Người Đức định nghĩa hạnh phúc

Trên cơ bản nhận “đơn đặt hàng” của Bưu điện Đức (Deutsche Post), công ty Happiness Research Group với một nhóm các nhà xã hội học và nghiên cứu về các yếu tố hạnh phúc chung quanh ông Jan Delhey đã thực hiện một công việc thăm dò dư luận về chủ đề tổng quát “Nơi nào sống hạnh phúc nhất trên nước Đức”, mà qua đó cũng nổi lên những cái nhìn “phụ” không kém phần đáng chú ý. Nhưng không thể xem kết quả cuộc thăm dò dư luận này là một giá trị tuyệt đối, vì nó cũng được viết và đúc kết theo khuynh hướng “tốt khoe ra, xấu xa đậy lại”, nên xem nó như một gợi ý để suy nghĩ và tham khảo thêm.

Để trả lời câu hỏi chủ yếu, họ đã tìm cách định nghĩa, thế nào là hạnh phúc, thế nào là không hạnh phúc, những điều gì mang lại hạnh phúc, và những điều gì mang lại đau khổ: tiền? tình yêu? danh vọng? tinh thần an bình? tình dục? tình bạn? trình độ văn hóa và bằng cấp? sức khỏe? hay tất cả những thứ ấy cộng lại một cách tối ưu, để cho con người mỗi sáng thức dậy vui vẻ tràn đầy hy vọng và buổi tối đi ngủ với một nụ cười trên môi?

Đáng chú ý là ở điểm, đây là cái nhìn của người dân Đức trong xã hội ở thời điểm 2012 đang có khủng hoảng kinh tế chung tại châu Âu cũng như trên toàn cầu.

Theo Jan Delhey, công thức tạo ra Hạnh phúc (cá nhân) là: Có + Yêu + Cái Tôi (Tiền + Tình cảm + Sự phát triển của bản thân), cái tam giác của sự hạnh phúc.

Một số nghiên cứu cho rằng, đa số người chỉ cảm thấy có hạnh phúc khi cơ bản vật chất của họ được bảo đảm và có thể thưởng thức hương vị cuộc đời hàng ngày mà không lo lắng gì cả. Cửa ngõ bước vào hạnh phúc của người Đức được bắt đầu bằng con số thu nhập mỗi năm là 60.000 euro, với số tiền này thì họ cảm thấy sống sung sướng hạnh phúc. Con người hay so đo mình với người khác, muốn hơn người khác và cái muốn hơn người cứ tăng lên mãi, nếu tự “giải phóng” được mình ra khỏi cái vòng xoắn vật chất đó thì có thể nhẹ gánh nặng hơn. Vì, họ cũng nhận ra rằng, chỉ có tiền thì đồng tiền cũng không mang lại hạnh phúc, mà còn cần phải có quan hệ tình cảm giữa người với người như gia đình, vợ chồng và bạn bè, hàng xóm láng giềng. Khung cảnh và hoàn cảnh sống trong xã hội trên căn bản của những khái niệm “tự do” và “dân chủ” cũng là một yếu tố tạo nên hạnh phúc của người sống trong môi trường đó.

pic

Thành phố Düsseldorf - Đức

Cảm giác về hạnh phúc của trẻ con khác hẳn người lớn. Trẻ con sống trong gia đình yên ấm, toàn vẹn có mẹ có cha, cảm thấy hạnh phúc hơn là những đứa trẻ chỉ sống và lớn lên với một người, cha hoặc mẹ.

Kể từ khi chính phủ của ông Gerhard Schröder thuộc đảng Xã hội Đức áp dụng chính sách Hartz IV bắt đầu vào năm 2005 cắt giảm trợ cấp thất nghiệp, cắt giảm một loạt các trợ cấp xã hội để giảm chi tiêu cho ngân quỹ quốc gia, thì thành phần phải hứng chịu gánh nặng của sự khủng hoảng kinh tế trong xã hội Đức là hai thành phần trung lưu và thấp kém. Những người thuộc thượng tầng xã hội, công chức suốt đời và những người “mạnh được yếu thua” vẫn sống ung dung, đầy đủ, sung sướng, mọi khủng hoảng kinh tế và xã hội hiện tại không mảy may đụng đến họ.

