40 năm cuộc chiến đã đi qua, tôi vẫn đau đáu về một con người: “tên em là gì, quê em ở đâu?!”. Chỉ biết rằng, em là cô gái giao liên có nước da mặn mà mưa nắng; dáng vóc hao gầy cùng đôi mắt thâm quầng chắc là do nhiều đêm mất ngủ. Riêng đôi môi em vẫn nở nụ cười tươi trông như bông hoa hồng trước sớm bình minh! Em đẹp tuyệt vời giữa chiến trường đầy bom đạn!
Ôi! ngày ấy - 13/9/1972 - ngày bên bờ sông Thạch Hãn, người con gái ấy đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình để cứu sống tôi! Dòng sông này hẳn vẫn hát ru lời ai oán về một linh hồn thiếu nữ!
40 năm rồi không lúc nào hình ảnh cô gái giao liên mờ nhạt trong trái tim tôi. Viết lên những lời này tôi không cầm được nước mắt. Không dám một sự hư cấu hay bông đùa, bởi như thế là tội ác. Vết thương trên cơ thể tôi vẫn còn hiện hữu, nó là nhân chứng về một kỷ niệm bi hùng và nhắc nhở trái tim nếu gian dối sẽ mắc tội với đời!

|
Bức tranh cô giao liên do tác giả bài viết vẽ theo trí nhớ |
Trong trận quyết chiến giành giật điểm cao giữa ta và địch ở miền tây Quảng Trị năm 1972, tôi bị thương nặng. Sau khi nằm ở phẫu dã chiến của Trung đoàn, tôi được chuyển ra tuyến sau.
Hộ tống thương binh hôm đó là cô gái giao liên. Cô mang ba lô cho tôi, vì vết thương ở chân làm tôi khó khăn đi lại. Tới sông Thạch Hãn cô phải cõng tôi vượt sông giữa mênh mông sóng nước! Vừa tới bờ bên kia, bất ngờ trên bầu trời xuất hiện ba chiếc máy bay B.52 đen trũi như ba con quạ sắt khổng lồ. Tôi chưa định thần để nghĩ điều gì sẽ xảy ra thì hàng loạt tiếng nổ long trời lở đất. “Nằm xuống! B.52!” - câu nói như một mệnh lệnh phóng vào tai tôi, tôi chỉ biết ngoan ngoãn nghe lời.
Đất đá rơi rào rào, nước từ sông bắn lên như mưa. Cả một khu vực chìm trong khói lửa mịt mù. Tiếng rít của những mảnh bom như xé tan hoang không khí. Một mảnh văng vào chính bàn tay phải đang bị thương của tôi làm máu bắn ra. Như vậy bàn tay này bị thương hai lần cách nhau vừa một tuần lễ.
Cô giao liên nằm đè lên tôi, lục ba lô xé vội cuộn băng để cấp cứu. Tôi có cảm giác như một người chị ôm ấp bảo vệ một người em trong lúc gian nguy! Bỗng một tiếng rít lạnh người. Mảnh bom ác nghiệt đã trúng đầu cô gái. Máu chảy ra làm ướt đầm áo tôi. Tôi nghe rõ một tiếng “nấc” trút vào tai mình… Không thể nằm yên được nữa, tôi vùng dậy kêu thất thanh: “Cấp cứu! Cấp cứu!”.
Đồng đội đến bên em bằng tất cả tình thương yêu nhất! Nhưng em đã đi rồi! Không một lời trăng trối! Em đi để cứu sống tôi! Tôi bật khóc nức nở! Đồng đội cũng khóc theo!

|
Bên dòng sông Thạch Hãn (tháng 2/2011) |
Rời chiến trường ác liệt, ngày tháng qua đi tôi trở thành một công chức, không còn nghe thấy tiếng bom rơi, đạn lạc. Nhưng tâm hồn tôi vẫn không thể yên bình, vì nỗi nhớ thương người con gái đã cứu sống mình. Người con gái ấy đang tuổi phơi phới đôi mươi - cái tuổi đẹp nhất trong cuộc đời một con người – đã vĩnh viễn ra đi vì một tấm lòng đồng đội. Em đã hy sinh vì nhiệm vụ vinh quang của mình mà không hề tính toán. Em đã khắc vào con tim khối óc tôi một tính cách nhân sinh để sống cho nên người.
Hôm nay sống trong hòa bình, giữa vô vàn vật chất và phương tiện hiện đại. Nhưng, nơi chân trời xa, nơi em đang nằm đó vẫn sáng lên ánh hào quang của một chân lý sống làm người. Nơi ấy vẫn rực rỡ một niềm tin yêu cuộc sống. Hồn thiêng sông núi sẽ mãi mãi nhắc đến tên em! Còn tôi trên bước đường đời, mỗi khi vấp ngã, lại đem linh hồn em ra làm phương tiện cứu sinh, để tự mình biết phải làm gì và tôi đã chiến thắng!
|
Trở về trong vòng tay thân yêu của đồng đội (điểm trao trả ở bờ nam sông Thạch Hãn - Quảng Trị tháng 3/1973) |
Xin mãi mãi cảm ơn em! Nếu không có em, rất có thể tôi vĩnh viễn ngủ lại bên bờ sông đã đi vào lịch sử hào hùng của một vùng đất giáp ranh giữa hai miền đất nước bị chia cắt! Trong trái tim tôi, em vừa là đồng đội vừa là người tôi mãi mãi tri ân! Tôi vẽ hình bóng em trong trí nhớ và tôi tin đó là hình bóng em thật sự, để tôi yêu và chiêm nghiệm với đời! Đời còn ý nghĩa gì khi người ta chỉ biết sống cho mình, ích kỷ nhỏ nhoi. Nếu còn sống tôi tin em sẽ nói như vậy! Tâm hồn em đã cảm ứng sang tôi từ ngày đó.
Em ra đi giữa mùa bom đạn
Để trái tim anh đau đáu một nỗi niềm
Em tên gì, quê đâu anh chưa kịp hỏi?
Nước mắt cạn rồi cho mắt được sáng hơn
Anh vẽ hình em bên dòng sông Thạch Hãn
Một kiếp người, anh gọi mãi: sông ơi!