Người dân Anh và những tập tục truyền thống trong dịp Tết

TÔ THÙY ANH

Một vị Bác sĩ là Giám đốc bệnh viện Cardiff ở xứ Wales thuộc Anh quốc, kể cho tôi nghe một câu chuyện cảm động về lễ cưới của em trai anh với cô vợ Việt Nam. Đám cưới được tổ chức tại Việt Nam và nhà gái đã yêu cầu em trai anh phải thực hiện đầy đủ mọi lễ nghĩa truyền thống, theo phong tục dân tộc Việt. Chú rể đã mặc áo dài gấm lam, đầu đội khăn đóng cùng cô dâu thắp nhang rồi quỳ lễ bàn thờ gia tiên. Sau đó, lại quỳ lạy sống bà ngoại của cô dâu để rồi tiến hành tiếp mọi thủ tục như trao lễ vật xin cưới với đủ cau trầu, trà rượu, bánh mứt, đồ dẫn lễ, rồi sau đó mới trao nhẫn, nhận quà mừng của người thân trong gia đình và họ tộc…

Cái đặc biệt là khi em trai anh mang cuốn băng video, quay toàn bộ quá trình tổ chức lễ cưới ở Việt Nam về, để trình chiếu cùng bà con họ hàng ở Anh. Các cô chú lớn tuổi đã tỏ ra vô cùng thích thú và rưng rưng nước mắt mà nói rằng: “Ôi! Người Việt Nam thật quý hóa vì giữ được nhiều phong tục truyền thống tốt đẹp. Nước Anh chúng ta ngày xưa cũng có nhiều phong tục tốt đẹp tương tự như thế, tiếc thay ngày nay nhiều cái đã mai một mất rồi!”.

Như thế mới thấy rõ là người dân Anh rất thích giữ gìn các phong tục truyền thống. Và có lẽ vì vậy mà nhiều dân tộc khác trên hành tinh thường kết luận rằng người dân Anh là những người “bảo thủ”. Tuy nhiên, nếu bảo thủ như thế thì chẳng là đáng quý quá sao?!


Cây thông đón Giáng Sinh

Nhiều người Việt có dịp qua thăm hoặc du học ở các nước Tây Âu hoặc Bắc Mỹ, đều cảm thấy ngỡ ngàng thích thú, vì được chứng kiến những phong tục lạ của các dân tộc này trong các dịp lễ tết, nhất là trong lễ Tạ ơn ở Hoa Kỳ, trong mùa mừng đón Thiên Chúa Giáng sinh và đón chào năm mới ở các nước này. Mùa Giáng sinh hàng năm có thể nói là một dịp lễ trọng đại nhất của dân các nước đó. Và mùa Giáng sinh ở nước Anh thì thật sự càng có nhiều ấn tượng đối với người dân Việt tha hương khi vô tình được chứng kiến.


Ánh đèn rực rỡ trên đường phố

Người ta chuẩn bị chào đón mùa lễ này ngay từ những tuần lễ giữa tháng 11 hàng năm. Các thành phố, thị trấn đua nhau mở các chợ Giáng sinh để bày bán các mặt hàng truyền thống phục vụ mùa lễ hội lớn. Phố xá được chăng đèn kết hoa rực rỡ. Nhiều nơi còn xuất hiện các cây thông Noel, bên đám tuyết trắng xóa và ông già Noel cùng những chiếc xe do tuần lộc kéo. Các quầy hàng bày ra tràn ngập nào đồ trang hoàng nhà cửa, các loại đèn trang trí, các bộ đồ ngày lễ đỏ rực có viền lụa trắng, các vật trưng bày trên bàn thờ Chúa và treo trên cây thông Noel… Và còn cơ man nào là các loại quà mừng năm mới dành cho đủ mọi tầng lớp trong xã hội. Nhiều nhất phải nói là các loại bánh ngọt, các loại phô mai, chocolate và rượu mùi. Đi trong tiếng nhạc rộn ràng, hưởng không khí ấm sực nồng nàn vị ngọt của bánh kẹo và thơm sực mùi rượu mạnh, chúng ta mới cảm nhận hết được thế nào là không khí Giáng sinh ở các nước phương Tây.


