Người cùng thời với Phạm Quỳnh nói về Phạm Quỳnh (tt)

Bảo Đại: “Pháp đặt Phạm Quỳnh bên cạnh tôi là họ được bảo đảm rồi”

Sau thời gian học ở Pháp, trở về nước ngồi trên ngôi vua bù nhìn, theo sự sắp xếp của thực dân Pháp, ngày 2/5/1933, ông Bảo Đại ra chỉ dụ cải tổ bộ máy quan lại Nam triều, thay các ông thượng thư già bằng các ông trí thức Tây học trẻ.

Ông Bảo Đại viết trong hồi ký Con rồng An Nam (Nguyễn Phước tộc xuất bản, 1990) như sau: “Cụ Charles đã ở bên tôi hơn một năm. Cụ đã nhận được chỉ thị của chính phủ Pháp để hướng dẫn tôi... Chính cụ Charles gợi ý tôi nên thay cụ Bài [Nguyễn Hữu Bài, Thượng thư Bộ Lại] bằng Phạm Quỳnh…

“Rất thành thực, ông ta [Phạm Quỳnh] trình bày lập trường của ông ta rất phù hợp với tôi. Tôi liền bổ ông ta vào chức Tổng lý Ngự tiền Văn  phòng, hàm Thượng thư”. [Sau Phạm Quỳnh leo lên chức Thượng thư Bộ Học, rồi Bộ Lại – đứng đầu các bộ].

Trong hồi ký của mình, ông Bảo Đại cũng thừa nhận mình không có quyền lực gì. Ông viết: “… Tôi đóng vai trò bình phong, làm phỗng đá, để cho các quan lại cai trị của họ [Pháp] tha hồ làm mưa làm gió. Họ cùng đặt ở các địa vị then chốt những bọn tay sai dễ bảo, bọn trung thành tuyệt đối. Họ đặt cạnh tôi Phạm Quỳnh, như vậy là họ được bảo đảm rồi”.

Về việc này, nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện viết trong sách Việt Nam – một thiên lịch sử (NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 2007) như sau: “Vua Bảo Đại sống ở Pháp được đưa về Huế để cải cách nền quân chủ. Người ta [Pháp] bố trí cho ông ta một công chức trung thành với chính quyền thực dân là ông Phạm Quỳnh giữ chức Ngự tiền Văn phòng”.


Ngô Tất Tố: Không phải đánh bốc, đánh bài Tây đấy

Thời thuộc Pháp, Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh bày trò tranh luận nhau về hai thuyết bảo hộ và trực trị để làm tiền. Nhà văn Ngô Tất Tố với bút danh Thục Điểu viết bài Không phải đánh bốc, đánh bài Tây đấy vạch trần thủ đoạn của Quỳnh-Vĩnh đăng trên báo Đông Phương số 391 ngày 26/3/1931 như sau:

“Chuyện này tuy cũ mà còn mới, cũng nên để độc giả ai chưa nghe thì nghe. Vẽ ra là tự báo Ami du Peuple(1) .
Một số báo vào khoảng cuối tháng hai Tây thì phải, báo Ami du Peuple có in cái hình hai nhà văn sĩ đánh bốc với nhau, trong cái hình này, một bên có chữ Phạm Quỳnh, một bên có chữ Nguyễn Văn Vĩnh. Lấy ý mà đoán, có lẽ cái hình ấy bạn đồng nghiệp Tây muốn mô tả việc bất bình ở giữa ông Vĩnh và ông Quỳnh.

Mà có thế thật, cứ bề ngoài mà xét, thì hai ông “nên dân” (dân biểu) này từ khi sắp bầu nghị trưởng mà đi, thường thường có sự xích mích với nhau; rồi đến khi bàn việc cải cách, mỗi ông lại giữ mỗi ý.

Bởi có bức vẽ đó mới rồi trên Thực Nghiệp Dân Báo… ông Hủ Tân bác cái ý của Ami du Peuple lấy cớ rằng, hai ông này là bạn nối khố với nhau, lẽ nào lại chống chọi nhau thế. Rồi đến ông Đồ Gàn lại phản đối cái thuyết của ông Hủ Tân, nói quyết là hai ông Quỳnh, Vĩnh có đánh bốc thật.

