Có lẽ do rồng là sản phẩm của trí tưởng tượng, không gần gũi với con người như trâu, chó, lợn, gà..., nên trong văn học dân gian (thành ngữ, tục ngữ và ca dao xưa) hình ảnh con rồng không nhiều. Vì rồng là hình ảnh thể hiện ước vọng một cuộc sống cao sang đẹp đẽ của con người, nên cũng ít câu đề cập cảnh đời lầm than hay oan khuất, khiến ta phải trầm ngâm suy nghĩ hoặc “đau đầu” ăn năn.
Người ta thường tưởng tượng rồng bay giữa trời, nên trước hết, hình ảnh “vòi rồng” trong cơn lốc xoáy được xem là một dấu hiệu dự báo thời tiết: “Rồng đen lấy nước thời nắng/ Rồng trắng lấy nước thời mưa”.
Và cơn mưa hiếm hoi giữa mùa hạ thì đúng là “Mưa tháng sáu máu rồng”.
Trong việc bình phẩm sự đời, muốn tụng khen, nịnh nọt ai, dù chỉ là một cử chỉ bề ngoài hay nết ăn, kiểu mặc, người ta cũng đem rồng ra “đối chứng”: nào là “Ăn như rồng cuốn”, áo quần thì “Thêu phượng vẽ rồng”, học hành thì chữ viết “Như phượng múa rồng bay”, cả đến mộ phần của họ cũng “hoành tráng” hơn thiên hạ: “Mả táng hàm rồng”!

Rồng được phác họa vào thời nhà Lý
Nhưng “lưỡi không xương, nhiều đường lắt léo”, có khi những sự ví von này lại hàm ý chê bai những kẻ ưa “phách lối”, thích tô vẽ để lòe thiên hạ, nhất là lúc nó được “biểu diễn” với giọng giễu nhại.
Loại người phét lác, không có thực lực ấy thì “lời rồng” cũng chẳng cứu được: “Trong lưng chẳng có một đồng/ Lời nói như rồng, chúng chẳng thèm nghe”.
Tuy vậy, hình ảnh chủ đạo “khoác áo” rồng vẫn là điều tốt đẹp. Ví như khi bạn quý đến nhà, câu cửa miệng là “Rồng đến nhà tôm”, nói chuyện may rủi thì “May hóa long, không may xong máu”.
Hình ảnh con rồng được dùng nhiều hơn cả trong những câu nói về tình bạn, tình yêu đôi lứa. Có được người tình “lý tưởng”, người bạn tri âm thì bảo là “Như rồng gặp mây”. Diễn tả đôi lứa xa cách được gặp lại thì tha thiết và ngậm ngùi: “Mấy khi rồng gặp mây đây/ Để rồng than thở với mây vài lời/ Nữa mai rồng ngược mây xuôi/ Biết bao giờ lại nối lời nước non!”.
“Rồng” bay lượn trên… trời nên luôn quấn quýt với “mây”, nhưng cũng như ở trần thế, vẫn có những anh chồng không may: “Khi đầu em nói em thương/ Bây giờ gánh nặng giữa đường đứt dây/ Tưởng là rồng ấp lấy mây/ Ai ngờ rồng ấp lấy cây bạch đàn!”.

Múa rồng trong tranh Đông Hồ
Và cho dù con rồng là biểu tượng cao quý, nhưng tình nghĩa, tình yêu thủy chung còn quý hơn: “Trăm năm ghi tạc chữ đồng/ Dù ai thêu phượng vẽ rồng mặc ai” và: “Dẫu ngồi cửa sổ chạm rồng/ Chăn loan gối phượng không chồng cũng hư”.
Vậy nên: “Gái có chồng như rồng có vây/ Gái không chồng như cối xay chết ngõng” và: “Làm gái lấy được chồng khôn/ Cầm bằng cá vượt Vũ Môn hóa rồng”.
Hình ảnh người chồng thành đạt - ngày xưa là các sĩ tử đậu cao, được bổ làm quan - thường được gắn với những vật dụng như cái võng, chiếc thuyền có khắc chạm con rồng: “Chồng sang đi võng đầu rồng/ Chồng hèn gánh nặng đè còng cả lưng” và: “Trai ơn vua ngồi võng đòn rồng/ Gái ơn chồng ngồi võng ru con” hoặc là: “Trai ơn vua lúc đua thuyền rồng/ Gái ơn chồng lúc bồng con thơ”.

