Người góp sức “khai mạc sớm” Festival Huế 2010 tại… Thụy Sĩ

Tôi gặp lại anh Trương Đình Ngộ (TĐN) trên nền móng khu Nhà hát Bến Xuân đang xây dựng bên sông Hương, quãng giữa chùa Thiên Mụ và Văn Thánh Huế vào một chiều tháng 4 nắng dịu.

Anh TĐN nói, giọng rất vui:

- Tôi vừa được tin Thị trưởng Wallisellen (Thụy sĩ) đã quyết định tài trợ để tổ chức Avant-Première Huế Festival 2010 vào ngày 22/5, có 400 khách mời, trong đó có nhiều quan chức đại diện ngoại giao, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, Thụy Sĩ và Đài Truyền hình thành phố Wallisellen …

Diễn giải cho rõ hơn thì đây là buổi “khai mạc sớm” Festival Huế 2010 tại Thụy Sĩ nhằm công bố chương trình và tiễn đoàn nghệ sĩ Thụy Sĩ về Huế tham dự Festival, trong đó có tiết mục “rất Huế”: Những thi phẩm đặc sắc của Hàn Mặc Tử (HMT) được nhạc sĩ tài ba Walther Giger (WG) phổ nhạc và do Camille Huyền (CH) - một cựu nữ sinh Đồng Khánh trình diễn. Ông TĐN còn nói thêm một cách thích thú: “Đây cũng là dịp chúng tôi kỷ niệm 70 năm ngày mất của thi sĩ HMT”.

Kể cũng là một sự lạ, khi Festival Huế lại được “khai mạc sớm” từ trời Tây xa xôi và nhất là với tiết mục thơ-nhạc HMT. Không phải là chuyện ngẫu hứng. Các nghệ sĩ tên tuổi ở Phương Tây thường phải chuẩn bị 1-2 năm cho một chương trình nghệ thuật.

Chính vì thế mà từ 2 năm trước, vào lúc dòng người đang dồn đến Quảng Trường Ngọ Môn dự lễ bế mạc Festival Huế 2008, thì tại khách sạn 5 Lê Lợi (Huế), ông TĐN đã tổ chức một cuộc gặp gỡ nghe ngâm thơ HMT và tìm hiểu những nét đặc sắc của HMT, chủ yếu để giúp nhạc sĩ WG bước đầu làm quen với thơ HMT và hiểu thêm phong vị Huế - nơi thi sĩ HMT đã một thời gắn bó…

Gần 2 năm đã qua từ ngày đó và những ý định sơ khai về đêm “Thơ-nhạc HMT” hình thành ngày bế mạc Festival Huế 2008 nay đã thành một chương trình biểu diễn hoàn chỉnh tại đêm “khai mạc sớm” Festival Huế 2010 tại Thụy Sĩ. Đây cũng là món quà giao lưu văn hoá chào mừng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, theo lời mời của Tổng thống CHLB Thụy Sĩ Doris Leuthard sang thăm đất nước Thụy Sĩ mùa Xuân này.


Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (đứng giữa), ông Trương Đình Ngộ
và vợ - ca sĩ Camille Huyền (bên trái) và Đại sứ Việt Nam
tại Thụy Sĩ Hoàng Văn Nhã. (Ngày 17/5 tại Thụy Sĩ).

Một sự lạ và thú vị nữa khi người khởi xướng sớm công việc này - ông TĐN, lại là một Việt kiều ở Thụy Sĩ; và công việc của ông không dính dáng gì đến văn học nghệ thuật. Vậy mà trong dịp Festival Huế 2008, nhiều người dân Huế đã biết ông là MC (người dẫn chương trình) trong các đêm diễn của ban Tam tấu Zurich và ca sĩ CH tại Duyệt Thị Đường và là người “phiên dịch” khi các nghệ sĩ đến từ Thụy Sĩ “tranh thủ” những ngày nghỉ giữa các buổi diễn, sang Học viện Âm nhạc Huế hướng dẫn cho các lớp nhạc cổ điển. Tất cả những kế hoạch này đều do ông đề xướng.

