hát Thành Phố với vở Giếng lạ và một chương trình Gala cười.


Chương trình Duyên Việt tại sân khấu Superbowl.

Cái chính là chúng tôi muốn tạo điều kiện cho tất cả diễn viên của công ty có cơ hội được đóng góp công sức vào cuộc vui chung của sân khấu trong những ngày xuân.

- Chị vừa được bầu vào Ban chấp hành (BCH) Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam với số phiếu rất cao. Cảm xúc của chị thế nào khi là người đầu tiên của sân khấu xã hội hóa trúng cử vào BCH?

- Thú thật là tôi quá bất ngờ. Đây là lần đầu tiên tôi được làm đại biểu đi dự Đại hội ngành sân khấu. Vì bận, tôi ra trễ hơn mọi người, xuống sân bay xách va li chạy thẳng tới Nhà hát lớn, nơi tổ chức Đại hội, không ngờ được “đẩy” luôn lên Chủ tịch đoàn. Bầu cử xong, tôi lại có việc phải về ngay. Khi được báo tin tôi trúng BCH, cảm giác của tôi là ngỡ ngàng vì không hề nằm trong dự đoán của mình.

Lâu nay tôi cứ vùi đầu làm nghề, lo giữ cho sân khấu của mình tồn tại, nhiều khi quên mình đang là ủy viên BCH Hội Sân khấu TP. HCM. Bây giờ, được mọi người tín nhiệm ra tới “trung ương” tôi càng lo, không biết mình có làm tròn trách nhiệm mà mọi người tin tưởng giao phó không.

- Vì là đại diện duy nhất của sân khấu tư nhân có mặt trong BCH, hẳn chị sẽ có tiếng nói thiết thực cho những người làm nghề ở khu vực này?

- Hiện nay, BCH chưa họp nên chưa phân công cụ thể, tất nhiên tôi đã nghĩ đến những vấn đề thiết thực sẽ làm cho giới của mình. Tỉ như đề nghị một sự nhìn nhận chu đáo hơn vai trò sân khấu xã hội hóa, để tận dụng được hết những đóng góp của họ cho xã hội. Trong đại hội vừa qua, tôi có nghe một tham luận nói rằng các đoàn nghệ thuật quốc doanh là công cụ tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước. Tôi cho rằng việc này các đơn vị xã hội hóa làm sẽ có hiệu quả hơn, vì họ gần gũi với cuộc sống, họ có khán giả.

Vừa qua, có lẽ sân khấu quần chúng ở các quận, huyện đã làm rất tốt nhiệm vụ này, bởi họ xuống được tận phường, xã. Khi làm chương trình Duyên Việt, tôi cứ ước gì mình là tỉ phú để có tiền làm đúng với những gì mình mong ước chứ như hiện nay, mình cứ bị chuyện cơm áo gạo tiền níu kéo. Thực ra, tôi vì mê nghề và cũng có chút máu liều nên mới dám làm vì đưa được Duyên Việt đến với người nước ngoài, có lẽ các đơn vị nghệ thuật quốc doanh mới có thể làm nổi, vì họ được nhà nước tài trợ hàng năm với số tiền không nhỏ.


Tiết mục Hát xẩm trong chương trình Duyên Việt ở sân khấu Superbowl.

Đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới, tư nhân như chúng tôi rất tha thiết muốn làm nhưng không đủ tài lực. Nếu như được nhà nước hỗ trợ, các sân khấu xã hội hóa sẽ làm tốt nghĩa vụ của mình, coi như một cách đóng thuế về tinh thần. Được tin cậy, anh em sẽ thấy phấn khởi và tất nhiên sẽ đóng góp hết mình.

- Nhưng không cần tài trợ, sân khấu xã hội hóa lâu nay vẫn sáng đèn và trở thành điểm sáng trong cả nước?

- Hội diễn sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc vừa qua đã chứng tỏ được điều đó, song về lâu về dài, sân khấu xã hội hóa khó có thể tồn tại lâu được. Nhìn bề ngoài mạnh mẽ như vậy nhưng sân khấu tư nhân luôn sống trong sự bấp bênh, trong tay không có gì ngoài sự nhiệt tình, năng nổ. Để sân khấu của mình được tồn tại, các nhà quản lý chúng tôi đều phải bươn chải kinh doanh nhiều lĩnh vực khác nữa để làm trụ cho sân khấu dựa. Nếu công việc làm ăn lỗ lã, chắc chắn sân khấu của chúng tôi cũng sẽ không thể tồn tại.

CÁT VŨ (thực hiện)