Bốn mươi năm qua, từ khi ra đời, vở kịch Người đi dép cao su đã đến với nhiều thế hệ khán giả và độc giả ở nước ngoài. Rất tiếc, tác phẩm chưa được dịch ra tiếng Việt, chưa được diễn ở Việt Nam; những đóng góp hiện đại hóa nghệ thuật sân khấu của Kateb Yacine chưa được các nhà nghiên cứu ở nước ta quan tâm.
Hồn Việt giới thiệu bạn đọc vở kịch này qua vài đoạn trích trong một công trình nghiên cứu công phu của GS Phùng Văn Tửu.
Vào thời gian vở Người đi dép cao su ra đời bốn thập kỷ trước đây, khán giả khối Pháp ngữ trên thế giới nhiều người cũng đã biết đến đôi dép cao su giản dị gắn với tên tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khi bước vào rạp, có thể người ta chờ đợi sẽ trải ra trước mắt một vở diễn đậm màu sắc lịch sử, đậm màu sắc chính trị. Kể cả ngày nay, những ai chưa có dịp đọc hoặc xem diễn vở kịch chắc cũng nghĩ như thế.
Khi ở rạp bước ra hoặc đọc xong kịch bản, ai nấy mới cảm nhận rõ Người đi dép cao su có vấn đề lịch sử nhưng không phải là một vở kịch lịch sử; có vấn đề chính trị, nhưng không phải là một vở kịch chính luận. Trước hết, đây là một tác phẩm nghệ thuật, trong đó hư cấu và sáng tạo có vai trò quan trọng và phải được cân nhắc kỹ lưỡng trong mối quan hệ với cái hiện thực.
Thế giới nhân vật trong vở kịch khá đông đảo. Khoảng 150 nhân vật có lời thoại; hai phần ba trong số đó có tên. Số còn lại được xác định bằng danh phận hoặc nghề nghiệp: Sĩ quan, Anh lính, Cảnh binh, Thợ cắt tóc, Bà xơ, Người bán báo, Nhà truyền giáo, Nhà điêu khắc, Cô gái, Ông già, Nông dân, Đứa trẻ, Học sinh, Cô thư ký,… Tất cả là những nhân vật văn học, hành động, nói năng trong không khí kịch vừa thực vừa hư, đầy chất thơ, kể cả nhuốm màu huyền thoại. Không phải ngẫu nhiên Yacine đưa vào kịch cả Đội đồng ca (Chœur), và Đội trưởng đội đồng ca (Coryphée) của hình thức kịch Hy Lạp cổ đại.
Nhiều tác gia kịch hiện đại như B. Brecht cũng đã làm sống lại Đội đồng ca và Đội trưởng Đội đồng ca trong kịch của mình. Nhưng ở Người đi dép cao su, không chỉ có một Đội đồng ca trong suốt vở kịch, mà có nhiều Đội đồng ca khác nhau. Có Đội đồng ca nông dân đeo cung tên theo Hai Bà Trưng; có Đội đồng ca mang súng ống ra cùng với Mao; có Đội đồng ca gồm các chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ…
Ta hình dung khi ra sân khấu, Đội đồng ca có thể đứng thành hàng ở phía trong cùng hoặc ngồi về một bên sân khấu. Thậm chí ta có thể hình dung Đội đồng ca hòa lẫn và làm nền cho các nhân vật hoạt động, khiến trên sân khấu không chỉ có nhân vật mà còn có “nhân dân” như trong cuộc đời, một dấu nối sân khấu với điện ảnh, hay nói khác đi là sự đổi mới của sân khấu chịu ảnh hưởng của điện ảnh.
Và cũng không phải ngẫu nhiên tác giả sử dụng thể loại kịch thơ mà không phải thơ: lời thoại của các nhân vật thực chất là văn xuôi, nhưng lại được ngắt ra thành những dòng thơ - văn xuôi tự do, không vần. Lẻ tẻ vài trường hợp lời thoại giữ nguyên hình thức những hàng văn xuôi.

