Người gốc Việt phải sành tiếng Việt

Cách đây vài năm tôi đi du lịch Thái Lan. Hướng dẫn viên là một thanh niên nói tiếng Việt rất sành. Tôi hỏi anh học ở đâu, học bao lâu mà thành thạo tiếng Việt vậy? Anh bảo, anh là người Thái gốc Việt. Quê anh là xứ Nghệ. Sau Xô Viết Nghệ Tĩnh một số bà con trốn khủng bố của Pháp đã sang Lào và sang Thái Lan lập làng Việt ở Đông Bắc Thái Lan hiện nay. Đến anh là đời thứ ba. Cộng đồng người Việt ở đây sống chan hòa và đùm bọc lẫn nhau. Đã có một hương ước rất nghiêm là ra ngoài dùng tiếng Thái để giao tiếp với người bản xứ, còn về nhà phải nói hoàn toàn tiếng Việt. Ai không tuân theo thì bị ghép vào tội quên tiếng mẹ đẻ, là phản quốc. Đang nói mà chêm vài tiếng Tây (Anh, Pháp) thì bị ông bà xỉ vả là loại mất gốc, đã dốt lại thích nói chữ, nhí nhố lai căng. Nhờ vậy mà từ tiếng nói, chữ viết đến phong tục tập quán đều không bị Xiêm (Thái) hóa.

Tôi hỏi anh là người Nghệ có biết nói tiếng Nghệ không? Anh đọc luôn câu thơ của Nguyễn Bùi Vợi (nhà thơ xứ Nghệ):

“Răng mi chưa sang nhởi nhà choa

Mụ o đã nhốt con ga trong truồng”

Răng mi (sao mày), nhởi (chơi), nhà choa (nhà ta), mụ o (bà cô), con ga (con gà), truồng (chuồng) là những tiếng Nghệ đặc sệt.

Tôi lấy câu thơ của Văn Thanh (cũng là nhà thơ xứ Nghệ) để khen anh:

“Dân “bầy choa” không phải dân vừa

Đói thì đói không bao giờ thiếu chữ”

Anh bảo chữ thì không thiếu, nhưng dân “bầy choa” thiếu đổi mới, ở xứ Nghệ đến nay vẫn giữ thói quen địa táng nên gia đình nào có ông bà già đều chuẩn bị hai việc gọi là rất hệ trọng: sắm hậu sự (một cỗ quan tài bằng gỗ tốt) và xí phần đất ở nghĩa trang, nên có nơi đã xảy ra tranh chấp ảnh hưởng đến tình làng nghĩa xóm. Hầu như ai cũng giữ lấy câu thơ “Bị gậy cân đai đất một hòn”.  Anh kết luận bằng một nhận xét “sống tranh nhau đất, chết cũng tranh nhau đất”.

Anh giới thiệu với tôi là mấy ngày nay đi thăm thú nhiều nơi, bác có thấy nghĩa địa nào ở Thái Lan không? Nước Thái Lan đạo Phật nên chết đều hỏa táng đem tro cốt vào thờ ở chùa. Vừa tinh khiết không tốn đất, tốn tiền nhất là không ảnh hưởng gì đến môi trường. Nếu dân “bầy choa” đều dùng hỏa táng cả thì đỡ vất vả biết bao nhiêu.

Nghe xong, tôi thấy anh hiểu biết sâu sắc, chịu khó đọc, chịu khó tìm hiểu nên tôi đã động viên: Anh yên tâm đi, dân “bầy choa” ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã chuyển sang hỏa táng khá nhiều rồi.

Nguyễn Đình Nhiên