Đồ Gàn tiên sinh viện lẽ rằng đánh bốc không phải sự thù hằn, đánh nhau đấy nhưng xong cuộc lại bắt tay nhau, ông Quỳnh và ông Vĩnh tuy trước kia có phân rẽ nhau về hai thuyết bảo hộ và trực trị, chẳng qua để thử lòng người đó thôi, bây giờ đã thấy hai thuyết ấy gần nhau rồi. Như vậy thì mục đích của hai ông này cũng như mục đích của hai người đánh bốc. Mấy ông đoán đều sai tất cả.

Ông Hủ Tân bảo hai ông Quỳnh, Vĩnh không đánh bốc đành là không biết rõ hai ông ấy, nhưng ông Đồ Gàn bảo hai ông ấy đánh bốc thật cũng không phải! Bởi vì đánh bốc tuy không phải là sự thù hằn, không phải là sự chí định làm hại nhau nhưng cũng phải đánh thật; người thua bốc lắm khi nguy hiểm, ta chẳng thấy có người bị đấm mà nằm chết lặng cả đi đó sao?

Ông Vĩnh và ông Quỳnh là bực khôn trẻ nỏ ra khi nào lại chơi kiểu dại dột ấy. Cứ ý mình tưởng thì hai ông Vĩnh, Quỳnh hồi này cũng có đánh chác nhưng không phải đánh bốc, các ông ấy đánh bài Tây đấy!

Ai chưa biết đánh bài Tây thế nào cứ đi ra đầu Hàng Ngang hay là các nơi đình đám hội hè mà khảo cứu.

Một chị đàn bà ngồi trong làm “cái”, miệng hát tay “tráo” ba quân ít xỳ, để cho hàng xứ đến đánh, đánh trúng “bài người” thì được, đánh phải “bài hoa” thì thua. Nhưng cứ một mình chị này thì chẳng ma nào dám đánh với, vì người ta biết rằng đánh với chị ấy tất thua. Bởi vậy lại phải có một chị đàn bà khác ngồi ngoài làm “con”, cởi ruột tượng mà đánh, đánh một cách hăng hái sát phạt, thiên hạ thấy vậy ngõi mắt đánh theo, lắm người phải dốc túi với các chị. Tối đến, chị “cái” chị “con” đổ tiền làm một. Trừ vốn đi còn được bao nhiêu chia nhau.

Ấy cái lối đánh bài Tây nó thế”.


Tú Mỡ: Phong dao mới “Nam Hải dị nhân”

Ông Nguyễn Văn Vĩnh xướng lên thuyết Trực trị, ông Phạm Quỳnh xướng lên thuyết Lập hiến. Hai ông cãi nhau trên báo một dạo. Sau ông Quỳnh bỏ Hà Nội vô Kinh làm trong Bộ Giáo dục. Trên báo Phong Hóa, dưới đề mục “Dòng nước ngược”, nhà thơ Tú Mỡ đã viết bài thơ châm biếm Nam Hải dị nhân:

Nước Nam có hai người tài

Thứ nhất sừ Vĩnh, thứ hai sừ Quỳnh.

Một sừ béo núc rung rinh,

Một sừ lểu đểu như hình cò hương.

Không vốn liếng, chẳng ruộng nương,

Chỉ đem dư luận bán buôn làm giàu.

Bây giờ đang xỉa xói nhau

Người cầu Lập hiến, kẻ câu Trực quyền:

“Thưa các ngài, thực vi tiên

Muốn xem chúng đấu, quẳng tiền vào đây!”

*

Sừ Quỳnh xưa bụng còn vơi

Đăng đàn diễn thuyết những lời thiết tha

Núi Nùng, sông Nhị, tỉnh Hà

Như còn văng vẳng tiếng nhà nho Tây

Sừ Quỳnh nay bụng đã đầy,

Kể đã lâu ngày lặng tiếng im hơi.

Trí tri, Khai trí, đôi nơi

Vắng bóng con người tràng cảnh đại thanh.

*

Trong làng vận động thể thao

Có môn nhảy hố, nhảy cao, nhảy dài

Lắm anh nhảy cũng đã tài

Nhưng chẳng mấy người đáng mặt quán quân

Tỉnh Hà có một văn nhân

Người thời cà khẳng mà chân nhảy tài

Uốn mình, cất cánh, vươn vai

Nhảy một cái dài vô tới tận Kinh

Ấy nhà vận động trứ danh.