Rời lều cỏ, Bác tiếp tục hành quân - năm 1985 -
sơn dầu - Nguyễn Trọng Kiệm.
Các nhân vật có tên hầu hết là những con người của lịch sử, trải khắp từ đông sang tây, từ cổ đại tới hiện đại. Nhiều người được ghi đúng đầy đủ cả họ và tên: Trưng Trắc, Trưng Nhị, Ma Yuan (Mã Viện), Triệu Thị Trinh (Bà Triệu), Lou Han (Lư Hán), Henri Martin (2), Tchang Kai Chek (Tưởng Giới Thạch), Marie Antoinette (3)…; một số khác được ghi theo tên gọi hoặc danh hiệu quen thuộc: Louis XIV, Louis XVI, Quang Trung, Engels, Staline, Mao, Tướng Giáp, Nikita (Khơrusôp)…
Với số lượng nhân vật đông đảo và đa dạng như vậy, cũng dễ hiểu khi lật trang đầu kịch bản Người đi dép cao su, ta không thấy có bảng danh mục “Nhân vật” như ở các vở kịch thông thường.
*
Người Việt Nam nghĩ ngay đến Bác Hồ khi thấy nhan đề vở kịch là “Người đi dép cao su”. Khán giả ở Pháp, ở Angiêri và các nước thuộc khối Pháp ngữ, nhất là vào những năm 70 của thế kỷ trước, có lẽ số đông không nhận ra ngay điều ấy, mặc dù đã từng biết đến danh tiếng Hồ Chí Minh. Nhưng chắc chắn ai cũng chờ đợi “Người đi dép cao su” là nhân vật trung tâm, nhân vật ấy sẽ được khắc họa đậm nét bằng vị trí xuất hiện, tần số xuất hiện trải dài khắp các Hồi từ đầu đến cuối vở kịch, cũng như bằng hình tượng, bằng hành động và ngôn ngữ hội thoại của nhân vật ấy.
Thực tế diễn ra trong kịch khác với sự tiên đoán của mọi người. Chưa thấy ai là người đi dép cao su xuất hiện lúc mở màn ở cả tám Hồi của vở kịch. Mà nhân vật này cũng xuất hiện rất ít.
Trong Hồi II, khán giả lần đầu tiên nghe vang lên trên sân khấu những từ “cao su”, “dép”, nhưng không để chỉ “Người đi dép cao su”, mà lại là từ nhân vật Bác Hồ thốt ra trong một đoạn đối thoại giữa nhân vật Tướng Alexandre và nhân vật Bác Hồ trong khung cảnh những năm kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta sau Cách mạng Tháng Tám:
BÁC HỒ:
Voi sẽ chết / Nó sẽ chết vì kiệt sức / Và vì mất máu.
TƯỚNG ALEXANDRE (mệt mỏi ngồi bên một chiếc lốp ô tô cũ nát):
Trong xứ sở cao su này / Quân lính của tôi nổ bục chết toi / Như những chiếc săm lốp / Và cả tôi đây nữa / Tôi nổ bục mất rồi. (Tướng Alexandre đi vào. Bác Hồ cắt gọt săm ô tô thành chiếc đế dép)
BÁC HỒ:
Trong xứ sở cao su này / Con người và cây cối / Đều dẻo dai như hùm beo / Chiếc săm hỏng vẫn có thể làm thành / Những đôi dép cho du kích ở chiến khu.
(II, 218-220)
Đến Hồi III, nhân vật Bác Hồ xuất hiện càng ít hơn, thậm chí chỉ một lần với một lời thoại chỉ có mấy từ thách thức nhân vật Tướng Napalm đã dẫn trên kia: “Đến đây, cứ đến đây, mụ ơi !” (III, 158). Nhân vật ứng với “Người đi dép cao su” không xuất hiện lần nào ở cả ba Hồi tiếp theo IV (65 lời thoại), V (102 lời thoại) và VI (150 lời thoại).