Có lần, TĐN nói với tôi là ông quá “mê” nhạc sĩ Cung Tiến với những Hoài cảm, Nguyệt cầm, Hương xưa, rồi Đôi bờ (phổ thơ của Quang Dũng): “Thương nhớ ơ hờ... thương nhớ ai / Sông xa từng lớp lớp mưa dài... Xa lắc rồi em người mỗi ngả / Bên này đất nước nhớ thương nhau / Em đi áo mỏng buông hờn tủi / Là hết, là hết, thôi rồi chuyện trước sau...”.

Hai năm trước, nhờ “công trình’’ của TĐN tôi mới có dịp thưởng thức những giai điệu có sức mê hoặc lòng người của Cung Tiến: “Người ơi, một chiều nắng tơ vàng hiền hoà hồn có mơ xa? / Người ơi, đường xa lắm con đường về làng dìu mấy thuyền đò / Còn đó tiếng tre êm ru / Còn đó bóng đa hẹn hò...” (Hương xưa)...

TĐN quê Quảng Trị, du học tại Đức từ hơn ba chục năm trước, nên duyên với CH bên trời Tây và “bị’’ cô “kéo” về Huế thực hiện những “dự án” không hề sinh lợi, chỉ hao tổn nguồn vốn của nhà đầu tư, trong đó hai chương trình tham dự Festival Huế có lẽ mới chỉ chiếm phần nhỏ.

Dự án TĐN bỏ nhiều công phu và tiền bạc nhất chính là nhà hát Bến Xuân mà anh theo đuổi đã gần chục năm. Nói cho đầy đủ thì phải có tình yêu với Huế, với Việt Nam sâu sắc, TĐN mới chịu khó kỳ công như thế. Tình yêu của anh đối với đất nước đã nhiều lần thể hiện ngay trên đất Thụy Sĩ. Anh là “khách” quen của nhiều đoàn đại biểu Việt Nam khi qua Thụy Sĩ và đã đóng góp cho nhiều hoạt động của kiều bào ở đây. Và bây giờ, anh muốn góp phần làm đẹp cho Huế, bên bờ sông Hương này.

Thoạt đầu, khi về thăm Huế, anh để ý khách du lịch khi thăm các di tích bên bờ bắc sông Hương, thường chỉ đến chùa Thiên Mụ là quay lui. Ít người biết, chỉ cần đi thêm vài trăm mét là đến Văn Thánh - nơi hiện còn lưu giữ 32 tấm bia ghi danh các tiến sĩ triều Nguyễn. Di tích văn hoá quan trọng này ít được biết đến, phần vì Văn Thánh (còn gọi là Văn Miếu) đã bị tàn phá hầu hết trong chiến tranh, phần nữa do hai bên quãng đường Thiên Mụ - Văn Thánh, ngoài những mảnh vườn xơ xác bao quanh các ngôi nhà tạm, không hề có một thứ gì thu hút du khách.

Thế là anh nhờ gia đình CH mua mấy ngàn mét đất, ý tưởng ban đầu mới chỉ là mong làm “sống” một vùng đất gần như bị bỏ quên. Thế là những năm qua, mỗi năm một hai lần, trên khu đất gần như hoang vắng quãng dưới Văn Miếu năm chục mét thường có cuộc gặp gỡ đông vui giới văn nhân trí thức tên tuổi của Huế. Lúc đó, Bến Xuân mới chỉ có một căn nhà tạm, một con đường lát gạch Bát Tràng đi ra lầu Nghinh Phong - lầu vừa dựng mà trông cổ kính hơn cả Thương Bạc (Huế).

TĐN muốn công trình nhà hát Bến Xuân hoàn thành trước Festival Huế 2010, để có thể trình diễn ở đây những chương trình âm nhạc trong một không gian hoàn toàn yên tĩnh, tránh tình trạng âm thanh các sân khấu chồng chéo lên nhau do bố trí gần nhau trong khu vực Đại Nội Huế như các kỳ Festival trước, nhưng khi trình đồ án lên cấp có thẩm quyền thì bị “vấp” do mảnh đất dự định xây Bến Xuân có một rẻo khoảng 3 mét nằm ở phía trước Võ Miếu.


Ca sĩ Camille Huyền và nhạc sĩ tài ba Walther Giger trong đêm
thơ - nhạc Hàn Mặc Tử “Festival Huế” tại Thụy Sĩ.