Phạm Quỳnh bị sinh viên Hà Nội tát tai

Giáo sư Đặng Thai Mai, trong hồi ký của ông (NXB Văn Học) đã viết về đám tang nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh như sau:

“Cụ Phan Châu Trinh về nước vào lúc cụ tuổi già, sức yếu, đau nặng, rồi mất. Từ Nam ra Bắc, ngày tạ thế của cụ Tây Hồ đã được đồng bào toàn quốc cảm thấy như là một ngày quốc tang, báo chí ba kỳ đăng tin, các cụ Phan Bội Châu, Ngô Đức Kế ngỏ lời thương tiếc, lễ truy điệu đã được tiến hành ở Sài Gòn, Hà Nội, Huế cũng như ở nhiều thành phố khác.

Lớp thanh niên trí thức trong khi tổ chức lễ truy điệu, cảm động suy nghĩ đến tấm gương trong sáng của một cuộc đời trung thành với Tổ quốc. Sinh viên các trường cao đẳng cũng như học sinh nhiều trường trung học đã tổ chức lễ truy điệu… Duy chỉ có Phạm Quỳnh thì vẫn cận thị.

Chủ bút Nam Phong mấy ngày hôm sau đã viết một bài trên tờ báo của người Pháp France – Indochine trong đó có câu thóa mạ bần tiện cho rằng đây chỉ là một nhóm người đang “khai thác một cái xác chết”. Vô phúc. Chiều hôm sau, hai cậu sinh viên đi qua phố Hàng Gai thì thấy Phạm Quỳnh từ nhà in Lê Văn Phúc bước ra, sắp ngồi lên chiếc xe nhà. Họ níu ngay xe lại và nói vào mặt: “Tiên sinh kính trắng”. Tác giả bài báo giục người kéo xe chạy. Một cái tát. Đôi cặp kính rơi xuống xe, nhưng tiên sinh đã nhặt lại đôi mục kỉnh, măn măn đôi gọng lắp lên đôi mắt mờ và tẩu thoát”.

Về việc Phạm Quỳnh bị thanh niên sinh viên Hà Nội khinh ghét, còn có một sự việc như sau:
Trong bài Báo Đông Tây tiến công vào báo Nam Phong, nhà báo Thép Mới dẫn lời Tế Xuyên, viết: “Hồi năm 1930 có ký giả Pháp nổi tiếng là Pierre Mille(2) ghé qua Hà Nội có phỏng vấn Phạm Quỳnh về thanh niên Việt Nam.

Phạm Quỳnh vốn có ác cảm với thanh niên mà ông coi là ngỗ ngược, Phạm Quỳnh đã từng viết ủng hộ công khai dùng vũ lực đàn áp cách mạng: “Thiểu số ngoan cố tự đặt mình ra ngoài vòng pháp luật; bạo lực không thuộc quyền chúng tôi nên chúng tôi tin cậy nhà cầm quyền [Pháp] biết sử dụng vì lợi ích chung, đàn áp thật mạnh nhưng cũng thật đúng”.

Căm ghét thanh niên nên ông Phạm Quỳnh đã trả lời Pierre Mille, chê đám thanh niên Việt Nam là những bộ óc trống rỗng, không cội rễ. Sau khi bài trả lời đăng lên báo Pháp, Hoàng Tích Chu trích đăng ngay vào báo Đông Tây, kêu gọi thanh niên bày tỏ ý kiến với lời mạt sát của chủ bút Nam Phong.

“Hoàng Tích Chu – Tế Xuyên viết tiếp – đã không tính đến khía cạnh chính trị của vấn đề. Anh đã động đến Louis Marty, người che chở cho Nam Phong. Hoàng Tích Chu chưa nhận được bài nào của độc giả gửi tới tham gia tranh luận thì đã nhận được giấy của Phủ Thống sứ đóng cửa báo Đông Tây”.

_____________

(1) Bạn dân

(2) Có tài liệu cho rằng ký giả phỏng vấn Phạm Quỳnh là Jean Dorsenne

Đặng Minh Phương