Người Hà Nội

Nhà văn HÀ ĐÌNH CẨN

Tôi người quê, do việc làm mà ra Hà Nội ngụ cư, rồi cũng có hộ khẩu, có nhà, con học hành ở phố đã được mấy chục năm. Cũng com-lê, cà-vạt, cũng xe máy honda, đi lẫn giữa nườm nượp người trên phố, bề ngoài thì giống nhau, nhưng cách ăn, cách ở của tôi xem ra vẫn là anh nhà quê, chứ chưa thành người Hà Nội xưa, mà các cụ đã không lầm: Không thơm cũng thể hoa nhài...

Người Hà Nội xưa, bản gốc của văn hóa Tràng An chỉ còn lại chừng 3% dân số Thủ đô, của hiếm, cho nên có lúc tôi đã nghĩ, có khi Nhà nước phải có dự án bảo tồn Người Hà Nội, kiểu bảo tồn người Dục, người Hó còn ít ỏi trong rừng để giữ gìn sự đa dạng văn hóa nước nhà.

Do người gốc Hà Nội hiếm, nên mấy chục năm sống ở Thủ đô mà tôi chỉ quen được có hai người. Một là thầy giáo Quang, dạy cấp một trường Nguyễn Du, thuộc quận Hoàn Kiếm, giờ đã là cụ giáo về hưu. Người nữa là nhà báo Trần Đồng Diện, hiện đang làm việc ở Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.

 

Thầy Quang nhà ở đầu phố Hàng Đào, có mặt tiền đủ bày cái tủ kính con con để chị ruột tên là Len, bày bán vài thứ hàng tơ lụa.

Hồi kháng chiến chín năm, cả nhà vẫn trụ lại nội đô, chỉ riêng chị Len vì có người yêu làm vệ quốc đi chiến khu, nên theo hàng phố ra ở ngoài vùng tự do mạn thượng du để mong được gần người yêu.

Chị Len chờ anh cả cuộc kháng chiến, nhưng đến ngày hòa bình thì nhận tin người yêu hi sinh ở Tây Bắc. Chị trở về Hà Nội, lập bàn thờ cho người yêu, ở vậy nuôi bố mẹ và em, mong bù đắp những ngày chị đi xa, chểnh mảng việc chăm lo.

Chị bán hàng cũng chỉ kiếm đồng ra đồng vào, lo toan bữa cơn thanh đạm cho gia đình, chứ không có chí làm giàu. Chị Len kĩ tính, đạm bạc nhưng phải là sự đạm bạc tinh tế.

Sống giữa thủ đô, mà mấy chục năm thầy Quang, em chị Len vẫn chiếc xe đạp máy 102 cũ của Pháp, áo lụa màu tép luộc, quần ka ki xanh sĩ lâm, tóc cắt cao, gọn gàng.

Bao nhiêu tài hoa thầy giấu trong căn phòng nhỏ trên lầu một với tủ sách, giá vẽ, cây đàn ghi-ta gỗ. Ngoài dạy dọc thầy bó mình trong căn phòng nhỏ này, vẽ một em bé, một ông già khâu giày đầu phố, một bác xích lô ngồi đọc báo, và tĩnh vật hoa ly cùng chuối ngự.

 

Thầy ít lời, giản dị, không đua đòi, không lớn tiếng ồn ào, nhẹ nhàng và thân ái, thú chơi rất kỹ càng, thanh lịch. Tài hoa của thầy, chỉ thầy biết, hiếm khi nói với người khác.

Anh Trần Đồng Diện cũng một tâm tính như thầy Quang. Biết vài ngoại ngữ, nhưng giấu vào công việc.

Ở cơ quan Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, anh lặng lẽ đi làm đúng giờ, căm cụi với việc, xong việc thì lặng lẽ ra về, không la cà vào các cuộc trà dư tửu hậu, không nổi bật trong đám đông, không đua đòi mua sắm, không tâng bốc và đặt điều cho người khác, sống giản dị trung thực, hòa thuận chăm lo mọi người.

Cả chục năm sống cùng cơ quan chưa một lần anh lên tiếng tranh giành với ai đó dù chỉ chút quyền lợi nhỏ. Chỉ thấy anh cười, ăn nói nhỏ nhẹ với mọi người.

Ấy là những người Hà Nội gốc, đã làm nên văn hóa Tràng An bất hủ.

Văn hóa Hà Nội ngày này đã khác ngày xưa rồi, bởi 97% người Thủ đô là dân ngụ cư như tôi đến từ các địa phương trên toàn quốc. Vì thế, chuẩn bị cho kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội mà mấy nhà Hà Nội học chỉ chú tâm vào văn hóa Tràng An thôi thì khác nào nhìn chân voi mà mà đoán voi.

Từ các dòng người nhập cư, Hà Nội hôm nay đã hình thành một văn hóa khác, nhiều sắc màu hơn, rậm rạp hơn, vừa tinh tế lại vừa thô mộc và xù xì thôn quê, gần với đời sống.

Đó là văn hóa Thủ đô, văn hóa người Hà Nội hôm nay, có "gien" của văn hóa toàn quốc