Thành phần yếu kém, bị xã hội cố tình bỏ quên thì không có tiếng nói. Thành phần người nhập cư cũng cảm thấy sự bạc đãi của xã hội Đức tăng lên, đa số sống “bên lề” xã hội Đức với một mức thu nhập cá nhân yếu kém, chưa đến 10.000 euro/năm.

Phụ nữ ở xã hội Đức hiện tại ghi nhận một sự khủng hoảng mới cho họ, khủng hoảng về danh dự và nhân phẩm của người phụ nữ. Kể từ khi đạo luật Das Prostitutionsgesetz được ban hành ngày 20/12/2001 và có hiệu lực vào ngày 1/1/2002, cùng lúc hai điều khoản 180a và 181a trong Luật hình sự cũng được thay đổi, việc “bóc lột gái mại dâm” bởi “cò mồi sở khanh” sẽ không bị phạt nữa thì cái “nghề” xưa như trái đất – nghề làm đĩ – được nước Đức chính thức công nhận là một nghề nghiệp có bảo hiểm xã hội và có đóng thuế cho ngân quỹ quốc gia, thì phụ nữ thất nghiệp “được” đề nghị, khuyến dụ nhận việc làm trong nhà chứa, những nơi mua vui cho khách làng chơi. Nhiều người cắn răng làm thinh, nhận sự nhục nhã và cố gắng đi tìm một giải pháp khác, vì từ chối một đề nghị của Sở Quản lý lao động có nghĩa là mang tội “từ chối lao động” và sẽ bị cắt trợ cấp. Tuy thế, cũng có người can đảm đưa lên báo chí, vì họ có bằng chứng viết trên giấy trắng mực đen, như trường hợp của một cô gái 19 tuổi nhận lá thư của Sở Quản lý lao động thành phố Ausburg đề nghị cô nhận việc làm gái mại dâm trong nhà chứa mang tên Colosseum (nhật báo Ausburger Allgemeine Zeitung ngày 7/2/2013).

Kết quả của cuộc thăm dò dư luận cung cấp những thông tin chính như sau:

- Người ở vùng Tây Đức cũ hạnh phúc hơn người ở vùng Đông Đức cũ.

- Ba vùng hạnh phúc nhất nước Đức là Hamburg (nhất), Niedersachsen (nhì) và Bayern (ba).

- Năm thành phố hạnh phúc nhất nước Đức theo thứ tự là Hamburg, Düsseldorf, Dresden, Hannover và München.

- Ba thành phố mạnh nhất về kinh tế của Đức là München, Stuttgart, Frankfurt. - Ba thành phố có nhiều sự kiện văn hóa nhất của Đức là Berlin, München, Leipzig.

- Ba thành phố có hệ thống cấu trúc cơ bản giao thông công cộng tốt nhất là Hannover, Frankfurt và Dresden.

Cuộc thăm dò dư luận về “Hạnh phúc” (Glück) đưa ra một bảng đối chiếu 10 điều đem lại hạnh phúc và 10 điều ngăn cản hạnh phúc, đem đến vô phúc (không có hạnh phúc).

Mười điều đem lại hạnh phúc theo thứ tự là:

1. Sức khỏe

2. Hạnh phúc vợ chồng

3. Gặp gỡ bạn bè

4. Thực hành thể dục thường xuyên

5. Có nhà đất

6. Có công việc làm vừa ý, độc lập

7. Được tăng lương

8. Có nhiều thú vui tiêu khiển

9. Có văn hóa

10. Có niềm tin tôn giáo

Mười điều đem lại đau khổ, lo lắng, vất vả (vô phúc) là:

1. Bệnh tật

2. Cái chết của người bạn đời

3. Thất nghiệp

4. Bị cô lập văn hóa và xã hội

5. Ly dị

6. Tuổi già

7. Tật nguyền

8. Túng thiếu

9. Thu nhập yếu kém

10. Phải di chuyển nhiều để đi làm việc

 pic
Thành phố Hamburg - Đức
 Có khoảng 30% người Đức được thăm dò cho là mình có hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống của mình.