Rồng trong nghệ thuật phong thủy
Những lời người xưa đúc kết thường là chí lý. “Một người làm quan, cả họ được nhờ” mà! Nhưng không phải ông chồng nào được “võng đầu rồng”, “thuyền rồng” đón đưa cũng có cuộc sống hạnh phúc, có niềm vui sướng như người phụ nữ “ngồi võng ru con”, nhất là khi dân tộc mất độc lập, vua hay quan đều là bù nhìn, hoặc phải làm quan dưới triều vua hư đốn, bạc nhược, người có lương tâm thì dù lắm ruộng nhiều vàng, trong lòng vẫn luôn đau khổ; thậm chí có vị đã phải nổi loạn chống triều đình, bất chấp sẽ bị tù tội.
Tiêu biểu cho loại người này là Cao Bá Quát (1808-1855), ông đã ngồi “võng đòn rồng” mấy nơi nhưng cuối đời lại tham gia cuộc khởi nghĩa của nông dân nên đã bị giết! Ông nổi tiếng vì tài thơ và có nghĩa khí chứ không phải nhờ uy quyền của “rồng”.
Một câu nữa cũng không hẳn đã đúng trong mọi trường hợp: “Trứng rồng lại nở ra rồng/ Liu điu lại nở ra dòng liu điu”. Câu ca dao này cũng đồng nghĩa với câu “Con vua thì lại làm vua…” nặng tư tưởng phong kiến, nhằm bảo vệ ngôi thứ của vua quan, khiến lớp người cùng khổ không còn nghĩ đến chuyện đổi đời.
Tuy vậy, khoa học về “gien” đã chứng minh sự di truyền qua các thế hệ về nhiều mặt. Lịch sử cũng đã ghi lại nhiều trường hợp, thế hệ con cháu đã tiếp nối truyền thống vẻ vang của cha ông. Trong các triều đại Lý, Trần, Lê có thể kể ra rất nhiều những con người như thế; Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Trần Bình Trọng… không chỉ làm rạng rỡ dòng họ của mình mà còn làm sáng danh đất Việt. Nhưng đáng tiếc là cũng từ những dòng họ đó lại nảy sinh loại Trần Ích Tắc và Lê Chiêu Thống!...
Thế mới biết, có “dòng giống” tốt, mới chỉ là yếu tố ban đầu. Phải bền chí học tập, rèn luyện, mới nên NGƯỜI. Đó là chưa nói đến thời thế và tác động của môi trường xã hội.

Rồng cũng là nét văn hóa của kiến trúc chùa chiền
Vậy nên, thời nay, khi mà chế độ phong kiến con nối ngôi cha đã lùi sâu vào quá khứ, càng phải rất công tâm, thận trọng trong việc cất nhắc, lựa chọn người nắm giữ quyền lực và tài sản của nhân dân, từ một chủ tịch xã, kế toán trưởng công ty cho đến những cương vị có tầm ảnh hưởng rộng lớn. Đừng vì “con ông cháu cha” mà ưu ái xếp ngồi những “ghế” ngon lành.
Năm Thìn, dân Việt vốn từng tự hào là “con Rồng cháu Tiên”, hy vọng ai cũng gắng sức để góp phần đưa đất nước “hóa Rồng” và cùng được hưởng hạnh phúc của một đất nước sẽ cất cánh cùng những “con rồng” bên biển Thái Bình Dương.