Ngày 11-2-2014, Tiến sĩ Katherine Muller-Marin, đại diện UNESCO tại Việt Nam, đã trao Bằng công nhận Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cho ông Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch và đại diện 21 tỉnh thành Nam Bộ, tại buổi lễ đón nhận Bằng diễn ra ở Hội trường Thống Nhất. Đây là sự kiện văn hóa lớn, đầy tự hào không chỉ riêng cho người dân Nam Bộ, mà là của cả dân tộc Việt Nam.
Sức sống và lối hòa đàn ngẫu hứng của nghệ thuật đờn ca tài tử
Năm 2011, chuẩn bị thực hiện xây dựng Hồ sơ quốc gia Nghệ thuật Đờn ca tài tử trình UNESCO xét đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội thảo quốc tế Nghệ thuật Đờn ca tài tử và những lối hòa đàn ngẫu hứng tại TP.Hồ Chí Minh. Qua các phiên họp, những ý kiến trao đổi của các nhà quản lý văn hóa, những công trình nghiên cứu của một số nhạc sĩ, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, đã chứng minh sức sống của nghệ thuật đờn ca tài tử tuy ra đời khoảng cuối thế kỷ 19 nhưng là loại hình nghệ thuật chứa đựng đầy đủ, đậm đặc các giá trị văn hóa Việt và có những đặc trưng riêng. Đờn ca tài tử là sinh hoạt văn nghệ thuộc loại thính phòng, nằm trong không gian văn hóa Nam Bộ khá đặc biệt. Theo thời gian, nghệ thuật đờn ca tài tử phát triển vừa mang tính chuyên nghiệp, vừa mang tính dân gian, tài tử. “Chất lượng và hệ thống âm nhạc đờn ca tài tử Nam Bộ rất đặc sắc. Mặc dù ra đời chỉ hơn 100 năm qua nhưng nó là sự tích tụ, là trải nghiệm âm nhạc cổ truyền Việt Nam ở ba miền Bắc, Trung, Nam của cả 1.000 năm. Nó có sức mạnh rất lạ lùng, lý thuyết truyền khẩu chặt chẽ, cô đọng được nhiều truyền thống trong quá khứ” (theo ý kiến nhận định của GS-TS Nguyễn Thuyết Phong).
Tại hội thảo, nhiều bài viết đã bàn thật đa dạng về tính ngẫu hứng trong hòa đàn đờn ca tài tử, như ý kiến của Đặng Hoành Loan (Việt Nam), Sheen Dae-Cheol (Hàn Quốc)… Trong bài viết khá công phu, TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm có nhắc đến ý kiến nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo (do khuôn khổ hạn hẹp, chúng tôi chỉ nêu một khía cạnh nhỏ) khi cho rằng yêu cầu chủ yếu trong đờn ca tài tử là người nghệ sĩ biết hòa điệu, biết nhường nhịn nhưng cũng biết quăng bắt. Phong cách tài tử rất quy tắc; đàn phải tròn vành rõ nghĩa, bản nào dây nấy, nhạc khí nào chánh, nhạc khí nào phụ… Nhưng, điểm cốt yếu nhất trong nghệ thuật trình diễn nhạc tài tử cũng chính là tính ngẫu hứng, sáng tạo. Gặp gỡ nhau cùng góc nhìn này, Giáo sư Yamaguti Osamu (Đại học Nanhua - Đài Loan, GS danh dự Đại học Osaka - Nhật Bản) đã nhấn mạnh đến tính ngẫu hứng – một đặc điểm nổi bật của các truyền thống âm nhạc. Ông cho rằng đặc điểm này có thể giúp chúng ta hiểu hơn về đờn ca tài tử Nam Bộ: “một bản nhạc mỗi lần xuất hiện đều được chơi theo phong cách ngẫu hứng tự do, từ đó tạo những dị bản thể hiện khác nhau”. Những loại hình trình diễn âm nhạc mang tính ngẫu hứng không chỉ có ở Việt Nam mà có thể bắt gặp ở các quốc gia khác; đặc biệt phong phú trong các truyền thống âm nhạc châu Phi cũng như trong âm nhạc đương đại, bao gồm cả những loại hình âm nhạc đại chúng như rock, blue và jazz v.v…
… Cuối cùng, Hồ sơ Nghệ thuật Đờn ca tài tử đã được đệ trình; và ngày 5-12-2013, tại phiên họp thường niên lần thứ 8 được tổ chức tại thành phố Baku (Cộng hòa Azerbaijan), Ủy ban Liên chính phủ về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đã quyết định ghi danh Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Và, đối với Việt Nam, vấn đề cam kết bảo tồn sẽ tiếp tục thực hiện qua Chương trình hành động quốc gia bảo vệ nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ.