Cuộc thăm dò cũng được mở rộng trên địa bàn thế giới để so sánh hạnh phúc của người Đức với hạnh phúc của người dân những nước khác trên thế giới trên ba điểm chính: Hài lòng với cuộc sống của mình; tuổi thọ; và sự tiêu dùng nhiều hay ít về những điều kiện vật chất cơ bản, năng lượng.

Ba nước đứng đầu bảng phong thần này đem lại một sự ngạc nhiên cho người đọc về cảm giác hạnh phúc của người dân những nước đó: Đứng đầu là Costa Rica với 64% người cho rằng mình sống hạnh phúc, hài lòng; thứ nhì là Việt Nam với 60,4%; thứ ba là Columbia với 59,8%.

Nước Đức, trên so sánh đối với thế giới, đứng hàng thứ 46 với 47,2% người có hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống. Pháp lại còn kém hơn, đứng hàng thứ 50 với 46,5%, tức là cứ hai người Pháp thì có một người không cảm thấy hạnh phúc. Nhật Bản đứng hạng 45 với 47,5%, Trung Quốc đứng hạng 60 với 44,7%, Mỹ đứng hạng 105 với 37,3%. Đội sổ là nước Botswana (châu Phi) nơi chỉ có 22,6% người cảm thấy mình có hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống.

Trong phạm vi 29 nước châu Âu thì 3 nước đứng đầu bảng hạnh phúc là: Đan Mạch, Hà Lan, Thụy Điển. Nước Đức đứng thứ 9. Đội sổ là hai nước Hy Lạp và Bulgaria.

Người Việt mình gặp nhau vẫn thường chào nhau chúc nhau sức khỏe là trên hết. Ngày Tết cũng có những câu chúc nhiều tài lộc như “Chúc làm ăn phát tài bằng năm bằng mười năm ngoái”, “thăng quan tiến chức”, đám cưới thì chúc “con đàn cháu đống”. Những người bằng lòng yên phận hơn nữa với cuộc sống của mình thì nghĩ rằng “Tri túc tiện túc, tri nhàn tiện nhàn” (Biết đủ là đủ, biết nhàn là nhàn). Cụ Tú Xương còn hóm hỉnh, vui tươi, yêu đời hơn:

Một trà, một rượu, một đàn bà

Ba cái lăng nhăng nó quấy ta.

Chừa được thứ nào hay thứ ấy

Có chăng chừa rượu với chừa trà.

Cái cảm nhận hạnh phúc cá nhân thì thật là “cá nhân”, có người tự biết làm cho mình hạnh phúc, có người chạy theo đồng tiền, quyền lực, danh vọng, dục tính mà không hề có hạnh phúc. Niềm tin tôn giáo như đạo Phật hay đạo Thiên Chúa… góp phần không nhỏ vào việc tạo lập quan niệm cá nhân về Hạnh phúc. Tôi vẫn thường tâm niệm mấy chữ đơn giản của nhà Phật “sinh, lão, bệnh, tử” và “tham, sân, si”, tu chùa nào cũng không bằng tu tâm dưỡng tánh.

Người Đức cũng có câu “Ein Unglück kommt selten allein” (Sự vô phúc ít khi kéo đến một mình), cái đau khổ này kéo cái đau khổ khác nối tiếp. Bởi thế, khi không (chưa) thấy vô phúc kéo đến thì phải biết nghĩ và trân trọng sự việc mình đang có Hạnh phúc!

 

--------------------

Nguồn tham khảo:

- Deutsche Post Glücksatlas 2012

- Joachim Mohr , Wie findet der Mensch sein Glück?

- Dreieck des Wohlbefindens. Tạp chí Der Spiegel, 19/2/2013.

Mathilde Tuyết Trần (Pháp)