Nhân vật Bác Hồ xuất hiện trở lại ở Hồi VII, nhưng cũng chỉ loáng thoáng với 9 lời thoại trên tổng số 346.
Đến Hồi VII này, và mãi tới đây, khán giả mới thấy đôi dép cao su gắn với nhân vật Bác Hồ. Anh Trỗi ra pháp trường, bị xử bắn, hô “Hồ Chí Minh muôn năm!” (VII, 36). Ngay sau đó, Bác Hồ xuất hiện với lời chỉ dẫn in nghiêng trong kịch bản: “Anh ngã xuống. Tất cả vào. Bác Hồ ra, tay dắt xe đạp, và chân đi dép cao su”. Chắc chắn lúc này đạo diễn sẽ cho rọi ánh sáng vào nhân vật Bác Hồ, và nhất là vào đôi dép cao su nhân vật đang đi.
BÁC HỒ:
Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua.
(VII, 37)
Trong Hồi cuối cùng của Người đi dép cao su, nhân vật Bác Hồ không xuất hiện. Kịch đưa khán giả đến với cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân (1968). Vở kịch khép lại với cảnh Cô thư ký thắp một cây nến mang tới đặt lên bàn làm việc của Tổng thống Niquesonne (Nixon) ở Nhà Trắng. Lúc này Bác Hồ vừa qua đời (1969).
*
Như vậy, nhân vật Nguyễn Ái Quốc - Bác Hồ chỉ xuất hiện ở 4 trên 8 Hồi của vở kịch, không kể lần xuất hiện “phi thực” mang tính biểu tượng ở cuối tác phẩm; nhân vật ấy chỉ có 44 lời thoại trên tổng số 1.800 lời thoại của cả vở kịch. Thật là một nghịch lý, một sáng tạo độc đáo có lẽ chưa bao giờ gặp trong lịch sử sân khấu ở mọi nơi, mọi thời đại, một nhân vật xuất hiện ít như thế mà vẫn cứ là nhân vật trung tâm của tác phẩm.
Cái khó xử lý hơn cả là ngôn từ của các nhân vật có thật, được ghi bằng tên thật trong kịch, nhất là các nhân vật đã đi vào lịch sử. Chẳng thể không hư cấu vì đây là tác phẩm văn nghệ có liên quan đến lịch sử, chứ không phải cuốn sách nghiên cứu về lịch sử. Yacine cố gắng lựa chọn những ngôn từ, những hình ảnh chính xác do lịch sử cung cấp trong điều kiện có thể.

Yacine được trao Đại Giải thưởng Văn chương Quốc gia Pháp năm 1987.
Năm 2003, các tác phẩm của Yacine được ghi vào danh mục những vở diễn
hàng đầu của nhà hát nổi tiếng La Comédie Francaise ở Paris.
Khán giả hiểu rằng Bác Hồ chính là linh hồn cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân Miền Nam Việt Nam.
Đến đây, như ta biết, nhân vật Bác Hồ mới lại xuất hiện, vẫn là con người bình dị của đời thường, và Yacine vẫn dùng biện pháp nghệ thuật lắp ghép quen thuộc:
BÁC HỒ:
Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
[Phóng viên ra]
PHÓNG VIÊN:
Ngài là thi sĩ?
BÁC HỒ:
Một thói quen cũ để tiêu thời gian trong xà lim.
PHÓNG VIÊN:
Ngài đã bị mất tự do lâu dài?