Cho dù, mảnh đất có “sổ đỏ” hẳn hoi và Võ Miếu nay hoang tàn hầu như không còn vết tích; rẻo đất vướng khu vực khoanh vùng thì nằm bên kia đường, cách xa Võ Miếu hàng trăm mét, nhưng thế là kẹt Luật Di sản văn hoá, phải tường trình đủ điều và chờ cấp trên chấp thuận. Khi công trình đành tạm dừng, tôi hỏi riêng TĐN:

- Dự án vừa khởi động đã “vấp” như thế, anh không ngán à?

- Theo mình, lịch sử là một dòng chảy văn hoá, nó có sự kế thừa, tiếp nối. Di tích lịch sử đâu nhất thiết đứng biệt lập. Có thể dẫn nhiều ví dụ trên thế giới. Như ở thành phố Verona, Trường Giác Đấu La Mã xưa kia nay là nơi hội diễn ngoài trời (amphitheatre), bên cạnh là những con đường và phố xá bao quanh. Trên bờ sông Hương nơi này - từ Thiên Mụ đến Văn Thánh - có thể gọi là đoạn đường đậm chất văn hoá - tâm linh. Cần tạo một không gian văn hoá, một nếp sống văn hoá quanh di tích.

- Nhưng một chuyên gia hàng đầu về tài chính - chứng khoán như anh, về Huế sợ rồi không có đất dụng võ…

- Bây giờ thì mình còn quá bận, ngoài công việc ở ngân hàng còn phải dạy các lớp về chứng khoán tổng hợp ở Zurich và Singapore. Vừa rồi, có một Công ty chứng khoán ở Việt Nam có nhã ý mời mình, nhưng tiếc là không có thì giờ. Nhưng khi nghỉ hưu, mình có thể mở những lớp dạy về chứng khoán ở Việt Nam và ngay ở Huế…

***

Đó là chuyện mấy năm trước. Những điều tôi nói sắp trở thành sự thật. Huế đã “trải chiếu hoa” tặng hai biệt thự sang trọng cho hai nghệ sĩ tài danh là Điềm Phùng Thị và Lê Bá Đảng làm nơi trưng bày tác phẩm của mình, nên Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, căn cứ vào ý kiến của các cơ quan chức năng, đã ra văn bản trình lên Bộ Văn hoá đồng ý với việc xây dựng Bến Xuân, tạo thêm một địa chỉ văn hoá bên bờ sông Hương. Anh TĐN cũng đã được phép lập một Công ty về tin tức chứng khoán phái sinh tại Huế và đã thực hiện chương trình giúp Công ty Công nghệ thông tin Huế (HueSoft) đào tạo một số chuyên gia về ngành này.

Khi tôi viết những dòng này thì trên nền móng nhà hát Bến Xuân, những cột gỗ kiểu “nhà rường” cổ kính đã được dựng lên và tại Thụy Sĩ; CH và nhạc sĩ WG, đang tập dượt lần cuối cho đêm nhạc cổ điển - đương đại Moon Art Songs (trong đó có 10 bài phổ thơ HMT) trình diễn tại nhà hát thành phố Wallisellen (Thụy Sĩ).

*

Không bao lâu nữa, trên những sân khấu Festival Huế và cả ở một số tỉnh thành khác nữa, chúng ta sẽ được thưởng thức những thi phẩm của HMT - phần lớn lấy chủ đề mặt trăng như: Sáng trăng, Say trăng, Rượt trăng, Trường Tương tư, Những giọt lệ, Đêm không ngủ, Anh điên - em điên, Đà Lạt trăng mờ, Đây thôn Vỹ Dạ… được “sống” trong tiết tấu, hòa âm mà nhạc sĩ WG và ca sĩ CH đã khổ công tìm tòi, sáng tạo trong hai năm qua…

Còn nhà hát Bến Xuân vì những trở ngại “thủ tục”, chưa kịp đưa vào sử dụng trong kỳ Festival Huế 2010 này, nhưng vợ chồng TĐN và CH gắn bó với Huế sâu nặng lắm, như một cây đã cắm rễ sâu vào lòng đất, tất sẽ đến ngày đơm hoa kết trái. Tôi tin là không phải chờ đến Festival Huế 2012, nhà hát Bến Xuân sẽ sớm khai trương, tạo thêm một địa chỉ văn hoá trên đoạn đường Thiên Mụ - Văn Thánh Huế.

NGUYỄN KHẮC PHÊ