“UNESCO tin rằng di sản văn hóa phi vật thể phải thuộc về cộng đồng, được liên tục trao truyền và tái tạo để đảm bảo rằng những người nắm giữ di sản và con cháu của họ được tiếp tục giữ gìn và phát huy văn hóa của mình. Chúng tôi mong rằng nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ sẽ tiếp tục được tái tạo thông qua việc giao lưu văn hóa giữa các nhóm cộng đồng và đề cao bản sắc văn hóa thông qua trao đổi âm nhạc, phát huy sự đa dạng của cộng đồng, nhóm người và cá nhân… Tình yêu và quyết tâm bảo vệ truyền thống này của các bạn đã cho người dân Việt Nam và trên toàn thế giới niềm hân hạnh được thưởng thức, tìm tòi và có cơ hội phần nào hiểu về nền văn hóa tươi đẹp và phong phú của các bạn…”
(Phát biểu của Tiến sĩ Katherine Muller-Marin, đại diện UNESCO tại Việt Nam)
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo: Gương mặt uyên bác của đờn ca tài tử
 |
Nhạc sư Vĩnh Bảo |
Nhắc đến nhạc tài tử Nam Bộ, không thể không nhắc đến nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo. Năm nay ông đã bước vào tuổi 97 nhưng vẫn còn mẫn tiệp, ngón đàn vẫn tinh tế, vẫn dạy đàn cho học trò phương xa trên Internet. Sớm bộc lộ năng khiếu và say mê âm nhạc từ bé, Vĩnh Bảo đã nhanh chóng sử dụng thông thạo nhiều loại nhạc cụ: đàn đoản, đàn kìm, đàn tranh, đàn nhị, đàn bầu... Chỉ nói riêng về ngón đàn tranh, tài đàn điêu luyện của Vĩnh Bảo được nhiều bạn bè trong giới nhạc sĩ rất mến mộ, trong số đó có nhạc sĩ Sáu Tửng (cha của nữ danh ca Bạch Huệ), Chín Kỳ, Hai Thơm, Tư Huyện, GS-TS Trần Văn Khê, GS-TS Christopher Maillard (Pháp), GS-TS Nguyễn Thuyết Phong, GS-TS Barley Norton (Anh)… Nhắc lại chuyện cũ với GS-TS Trần Văn Khê, có lần nhạc sư Vĩnh Bảo kể: hai ông từng là giáo viên dạy ngoại ngữ chung trường từ những năm 1946-1947 ở Sài Gòn. Nhưng hồi ấy, thầy Khê chưa biết thầy Bảo biết đàn. Mãi sau này, tình cờ, GS-TS Trần Văn Khê lúc ở Pháp đã nghe và thật ngưỡng mộ tiếng đàn Vĩnh Bảo qua một cuốn băng nhựa ghi âm, do bác sĩ Phạm Kim Tương thu và mang từ Việt Nam sang. Ông đã liên lạc lại với Vĩnh Bảo. Đến năm 1970, Vĩnh Bảo được mời sang Đại học Illinois (Mỹ), làm giáo sư biệt giảng, dạy cho sinh viên đàn tranh, đàn kìm và nghệ thuật đóng đàn. Trong thời gian này, nhà trường cũng mời GS-TS Trần Văn Khê và nhạc sĩ Phạm Duy sang một tháng, tổ chức những buổi nói chuyện về âm nhạc Việt Nam.
Đầu tháng 4-1972, từ Mỹ trở về Sài Gòn, Vĩnh Bảo ghé nước Pháp, lưu lại đây một tháng, cùng GS-TS Trần Văn Khê thuyết trình về nhạc Tài tử Nam Bộ tại Paris và một số nơi. Hai ông còn làm một đĩa Collection de l’OCORA – Đài Truyền hình Pháp. Đĩa nhạc bán rất chạy, được UNESCO chú ý; tổ chức này đã nhờ GS-TS Trần Văn Khê mời Vĩnh Bảo cùng thực hiện một đĩa nhạc mới. Đĩa này do Vĩnh Bảo đàn tranh, GS-TS Trần Văn Khê đàn tỳ bà hòa tấu 4 bản: Bình bán vắn, Kim tiền, Tây Thi, Cổ bản. Riêng Vĩnh Bảo độc tấu đàn tranh 4 bản: Nam xuân, Nam ai, Đảo ngũ cung, Tứ đại oán và một số bản khác Vĩnh Bảo đàn chung với nhạc sĩ trong băng Nam Bình sản xuất năm 1969 tại Sài Gòn. Sau này, nghe GS-TS Trần Văn Khê cho biết UNESCO muốn mua bản quyền đĩa nhạc; Vĩnh Bảo đồng ý và giao quyền cho GS-TS Trần Văn Khê thay mặt quyết định. Từ một cơ duyên và ngẫu hứng, nhạc sư Vĩnh Bảo và GS-TS Trần Văn Khê không ngờ đã trở thành hai người giới thiệu đầu tiên nhạc tài tử Nam Bộ đến UNESCO, để rồi, 40 năm sau, những tín hiệu này đã mang lại lời hồi đáp tốt đẹp cho âm nhạc truyền thống Việt Nam…
 |