BÁC HỒ:
Ở trong tù thời gian bao giờ cũng thấy dài lâu. (VII, 37-41)
Qua những lời đối thoại trên, thấp thoáng thơ chúc Tết của Bác Hồ dịp Tết Mậu Thân (1968) và bài mở đầu tập Nhật ký trong tù (4). Sau đó, cuộc trò chuyện giữa Bác Hồ và Phóng viên chuyển sang những chuyện sinh hoạt hàng ngày. Rồi kết thúc là lời của Đội đồng ca:
ĐỘI ĐỒNG CA:
Bác Hồ sống như chúng ta / Người quét sân của Người / Tưới vườn rau của Người / Ăn bát cơm của Người.
ĐỘI TRƯỞNG:
Với cùng suất ăn như chúng ta.
ĐỘI ĐỒNG CA:
Nhưng Người làm việc hơn chúng ta / Chúng ta thấy ánh đèn / Nơi cửa sổ của Người đến tận nửa đêm. (VII, 58-60)
Một nhân vật bình dị, đời thường, nhưng lại lớn lao. Kết thúc vở kịch là một cảnh đối lập độc đáo, sự đối lập giữa Tổng thống Niquesonne (Nixon) đang sống trong phòng làm việc ở Nhà Trắng và Bác Hồ vừa qua đời. Thấy Cô thư ký thắp cây nến mang vào đặt trên bàn giấy:
NIQUESONNE:
Tại sao lại cây nến này trên bàn giấy của ta?
CÔ THƯ KÝ:
Với chúng tôi, ngài đã chết rồi / Thưa ngài Tổng thống,
ĐỘI ĐỒNG CA (gồm dân Mỹ biểu tình):
Ngài là một thây ma
ĐỘI TRƯỞNG:
Một thây ma chính trị.
[…]
ĐỘI ĐỒNG CA:
Chúng tôi bốn mươi ngàn lính Mỹ / Chết trong cuộc chiến tranh này / Chúng tôi đến để chôn ngài / Trong Nhà Trắng của ngài.
NIQUESONNE:
Ô hay, các ngươi lầm rồi / Đấy là Hồ Chí Minh / Đối thủ của ta / Ông ấy vừa qua đời đấy chứ!
[Chuyển cảnh. Ánh sáng rọi vào tấm bia mộ. Bác Hồ hiện lên. Đội đồng ca Việt Nam ra sân khấu]
ĐỘI ĐỒNG CA:
Người đi trong giấc mơ của chúng ta.
ĐỘI TRƯỞNG:
Người đi dép cao su.
ĐỘI ĐỒNG CA:
Người của tối tăm và nghèo khổ
ĐỘI TRƯỞNG:
Người ngủ không nhiều.
ĐỘI ĐỒNG CA:
Người đi trong những giấc mơ của chúng ta.
ĐỘI TRƯỞNG:
Người quét nhà và nhà chiến lược.
ĐỘI ĐỒNG CA:
Người cùng khổ có vầng trán cao cao.
ĐỘI TRƯỞNG:
Người mà ai cũng gọi là Bác Hồ.
ĐỒNG CA:
Hồ Chí Minh, người soi sáng.
ĐỘI TRƯỞNG:
Người mà cả dân tộc nhắc tên.
ĐỒNG CA:
Người ngủ không nhiều
ĐỘI TRƯỞNG:
Người đi trong những giấc mơ của chúng ta
ĐỘI ĐỒNG CA:
Người đi dép cao su. (VIII, 182-200)
Khán giả cảm nhận rõ hình tượng con người bình dị đời thường nhưng lại vô cùng lớn lao ấy khi vở kịch hạ màn.
Viết tại Doha (Qatar)
tháng 4/2010
(1) | Kateb Yacine: L’homme aux sandales de caoutchouc, Editions du Seuil, Paris, 1970. Các trích dẫn trong bài đều căn cứ theo sách này. |
(2) | Một chiến sĩ cộng sản Pháp tích cực ủng hộ Việt Nam. |
(3) | Hoàng hậu Pháp, vợ vua Louis XVI. |
(4) | “Ngâm thơ ta vốn không ham / Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây / Ngày dài ngâm ngợi cho khuây / Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do”. |