Bánh Pudinh

Cũng vào dịp này, mọi gia đình đua nhau sửa sang nhà cửa, vườn tược, mua sắm đồ trang hoàng căn hộ của mình thật đẹp, thật lộng lẫy. Nhà nào cũng kết hoa chăng đèn màu, chuẩn bị những gói quà tặng các thành viên trong gia đình, đặt dưới gốc cây thông Noel không bao giờ thiếu trong mọi căn nhà. Cây thông hay cành thông này được chặt từ ngoài vườn và mang vào đặt trang trọng giữa nhà. Nó được kết đèn màu sáng rực rỡ, rồi kết dây kim tuyến, treo tượng Chúa, rồi các quả chuông, các chùm trái cây nhỏ, các bức tượng thiên sứ nhiều màu và hoa, và cả thiệp chúc mừng từ muôn phương gửi tới… Nhựa thông tươi thơm ngát tỏa ra trong căn phòng ấm áp có lò sưởi đang bập bùng lửa cháy tương phản với cảnh ngoài trời lạnh lẽo thường có tuyết trắng bay, tạo nên một không khí gia đình đoàn tụ đầm ấm, thanh khiết và thiêng liêng khó tả.

Vào đêm Giáng sinh, cả gia đình mặc những bộ đồ đẹp nhất và hân hoan đưa nhau tới nhà thờ dự lễ. Họ trở về nhà lúc trước nửa đêm để mở tiệc ăn mừng. Trước bữa tiệc thường là một lễ phát quà Noel cho mọi thành viên trong gia đình. Tất cả đều hồi hộp và sung sướng mở quà để đón nhận niềm hạnh phúc mà ông già Noel mang lại. Sau đó, người ta khui rượu và nâng ly chúc mừng nhau và vào bàn tiệc ăn uống thật vui. Tiếp đó, tiếng nhạc vang lên, mọi người cùng nhau khiêu vũ hát hò tới sáng…

Thật lạ lùng là vào đêm Giao thừa mừng năm mới, dân Anh cũng có tục “xông đất” lấy hên đầu năm như dân Việt Nam ta. Cứ đúng nửa đêm, một anh chàng đẹp trai, cao lớn (được gia đình chọn lựa từ trước và mời sắm vai người đặt chân đầu tiên – “first footer” – để xông nhà đầu năm) sẽ xuất hiện trước cửa và bước vào nhà. Anh ta mang theo một cục than, một ổ bánh mì và một chai rượu mạnh. Vào nhà, anh tiến thẳng tới lò sưởi và bỏ cục than vào, sau đó đặt ổ bánh mì lên bàn ăn rồi rót một chén rượu mời chủ nhà. Các động tác đó có ý nghĩa là lời chúc gia đình năm mới luôn tràn đầy hạnh phúc, sống đầm ấm đầy đủ và gắn bó yêu thương.

Vào giờ phút đó, cả gia đình thường đứng lặng quan sát anh ta đầy vẻ thành kính và tin tưởng. Chỉ khi anh ta cất tiếng “Happy New Year” (Chúc mừng năm mới) thì mọi người mới đồng thanh cất tiếng hòa theo. Cùng lúc đó chuông nhà thờ đổ tiếng đầu tiên ngân nga chào đón năm mới. Người chủ gia đình sẽ mở rộng cửa sau nhà để tiễn năm cũ đi, và ngay sau đó họ đóng cửa lại đặng giữ điều may mắn ở trong nhà. Khi hồi chuông cuối cùng vang lên, người này phải nhanh chóng ra mở cửa phía trước nhà để rước năm mới tới với ước mong những điều tốt đẹp sẽ tràn vào gia đình mình suốt mười hai tháng tiếp…

Ngày Tết Dương lịch, người dân Anh không tổ chức những lễ hội tập thể cho cộng đồng mà họ chỉ lo đoàn tụ trong gia đình. Tất cả các quán xá, nhà hàng, cửa hiệu đều đóng cửa. Đường sá vắng tanh. Xe cộ không thấy chạy. Nếu bạn là khách phương xa tới thăm Vương quốc Anh vào dịp này không có bạn bè hay người thân mời về nhà ăn Tết, xin hãy chuẩn bị sẵn các loại thực phẩm để không bị lúng túng vì không có tiệm ăn mở cửa và không người phục vụ ăn uống trong dịp Tết. Mọi chuyện chỉ trở lại bình thường sau những ngày nghỉ lễ theo truyền thống của dân Anh.